Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Đào Tiến Thi: MẠN ĐÀM VỀ "NGƯỜI MAN DI HIỆN ĐẠI" NGUYỄN VĂN VĨNH

 
Tân Nam tử Nguyễn Văn Vĩnh
(1882 - 1936)


MẠN ĐÀM VỀ “NGƯỜI MAN DI HIỆN ĐẠI”
NGUYỄN VĂN VĨNH
Đào Tiến Thi

Ngày 12-8-2014, đáp ứng nguyện vọng của một số nhà nghiên cứu, anh Nguyễn Lân Bình, cháu nội văn hào Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), đã tổ chức chiếu phim và toạ đàm về Nguyễn Văn Vĩnh tại tư gia.

Tới dự có GS.TS Trần Đình Sử, PGS.TS. Mạc Văn Trang, PGS.TS. La Khắc Hoà, PGS.TS Phạm Thùy Vinh, TS. Trần Thu Dung (Việt Kiều tại Pháp), TS. Phạm Gia Minh, vợ chồng TS. Nguyễn Xuân Diện – Trang Thanh Hiền, ThS. Đào Tiến Thi, Thạc sĩ Nguyễn Thị Dương, Nhà báo Đoàn Công Huynh, … và một số giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ.

Bộ phim tư liệu “Mạn đàm về người Man di hiện đại” được hoàn thành cách đây tám năm, do các con cháu cụ Nguyễn Văn Vĩnh, đứng đầu là ông Nguyễn Lân Bình, thực hiện với  sự cộng tác của đạo diễn Trần Văn Thủy và nhóm làm phim. (Đạo diễn Trần Văn Thuỷ ngoài tư cách chuyên môn còn là một nhân vật của phim – một người tham gia phỏng vấn các nhân chứng).

Bộ phim bốn tập dài gần bốn tiếng đồng hồ, gồm bốn mảng:

- Cuộc đời và sự nghiệp của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh. Các hình ảnh của hai địa danh liên quan đặc biệt đến cuộc đời cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Đó là cảng Marseille (Pháp), nơi cụ Vĩnh đi dự hội chợ thuộc địa năm 1906 để từ đó nhìn thấy sức mạnh của văn minh phương Tây, trở về nước bỏ hẳn nghề công chức, chuyển sang làm báo, làm văn chuyên nghiệp với mục đích khai trí cho dân tộc, và sông Sê-pôn (Lào), nơi cụ Vĩnh đi tìm vàng để trang trải nợ nần và qua đời tại đó trong một cơn sốt rét, năm 1936.

- Những hồi ức và suy nghĩ của một số người con cụ Vĩnh còn sống và một số trí thức thời Tiền chiến còn sót lại (trong đó có bà Phan Thị Minh, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh), những người đã ít nhất chứng kiến một giai đoạn của cụ Vĩnh lúc sinh thời.

- Những phân tích, đánh giá của một số nhà nghiên cứu nổi tiếng: Nguyễn Huệ Chi, Trần Hoà Bình, Trịnh Văn Thảo (Việt Kiều tại Pháp), Trần Văn Khê, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Chương Thâu,… một số nhà nghiên cứu người Pháp và người Mỹ.

- Những tâm sự của một số cháu, chắt về người ông và người cụ của mình, đặc biệt là thế hệ cắp sách đến trường những thập kỷ sau hoà bình lập lại trên miền Bắc cho tới những năm bảy mươi của thế kỷ trước với sự gánh chịu đầy những hệ luỵ oan khuất về cái gọi là “bọn bồi bút Quỳnh, Vĩnh”.

Các mảng trên có khi được đan xen tuỳ sự kiện, tuỳ bình diện về sự nghiệp về báo chí, dịch thuật hay chính trị của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh.

Mặc dù khán giả là các nhà nghiên cứu đã ít nhiều đọc Nguyễn Văn Vĩnh[1] nhưng bộ phim vẫn cuốn hút người xem người xem từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng, với thời gian gần bốn tiếng đồng hồ. Sự ngưỡng mộ văn hào Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện trên nhiều mặt. Đó trước hết là một con người mà theo cách nói ngày nay đã “vượt khó” vô cùng độc đáo. Từ một cậu bé nghèo chỉ kéo quạt cho một lớp học, Nguyễn Văn Vĩnh trở thành một thông ngôn, rồi từ thông ngôn thành nhà báo, nhà văn, nhà dịch thuật, khảo cứu, nhà hoạt động xã hội. Ở lĩnh vực nào Nguyễn Văn Vĩnh cũng nổi lên như một cây đại thụ và nhiều lĩnh vực còn đóng vai trò tiên phong (viết báo bằng chữ Quốc ngữ, dịch tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và ngược lại). Nếu quy tụ tất cả “nhân chứng, vật chứng” nói trên, thì các tác giả phim đã giải toả được cái điều nhức nhối lâu nay, suốt từ khi có chế độ mới: Nguyễn Văn Vĩnh có “thân Pháp”, có làm “bồi bút” cho Pháp hay không? Thì chính những nhà cách mạng đương thời như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và những nhà nghiên cứu có danh hôm nay (giáo sư văn học Huệ Chi, các giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Chương Thâu, nhà báo nổi tiếng Trần Hoà Bình,…) đều đã trả lời: không. Và trái lại, còn khẳng định Nguyễn Văn Vĩnh là nhà yêu nước, là một trong những nhà khai sáng, có công đưa xã hội Việt Nam từ “đêm trường trung cổ” bước vào thời kỳ hiện đại, trong đó đặc biệt là đưa chữ Quốc ngữ, từ thứ chữ ít ai để ý, trở thành thứ chữ thông dụng, do văn Quốc ngữ trên các tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh đi vào lòng người rất nhẹ nhàng, tự nhiên. 

Chưa hết, con đường làm cách mạng bằng văn hoá của Nguyễn Văn Vĩnh một thời bị đánh giá là “cải lương”, không đi đến con đường giải phóng đất nước, thì bộ phim cũng sáng tỏ, đó là một trong nhiều cách cùng đi đến đích. Trong bối cảnh xã hội thuộc địa lạc hậu, chủ trương bất bạo động, hoặc chỉ làm văn hoá không hề mâu thuẫn với các phong trào giải phóng dân tộc; trái lại chúng hỗ trợ cho nhau và chính các cụ thời ấy đã giải quyết điều này khá tế nhị. Cũng có lúc tranh luận kịch liệt nhưng nhìn chung không chia rẽ, trái lại rất quý nhau. Cái chết của cụ Nguyễn Văn Vĩnh với hàng ngàn người đưa tang trong đó có hầu hết giới trí thức thủ đô, có cả câu đối viếng của cụ Phan Bội Châu (người mà cụ Vĩnh từng phê phán về chủ trương bạo động), là một điều mà lớp hậu sinh hôm nay rất đáng phải suy nghĩ.

Có một điều mà khán giả cũng rất phục, đó là sự dấn thân của anh Nguyễn Lân Bình, cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Những năm gần đây, chúng ta mới thấy ở một số gia đình, người con đi đòi lại quyền lợi hoặc khôi phục danh dự cho bố mẹ, thông thường vì chính người con đó chứng kiến sự oan khuất của bố mẹ, chứ chưa hề thấy ai đi khôi phục danh dự (chỉ danh dự chứ không có quyền lợi gì) cho ông nội, một người ông đã qua đời 70 năm, một người mà anh Bình chưa hề biết mặt. Mà người ông ấy lại có tầm hoạt động quá rộng, ở những lĩnh vực vốn xa lạ với nghề nghiệp của anh Bình. Có đoạn mà người xem cũng chảy nước mắt với nhân vật. Đó là cảnh gia đình anh Bình và những người làm phim đặt bàn thờ cụ Vĩnh bên dòng sông Sê-pôn (Lào), ngay trên mấy hòn đá chông chênh, bên dưới nước chảy. Anh Bình nói với hai con gái về người ông của mình (tức người cụ của hai con) khiến cả ba cha con cùng khóc.

Tuy cuộc đời của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh chỉ có 54 năm nhưng di sản văn hoá của cụ vô cùng đồ sộ. Việc trả lại giá trị cho các di sản đó ở thời điểm này thực ra cũng mới chỉ là bắt đầu. 

Đ.T.T



[1] Có thể tìm đọc tư liệu về Nguyễn Văn Vĩnh ở website http://www.tannamtu.com/ và các sách Nguyễn Văn Vĩnh là ai(Nhà xuất bản Tri thức, 2013), Lời người man di hiện đại (NXB Tri thức, 2013).

6 nhận xét :

  1. KTS Trần Thanh Vânlúc 09:41 13 tháng 8, 2014

    Tôi may mắn được xem phim "NGƯỜI MAN DI HIỆN ĐẠI" cũng tại nhà riêng của anh Nguyễn Lân Bình, trên một hẻm nhỏ phố Lương Sử Hà Nội từ ngày bộ phim mới được hoàn thành và may mắn được anh Nguyễn Lân Bình dẫn về quê thăm mộ cụ Vĩnh trước và sau khi khu mộ gia tộc cụ Nguyễn Văn Vĩnh được tu bổ.
    Có hai điều tôi muốn bổ sung trong bài viết của nhà giáo Đào Tiến Thi là

    1- Công lao vô cùng to lớn của học giả Nguyễn Văn Vĩnh vào việc truyền bá Chữ Quốc Ngữ vào Việt Nam ở đầu thế kỷ thứ 20 không chỉ giúp đất nước có điều kiện sử dụng một loại văn tự tân tiến, hiện đại trong mọi hoạt động xã hội, hành chính, giáo dục..... mà còn là một cái mốc đánh dấu sự chấm hết thời kỳ nô dịch của nền văn hóa Trung hoa, thông qua việc dùng chữ Hán, khiến bọn bá quyền TQ hết triều đại này qua triều đại khác cố tình nhập nhằng trong các loại văn bản, mà cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn phải dầy công thanh lọc.
    2- Có lẽ có một cái duyên kỳ lạ nào đó, từ lúc còn nhỏ, tôi được tiếp xúc với bộ tiểu thuyết "Những kẻ khốn nạn" sau này đặt tên lại là "Những người khốn khổ" của Victor Hugo do Nguyễn Văn Vĩnh dịch và đặc biệt có dịp học thuộc lòng rất nhiều bài trong tập thơ Ngụ ngôn của La phontaine, như Truyện Cô hàng sữa: Cô Bê rét đi mang liễn sữa, kê đệm bông.... như Gà đẻ trứng vàng....như Ve sầu kêu ve ve, Suốt mùa hè....đó là những bài thơ đơn giản, nhẹ nhàng, có giá trị giáo dục rất lớn.
    Chúng tôi lớn lên, có sự hiểu biết, có nhân cách, một phần nhờ ảnh hưởng của những bài thơ ngụ ngôn đó.
    Rất tiếc hiện nay sách giáo khoa của ta không dùng những bài học đó, coi đó là "tàn tich của chế độ thực dân".
    Rất tiếc

    Trả lờiXóa
  2. Cần phải khôi phục lại cả về danh dự và giá trị tinh thần của một lớp trí thức " thế hệ khai sáng" trong lịch sử cận đại VN như Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn văn Vĩnh ,... và gần hơn là Nguyễn mạnh Tường, Trần Dần ...một cách THỰC LÒNG .
    Chúng ta đã vùi đầu mê muội vào chủ nghĩa Xtalin và Mao suốt mấy chục năm qua khiến xã hội quay lưng lại với những tinh hoa đáng ngàn vàng của dân tộc, đồng thời bị cái vòng kim cô ý thức hệ đó làm cho tư duy ngày càng khắt khe, hạn hẹp theo quan điểm giai cấp, địch- ta và nhãn quan thì méo mó, lệch lạc.
    Nguyên khí của dân tộc đã bị hao tổn quá nhiều, lòng tin trong bách tính cũng bị suy vong tới mức nguy hiểm cho sự tồn vong của dân tộc và đất nước.
    Cần một cuộc Phục hưng và Chấn hưng Dân tộc mạnh mẽ, quyết liệt ngay bây giờ trước khi sẽ quá muộn.
    Tên tuổi và sự nghiệp của những con người vĩ đại của tộc Việt , dù từng bị lãng quên , thậm chí hắt hủi trong một giai đoạn nào đó sẽ vẫn là niềm cổ vũ cho hậu duệ bật dậy mà bước tiếp.

    Trả lờiXóa
  3. Những phê phán, phủ nhận tàn khốc đối với những sáng tạo của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh hay của Nhân văn Giai phẩm trong một giai đoạn bất thường của lịch sử đương đại, như một nghịch lý, đã góp phần làm tỏ hơn giá trị bất hủ của chính những sáng tạo ấy.

    Trả lờiXóa
  4. Kính thưa các chị ,các anh!
    Nhân danh là người tổ chức sự việc, tôi thật sự hạnh phúc vì đã đem đến sự hài lòng cho những người quan tâm đến sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh nói riêng và lịch sử văn hoá Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX nói chung.
    Khi bắt đầu buổi chiếu, tôi đã không dấu giếm (Không phải ai cũng đồng ý với sự minh bạch) thú nhận một điều, rằng bộ phim ra đời đã 8 năm rồi, khi mà sự hiểu biết của tôi về lĩnh vực này còn rất bản năng và đơn giản, vì vậy rất mong người xem phim sẽ độ lượng khi phán xét nếu nhìn từ những nhận thức ngày hôm nay để đánh giá sự việc. Tuy nhiên, tôi sung sướng vì khi kết thúc, mọi người đều rất hài lòng với nội dung của bộ phim.
    Tôi rất biết ơn ý kiến của ông Mạc Văn Trang, ông Phạm Gia Minh khi chia sẻ với tôi những cảm xúc về bộ phim. Cảm ơn bà Nguyễn Thu Dung, người đã đề xuất nguyện vọng được xem bộ phim này. Cảm ơn tấm lòng quý hoá của các chị, các anh đã bày tỏ những nhận thức kính trọng về học giả Nguyễn Văn Vĩnh và chia sẻ những nỗi niềm chua sót trong quá khứ của gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
    Tôi đặc biệt cảm ơn lời nhận xét của ông Mạc Gia Trang sau khi xem phim, rằng: "Anh đã làm được một việc lớn, không phải chỉ là chứng minh cho ông nội anh, hay gia tộc của anh, mà là chứng minh một cách khá rõ ràng cho danh dự của lịch sử!"
    Một lần nữa, nhân đây, tôi thành thật cảm ơn tấm lòng của các chị, các anh, những người trân trọng sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh nói riêng và gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh nói chung. Cảm ơn những chia sẻ của anh Đào Tiến Thi, cảm ơn trang thông tin "Tễu".
    Tôi cũng rất biết ơn ý tưởng của bà Nguyễn Thu Dung và ông Phạm Gia Minh trong việc tìm kiếm giải pháp quảng bá bộ phim này và những cuốn sách liên quan đến học giả Nguyễn Văn Vĩnh ở Cộng hoà Pháp!
    Kính trọng!
    Nguyễn Lân Bình.

    Trả lờiXóa
  5. Nhật tân hựu nhật tânlúc 11:49 13 tháng 8, 2014

    Tứ đại Văn Hào một thời của Hà Thành, Thăng Long ngàn năm văn vật là các cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh , Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn , như những vì sao sáng . Có những lúc người ta cố tình làm cho những vì sao đó lu mờ đi ( Cũng xin chú thích là chỉ ở miền Bắc XHCN thôi, chứ ở miền Nam VNCH thì không ). Nhưng những bàn tay cố tình che lấp những vì sao ây không thể che khuất mãi ánh sáng của 4 vị đại danh Văn Hào kia được . Những vì sao đó mãi mãi tỏa sáng . Chữ Quốc Ngữ còn thì đại danh của 4 vị đó tồn tại mãi . Phải trả lại danh dự cho các vị đó, và hãy cho con cháu các vị đó được hãnh diện , tự hào vì cha ông của mình . Các vị đó là những vị anh hùng xứng đáng được ghi vào sử sách : TỔ QUỐC GHI CÔNG ! Các thế hệ sau xin kính cẩn nghiêng mình trước Anh Linh các cụ !

    Trả lờiXóa
  6. Tôi là Mạc Văn Trang, có lúc anh Lân Bình viết nhầm là Mạc Gia Trang! Tôi rất biết ơn và xúc động khi xem bộ phim này. Biết ơn vì trước đó tôi cũng hiểu rất sơ sài về Nguyễn Văn Vĩnh; xúc động vì Nguyễn Văn Vĩnh là con người vĩ đại, hiếm có của dân tộc mà bị oan khuất như vậy; xúc động vì anh Lân bình và các cháu chắt của Cụ Vĩnh đã làm được một việc lớn lao và thiêng liêng không chỉ vì ông nội mình mà còn vì lịch sử dân tộc này. Tôi có sự đồng cảm - thấu cảm thì đúng hơn với gia tộc Cụ Vĩnh, vì Cụ Mạc Đăng Dung cũng bị các sử gia Lê - Trịnh quy tội "cướp ngôi", là "ngụy triều" và đã là "ngụy" thì tất cả chỉ có xấu xa, tồi tệ! Nỗi oan khuất hơn 400 năm, các con cháu phải đổi ra hơn 50 họ khác để sống sót. GS Văn Tạo có lần nói: "Đọc sử tôi thương nhà Mạc đến phát khóc lên. Phải lấy lại công minh lịch sử và công bằng xã hội cho nhà Mạc"... Đến nay, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch Sử VN đã kết luân: "Nhận thức về nhà Mạc và thời đại nhà Mạc trong lịch sử đã hoàn toàn thay đổi"... Nhưng tất cả những "tội lỗi" đã ghi vào sử sách, lưu truyền trong xã hội, ăn sâu vào định kiến nhiều thế hệ suốt bao nhiêu năm biết bao giờ mới gột rửa sach!? Người ta bôi nhọ một con người, một triều đại không khó, nhưng tẩy rửa những oan khuất, khôi phục lại sự trung thực của lịch sử thật vô cùng khó khăn, gian khổ, lâu dài, đòi hỏi nhiều tấm lòng, nhiều tài năng...
    Xem phim, đọc sách về Cụ Nguyễn Văn Vĩnh ta nhẹ lòng đôi chút nhưng còn biết bao nhiêu số phận những tinh hoa dân tộc bị dập vùi trong lịch sử vẫn chưa được làm sáng tỏ!?
    Về Cụ Nguyễn Văn Vĩnh tôi sẽ đọc Cụ để lý giải vì sao Cụ tự gọi mình là "Người man di hiện đại"? Đó sẽ là bài học quý giá cho chúng ta hôm nay và là một tấm gương để thế hệ trẻ "học tập và làm theo"!

    Trả lờiXóa