Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

TS. NGUYỄN THỊ HẬU TRẢ LỜI RFA VỀ KHẢO CỔ HỌC VÀ ĐỀN HÙNG


RFA 12-4-14
Khảo cổ học về Đền Hùng tại Phú Thọ
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Trong những ngày diễn ra Giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hùng nơi được xem như mảnh đất của các Vua Hùng khởi nghiệp, Mặc Lâm giới thiệu với quý thính giả cuộc trao đổi với TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu để biết thêm những kết quả mà giới khảo cổ đã tìm thấy tại đây chứng minh thế nào về sự hiện diện của thời đại các vua Hùng chung quanh địa danh có tính lịch sử này.

TS Nguyễn Thị Hậu đã có những sách về khảo cổ đã xuất bản như: Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TP. Hồ Chí Minh, viết chung, 2008. Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, từ thực nghiệm đến lý thuyết (2010) Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ Tp Hồ Chí Minh (2012) TS Nguyễn Thị Hậu hiện là Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, Tổng Thư ký hội Sử học TP HCM, bà đang giảng dạy về Khảo cổ học, văn hóa học, bảo tồn bảo tàng… tại trường Đại học KHXH và Nhân văn TP HCM, Đại học Văn hóa TP HCM và nhiều trường đại học, cao đẳng khác.

Mặc Lâm: Theo nghiên cứu của khảo cổ học thì nền văn hóa Đông Sơn với các trống đồng nổi tiếng có liên quan như thế nào đến nhà nước Văn Lang sơ khai của “thời đại Hùng Vương”?

TS Nguyễn Thị Hậu: Nền văn hoá Đông Sơn là một văn hoá khảo cổ thuộc thời đại kim khí, phân bố tập trung ở vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ. Đến nay đã phát hiện và khai quật hàng ngàn di tích và tìm thấy hàng chục ngàn di vật của nền văn hoá này, trong đó nổi bật là các trống đồng Đông Sơn.  Về niên đại khảo cổ học thì chúng tôi nhận thấy các di tích này có niên đại tương đương về thời gian và không gian của truyền thuyết trong dân gian về thời đại Hùng Vương đó là vùng Phú Thọ Việt Trì và trung du củ đồng bằng Bắc bộ. Tất nhiên truyền thuyết không phải là lịch sử nhưng có chứa đựng một phần nào đấy của quá khứ nên nó được lưu truyền qua nhiều đời, như là một cách ghi nhớ cội nguồn của bất cứ cộng đồng người nào. Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương cũng vậy.

Tư liệu khảo cổ học của chúng tôi cũng phải nghiên cứu cùng với tư liệu về văn hoá dân gian, dân tộc học và nhiều ngành khác, tài liệu khảo cổ học về văn hoá Đông sơn cho phép chúng ta tìm ra cốt lõi hay một chút sự thật của truyền thuyết về thời đại Hùng Vương: đã có nhiều bộ lạc người sinh sống ở vùng trung du – đồng bằng, biết dùng kim loại đồng, sắt làm vũ khí và công cụ sản xuất, biết trồng trọt, chăn nuôi, định cư thành làng tương đối lớn. Khi cần thiết thì liên kết với nhau để làm thuỷ lợi, trồng trọt khai phá đất đi hay chống ngoại xâm…  Đặc biệt những hình hoa văn trên trống đồng Đông Sơn còn phản ánh một số sinh hoạt đời thường hoặc lễ hội của cư dân nông nghiệp và ở vùng nhiệt đới có khá nhiều sông nước.

Có thể nhận biết từ đặc điểm của Văn hoá Đông Sơn những yếu tố dẫn đến sự hình thành một “nhà nước sơ khai” mà trong truyển thuyết của chúng ta đó là nước Văn Lang của Các Vua Hùng thì có ba yếu tố cơ bản. Yếu tố thứ nhất là yều tố ngoại sinh: mâu thuẫn và đấu tranh với thiên nhiên nhắm thích ứng với thiên nhiên, quan trọng nhất là hình thành hệ thồng thuỷ lợi cho canh tác nông nghiệp. Nó cũng là nguy cơ và thực tế đã xảy ra các xung đột giữa bộ lạc với nhau, theo truyển thuyết của Văn lang thì chúng ta có tới 13 bộ lạc.

Yếu tố thứ hai là yếu tố nội sinh sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh với kỹ thuật dùng cày được xem là tiên tiến, nhiều nghề thủ công ra đời, sản phẩm trở thành “hàng hoá” như đồ gốm, đồ đồng, đồ trang sức bằng đá…

Yếu tố ngoại sinh kết hợp với nội sinh ta cũng thấy thời kỳ này có quá trình giao lưu rộng rãi, trao đổi vật phẩm hàng hoá, tiếp thu kỹ thuật mới…Tất cả những điều đó làm cho xã hội có nền tảng kinh tế phát triển, nhu cầu cố kết để có sức mạnh quân sự, sự phân hoá xã hội ở một mức độ nhất định, nhu cầu mở rộng không gian sinh sống… là những yếu tố “cần” để một nhà nước sơ khai ra đời, như là hình thức Liên minh các bộ lạc mà người thủ lĩnh của Liên minh ấy được coi là “Vua”.

Mặc Lâm: Có hai khuynh hướng hiện nay, một là dùng các di vật khảo cổ để cố chính thức hóa hay hiện thực hóa các truyền thuyết về Thời đại Hùng Vương; hai là khuynh hướng nghiên cứu từ các cổ vật ấy xác định truyền thuyết đúng tới đâu. Bà chọn khuynh hướng nào?

TS Nguyễn Thị Hậu: Tôi không chọn khuynh hướng nào cả, đơn giản vì mục đích của Khảo cổ học không phải nhằm minh chứng cho cái gì đã có sẵn! Khảo cổ học nghiên cứu di tích di vật, căn cứ vào tính chất đặc điểm niên đại … chứng cứ như thế nào thì mình phải nói như thế. Cả hai khuynh hướng trên đều coi Truyền thuyết như là “sự thật lịch sử” nên làm cách nào cũng không có sự khách quan cần thiết của khoa học. Chúng ta đã biết truyển thuyết là một phần của quá khứ nhưng vì sao nó truyền đến bây giờ thì nó phải có một cái gì đó. Tôi nghĩ rằng kết quả nghiên cứu của khảo cổ học đa số đều tho khuynh hướng này tức là góp phần giải thích vì sao có truyền thuyết đó, truyền thuyết đó là như thế nào…cái thực chất của nó chứ không phải sự thật như thế nào.

Mặc Lâm: Quay lại với những ngày giỗ tổ mà chúng ta tổ chức hàng năm ở đền Hùng thì theo bà hệ thống di tích khảo cổ học chung quanh đền Hùng nói lên điều gì về đời sống cư dân thời đại các vua Hùng?

TS Nguyễn Thị Hậu: Di tích quan trọng nhất ở khu vực này là di tich Làng cả, Việt trì, và hệ thống hàng trăm di tích khảo cổ học dày đặc, tầng văn hoá tức là dấu tích con người để lại, dày nhiều mét. Các dấu tích cư trú định cư thành xóm làng đông đúc và lâu đời. Nhiều dấu tích của nghề nông trồng lúa nước, di tích Gò Đồng Đậu tìm thấy một hố đầy thóc, những di tích khác đều có thóc trong địa tầng, vỏ trấu trong mảnh gốm…, kỹ thuật nông nghiệp dùng cày đã khá phổ biến, giai đoạn trước chủ yếu dung cuốc với kỹ thuật canh tác nương, rẫy. Đây là kỹ thuật nông nghiệp tiến bộ của thời bấy giờ với sức kéo của động vật là con trâu. Xương trâu bò tìm thấy khá nhiều. Nông cụ có nhiều loại như cuốc, xẻng, cày… có những nông cụ dùng trong việc thuỷ lợi như đào kênh mương như mai, thuổng…

Từ lúc này, định cư và nông nghiệp trồng lúa nước bắt đầu trở thành truyền thống lâu đời của người Việt cổ.

Người xưa phát triển nghề làm gốm tạo ra các đồ dung sinh hoạt như nồi, vò nhiều kích thước. Có những di tích mảnh gốm dày đặc, độ nung gốm khá cao, trang trí hoa văn rất đẹp nhất là trong đồ gốm của văn hoá Phùng Nguyên vùng Phú Thọ. Hoa văn gốm Phùng Nguyên sau này được tái hiện trong nhiều đồ đồng Đông Sơn.

Đặc biệt kỹ thuật luyện kim đã đạt đến trình độ cao, nhất là các trống đồng Đông Sơn có hoa văn chạm khắc tinh xảo, sinh động, cho ta nhận biết nhiều sinh hoạt đời thường như giã gạo, săn thú, múa hay những nghi lễ, lễ hội… cảnh chèo thuyền, đánh trống đồng, trang phục của người thời Hùng Vương khá phong phú.

Cuối thời kỳ văn hoá Đông Sơn đã xuất hiện kỹ thuật rèn sắt, đã tìm thấy những lưỡi cày sắt ở vùng Cổ Loa, Hà Nội. Có lẽ đã có những xung đột giữa các bộ lạc, các cộng đồng nên vũ khí rất nhiều loại hình như giáo, kiếm, rìu, dao găm… số lượng lên đến hàng chục ngàn di vật…Nhiều loại hình mộ táng khác nhau cho thấy quan niệm về cái chết, tín ngưỡng về thế giới bên kia … khá đa dạng.

Dựa trên số lượng di tích, mật độ phân bố, quy mô di tích, loại hình di vật, địa bàn phân bố từ miền núi đến đồng bằng, từ trung du tới ven biển… các nhà nghiên cứu cho rằng đây là thời kỳ phát triển cao của nền văn minh kim loại, cơ sở quan trọng đề hình thành nhưng hình thức tổ chức xã hội cao hơn công xã nguyên thuỷ, đó là bộ lạc và liên minh bộ lạc.

Mặc Lâm: Giỗ tổ Hùng Vương dưới cái nhìn khảo cổ học cần được thực hiện thế nào cho đúng với tinh thần khoa học?

TS Nguyễn Thị Hậu: Giỗ tổ Hùng Vương là một tín ngưỡng phổ biến nhiều nhất ở vùng Phú Thọ - tương truyền là Đất tổ Hùng Vương. Sau này, từ đầu thế kỷ XX phổ biến rộng hơn ở vùng Bắc bộ. Đây là một loại hình tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, lễ hội diễn ra vảo tháng 3 âm lịch cũng là tháng kết thúc mùa khô bước vào mùa mưa – thời điểm của một chu kỳ nông nghiệp. Có thể coi lễ hội này nằm trong chuỗi lễ hội mùa xuân rất phổ biến ở miền Bắc. Vì những giá trị đó mà Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá Phi vật thể của thế giới.

Tôi cho rằng cần giữ gìn giá trị nguyên bản của di sản văn hoá này, bởi vì nếu chúng ta can thiệp, tổ chức không khéo, đưa quá nhiều yếu tố hiện đại vào lễ hội này thì lễ hội sẽ bị biến dạng nhanh chóng. Quan trọng là nó không còn là của DÂN, và do đó, nguy cơ để lại cho đời sau một di sản ít nhiều bị thay đổi giá trị.

Mặc Lâm: Xin cám ơn bà. 

Nguồn: Vietstudies.

5 nhận xét :

  1. Trả lời tạm được nhưng cũng khá tào phào.
    1. Các nhà sử học Việt Nam hiện đại, về mặt khái niệm, thua các sử gia Trung đại thời kì đầu Đại Việt quá xa. Các cụ dùng khái niệm HỒNG BÀNG THỊ là vô cùng đúng đắn, sâu sắc về phương pháp luận khoa học và tầm nhìn chính trị. Khái niệm THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG là một bước lùi về tư duy.
    2. Tất nhiên, cũng về mặt khái niệm, nhiều khi nội dung của nó mới quyết định. Đã là khái niệm khoa học, có thể thay "Thời đại Hùng Vương" bằng "THỜI ĐẠI A, X, Z" miễn nội hàm của nó là trước Bắc thuộc và khác Trung Hoa, chủ nhân là Việt cổ (khác Kinh).
    3. Từ 1917 (thế kỉ XX) mới ấn định lấy ngày 10 tháng 3 làm lễ lớn cúng giỗ tại Hùng Miếu (lúc đó chưa gọi là Giỗ tổ hay Quốc giỗ, Giỗ quốc tổ gì cả đâu). Trước đó, cư dân bản địa (cấp làng) cúng ở Hùng Miếu vào mùa Thu cơ. Còn ngày 11-3 âm lịch là họ tế thành hoàng làng, có trình mâm cỗ ở Hùng Miếu. Còn nói "giao mùa...kết thúc mùa khô bước sang mùa mưa" là tư duy mùa của tận phương Nam. Nói liều, nói theo quán tính.
    4. Tôi ủng hộ cần kỉ niệm các "VUA HÙNG" bằng một ngày lễ trọng có tính chất Quốc gia. Tuy nhiên nên gọi ngày đó là ngày QUỐC THỐNG. Hết.

    Trả lờiXóa
  2. có thể chúng ta 0 tin có vua Hùng./ nhưng chúng ta phải tin rằng có 1 tộc VIỆT đã từ miền nam Trung-Hoa bồng bế nhau xuôi nam từ bao ngìn năm...CÓ THỂ CHÚNG TA 0 TIN CÓ VUA HÙNG./ nhưng chúng ta phải tin rằng tộc Việt là thuần chủng và đã có 1 ông Tổ.

    Trả lờiXóa
  3. Dưới đây là đoạn ổn nhất của TS Hậu:

    "Tôi không chọn khuynh hướng nào cả, đơn giản vì mục đích của Khảo cổ học không phải nhằm minh chứng cho cái gì đã có sẵn! Khảo cổ học nghiên cứu di tích di vật, căn cứ vào tính chất đặc điểm niên đại … chứng cứ như thế nào thì mình phải nói như thế. Cả hai khuynh hướng trên đều coi Truyền thuyết như là “sự thật lịch sử” nên làm cách nào cũng không có sự khách quan cần thiết của khoa học. Chúng ta đã biết truyển thuyết là một phần của quá khứ nhưng vì sao nó truyền đến bây giờ thì nó phải có một cái gì đó. Tôi nghĩ rằng kết quả nghiên cứu của khảo cổ học đa số đều tho khuynh hướng này tức là góp phần giải thích vì sao có truyền thuyết đó, truyền thuyết đó là như thế nào…cái thực chất của nó chứ không phải sự thật như thế nào."

    >>> Một cách trả lời nước đôi, khá mập mờ.
    Đánh đồng hai đối tượng của hai khoa học khác nhau:
    khảo cổ học và folklore.
    Đành rằng "mục đích của Khảo cổ học không phải nhằm minh chứng cho cái gì đã có sẵn! "

    Trả lờiXóa
  4. Các nhà sử học và khảo cổ học Việt Nam có bao giờ tự hỏi mình đã làm việc và nghiên cứu lịch sử, khảo cổ Việt Nam một cách công tâm, khách quan bằng trí óc thay vì bằng tình cảm chưa?

    Trả lờiXóa
  5. Các Vua Hùng là hậu duệ của Lạc Long Quân ( đại diện cho tộc Lạc Việt ) và Âu Cơ ( đại diện cho tộc Âu hay người Thái ) vốn cư trú vùng Hồ Động Đình nay thuộc đất Tàu. Theo tôi cách hiểu đúng ra thì tổ tiên Bách Việt vùng Nam Dương Tử bị Hán tộc dồn ép dần dần xuống Phương Nam, gặp dân bản địa và đã hình thành người Việt chúng ta ngày nay.
    Trống đồng cũng tìm được nhiều ở vùng Nam Dương Tử ngày nay.

    Trả lờiXóa