Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Đào Tiến Thi: THƯƠNG NHỚ ANH, CHÚNG TÔI VẪN BƯỚC TIẾP CON ĐƯỜNG ANH ĐI

Vĩnh biệt Nhà yêu nước Nguyễn Anh Dũng

Đào Tiến Thi

Tôi quen biết anh Nguyễn Anh Dũng từ những cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược. Từ cuộc biểu tình nào thì tôi không nhớ, nhưng hình như cuộc nào mà tôi đi, tôi cũng gặp anh. Có hai cuộc tôi không đi nhưng đi đón người bị bắt ở trại Lộc Hà thì cũng đều gặp anh trong số người bị bắt. Mà cả hai cuộc này đều đáng ghi nhớ. Cuộc 5-8-2012 anh bị bắt cùng con trai tôi. Hôm đó diễn ra một cuộc đàn áp khốc liệt. Con trai tôi thương mãi bác Dũng bị an ninh chìm nổi “mời” lên xe thế nào mà bị một vết thương ở cổ đến chảy máu và cháu đã rút khăn mùi soa ra lau cho bác. Bị bắt hôm đó có anh Ngoan – Việt Kiều ở Thuỵ Sỹ về, là người bị giữ mãi đến chiều tối và anh em “tù Lộc Hà” quyết ở lại đấu tranh cho đến khi anh Ngoan được thả. Cuộc thứ hai, ngày 2-6-2013, là một ngày hè rực lửa, cả lửa trời lẫn lửa đất. Chiều tối rồi, tất cả mọi người đã được thả, riêng anh Trương Văn Dũng vẫn “biệt vô âm tín”. Chúng tôi – cả người vừa được thả lẫn người đi đón vô cùng bức xúc – đã đấu tranh quyết liệt. Căng thẳng lại thêm căng thẳng khi Chí Đức bị bắt trở lại, bị lôi đi sền sệt giữa bãi đá dăm nhọn sắc vệ đường. Rồi đến lượt Nguyễn Văn Phương bị bóp cổ lôi lên xe bịt bùng. Chúng tôi vội vàng nằm chặn đầu xe, nếu không Phương sẽ bị chở đi biệt tích không biết đâu mà tìm. Lợi dụng lúc mọi người tập trung vào Đức và Phương, chúng ném anh Trương Văn Dũng ra cổng với cái đầu bị thủng lỗ và be bét máu. Thế là tất cả nằm ra đường chặn xe để gây áp lực, bắt những kẻ giam cầm và đánh anh Trương Văn Dũng phải đưa anh đi bệnh viện. Hôm đó, chúng tôi, trong đó có anh Nguyễn Anh Dũng, sẵn sàng làm một Thiên An Môn tại cổng trại Lộc Hà.

Về nhà xem mạng thì thấy trong cuộc biểu tình hôm ấy có rất nhiều hình ảnh anh Nguyễn Anh Dũng với tấm khẩu hiệu bị xé rách te tua nhưng vẫn còn đủ hai dòng chữ “Nước mất thì nhà tan” và “Tàu Khựa cút đi” được anh giơ cao.

Nguyễn Anh Dũng giơ cao khẩu hiệu rách te tua

Tôi chưa có lúc nào được chuyện trò lâu với anh. Có lần anh giới thiệu với tôi trang blog Nhân quyền và công lý của anh nhưng tôi cũng chưa lần nào vào đọc, vì có nhiều trang nổi tiếng hơn đã chiếm hết thì giờ của tôi rồi. Tôi chỉ đọc được đôi bài của anh khi trang khác đăng lại. Bây giờ muốn đọc cũng chả có, vì ngay khi anh lâm bệnh nặng, nằm hôn mê bất tỉnh thì một lực lượng nào đó đã đánh sập blog của anh. Có lẽ chỉ riêng cái tên của nó - Nhân quyền và công lý - đã rất dị ứng với những ai đó rồi, huống chi khi anh qua đời thế nào độc giả cũng tìm đọc nhiều hơn nên họ phải vội vàng đập chết trang blog này ngay tức khắc.

Anh vốn là giáo viên thể dục, cái nghề mà chúng tôi vẫn gọi đùa là “giáo viên dạy võ”, vì chuyên về hoạt động chân tay và vì thường họ cũng có tính chất “con nhà võ”, khác với “con nhà văn” chúng tôi. Nhưng ở anh Dũng, ngoài vóc dáng to đậm vạm vỡ, thì không có gì có vẻ “con nhà võ” cả. Nét mặt anh hiền, lời nói, cử chỉ, mộc mạc, vẻ chân quê đậm nét. Anh lại tích cực viết báo, một việc mà giáo viên thể dục chưa thấy ai làm. Những bài báo của anh thẳng thắn, mạnh mẽ, toát lên nhiệt tình công dân và một tình yêu công lý, công bằng rất rõ.

Được tin anh qua đời, bạn bè thân hữu quen biết qua các đợt biểu tình và các hoạt động xã hội đến viếng và đưa tang anh khá đông. Người lạ mặt xuất hiện theo dõi, quay phim, chụp ảnh. Nhiều dải băng tang trên các vòng hoa bỗng không cánh mà bay. Hai chiếc phướn, một của Hội Bầu bí Tương thân, một của Bùi Thị Minh Hằng trong lúc chuyển quan tài từ nhà ra xe cũng tự nhiên biến mất. Chỉ mấy chi tiết quanh cái chết như thế đủ biết anh là một người yêu nước, một người dấn thân vì nghĩa lớn.

Như trên đã kể, tôi chưa gần gũi anh bao nhiêu, chỉ có tình cảm của những người cùng chung chí hướng chứ chưa có tình bạn. Thế nhưng lúc quan tài bắt đầu ra ngõ, nhìn tấm ảnh anh mà thấy anh gần gũi thân thiết vô cùng, khiến nước mắt tôi ràn rụa. Lúc mặc niệm anh ở nhà tang lễ Văn Điển, mắt tôi đã ráo hoảnh. Thế nhưng khi chiếc quan tài đẩy vào lò thiêu và cánh cửa sập lại, thì tôi bỗng oà khóc nức nở như một đứa trẻ. Năm lên tám tuổi, mẹ tôi chết, tôi không khóc. Năm 47 tuổi, bố tôi chết, tôi cũng không khóc. Ấy thế mà năm nay, khi tôi đã 55 tuổi, tôi lại ba lần khóc trước cái chết của ba người yêu nước – ba người đồng chí của tôi: bác Lê Hiếu Đằng, tiếp theo là anh Đinh Đăng Định và hôm nay là Anh – Nguyễn Anh Dũng. Tôi không thể giải thích được xúc cảm của tôi. Có lẽ đối với tôi, những người hy sinh cho nghĩa lớn đều có gì đó rất cao cả và thiêng liêng.

Anh Dũng ơi, theo cách nói thông thường thì Anh đã đi về nơi yên nghỉ. Nhưng nếu thực sự có linh hồn thì Anh khó có thể yên nghỉ được. Biển Đông đang dậy sóng căm hờn (nhưng chưa vùi được thây quân cướp nước). Nhân dân đang khốn khổ lầm than. Dân tộc đang đứng trước một cảnh éo le chưa từng có. Như nhiều trang mạng đã bình luận, Anh mất đi là một tổn thất lớn cho phong trào dân tộc dân chủ còn non trẻ hiện nay. Nhưng chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục con đường mà chúng ta đã lựa chọn. Cho đến bao giờ có độc lập tự do, có Nhân quyền và công lý như Anh mong đợi.

Đ.T.T

5 nhận xét :

  1. Đừng khóc thương tôi làm chi, mà hãy khóc thương cho Tổ Quốc , cho Đồng Bào ta ngày đem bị giây thòng lọng Tầu Cộng xiết chặt . Tôi nghĩ đó là thông điệp cuối cùng của ô. Nguyễn Anh Dũng . Vĩnh Biệt người chiến sĩ kiên cường, một dạ sắt son với Tổ Quốc . Cầu chúc Anh an nghỉ !

    Trả lờiXóa
  2. "Anh hùng tử, khí hùng bất tử" !
    Vô cùng thương tiếc người yêu nước Nguyễn Anh Dũng.

    Trả lờiXóa
  3. Vô cùng kính trọng và thương nhớ một người yêu nước chống quân tàu xâm lược mà chịu nhiều nhục hình nay về cỏi vĩnh hằng. Chúc vong hồn anh siêu thoát và tiếp tục dùng bí quyết người âm góp sức cùng bạn bè đang sống như anh Thi tiếp tục cuộc đấu tranh cho tổvquoocs Việt nam đến ngày thắng lợi thu hồi tất cả biển đảo bị bon xâm lược ăn cướp trỏ về với tổ quốc VN.

    Trả lờiXóa
  4. Câu "Biển Đông đang dậy sóng căm hờn (nhưng chưa vùi được thây quân cướp nước)" ở cuối bài, tôi có một chú thích, không hiểu sao bị mất. Xin bổ sung như sau: Đây là câu lấy ý trong bài Chú hải quân ở sách Tập đọc lớp 2 mà thế hệ tôi (cũng có thể cả thế hệ anh Nguyễn Anh Dũng nữa) vẫn thuộc lòng:
    Đứng canh ngày canh đêm/ Ngoài xa vời hải đảo/ Kìa bóng chú hải quân/ Dưới trời xanh trứng sáo/ Mặc nắng mưa gió bão/ Cây súng chú chắc tay/ Quân thù mà ló mặt/ Biển lớn sẽ vùi thây/ Em mong ngày khôn lớn/ Sẽ vượt sóng ra khơi/ cũng cầm chắc tay súng/ Giữ lấy biển lấy trời.

    Trả lờiXóa
  5. Vô cùng thương tiếc người yêu nước Nguyễn Anh Dũng!.

    Trả lờiXóa