Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

ĐÊM CUỐI CÙNG CỦA NHÀ VĂN TÔ HOÀI TRÊN DƯƠNG THẾ


Lễ truy điệu và lễ viếng Nhà văn TÔ HOÀI (Nguyễn Văn Sen) được tổ chức vào hồi 9h00 thứ Năm, ngày 17/7/2014 (tức ngày 21 tháng 6 năm Giáp Ngọ) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ an táng được tiến hành cùng ngày tại nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội).

Đêm nay là đêm cuối cùng của Tô Hoài trên dương thế! Ngày mai, đông đảo văn giới, thân hữu, gia quyến, bạn đọc sẽ đến để cúi xuống linh cữu Ông, vĩnh biệt Ông về cõi vĩnh hằng.

Để tỏ lòng thương tiếc Ông, chúng tôi đăng tải bài của một số nhà văn, nhà báo, bạn đọc, viết khi ông vừa nằm xuống:

Nhà báo Vĩnh Quyên
(Đài Tiếng nói Việt Nam)
NHỚ CỤ DẾ MÈN
Hôm qua đang đi trên tàu thì biết tin cụ Dế Mèn mất- hưởng thọ 95 tuổi!
Hôm nay lên cơ quan, mở kho băng lưu trữ thời làm phát thanh ngày xưa thấy còn một cuộn băng bên ngoài đề: Băng Cụ Tô Hoài ( P/v ở nhà Đoàn Nhữ Hài).
Mở nghe đoạn đầu, cái giọng nhỏ nhẹ của ông cụ làm mình chợt nhớ lại cái không gian của buổi phỏng vấn ấy.
Đó là buổi phỏng vấn dành cho 50 năm ngày Giải phóng Thủ Đô- tháng 10 năm 2004. Cụ Tô Hoài có rất nhiều tác phẩm viết về Hà Nội nên mình đinh ninh như đóng gạch là thế nào cụ cũng có rất nhiều kỷ niệm về ngày này.

Thế là, chọn một buổi sáng mùa thu trong vắt, mình ôm một bó hoa cúc vàng rực rỡ đến nhà cụ ở cái ngõ nhỏ Đoàn Nhữ Hài. Một bà cụ ăn mặc đúng kiểu Hà Nội, tóc búi trần, áo cánh, quần lụa phẳng phiu, trang nhã, lịch sự ra mở cửa, cụ bảo, cô ngồi đợi tý rồi ông nhà tôi ra.
Mình và cụ Tô Hoài ngồi ở cái bàn nhỏ ngoài phỏng khách, cửa nhà mở nhìn thấp thoáng ra cái ngõ nhỏ vắng hoe. Trình bày mục đích buổi phỏng vấn, cụ Tô Hoài cười cười rồi nói. Mình nhớ ông cụ nói nhỏ nhẹ trái ngược với vóc người to lớn của mình: Tôi không thể nói gì về ngày giải phóng Thủ Đô cả!
Thấy mình ớ ra, đôi mắt đầy dấu hỏi kiểu như tại sao bác lại không thể nói, điều bác định nói có gì nguy hiểm hay sao mà bác không nói - cụ Tô Hoài nói ngay: Rất tiếc tôi không thể nói gì vì đơn giản là tôi không có mặt ở Hà Nội lúc đó!!!
Ôi trời, cụ nói nhỏ nhẹ mà có cảm giác như sao quả tạ rơi đánh rầm vào đầu con bé. Chắc thấy vẻ thất vọng trên mặt mình, cụ lại nhỏ nhẹ: tôi là người không có duyên với những sự kiện lớn của Hà Nội. Cách mạng tháng Tám, Giải phóng Thủ đô tôi đều đang đi công tác ở nơi khác. Sau mấy hôm tôi mới về đến Hà Nội. Nói đến đây mình cảm giác mắt cụ Dế Mèn ánh lên rất hóm hỉnh và tinh quái.
Thế là buổi phỏng vấn cho ngày 10/10 đi đứt. Thay vào đó là câu chuyện về Hà Nội, về nghề viết, về Dế mèn ...cũng rất thú vị.
Trong suốt buổi phỏng vấn, cụ bà đi lại thật nhẹ nhàng để tránh gây tiếng động làm ảnh hưởng đến hai bác cháu.
Một chi tiết nữa mà mình nhớ mãi, ấy là trí nhớ của nhà văn. Đang trò chuyện thì có chuông điện thoại bàn nên cụ Tô Hoài bảo mình đợi chút rồi đi vào nhà trong. Mình tắt máy ghi âm và ngồi đợi. Mấy phút sau cụ quay ra, mình bật băng và chưa kịp nói gì thì cụ nói tiếp luôn đúng vào cái câu đang nói dở. Phục cụ luôn:=)))
Suốt cuộc trò chuyện mình chưa thấy có lần nào cụ Tô Hoài cao giọng. Cứ nhẹ nhàng, cứ rủ rỉ, cứ hóm hỉnh và tinh quái đúng chất Dế mèn.
Kết thúc cuộc trò chuyện. Chào cụ ra về. Cụ cười rất hiền. Cụ bà nhẹ nhàng tiễn khách.
Cánh cửa ngôi nhà nhỏ trong con phố nhỏ của Hà Nội cũng khép lại khẽ khàng. Có cảm giác ở đâythời gian trôi chậm rãi như đời chả có gì phải vội vã...
Nhà văn Ngô Văn Giá
(PGS.TS, Trưởng Khoa Viết văn, ĐH Văn hóa)
Cụ Tô Hoài đã trở về "Cát bụi...". Nhưng anh hoa của Cụ vẫn "Chiều chiều" cùng Đất nước.
Ngày Cụ còn khỏe, mình đã mấy lần đón Cụ đến nói chuyện với học viên viết văn. Có khi vì công việc, có khi chỉ đến thăm thôi, mình khá nhiều lần gặp Cụ. Cụ luôn hóm hỉnh, tinh anh, tinh quái nữa.
Mình nhớ, có lần Cụ bảo: bọn trẻ bây giờ lạ lắm, có cậu gặp mình lại hỏi: Bác có nhớ cháu không. Ơ, mình nghĩ, lạ nhỉ, anh là cái thá gì mà tôi phải nhớ...Đấy, cũng là một câu nói...
Có lần mình đi công tác miền Tây Nam Bộ (quãng năm 2000 thì phải ) cùng Cụ và một số nhà văn khác. Nhớ hôm ngồi ăn cơm ở Bến Tre cùng với Cụ và các nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Phạm Tiến Duật, thầy Nguyễn Đăng Mạnh, Chu Văn Sơn...Đang lúc mọi người tán chuyện rôm rả, cụ ghé vào tai mình, rồi liếc vào CV Sơn bảo: "Cậu này chả phải tán, gái cứ thế nó theo. Còn cậu, tán gái tốn công lắm". Ha ha. Nghiệm ra đúng thật. Bây giờ vẫn đúng.
Vài mẩu chuyện nho nhỏ ghi ra đây để tưởng nhớ Cụ, một nhà văn lớn của đất nước đã đi xa hôm nay 7/7/2014. Biết rằng tuổi Cụ cũng đã đến cõi. Nhưng nghe tin Cụ ra đi vẫn cứ thấy thật buồn...
Nhà văn Phạm Đình Trọng
(Văn Đoàn độc lập Việt Nam)

THƯ VIẾT TAY CỦA NHÀ VĂN TÔ HOÀI

Tôi đã gặp nhà văn Tô Hoài nhiều lần và một lần đi với nhà văn Vũ Bão đến nhà Tô Hoài ở 21 ngõ Đoàn Nhữ Hài, phố Trần Quốc Toản, Hà Nội.


Ngay từ khi nhận chức Phó Tổng biên tập kiêm trưởng ban biên tập chuẩn bị cho ra đời tờ báo mới của bộ Văn hóa Thông tin, báo Điện Ảnh Việt Nam, thời kì đầu nửa tháng một kì, nhà văn Vũ Bão đã muốn tôi về làm báo với ông. Vũ Bão đưa tôi đến xem hai gian phòng còn trống không sẽ đặt tòa soạn báo Điện Ảnh Việt Nam ở 65 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Vũ Bão giới thiệu tôi với Tổng biên tập, PGS Bành Châu. Vũ Bão bảo tôi: 

- Về đây gây dựng tờ báo với bọn mình. Bọn mình đều sắp đến tuổi về nghỉ rồi. Nhưng tôi cứ lưỡng lự vì đang làm biên kịch ở xưởng Phim Quân đội cũng là một việc thú vị với tôi.
 
Dù chưa về báo, Vũ Bão vẫn coi tôi như người của báo. Khi lên đề cương nội dung mỗi số báo, Vũ Bão đều tranh thủ ý kiến tôi và nhà văn Hòa Vang rồi hỏi tôi và Hòa Vang xem có thể nhận viết cho bài nào. Định mức sản phẩm của tôi ở xưởng Phim Quân đội một năm hai kịch bản phim tài liệu cũng khá nhẹ nhàng nên tôi có nhiều thời gian đi viết bài cho báo của Vũ Bão. Ban biên tập của Vũ Bão ở báo Điện Ảnh Việt Nam có bốn, năm người viết trẻ trung nhưng Vũ Bão để cho họ hoàn toàn tư do.

Một mình lo bài vở cho tờ báo vừa ra đời nhưng nhà văn Vũ Bão vẫn đều đặn có truyện ngắn đăng báo. Truyện ngắn “Người Vãi Linh Hồn” trên báo Văn Nghệ, hội Nhà Văn Việt Nam và truyện ngắn “Nhà Trẻ Không Có Bô” trên báo Nhân Dân Chủ Nhật. Tôi rất thích cách phát hiện ý tứ và giọng văn châm biếm hóm hỉnh rất Vũ Bão trong hai truyện ngắn trên, nhất là truyện “Nhà Trẻ Không Có Bô”. Có cơ quan nhà nước nghe tên rất sang trọng nhưng chỉ như cái nhà trẻ để các quan lớn gửi lũ con cái không biết làm gì đến chiếm những chiếc ghế với những chức danh hào nhoáng chỉ để ngồi chơi và lĩnh lương. Có lẽ chính cái ban biên tập báo Điện Ảnh Việt Nam của Vũ Bão đã gợi cảm hứng cho ông viết truyện ngắn “Nhà Trẻ Không Có Bô” này.

Với chiếc xe đạp cà tàng, Vũ Bão cứ kẽo kẹt đạp xe từ nhà ông ở ngõ Quỳnh, Bạch Mai đến tòa báo ở 65 Trần Hưng Đạo, đến chỗ tôi ở và làm việc trong xưởng Phim Quân đội, 17 phố Lý Nam Đế. Không bao giờ tôi phải cầm giấy giới thiệu đi lấy tư liệu viết bài cho báo Điện Ảnh của nhà văn Vũ Bão. Mỗi người một xe đạp, tôi và Vũ Bão cùng đến các hãng phim xem bộ phim của hãng vừa hoàn thành. Vũ Bão dẫn tôi đến giới thiệu với đạo diễn Trần Đắc, đạo diễn Quốc Long, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy. . . Vũ Bão đưa tôi đến khách sạn gặp đạo diễn Việt Linh, diễn viên Minh Trang, nhà làm phim Lý Huỳnh mới từ Sài Gòn ra. Một sáng chủ nhật, Vũ Bão rủ tôi đến thăm diễn viên nổi tiếng Lâm Tới đang ốm nằm liệt ở nhà khách của Nhà Hát Kịch Việt Nam, phía sau Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Khi tôi đồng ý chuyển từ xưởng Phim Quân đội về báo Điện Ảnh Việt Nam, Vũ Bão lại xăng xái cùng tôi đi làm các thủ tục. Chỉ còn chữ kí cuối cùng tiếp nhận tôi về báo Điện Ảnh Việt Nam thì hồ sơ của tôi cứ nằm im lìm từ tháng này sang tháng khác ở vụ Tổ chức Cán bộ, bộ Văn hóa Thông tin. Tôi chẳng có gì phải sốt ruột nhưng Vũ Bão thì không yên.

Ngày đó nhạc sĩ Trần Hoàn là Bộ trưởng bộ Văn hóa Thông tin, nhà văn Tô Hoài là Chủ tịch hội Văn học nghệ thuật Hà Nội đồng thời là Tổng biên tập báo Người Hà Nội và nhà văn Vũ Bão là Phó Chủ tịch hội Nhà Văn Hà Nội. Một buổi tối nhà văn Vũ Bão dẫn tôi đến 21 ngõ Đoàn Nhữ Hài thăm nhà văn Tô Hoài. Mới nghe Vũ Bão nói qua chuyện tôi chuyển về báo Điện Ảnh của bộ Văn hóa Thông tin đang bị bế tắc, nhà văn Tô Hoài cười mủm mỉm: Họ chờ cái phong bì của các anh đấy. Để tôi viết cho anh Trần Hoàn mấy chữ rồi các anh mang cái phong bì của tôi đến cho anh Trần Hoàn. Nhà văn Tô Hoài lấy tờ giấy và cái phong bì có tiêu đề của báo Người Hà Nội viết rất nhanh rồi đưa cả thư và phong bì cho tôi.

Tối chủ nhật 6.7.2014, vào facebook đọc tin nhà văn Tô Hoài mất trưa nay ở Hà Nội, tôi liền rời laptop, đến tủ sách kê bên cửa sổ tìm bản chụp bức thư ngày nào của nhà văn Tô Hoài. Đến lúc đó tôi mới chợt nhận ra trời Sài Gòn đang mưa. Trong căn phòng nhỏ ở Sài Gòn xa xôi, tôi cứ ngồi lặng nhìn nét chữ nhà văn Tô Hoài, bồi hồi nhớ một tối Hà Nội, nhớ một người viết đúng nghĩa nhà văn nhất của Việt Nam, một thư kí của thời đại, của xã hội Việt Nam thời đầy biến động.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên
(Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội)
Tưởng nhớ nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014): Nhà văn tiếp nghiên cứu sinh Alec Holcombe (Mỹ) tại nhà con gái ông ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là vào ngày 9/7/2008, khi đó Alec đang làm luận án tiến sĩ về lịch sử Việt Nam hiện đại, tập trung vào cuộc cải cách ruộng đất. Anh nhờ tôi xin gặp nhà văn Tô Hoài để hỏi chuyện ông về chủ đề này, nhân cuốn tiểu thuyết "Ba người khác" của ông vừa ra. Trong câu chuyện Alec cũng xin phép nhà văn được dịch tác phẩm ấy ra tiếng Anh, nhưng ông bảo chuyện đó cứ để tính sau, và có ký tặng Alec một cuốn. Alec Holcombe hiện nay đã thành tiến sĩ, giảng dạy tại đại học Ohio.




Nguyễn Việt Hải
(SV Học viện Ngoại giao)

Năm tôi lên 9 tuổi, tôi không nhớ do đâu mà mẹ lại mua "Dế mèn phiêu lưu ký" cho tôi nhưng tôi đã mê mẩn đọc đi đọc lại đến khi thuộc từng chi tiết.

 Và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết ngồi ngẩn ngơ nghĩ đến cái chết của Dế Choắt, cái hang thê lương và cuộc sống ảm đạm của ông anh hai đáng thương của Dế Mèn, sự khỏe khoắn trong từng bước đi của hai chú dế, vẻ bâng khuâng khi tập sách kết thúc mà những chuyến đi tiếp theo sẽ vẫn còn ...
Đó là cuốn sách mẫu mực đầu tiên mà tôi đọc trong đời!
Đã có những khi tôi tưởng đã mất nó vĩnh viễn nhưng rồi nó lại trở về với tôi khi đã nhuốm màu thời gian. Tôi đã gìn giữ cuốn sách cho đến tận bây giờ như một cột mốc cho lần đầu tiên trong đời tôi biết đọc sách.
Xuống Hà Nội học, tôi đã ao ước bao lần được đến Nghĩa Đô thăm ông. Nhưng rồi tất cả lại chỉ nằm trong dự định sau bao nhiêu dự định khác.
Tôi chưa được gặp ông nhưng tôi đã có Dế Mèn và tôi bắt đầu biết đến sự kỳ diệu của những cuốn sách từ sau khi quen Dế Mèn vào những ngày 9 tuổi ấy.
Con người tôi hôm nay có một phần lớn nuôi dưỡng của ông.
Tôi đã nuôi ý định tới thăm ông suốt bốn năm qua và cũng chia sẻ ý định ấy với nhiều bạn bè của mình.
Và chiều hôm nay, khi tôi đang sống những giờ phút thật bình yên ở một miền quê, quê ngoại - cũng như nơi ông đang sống là quê ngoại mình, ngồi trước một cánh đồng buổi chiều rộng lớn cùng với những người thân, có diều của lũ trẻ đang thả, có triền đê bao quanh xóm làng và chắc hẳn cũng có nhiều hang dế ... thì tôi được biết ông đã theo những ngọn cỏ trở về với cát bụi.
Hụt hẫng và nghẹn ngào!
Tôi không bao giờ có cơ hội thực hiện một điều mình khao khát là đến thăm ông và xiết chặt bàn tay đồi mồi của ông nữa.
Lại một lần nữa tôi đánh rơi mất những điều ý nghĩa chỉ vì không đủ vội vàng, không đủ nhiệt huyết như chú dế của ông và của tôi để hoàn thành mong ước của mình dù tôi từ lâu đã nghĩ rất nhiều về ông.
Những gì tôi có bây giờ chỉ là những cuốn sách ông viết.
Và đây là một bài học nữa ông dành cho tôi trước khi dừng lại những trang viết - đừng bao giờ nán lại quá lâu những dự định cháy bỏng của mình!
Xin gửi tới ông một nén nhang trong tâm tưởng, con người mà tôi vô cùng kính trọng!
Nhà báo Đỗ Thu Hà
(Báo Tuổi trẻ)
 

Mình không thích Dế Mèn, đấy không phải truyện trẻ con mà là truyện người lớn dùng giọng trẻ con, lộ và không hay.
Nhưng mình có 8 năm tuổi nhỏ sống ven hồ Tây, sát làng Nghĩa Đô, và 8 năm làm mẹ hầu như chiều nào cũng chở con xuyên làng Nghĩa Đô về nhà. Nên mình yêu Giăng Thề Chuyện cũ Hà Nội.
Đi làm báo, có bao nhiêu vui buồn, nghĩa vụ và phận sự, nhưng cũng có những lúc hạnh phúc thực sự, đấy là đọc sách từ khi còn bản thảo, viết say sưa, chỉ đợi sách từ nhà in ra chạy đến cửa phòng lưu chiểu là gửi bài vào TS, và báo ra trước khi ai đó kịp đọc, kịp thì thào mách, kịp bị tuýt còi.
Và ông, nhà văn thường được mệnh danh là Dế mèn tuổi thơ, đã cho một nhà báo hạng ruồi như mình những giây phút hạnh phúc làm nghề hiếm hoi ấy, khi viết giới thiệu 2 cuốn Chiều ChiềuBa người khác.
Đó mới là một Tô Hoài thực sự, tầm cỡ, lớn lao dù tác phẩm của ông viết về sự tha hoá và bẩn thỉu.
Ông 94 rồi, cuộc đời này vui buồn đắng cay trải đủ hết. Và may mắn hơn hầu hết bạn cùng thế hệ, ông không phải trải qua bom đạn hay đấu tố gì. Ông chắc là đi nhẹ nhàng lắm, như giăng thề vẫn mỏng manh lơ lửng đầu làng Nghĩa Đô, trên Hồ Tây đang hẹp dần.
Nguồn: FB của Vĩnh Quyên - Phạm Đình Trọng - Văn Giá - Phạm Xuân Nguyên 
- Nguyễn Việt Hải - Đỗ Thu Hà.
 

2 nhận xét :

  1. Tôi gặp bác Tô Hoài chỉ vài lần, và vào những năm cuối đời, khi bác đã già lắm, cho nên không dám ngồi lâu, không dám hỏi nhiều, sợ bác mệt. Tuy vậy cũng có ít chuyện có thể kể. Đã có lúc ngồi vào bàn khởi sự một bài, nhưng rồi lại bỏ dở đấy. Từ hôm được tin bác từ trần, cũng muốn viết viết ngay một cái gì đó, nhưng không sao bình tĩnh để viết được. Ngoài công việc bận rộn hằng ngày, thì cái giàn khoan lưu manh (chữ của anh Andre Menras) Trung Cộng lúc nào cũng gây ra sự bức bối, làm sao mà bình tĩnh được?
    Tôi chỉ xin kể ra đây một chi tiết của lần gặp cách đây 3 năm, vào hôm 5-9-2011 khi đưa con trai Đào Lê Tiến Sỹ nhập trường và dự khai giảng tại ĐHSP Hà Nội. Chả là tự nhiên chiều tối hôm trước nghĩ ra rằng: Tại sao nhân dịp này lại không cho con trai gặp một nhà văn Tiền chiến còn sót lại, lại là một nhà văn vô cùng gần gũi với thanh thiếu niên như cụ Tô Hoài? Chỉ e sức khoẻ của cụ hồi này khá thất thường. Gọi điện. Cụ nhận lời. Có vẻ hơi thờ ơ. Cụ yếu hay không muốn tiếp? Nhưng đã nhận lời thì cứ đến. Mươi phút thôi. Chỉ để con trai sờ được vào người cụ Tô Hoài bằng xương bằng thịt.
    Ấy thế rồi ngoài dự kiến, cụ khoẻ mạnh và rất vui. Ngồi được đến hơn một tiếng đồng hồ, chuyện rất là rôm rả (khi nào bình tĩnh sẽ kể sau), cho đến tận lúc con gái cụ xuống giục ăn cơm trưa. Giá đến được sớm thì chắc được ngồi trò chuyện nhiều hơn.
    Nhớ nhất câu nói của cụ với cu Sỹ lúc ra về. Cụ vỗ vỗ vào vai thằng bé, bảo: "Này, viết văn đi nhé. Bằng tuổi cậu là tôi có truyện đăng báo rồi đấy".

    Trả lờiXóa
  2. Nhật tân hựu nhật tânlúc 05:43 17 tháng 7, 2014

    Cụ về với những chú Dế Mèn . Từ nay Dế Mèn không còn phiêu lưu nữa mà gặp được cố tri rồi . Vĩnh Biệt Cụ Tô Hoài ! Dế Mèn Phiêu Lưu Ký mãi mãi là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất !

    Trả lờiXóa