Cái giá của các Viện Khổng Tử
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân. Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
23-06-2014
Trao
đổi giáo dục giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục. Đi kèm
với những chương trình này không chỉ có các giá trị học thuật mà còn có
cả các rủi ro.
Các Viện Khổng Tử là một ví dụ cho sự
đánh đổi này. Những trung tâm này, vốn được cấp vốn và hỗ trợ mạnh tay
bởi chính phủ Trung Quốc, cung cấp các khóa học về ngôn ngữ và văn hóa
Trung Quốc trên khắp thế giới. Tuy nhiên, không giống như Viện Goethe
của Đức hay Hội đồng Anh của Anh, nhiều trong số các trung tâm này lại
được thành lập trực tiếp bên trong các trường đại học của Hoa Kỳ. Chính
sự kết hợp giữa mối liên kết và sự kiểm soát của Trung Quốc này là nguồn
gốc của rủi ro.
Tuần trước, Hiệp hội các Giáo sư Đại học
Hoa Kỳ đã kêu gọi khoảng 100 trường đại học xem xét lại mối quan hệ của
họ với các tiền đồn văn hóa tiêu biểu này của Bắc Kinh. Hiệp hội viết:
“Thi thoảng ban giám hiệu các nhà trường đã tham gia vào các mối quan hệ
đối tác khiến họ phải hi sinh tính liêm chính của mình. Các Viện Khổng
Tử vận hành như một cánh tay của nhà nước Trung Quốc và được cho phép
tảng lờ quyền tự do học thuật.”
Các quan chức Trung Quốc đã nói rằng các
viện này là chìa khóa giúp mở rộng quyền lực mềm, tạo thành “một bộ
phận quan trọng của bộ máy tuyên truyền ở hải ngoại của Trung Quốc.” Các
Viện Khổng Tử đã tăng nhanh về số lượng, với việc Trung Quốc ra mục
tiêu thiết lập các viện như vậy tại “500 thành phố lớn trên thế giới vào
năm 2020.”
Nếu là vì mục tiêu quyền lực mềm thì sẽ
tốt hơn là vì mục tiêu tuyên truyền. Nhưng việc trao đổi giáo dục cũng
không nên làm phương hại đến quyền tự do ngôn luận, nhất là không nên
với sự hỗ trợ của cộng đồng học thuật Hoa Kỳ.
Tại Đại học North Carolina State
University vào năm 2009, Viện Khổng Tử đã được cho là phản đối lời mời
của trường đối với Dalai Lama, một lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng mà
Trung Quốc coi là kẻ phản quốc. Sự kiện đã bị hủy bỏ. Dù lý do chính
thức được đưa ra là thiếu thời gian và nguồn lực, hiệu trưởng nhà trường
đã nói với Bloomberg rằng “Tôi không muốn nói là chúng tôi không nghĩ
tới việc có hậu quả hay không. Đương nhiên là có. Trung Quốc là một đối
tác thương mại lớn của North Carolina.”
Ba năm sau, giáo viên của viện là Sonia
Zhao đã trình bày trước một phiên tòa về nhân quyền rằng hợp đồng tuyển
dụng yêu cầu cô “không được phép tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp
như Pháp Luân Công”, một phong trào tinh thần mà Trung Quốc coi là mối
đe dọa. Theo tờ Globe and Mail, cô cũng được “tập huấn ở Bắc
Kinh để lảng tránh các chủ đề nhạy cảm trong lớp.” Cô Zhao dạy tại một
trường đại học Canada nhưng những phương thức này cũng được áp dụng tại
các trung tâm thuộc các trường đại học Hoa Kỳ, nơi Trung Quốc kiểm soát
nhiều điều kiện về tuyển dụng và giáo trình.
Việc tự kiểm duyệt – như được minh họa bởi tờ Nation với
việc một nhà quản lý trường Đại học Chicago thừa nhận rằng ông sẽ không
treo một bức hình Dalai Lama trong Viện Khổng Tử của trường – cũng đã
được ghi nhận.
Những mối quan ngại này đã khiến một số
trường đại học từ chối các đề xuất của Trung Quốc. Nhân viên tại các
trường đại học có các Viện Khổng Tử đã ký các đơn kiến nghị để phản đối.
Nhiều người lo lắng về sự bí mật của các hợp đồng không công khai giữa
Trung Quốc với quản lý nhà trường. Một số trường đại học tinh hoa như
Stanford đã thương lượng để không bị ràng buộc bởi các hạn chế, nhưng
các trường đại học khác đã không thể làm được như vậy.
Trung Quốc đã mời chào hàng trăm nghìn,
hay trong một số trường hợp là hàng triệu – đô la, bên cạnh điều mà một
giám đốc Viện Khổng Tử tại Trường Kinh tế London gọi là “một quan hệ đối
tác đã có sẵn”. Nhưng tự do học thuật không thể được trả giá. Các
trường đại học cần công bố các thỏa thuận của mình để chứng minh rằng
không có chỗ cho sự phân biệt đối xử và đàn áp của Trung Quốc. Nếu họ
không thể hoặc không muốn làm như vậy thì các chương trình này nên được
chấm dứt.
Nguồn: Washington Post
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét