Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

TBT BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT ĐINH ĐỨC LẬP GIAN DỐI NHẬN GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA

 .
Ông Đinh Đức Lập gian dối nhận giải báo chí quốc gia

Huy Dũng
Báo Người Cao tuổi - 25/06/2014

Tối 21/6/2014, VTV1, VTV6 và Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình và truyền thanh trực tiếp Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Báo Đại Đoàn Kết đã giành một giải B cho loạt bài “25 năm trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988: Khúc tưởng niệm tháng Ba” của nhóm 4 tác giả. Khi người dẫn chương trình giới thiệu nhóm tác giả lên nhận giải, khán giả thấy có ông Đinh Đức Lập, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đạo mạo bước lên sân khấu nhận Giấy chứng nhận rồi nhận Kỉ niệm chương của Ban Tổ chức. Báo Đại Đoàn Kết ra ngày 23/6/2014 cho biết Đức Anh là bút danh của ông Đinh Đức Lập, một trong những tác giả của loạt bài được giải B. Nhưng đó là một sự gian lận trắng trợn. Bởi ông Đinh Đức Lập (Đức Anh), không có bài tham dự…

Tôi đã đọc 4 bài báo trong loạt bài được giải B của Báo Đại Đoàn Kết “25 năm trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988: Khúc tưởng niệm tháng Ba” của các tác giả: Luật gia Trần Công Trục, Mai Thắng, Khánh Ly và Hoàng Thu Phố (Thanh Bình) đăng trên Báo Đại Đoàn Kết từ ngày 11/3 đến 14/3/2013.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trao Giải B cho loạt bài “25 năm trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988: Khúc tưởng niệm tháng Ba” của Báo Đại Đoàn kết.
Khi xem truyền hình trực tiếp, tôi thấy xướng danh tên tác giả Đức Anh trong loạt bài đoạt giải B. Không biết tác giả Đức Anh là ai, nhưng tôi thấy ông Đinh Đức Lập lên sân khấu nhận giải và còn đại diện cho cả nhóm nhận Kỉ niệm chương do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trao. Ngày 23/6/2014, Báo Đại Đoàn Kết có bài “Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII: Báo chí tiếp tục khẳng định chính nghĩa Việt Nam sáng ngời” cho biết thông tin “nhà báo Đức Anh” chính là ông Đinh Đức Lập.

Không tin vào trí nhớ của mình, tôi xem lại 4 bài báo trong loạt bài của Báo Đại Đoàn Kết đăng tháng 3/2013 vẫn không thấy tên tác giả Đức Anh? Băn khoăn chi bằng đến luôn Hội Nhà báo Việt Nam tìm hiểu. Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Thường trực của Hội đồng giải bận nhiều việc nên giao ông Nguyễn Chí Tiến, Ủy viên Hội đồng trực tiếp giúp tôi tìm hồ sơ lưu trữ.

Báo Đại Đoàn kết ra từ 11 đến 14/3/2013 trong 
loạt bài dự thi không có tác giả nào tên là Đức Anh.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ tìm đi tìm lại rất kĩ các tập hồ sơ, ông Nguyễn Chí Tiến đã cung cấp cho chúng tôi những tài liệu liên quan đến loạt bài “25 năm trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988: Khúc tưởng niệm tháng Ba” dự thi của Báo Đại Đoàn Kết. Chúng tôi chụp lại toàn bộ loạt bài này. Tại phòng làm việc của Hội Nhà báo Việt Nam, không chỉ một lần, tôi xem đi xem lại 4 bài báo trong loạt bài với mong muốn biết đâu sẽ chợt “lộ” ra cái tên Đức Anh. Nhưng vô vọng. Bài kì 4 ngày 14/3/2013 là của Hoàng Thu Phố ghi là “Bài cuối”.

Khi tôi nhìn vào bản “Thống kê danh sách tác giả kèm theo tác phẩm dự giải báo chí quốc gia lần thứ VIII năm 2013” của Chi hội Nhà báo Báo Đại Đoàn Kết ngày 30/3/2014, Phó Thư kí Chi hội Nhà báo Báo Đại Đoàn Kết Nguyễn Thị Cẩm Thúy ghi rõ thông tin về loạt bài “25 năm trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988: Khúc tưởng niệm tháng Ba” dự thi ở phần số thứ gồm 4 kì đăng tải từ ngày 11/3 đến 14/3/2013 mà không có bài nào của Đức Anh.

Ngày 10/6/2014, Chủ tịch BCH Hội Nhà báo Việt Nam,  Nhà báo Thuận Hữu kí Quyết định số 74/QĐ-HĐGBCQG  tặng giải thưởng Giải báo chí Quốc gia lần thứ VIII – năm 2013 tại trang 3, mục II “Giải xã luận, bình luận, chuyên luận (Báo in)” ghi rõ 3 giải B. Loạt bài “25 năm trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988: Khúc tưởng niệm tháng Ba” của Báo Đại Đoàn Kết ở vị trí thứ 3 với tên nhóm tác giả: Đức Anh, Trần Công Trục, Mai Thắng, Khánh Ly, Hoàng Thu Phố.

Tại sao Đức Anh (Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập) không phải là tác giả của bất kì bài nào trong 4 bài báo dự thi lại có tên trong quyết định tặng giải thưởng giải báo chí quốc gia? Tiến sĩ Trần Bá Dung và nhà báo Nguyễn Chí Tiến cho biết: Với số lượng bài gửi dự thi rất lớn, công việc nhiều, thời gian lại gấp rút, nên Ban Thư kí Tổng hợp Giải báo chí Quốc gia không thể tự thống kê được các tác giả, cũng không thể biết được chắc chắn tên tác giả và bút danh của các bài dự thi. Vì vậy, việc thống kê tên tác giả cụ thể trong các loạt bài do Chi hội, Liên chi hội Nhà báo có tác phẩm dự thi cung cấp. Nếu Chi hội Nhà báo Báo Đại Đoàn Kết không cung cấp thì chúng tôi không thể tự nghĩ ra và ghi thêm cái tên Đức Anh vào được…

Như vậy đã rõ, Phó Thư kí Chi hội Nhà báo Báo Đại Đoàn Kết Nguyễn Thị Cẩm Thúy đã đồng lõa với ông Đinh Đức Lập, gian dối một cách trắng trợn, cố ý đưa tên   Đức Anh (Đinh Đức Lập) vào để nhận giải báo chí quốc gia lần thứ VIII.

Tại sao biết mình không có bài dự thi mà Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập vẫn lên sân khấu nhận giải, vẫn ghi tên mình vào nhóm tác giả đoạt giải còn đứng ra đại diện cho nhóm tác giả để nhận Kỉ niệm chương? Thì ra con người này quen tự đánh bóng mình và không có dây thần kinh xấu hổ.

Huy Dũng
 

3 nhận xét :

  1. Có lẽ ông Đinh Đức Lập là "cháu ngoại" của ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư TU Thừa Thiên Huế, nên mới được ông ấy "truyền nghề chăng"?

    Trả lờiXóa
  2. Ơ cái bác Huy Dũng này lẩn thẩn nhỉ? Ông Đức Anh hay ông Đinh Đức Lập gì gì đó việc chi mà cần phải có tác phẩm mới được nhận giải thưởng? Ông í là tổng biên tập có quyền vơ tất cả các bài viết đăng trên báo nhà mình làm bài của ông í mà, phải không các bác?

    Trả lờiXóa
  3. Bây chừ thì làm sao đây hở ông Huy Dũng và anh Tễu ? Hoa hậu khai gian thì tước vương miện, còn ông Lập thì xử sao đây ? Thôi kệ nó, đồ mặt dầy....

    Trả lờiXóa