Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Trần Kinh Nghị: LỰA CHỌN NÀO CHO VIỆT NAM?

 

Lựa chọn nào cho Việt Nam?

02-06-2014

Những ai theo dõi diễn biến tình hình vụ giàn khoan Haiyang981 và không khí tranh luận suốt tháng nay đều không tránh khỏi cảm giác ê chề thất vọng khi nghe người đứng đầu QĐNDVN phát biểu tại Hội nghị Sangri-la mới đây. Từ sự im lặng khó hiểu của người đứng đầu Đảng đến bài phát biểu mạnh mẽ rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ và bây giờ là lời phát biểu “ôn hòa” đến mức nhạt nhòa của người đứng đầu Quân đội(*) đã tạo nên những cung bậc trầm bổng gây bức xúc đối với hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước. 

Thử hỏi giờ đây đại đa số người Việt Nam muốn gì nếu không phải là chống kẻ thù xâm lược có tên Trung Quốc? Đó không chỉ là mục đích trước mắt mà cả lâu dài. Và để đạt mục đích đó không thể không tính đến việc một lần nữa phải lựa chọn bạn/thù theo đúng nghĩa “bạn/thù là tạm thời,lợi ích quốc gia là vĩnh viễn” mà nhân loại đã đúc kết.    

Đây không phải là lần đầu Việt Nam đứng trước sự lựa chọn có liên quan đến nhân tố Trung Quốc. Nếu chỉ tính từ Cách mạng tháng Tám 1945 ít nhất đã có ba lần lựa chọn – đó là a)chọn sự quay lại của quân Pháp để đuổi quân Tàu ô (Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946);b)chọn đi với ông anh cả Liên Xô bỏ ông anh hai Trung Quốc (sau 1975); và chọn “giải pháp đỏ” đi với Trung Quốc thay vì giải pháp với Mỹ và Phương Tây hoặc Liên hợp quốc để kết thúc 10 năm sa lầy ở Camphuchia. 

Tù binh TQ bị bắt trong cuộc chiến  biên giới 2-1979
Tù binh TQ bị bắt trong cuộc chiến biên giới 2-1979

Khách quan mà nói, hai trong ba lần lựa chọn đó Việt Nam đã chọn nhầm và đã phải trả giá bằng những thiệt hại vô cùng nặng nề. Đó là việc chọn Liên Xô thì mất Trung Quốc để rồi không tránh được cuộc chiến tranh biên giới 1979; và việc chọn “giải pháp đỏ” với Trung Quốc thì mất thế giới để cuối cùng vẫn mất cả chì lẫn chài trong canh bạc Campuchia.   

Lịch sử lại lặp lại khi giờ đây đất nước một lần nữa phải lựa chọn. Biết nói thế nào nhỉ, đành ví nó giống như một người đàn bà sau mấy lần trót dại liệu giờ đây có đủ khôn ngoan và thực dụng để chọn lấy một người đàn ông cho quảng đời còn lại của mình(?) Sự lựa chọn này do đó quan trọng biết bao! Hy vọng rằng người đàn bà bất hạnh Việt Nam lần này sẽ không sai lầm một lần nữa.

Lâu nay có rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam phải “đi với Mỹ”, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng phải giữ gìn quan hệ anh em với Trung Quốc vì nhiều lý do như truyền thống lâu đời, cùng hệ tư tưởng, và thế trời thế đất buộc phải thế(!?), v.v… Đồng thời cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng không nên đi với ai cả mà cứ đứng giữa đi dây miễn là giữ thăng bằng thật khéo! 

Tuy nhiên, có lẽ không mấy ý kiến coi trọng đúng mức một điều đơn giản-đó là quan hệ thì vẫn quan hệ nhưng phải dứt khoát đoạn tuyệt với ý thức hệ tư tưởng và lột bỏ chiếc mặt nạ “anh em”, “4 tốt”, 16 chữ vàng”,”vì đại cục”… vốn là những ràng buộc vô hình khiến nhà Lãnh đạo tối cao của đất nước im lặng và ông Đại tướng thì “đi nhẹ nói khẽ” trong khi các ngành các cấp và doanh nghiệp lúng túng để xảy ra nhiều thua thiệt trong quan hệ với Trung Quốc như đã thấy trong thời gian qua. Đó cũng là nguyên nhân của hiện tượng lúc cấm lúc cho đối với hoạt động biểu tình yêu nước, đồng thời cũng là lý do của việc chần chừ chưa đưa vụ giàn khoan 981 ra tòa án quốc tế.  

Lãnh đạo VN và TQ tại Thành Đô
Lãnh đạo VN và TQ tại Thành Đô

Thiết nghĩ, từ những kinh nghiệm quá khứ áp dụng cho hiện tại, nên chăng lần này Việt nam chẳng cần nhất thiết phải tuyên bố bỏ ai, đi với ai…, mà chỉ cần thực sự dứt bỏ điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi là “hữu nghị viễn vông” với Trung Quốc. Thế là đủ. Nếu vị nào muốn nói hoặc làm điều mà họ cho là khôn khéo, mền dẻo thì họ cứ việc tự nhiên, nhưng không được phép gây bức xúc trong tình cảm của nhân dân là được. Có thể tới đây Trung Quốc sẽ rút, chưa rút thậm chí không rút giàn khoan 981 và giở bất cứ thủ đoạn nào thì người Việt Nam cũng nhất quyết không quay lại với “quan hệ hữu nghị viễn vông”. Thế là được. 

Tóm lại, đã đến lúc để Việt Nam dứt khoát đoạn tuyệt với cái vòng kim cô ý thức hệ cùng những mối quan hệ hữu nghị viễn vông để có đầy đủ tư cách quan hệ bình đẳng và giải quyết mọi tranh chấp với Trung Quốc một cách hòa bình,hai bên cùng có lợi. Có lẽ đó là lựa chọn khả thi nhất đối với Việt Nam ngày nay.  
  
—–

(*) Trích phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Diễn đàn an ninh Sangri-la (phần bôi đỏ là để lưu ý).

“Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc, về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014”.

“Những vấn đề có liên quan đến hai nước thì cần giải quyết song phương”

“… trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi”.

Nguồn: Blog Trần Kinh Nghị.
 

1 nhận xét :

  1. Tối nay xem chương trình VTV1 nói về cuộc triển lãm về các chứng cứ trong quá khứ rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của VN, tôi vô cùng xúc động. Đúng là trong quá khứ xa xôi, hai quần đảo này là của VN, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng chứng cứ là chứng cứ, nó chẳng nói lên điều gì cả khi ra toà. Tôi lại nghĩ đến nước Nga thời Sa Hoàng. Dân Nga, lịch sử Nga có thể dẫn ra hằng trăm, thậm chí hàng nghìn chứng cứ rằng Alaska là của Nga, và kêu gọi chính phủ Nga đòi lại phần đất nay. Nhưng ác một nỗi, phần đất này Sa Hoàng đã bán cho Hoa Kỳ để lấy tiền rồi vậy thì làm sao mà kiện đây? đòi lại đây? Tương tự như hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa trong quá khứ là của VN, ai cũng biết thế và Trung cộng cũng biết thế. Nhưng từ khi chiếm được Hoa Lục, thiết lập chính thể cộng sản, chính phủ Trung công ra tuyên cáo với cả thế giới về lãnh hải 12 hải lý của mình bao gồm các đảo trong đó có Tây Sa và Nam sa ( thực chất là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), thì 10 ngày sau chính phủ VNDCCH do ông Phạm Văn Đồng làm thủ tướng đã vội vàng viết công thư công nhận việc làm này của Trung Cộng. Tuy công thư không nói Hoàng Sa và Trường sa nhưng đã công nhận lãnh hải của họ thì mặc nhiên công nhận hai quần đảo này là của họ rồi. Một cách vắn tắt là ông Đồng đã bán hai quần đảo này cho Tàu, đổi lại người Tàu đã trả cho chính phủ ông một số tiền hậu hĩnh 1 tỷ đô la bằng vũ khí, quân trang lương thực để miền Bắc tiến hành cuộc nhuộm đỏ miền Nam theo lệnh của Liên Xô và Trung cộng. Bây giờ thì kiện thế nào đây trước toà án quốc tế?Đó chỉ mới là cái công thư quái ác của ông Đồng, còn bên trong có những vấn đề gì nữa, người dấn VN có biết không? Một chứng cớ hiển nhiên là năm 1974 Trung Cộng dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa, trong khi Việt Nam Cộng Hoà đánh trả quyết liệt nhưng vì sức yếu thế cô nên đành nuốt hận nhìn bọn Tàu cộng chiếm, trong khi đó thì phía VNDCCH phản ứng ra sao? Im lặng, có nghĩa là đồng ý việc làm của kẻ xâm lược. Vậy thì kiện thế nào? Trước toà án quốc tế thua là cái chắc. Có lẽ vì nghĩ như thế mà BCT, chóp bu của đảng csvn, lặng thinh chăng?

    Trả lờiXóa