Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Phạm Toàn: VĨNH BIỆT TÔ HOÀI


Vĩnh biệt Tô Hoài
Phạm Toàn

Nếu không đi vắng thì người thay mặt Bauxite Việt Nam viết lời vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài chắc chắn phải là nhà nghiên cứu chững chạc Nguyễn Huệ Chi. 

Huệ Chi đi vắng, anh nhắn giao việc này cho tôi, và thế là cái thân phận bé tí của tôi đành đảm đương công việc bày tỏ nỗi tiếc thương cùng những tình cảm khó nói thành lời.

Xin bạn đừng trách tôi hình như đang không được nghiêm trang cho lắm. Không, tôi đang rất nhớ thương Tô Hoài. Chín mươi nhăm tuổi, giải thưởng văn chương cao quý nhất, lớn bé cả trăm tác phẩm gửi lại cho đời, thế là đủ rồi, phải không nhỉ? Là một nhà văn, ai nào cần thêm chút vinh quang nữa?

Từ nhỏ, thế hệ tôi (sinh đầu những năm 1930), đã có Tô Hoài làm bầu bạn. Tô Hoài lúc đó xa xôi cách biệt lắm. Nhưng chúng tôi vẫn đã có Tô Hoài. Lớn lên, đi kháng chiến, khi “Ở rừng”, vẫn được đọc Nam Cao và Tô Hoài, những thần tượng của mình.

Những chuyện về nhân vật A Phủ, về “miền Tây”, về “Tây Bắc” có hơi khiến thế hệ chúng tôi có đôi chút nghi ngờ về học thuyết “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, hoặc là hồ nghi về tính trung thực của một nhà văn. Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam, có những lý do khiến chúng tôi phần nào ít gần gụi Tô Hoài… 

Cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, công việc nghiên cứu dạy Văn cho học sinh khiến riêng tôi nhiều khi phải dằn vặt vì Tô Hoài. Nhiều lần, các bạn trong nhóm chọn đưa cho tôi những trích đoạn Tô Hoài, và tôi khéo léo bảo các bạn hãy chờ chút chút.

Cuối cùng, vào mùa hè năm 1982, chính tôi ngồi đọc lại toàn bộ Tô Hoài. Và rồi tôi quyết định chọn hai tác phẩm nghĩ rằng đó là những công trình của muôn đời. Tôi đã chọn Nhà nghèo và trích đoạn Dế Mèn làm tài liệu cho các em học sinh trường tiểu học thực nghiệm – lấy đó làm những “gợi ý”, làm những cái “mồi”, làm những cái “cớ”, để học sinh tiểu học tự mình đánh thức những xúc động mỹ cảm đang nằm ngủ trong lòng các em. 

Tôi dừng lại đó, và vẫn nhất quyết không “đụng” đến những anh A Phủ, những em Mỵ, những cụ thống lý Pa Tra… Cho đến khi Tô Hoài cho ra mắt “Chuyện ba người khác”. Bữa đó, tại cuộc Hội thảo ở Viện Văn học, tôi đã nói với Tô Hoài “xin vái anh một vái”, nói gần được tất cả những tình cảm cô đọng của mình. Tô Hoài đã về già, nhưng Tô Hoài vẫn trẻ trung, vẫn còn đó trong một con người nhà văn đích thực – con người thủng thẳng nói se sẽ những chân lý to lớn thuộc thân phận con người. 

Những năm cuối đời cả của Tô Hoài và của tôi (Tô Hoài tuổi Dần mất năm nay ở tuổi 95, còn mấy con Nhâm Thân chúng tôi năm nay đang loi thoi trên tám chục), tuy vẫn hết lòng yêu Tô Hoài, song chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Nhưng vào đầu năm 2011, trong khi chờ Tết đến, tôi đã lẩn mẩn viết vở kịch cho trẻ em tiểu học, Chuyện Dế Mèn, với tâm niệm rằng, trái đất này có thể xoay tới đâu thì cứ xoay, song Dế Mèn của Tô Hoài thì vĩnh viễn không thay đổi trong lòng bạn đọc đủ lứa tuổi. 

Vở Dế Mèn đã được trình diễn vào tháng 11 năm 2011 tại trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (nhóm kich học sinh trường Nguyễn Văn Huyên), và còn được diễn lần nữa nhân dịp Ngày Hội Sách 2014 bởi học sinh lớp 5 trường Olympia. Trong cả hai dịp, các em học sinh đều không diễn được đoạn tôi viết về nhân vật Cụ Tô Hoài – con người tôi những ước ao đưa lên sân khấu với những nét tinh nghịch, tươi vui, một nhà văn của người lớn và của trẻ em (vì người lớn nào thì cũng có thời là trẻ em – Saint-Ex đã nói thế)…

Và hôm nay thì người đã đi rồi, Tô Hoài ơi. Vĩnh biệt anh, người được yêu nhiều hơn là bị chê trách, người được kính trọng nhiều hơn là bị ngờ vực… Ai ai thì rồi cũng vậy cả thôi. Một cuộc đời khép lại. Những công việc chính mình đã đem lại cho đời mới là phần quan trọng. Không ai đo được những đóng góp đến đâu của một người như Tô Hoài. Mọi kể lể đều vô ích, đều vô lý.

Chỉ tiếc… Tiếc gì? Chín mươi lăm tuổi, tiếc gì nữa? Tiếc không còn thêm thời giờ để có những… Làm sao còn có được những hừng hực Dế Mèn, Giăng thề, Nhà nghèo… Làm sao còn có được những thâm trầm của Cát bụi chân ai, của những Chiều chiều… và của những Ba người khác … 

Không tiếc nữa. Tô Hoài, anh đóng góp thế là quá nhiều rồi. Chúng tôi nhớ anh – chúng tôi, những người từng là trẻ em, những người mãi mãi là bạn cùa Dế Mèn. 

Vĩnh biệt, 
Phạm Toàn

2 nhận xét :

  1. 30 năm trước, thuở còn thơ bé, vẫn thường mải chơi, trốn việc đi bắt chuồn chuồn, đi dính ve sầu, đổ lỗ dế ven đê, v.v... thích vô cùng những truyện Dế Mèn, Đất rừng phương Nam v.v...

    Trả lờiXóa
  2. con ngựa già cuối cùng cũng dừng bước, chỉ có Dế Mèn là sống mãi.

    Trả lờiXóa