Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

BÀNG HOÀNG! CẢNH TÀN PHÁ ĐÌNH CỔ TAM CANH, VĨNH PHÚC

Bàng hoàng nhìn cảnh “trùng tu” di tích bằng cuốc, xẻng

VOV.VN - Dùng cuốc, xẻng xô ngói rơi vỡ làm vỡ gãy các mảng chạm khắc. Cách trùng tu mà như phá bởi sự thiếu hiểu biết và cẩu thả như thế này cần phải nhanh chóng được chấn chỉnh để di sản cha ông không bị xâm hại.

Những người yêu mỹ thuật, kiến trúc cổ truyền hẳn không ai không biết đến cụm đình Tam Canh nổi tiếng ở Thị trấn Hương Canh – huyện Bình Xuyên – tỉnh Vĩnh Phúc đã được xếp hạng di tích cấp Quốc Gia. Những ngôi đình to lớn, chạm khắc cầu kỳ tinh xảo, chứa đựng hồn cốt dân tộc đã trơ gan cùng tuế nguyệt suốt hơn 300 năm nay.


 
Ngôi đình trước khi được trùng tu. Ảnh chụp năm 2000

Do  thời gian tồn tại lâu dài, cả 3 ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng và được Nhà nước quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo. Đình Hương Canh, rồi Ngọc Canh đã được tu sửa để trả lại vẻ nghiêm trang ngày nào. Và mới đây, người dân Thị trấn Hương Canh không khỏi vui mừng khi cuối cùng, sau bao năm chờ đợi, đến lượt đình Tiên Canh (Tiên Hường) đã được quyết định hạ giải để trùng tu từ khoảng 1 tháng nay.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi chứng kiến đơn vị thi công thực hiện công việc hạ giải 1 cách thô bạo chưa từng thấy trong lịch sử trùng tu, những người viết bài này không biết phải diễn tả như thế nào về cảm xúc của mình ngoài hai chữ: Bàng hoàng!

 
Các cấu kiện trước khi được hạ giải không hề được đánh dấu theo nguyên tắc trùng tu

Bàng hoàng khi bước vào đình mà như ở bãi chiến trường với ngổn ngang gạch ngói vỡ, rồi các cấu kiện gỗ vứt lung tung, ở mọi nơi có thể: Dưới đống ngói vụn, trên khám thờ, chồng đè, gãy vỡ tứ tung. Từng mảng chạm được các cụ xưa dồn bao tâm huyết chạm khắc với tấm lòng thành kính nay chịu số phận thật thảm thương. 

Người ta hạ giải đình Tiên Canh bằng cách chưa từng có trên đời: từng người thợ leo trên nóc đình, cầm theo cuốc xẻng thực hiện việc hạ giải mái ngói của đình. Từng nhát cuốc, nhát xẻng bổ xuống mái đình tạo ra tiếng ầm ầm như công trường lao động. Những tiếng rầm rầm. Những viên ngói nhẽ ra phải được nâng niu tái sử dụng thì lại bị đập tả tơi, rơi ầm ầm xuống đình. Mái đình toan hoang.  

 
Dùng cuốc, xẻng hạ giải mái đình – việc làm có lẽ chỉ thấy trong trùng tu di tích ở Việt Nam

“Đây là một sự mất mát lớn, không thể lấy lại được. Làm vậy những viên ngói cổ do người Hương Canh làm ra để lợp cho đình làng của mình sẽ bị vỡ vụn. Chúng tôi đã đến đình Tiên Canh nhiều lần và chụp rất kỹ các mảng chạm khắc trên kiến trúc để làm tư liệu nghiên cứu. Khi chụp ảnh, chỗ nào bị vướng màng nhện, bụi muốn vệ sinh nó chúng tôi cũng phải rất nhẹ tay để khỏi rơi rụng các mảng chạm khắc. Vậy mà họ xả ngói xuống đình không thương tiếc như vậy quả nhiên là hành động tàn phá chứ không phải là hành động trùng tu di tích nữa. Có thể thấy người làm công tác trùng tu đình Tiên Canh không có chuyên môn, không tuân thủ quy trình trùng tu di tích”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL bức xúc nói.

“Cảnh người đứng trên ngói như thế khiến tôi cảm thấy đau lòng. Khi trùng tu thì người ta dùng phương pháp lợp mái để che di tích. Đó là phương pháp che chắn mưa nắng cho di tích. Ngói rơi rào rào như thế thì đây là bão ngói do con người tạo ra chứ không phải bão thiên nhiên. Nó kinh khủng hơn nhiều so với mưa và nắng”, ông Nguyễn Đức Bình bày tỏ.

 
Cấu kiện bị vứt chỏng chơ dưới chân cột cùng đống gạch ngói vỡ

Việc hạ giải như vậy không đúng với quy định của Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ VHTT&DL quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Ở đây là công nhân đã dùng xẻng, cuốc xô ngói từ trên mái đình rơi xuống đất làm vỡ ngói và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số mảng chạm khắc cổ và chi tiết kiến trúc, một số chi tiết kiến trúc không được đánh số rơi gãy ngổn ngang trên sàn đình lẫn ngói vỡ.

 
Nền đình hay bãi chiến trường – đây là hậu quả của việc dùng cuốc, xẻng 
để hạ giải mái đình!

 
 Những cấu kiện chạm khắc mong manh này bị ngói, gạch vỡ làm sứt mẻ, 
khó mà phục hồi được.

Đình chùa Việt Nam là nơi lưu giữ hồn cốt tổ tiên, là “của để dành” - món quà di sản văn hóa dân tộc của cha ông gửi lại cho con cháu mai sau. Bởi vậy, ngoài việc bị hủy hoại bởi thời gian, thiên tai, chiến tranh thì đình chùa – những nơi thờ tự Việt còn từng là mục tiêu phá hoại bởi các thế lực ngoại xâm muốn xóa sổ ký ức văn hóa dân tộc để dễ bề đồng hóa. Cách trùng tu mà như phá bởi sự thiếu hiểu biết và cẩu thả như thế này cần phải nhanh chóng được chấn chỉnh để di sản cha ông không bị xâm hại./.

Trà Xanh - Hoài Nam/VOV.VN

Tễu: 

Muốn ăn thì phải phá. Phá cho gạch ngói gỗ lạt hỏng hết, vỡ hết thì mới mua mới được. Mua thì mới có "phần trăm". Trùng tu chỗ nào chả thế! 

Phải phá thì mới có cái để ăn, để cúng! Ăn và cúng cho Cục trưởng Cục Di Sản, rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thế thao Du lịch; cúng cho Tỉnh, cho các Sở (Văn hóa, Tài chính), cho Huyện...

8 nhận xét :

  1. BÀN TAY BỌN TÀU ĐẤY!
    CHÚNG NÓ PHÁ DI TÍCH CỦA NGƯỜI VIỆT BẰNG CHÍNH BÀN TAY NGƯỜI VIỆT! KHẮP NƠI ĐỀU THẾ, CHÚNG NÓ MUA HẾT RỒI!

    Trả lờiXóa
  2. Việc này cũng giống với việc của bọn rải đinh ,vá săm xe trên đường cao tốc Hà Nội -Từ Sơn ( Khi tháo săm ra để vá phải chọc cho nó thủng nhiều lỗ ,nếu có thể thì bẻ van để buộc phải thay săm mới thì lãi mới nhiều )

    Trả lờiXóa
  3. Di tích có là cái gì, cái gì chúng nó chẳng phá. Đất nước này bị chúng nó phá nát bét rồi.

    Trả lờiXóa
  4. Làm mới chứ trùng tu gì. Phá, đạp vụn cho nhanh đỡ mất thời gian nhà thầu. Ai chọn nhà thầu trùng tu., nhà thầu này có chuyên môn về trung tu di tích không? Trong hợp đồng có ghi rõ quy trình tháo dỡ và bảo vệ gạch ngói, dui mè, xà, chếnh .... cũ như thế nào? Có lẽ họ xin được kinh phí rồi thì thả tay làm không theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt để bảo vệ di tích. Cơ quan chức năng phải vào kiểm tra, cần thiết thì phải khởi tố hình sự những kẻ có trách nhiệm. Rất nhiều di tích bị tàn phá một cách tốn tiền như thế này mà chưa một người nào có trách nhiệm phải hầu tòa thì việc phá hoại này chưa chấm dứt đâu. Cụ Tản Đà có câu thơ: "Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/Cho nên quân nó dễ làm quan." Dân ta cũng lại bàng quan với cảnh này nên tham nhũng mới hoành hành đủ kiểu.

    Trả lờiXóa
  5. Đây đâu phải là lần đầu tiên di tích bị nhà thầu công khai tàn phá . Phá có giấy phép . Ai chịu trách nhiệm hay lại huề ? NN vẫn cứ phải trả tiền, tức là ND cứ phải đóng thuế cho những tàn phá cố tình , có giấy phép và vô cùng tốn kém này . Khốn khổ cho cái hầu bao lép kẹp của ND . Đem bọn tham nhũng ra Trương Sa trực diện với GK HD 981 đi !

    Trả lờiXóa
  6. Trao đổi về chuyện “trùng tu” ở đình Tiên Hường, ông Kim Văn Ngoan Quýnh - phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc - công nhận việc đơn vị thi công dùng cuốc, xẻng tháo dỡ mái ngói hàng loạt như vậy là sai quy trình. “Hiện chúng tôi đang soạn văn bản để báo cáo Bộ VH-TT&DL về việc này” - ông Quýnh nói.

    Ông tên Quýnh mà thấy ông đâu có quýnh. Giờ mới "soạn văn bản" báo cho Bộ, Bộ suy nghĩ cách giải quyết, "soạn văn bản" báo các cơ quan hữu trách giải quyết thì cái đình nó cũng đã được phá xong, còn đâu mà chờ các công văn lên xuống của các ông.

    Trả lờiXóa
  7. Phẫn nộ.
    Đề nghị bỏ tù chung thân ngay người ra lệnh này. Di sản của cha ông để lại đẹp đẽ, tinh xảo mang hồn dân tộc thế kia mà chúng dám mang cuốc, xẻng ra phá để xây mới, mua mới ăn % à!

    Trả lờiXóa