Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

VUA MINH MẠNG QUY ĐỊNH KHẢO SÁT, TUẦN TIỄU, BẢO VỆ BIỂN ĐẢO

Vua Minh Mạng qui định khảo sát, tuần tiễu, bảo vệ biển đảo

Lê Thái Dũng 
Dân Việt (14:56 - 23 tháng 7, 2014)

Không chỉ tổ chức, nâng cao khả năng trang thiết bị tàu thuyền cho ngư dân vươn khơi đánh bắt cá trên biển, vua Minh Mạng còn đặc biệt chú trọng đến việc quản lý, khai thác, tuần tiễu bảo vệ biển đảo, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển Đông.
 

Bài 2: Bảo vệ biển đảo và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển

Hoàng đế Minh Mạng
Thời Minh Mạng trị vì, nước Đại Nam trở thành một quốc gia cường thịnh, rộng lớn; các nước lân bang đều nể sợ, các nước phương Tây xa xôi cũng nhiều lần đến xin thông hiếu. Với sức mạnh và uy thế đó, Minh Mạng đã cho lực lượng thủy quân của mình vươn xa hơn ra ngoài biển khơi, khẳng định một cách rõ ràng, mạnh mẽ chủ quyền trên các hải đảo, nhất là tại Vạn lý Hoàng Sa (tên gọi chung và phổ biến về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước đây trên biển Đông).

Năm Bính Thân (1836), vua truyền bảo các quan bộ Binh rằng: “Nước ta bờ biển rất dài, một việc đi tuần ngoài biển rất là quan trọng và thiết yếu, nay chuẩn cho ở kinh đô và các địa phương gần biển, hàng năm vào tháng 2 phải phái lính đi tuần ngoài biển đến tháng 7 hay tháng 8 mới được trở về. Còn từ tỉnh Gia Định đến tỉnh Hà Tiên thì tháng 4 tiến hành đi tuần đến tháng 10 trở về” (Minh Mạng chính yếu).

Riêng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vua Minh Mạng đã nhiều lần sai các thuyền ra vẽ bản đồ các đảo, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc lập bia, dựng miếu thờ, trồng cây các hoạt động khác… 

Nhận thấy cần tạo thành thông lệ, tiến hành thường xuyên các hoạt động này, mỗi năm, vào tháng Giêng năm Bính Thân (1836) các quan ở bộ Công đã dâng sớ tâu rằng: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái biền binh thuỷ quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Ngãi, yêu cầu 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa.

Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình” (Đại Nam thực lục chính biên).

Lời tâu này được Minh Mạng phê thuận ngay và còn căn dặn, phải “ghi nói minh bạch trong họa đồ để về trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ). 

 
Thao diễn thủy quân (Tranh minh họa)
Như vậy việc các tàu thuyền đi tuần tiễu, khảo sát đo đạc tại Vạn lý Hoàng Sa theo lệ sẽ được tiến hành vào mùa Xuân. Theo các tư liệu khác nhau thì hoạt động này được thực hiện trong vòng 6 tháng, dù có năm do mưa gió, bão lớn nên việc khởi hành phải lùi lại nhưng nhiệm vụ của các tàu thuyền vẫn không thay đổi.

Dựng miếu, trồng cây, cắm mốc khẳng định chủ quyền

Bên cạnh việc khảo sát, tuần phòng trên biển, vua Minh Mạng còn cho tiến hành xây dựng nơi thờ tự (chùa, miếu), trồng cây, dựng cột, bia chủ quyền tại một số đảo vào các năm 1833, 1835, 1836… Thí dụ như vào tháng 8 năm Qúy Tị (1833), Minh Mạng dụ bảo các quan bộ Công rằng: “Dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Nghĩa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị nạn, nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn, xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn. Đó cũng là việc lợi ích muôn đời vậy” (Đại Nam thực lục chính biên).

Đến tháng 6 năm Ất Mùi (1835) quân lính và phu thuyền từ hai tỉnh Quảng Nghĩa và Bình Định đã chở vật liệu đến dựng miếu tại khu đảo Hoàng Sa, “bên trái miếu dựng bia đá, phía Tây miếu xây dựng bình phong. Mười ngày làm xong rồi về” (Đại Nam thực lục chính biên). Còn theo sách Đại Nam hội điển sự lệ thì miếu Hoàng Sa được xây cất theo thể chế nhà đá, ở phía Tây cồn Bạch Sa, bên trái dựng bia đá chiều cao 1 thước 5 tấc, mặt rộng 1 thước 2 tấc. Mặt trước xếp đá che, hai bên tả hữu đằng sau miếu có trồng các loại cây”.

Việc cắm mốc, dựng bia xác lập chủ quyền cũng được hết sức coi trọng, thí dụ như vào năm Bính Thân (1836), Minh Mạng “sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, chuẩn mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi dựng lên làm dấu ghi, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc chữ: Năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng lệnh ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ” (Đại Nam thực lục chính biên).

Khai thác biển đảo,  cứu trợ thuyền các nước bị nạn 

Vạn lý Hoàng Sa (tên gọi chung và phổ biến về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước đây), từ bao đời nay đã thuộc chủ quyền và là một phần lãnh thổ thiêng liêng của nước Việt.

Bên cạnh các hoạt động liên quan đến việc khẳng định chủ quyền ở những hải đảo này như tiến hành việc thám sát, tìm hiểu vẽ bản đồ,…; việc quản lý và khai thác tài nguyên, hải vật ở đây cũng được thực hiện tích cực, Minh Mạng còn cho quân đồn trú, tiến hành thu thuế và bảo vệ ngư dân. Một người Anh tên là Gutzlaff trong bài viết đăng trên tập san “Á Châu hội” xuất bản ở Luân Đôn (London) năm 1849 cho biết: 

“Những đảo ấy đáng lẽ không có giá trị nếu nghề cá ở đó không phồn thịnh và không bù hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu… Tuy rằng hàng năm hơn mười phần thuyền bị đắm nhưng đánh cá được rất nhiều, đến nỗi không những bù hết mọi thiệt thòi mà còn để lại món lợi rất to. Chính phủ An Nam thấy những lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế đặt ra, bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đều phải trả, và để bảo trợ những người đánh cá bản quốc”. 

 
Hùng binh của đội Hoàng Sa (Tranh minh họa). Tem bưu chính VN.
Một điều không thể không nhắc đến là trong thông lệ của luật pháp quốc tế ngày nay quy định về các nghĩa vụ, trách nhiệm bảo đảm hàng hải và hoạt động nhân đạo. Xét theo sử sách thì những điều đó đã được thực hiện từ rất lâu, thí dụ như vấn đề cứu hộ cứu nạn trên biển nói chung và ở vùng biển Hoàng Sa- Trường Sa đã thấy từ thời các chúa Nguyễn, rồi sau này là các vua nhà Nguyễn vẫn tiếp tục duy trì và Minh Mạng cũng không quên điều này.

Đối với các tàu thuyền của nước ngoài qua lại vùng biển Đông bị gặp nạn tại Vạn lý Hoàng Sa, nhà vua đã ra lệnh cho thủy quân làm nhiệm vụ cứu hộ, giúp đỡ họ. Như trường hợp được ghi lại trong sách Minh Mạng chính yếu, vào năm Bính Thân (1836) Minh Mạng đã ra lệnh cứu giúp thuyền buôn của nước Anh Cát Lợi (tức Anh quốc) gặp bão tại Hoàng Sa, sách chép rằng: 

“Thuyền buôn nước Anh Cát Lợi gặp gió bão ở vùng đảo Hoàng Sa, tạm ghé vào hải phận tỉnh Bình Định. Trên thuyền có khoảng hơn 90 người. Nhà vua sai quan tỉnh tuyên cáo chỉ dụ của triều đình cho họ nghe, đồng thời mở cuộc phát chẩn. Tất cả số người đó cúi đầu lạy tạ ân, biểu lộ nhiều lời nói và cử chỉ rất cảm kích. Quan tỉnh tâu trình việc đó về triều. Nhà vua nói rằng: “Người Tây Dương vốn có tính cứng đầu, kiêu ngạo. Phải chăng bây giờ họ vừa được mong ơn cứu tuất của ta, cho nên đã hóa được cái tục xấu đó của họ chăng?”. Sau đó vua hạ lệnh cho họ về nước”.

Những hoạt động trong thời gian trị vì của vua Minh Mạng nhờ vậy có tác động sâu sắc đến chính trị, kinh tế, xã hội đất nước nói chung và với vấn đề chủ quyền trên biển Đông nói riêng. Ông trở thành một trong những vị vua nổi tiếng trong lịch sử thời phong kiến và là vị vua để lại nhiều dấu ấn nhất trong số các vua triều Nguyễn. Danh tiếng của vua Minh mạng không chỉ khiến các quốc gia lân bang nể sợ mà người phương Tây cũng không thể không tỏ sự kính trọng.

Ngày nay, trong các nghi thức đón tiếp nguyên thủ quốc gia, hoặc các ngày lễ kỷ niệm trọng đại thường có lệ bắn 21 phát đại bác. Nghi lễ này đã phổ biến khắp thế giới nhưng ít ai hay ban đầu nó xuất phát từ phương Tây và nghi thức này chỉ phổ biến trên các chiến hạm. 
 
Thuyền phương Tây bắn đại bác tỏ lòng kính trọng vua Minh Mạng (Tranh minh họa)
Ban đầu, để tỏ ý thân thiện, không có ý đồ xấu, khi chiến hạm của một nước tiến vào hải cảng của một nước khác thì các khẩu pháo trên chiến hạm phải bắn cho hết đạn. Xưa kia các chiến hạm có trọng tải nhẹ, số các khẩu pháo lắp trên tàu không thể nhiều hơn 7 khẩu, hơn nữa chúng đều là loại lắp đạn từ đầu nòng, vì thế việc nổ pháo rất tốn sức, chỉ có thể nổ từng khẩu và bảy khẩu pháo bắn xong hết thì cũng không còn gì nữa. Còn trên các pháo đài của bến cảng thì chủ nhà bố trí rất nhiều cỗ pháo, họ bắn ba phát để trả lời và hoan nghênh. Ba lần bảy là hai mươi mốt, đó là nguồn gốc của 21 phát đại bác. Thuyết khác thì cho rằng hồi đó loại tàu chiến lớn nhất chỉ có 21 khẩu đại bác, nên khi 21 khẩu đại bác trên tàu chiến cùng bắn lên không trung 21 phát là nghi lễ chào hỏi thành tâm nhất... 

Đó là một vài trong rất nhiều cách lý giải về nguồn gốc của nghi thức bắn 21 phát đại bác trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Còn ở Việt Nam, vị vua lãnh đạo quốc gia đầu tiên được hưởng nghi thức này chính là hoàng đế Minh Mạng; sách Minh Mạng chính yếu cho biết vào năm Ất Dậu (1825) “nhà vua đi tuần thú tới tỉnh Quảng Nam bằng đường thủy. Thuyền tiến vào cửa biển Đà Nẵng, thì cùng lúc, một chiếc thuyền buôn của Tây phương cũng vừa tới. Khi hay tin có ngự thuyền của vua nước Đại Việt Nam tới, thuyền trưởng liền xin phép được nổ 21 phát đại bác để chào mừng Ngài, vì đây là quốc tục của các quốc gia Tây phương dùng để chào mừng một vị nguyên thủ quốc gia. Nhân dịp này, nhà vua liền sai lấy rượu thịt và trầu khen thưởng cho họ”.
Nguồn: Dân Việt.

2 nhận xét :

  1. Dưới triều vua Minh Mạng, nước Đại Nam có biên cương rộng nhất . Một vị vua đáng trọng như vậy mà có tên trên một con đường ở Saigon thưở trước cũng bị CQ Tp HCM bỏ đi !

    Trả lờiXóa
  2. Việc chia các tỉnh thành hồi đất nước chia cắt có nhiều thay đổi, đặc biệt việc nhập 2, 3 tỉnh thành một tỉnh sau 1975 làm rối loạn tất cả. Cuối cùng người ta cứ lặng lẽ trở lại các tỉnh cũ. Ngoại trừ HN và SG mở rộng thêm ra, các tỉnh hiện nay cơ bản là trở lại như thời Minh Mạng.

    Trả lờiXóa