Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

370 năm trước: THỦY QUÂN CHÚA NGUYỄN ĐÁNH TAN MỘT HẠM ĐỘI HÀ LAN

 
 MÙA HÈ 370 NĂM TRƯỚC, THUỶ QUÂN CHÚA NGUYỄN
ĐÁNH TAN MỘT HẠM ĐỘI HÀ LAN

Đào Tiến Thi

Từ giữa thế kỷ XVI, người phương Tây (hồi đó gọi là Tây Dương) bắt đầu có quan hệ giao thương với cả hai xứ (Đàng Ngoài và Đàng Trong) của Việt Nam. Trong thế kỷ XVII, thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp đến buôn bán khá tấp nập ở Đàng Trong. Lợi dụng quan hệ giao thương, người phương Tây đã bắt đầu có những hành động gây hấn để chuẩn bị cho việc đặt ách thực dân một khi có đủ điều kiện. Tuy nhiên các hành động gây hấn của người phương Tây đều bị các chúa Nguyễn đánh trả. Trận xuất sắc nhất đã diễn ra ở cửa Eo (nay là cửa Thuận An – TP. Huế ) vào mùa hè năm 1644 (có tài liệu nói tháng 7-1644), cách ngày nay 370 năm.

Thời gian này cuộc chiến Trịnh – Nguyễn đang hồi khốc liệt. Chúa Nguyễn lại vừa mới làm mất lòng người Hà Lan khi cho tịch thu hàng hoá, tiền bạc của chiếc mấy tàu của họ bị đắm ở Cù Lao Chàm và quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó chúa Trịnh ở Đàng Ngoài có nhiều chính sách ưu đãi. Vì thế người Hà Lan ngầm ủng hộ chúa Trịnh.

Nguyên do trực tiếp của sự kiện này là, theo yêu cầu của chúa Trịnh, người Hà Lan đã cho ba chiếc tàu đồng có trang bị nhiều trọng pháo tiến vào cửa Eo gây hấn. Chúa Trịnh Tráng hứa sẽ trả cho Hà Lan 20.000-30.000 lạng bạc và nếu thắng sẽ tặng cả đất Quảng Nam cho người Hà Lan.

Được tin, chúa Nguyễn Phúc Lan cho hỏi một người Hà Lan đang làm việc cho chúa về thực lực của hạm đội Hà Lan. Người này trả lời: “Tàu Hà Lan chỉ sợ mãnh lực và quân đội của trời thôi”. Chúa cảm thấy bị xúc phạm liền họp quần thần bàn kế đánh. Trong lúc quần thần phân vân, chúa cũng chưa quyết thì một người con thứ hai của chúa là Thế tử Nguyễn Phúc Tần (sau là chúa Nguyễn Phúc Tần), lúc đó đang giữ chức Thái phó, nghe tin có giặc biển đến cướp phá, không cần đợi lệnh, đã cùng với Chưởng cơ Tôn Thất Trung đốc thúc thuỷ quân ra đánh. Quân ta có khoảng 50 chiến thuyền, xông thẳng vào hạm đội giặc. Đại bác trên tàu Hà Lan bắn ra như mưa nhưng chiến thuyền của ta vẫn lướt như bay, bao vây tàu giặc cả bốn phía, khiến cho “quân giặc cả sợ, nhằm thẳng phía đông mà chạy” (Đại Nam thực lục). Hai chiếc chạy thoát (có tài liệu nói một chiếc đâm phải đá ngầm bị chìm). Chiếc thứ ba to lớn nhất liều chết chống lại. Quân ta nhảy lên tàu đánh cận chiến, chặt cột buồm, bẻ gãy bánh lái. Quân Hà Lan thua, cùng đường phải cho nổ kho thuốc súng. Bảy tên nhảy xuống biển bơi bộ để thoát thân nhưng bị quân ta bắt sống.

Chúa Nguyễn Phúc Lan khi nghe tin Thế tử đã xuất quân thì cả sợ, vội tự đốc xuất đại binh tiếp ứng. “Vừa tới cửa biển, xa trông khói đen bốc mù trời (chúa) kíp ra lệnh cho các quân tiến lên. Tới khi được tin thắng trận, chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ. Thế tử đến bái yết. Chúa giận lắm trách rằng: “Mày làm Thế tử, sao không thận trọng giữ mình?”. Lại trách Trung về tội không bẩm mệnh. Trung cúi đầu tạ tội giờ lâu, rồi nhân khen ngợi oai phong anh dũng của thế tử không ai kịp được. Chúa cười nói rằng: “Trước kia tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa. Bèn trọng thưởng cho rồi khiến xa giá về cung”(Đại Nam thực lục).

Đây là trận đụng đầu đầu tiên với thực dân phương Tây của người Việt Nam. Nên nhớ rằng chúa Nguyễn đến đời Nguyễn Phúc Lan mới là đời thứ ba, và giang sơn họ Nguyễn đến lúc đó chỉ là một dải hẹp ven biển Trung Bộ, từ phía nam Quảng Bình đến Phú Yên (vì thế các chúa Nguyễn ở Đàng Trong vẫn coi Đàng Ngoài là “nước lớn”). Còn về phía Hà Lan thì lúc này đã là một đế quốc lớn, một thế lực kinh tế hàng hải lớn nhất thế giới ở thế kỷ XVII. Tại Đông Nam Á, Công ty Đông Ấn của Hà Lan có thủ phủ tại Jakarta và Indonesia bị coi như là thuộc địa của Hà Lan.

Đời sau có thơ rằng:

Năm Quý Mùi tướng quân Trịnh Tạc
Lĩnh đại binh đến Bắc sông Gianh
Bất ngờ đánh úp thật nhanh
Tấn công Nhật Lệ chiếm thành giữ dân
Người Hà Lan giúp ngầm Trịnh Tráng
Ba chiến thuyền dàn sẵn ngoài khơi
Đàng Trong trinh sát đã hay
Lập ra kế hoạch đợi ngày phản công
Nguyễn Phúc Tần cho dùng tàu chiến
Khi Hà Lan đã đến gần bờ
Tấn công lúc địch bất ngờ
Đánh chìm một chiếc giong cờ đuổi theo
Đến tháng ba cường triều nóng bức
Gió hạ Lào thổi rát thịt da
Sức quân cạn kiệt can qua
Vua Lê hạ lệnh rút ra trở về.

Đ.T.T

3 nhận xét :

  1. Đề nghị anh Đào Tiến Thi triển khai thêm đề tài này . Vì Chúa Nguyễn ở Đàng Trong tiếp theo đến Nhà Tây Sơn và đầu triều đại Nhà Nguyễn cụ thể là thời Vua Minh Mạng, truyền thống thủy chiến và lực lương thủy quân của Đại Nam, nhất là phía Nam , rất mạnh , thống lĩnh ĐNÁ, và các nước phương Tây rất kính nể . Chỉ tiếc rằng đến đời Tự Đức, các tướng tài về thủy quân lần lượt qua đời, các tầu chiến không được canh tân , tiếp thu kĩ thuật mới, khiến thủy quân Đại Nam đầu hàng trước họng súng của Pháp !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác Nam Bộ. Vì chưa có điều kiện nghiên cứu sâu nên tôi chưa dám chắc thuỷ quân của chúa Nguyễn và đầu triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng) "thống lĩnh Đông Nam Á" nhưng bằng những gì mình biết + suy diễn qua việc cha ông ta chiếm hữu Hoàng Sa, Trường Sa từ rất sớm và liên tục mà không có đối thủ cạnh tranh chứng tỏ thuỷ quân ta thời đó khá mạnh. Hay trận Rạch Gầm, Xoài mút (1-1875), quân ta đại phá 2 vạn quân Xiêm + 3 - 4 nghìn quân Nguyễn Ánh. Khi nào có điều kiện tôi sẽ viết về trận đại phá quân Xiêm nói trên và các trận trên biển khác như trận tiêu diệt hải tặc Nhật Bản ở Cửa Việt (1585) do Hoàng tử Nguyễn Phúc Nguyên (sau là chúa Nguyễn Phúc Nguyên), đời chúa Nguyễn Hoàng, chỉ huy ; trận đánh bật quân Anh trên đảo Côn Lôn (1702) do tướng Trương Phúc Loan chỉ huy...

      Xóa
  2. Nghe ra cũng chẳng khác gì
    Giúp ta ta chẳng tiếc gì hoàng trường sa
    Chúa nguyễn thì giữ nước nhà
    Mở mang bờ cõi, tên là Việt Nam
    Phường kia một lũ bội tình
    No cơm ấm cật, phận mình mình lo
    Mặc cho đất nước cơ đồ
    Vào tay phương bắc tội hồ khó phai
    Dân Nam hào kiệt anh tài
    Anh thư, liệt nữ quyết đòi giang sơn.

    Trả lờiXóa