Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Trần Quang Đức: KHẢO VỀ LUẬT XỬ TỘI TRỘM CẮP QUA CÁC TRIỀU ĐẠI


Từ trái qua phải: Ăn trộm trèo tường - Trộm bẻ khóa - Ăn trộm dùi tường - Ăn trộm khăn

Khảo về luật xử tội trộm cắp qua các triều đại
Trần Quang Đức

Tìm hiểu các điều luật dân sự thời quân chủ, có thể thấy triều đình Việt trước đây luôn có những điều luật xử nghiêm hành vi trộm cắp, dù là trộm cắp dân sự thông thường. Những trường hợp đặc biệt như trộm báu vật, ấn tín, đồ tế khí, lăng tẩm v.v. liên quan đến triều đình đều nhất loạt xử tử, ở đây tôi không bàn tới.

Điều luật cụ thể xử tội trộm cắp vào thời Lý, hiện chưa có tư liệu trực tiếp đề cập. Chỉ biết, nhà Lý xử nặng đối với người trộm trâu, cụ thể là phạt đánh 100 trượng (1). Với người ăn trộm trâu và giết trâu thì cả hai vợ chồng đều bị phạt đánh 80 trượng, chồng chịu tội đồ phục dịch trong quân đội, vợ chịu tội đồ phục dịch trong nhà trồng dâu nuôi tằm, đồng thời phải đền trâu cho người bị trộm (2). Cần lưu ý, luật năm 1125 quy định tội giết người chỉ bị phạt 100 trượng, trổ 50 chữ vào mặt (3). Ngô Thì Sĩ sau này phê luật nhà Lý xử quá nhẹ, đồng thời cho đó là lỗi lớn của nhà Lý (4). Chính vì vậy có cơ sở để suy luận, tội trộm cắp của cải thông thường vào thời kỳ này cùng lắm chỉ bị đánh vài chục trượng mà thôi.


Nhà Trần lên thay nhà Lý vào năm 1226. Bốn năm sau ban hành bộ luật mới. Lê Tắc gián tiếp cho biết: Với kẻ trộm cắp, lần đầu trộm phạt đánh 80 trượng, trổ hai chữ Phạm Đạo (phạm tội ăn trộm) vào mặt, phải đền 9/10 đồ ăn trộm. Không thể đền thì bắt vợ con làm nô lệ. Tái phạm thì chặt chân tay. Phạm lần ba thì giết (5). Sứ thần nhà Nguyên, Trần Cương Trung, năm 1293 sang sứ cũng ghi nhận: Hình pháp rất tàn khốc, kẻ ăn trộm và đào tẩu bị chặt ngón chân, ngón tay (6).

Luật nhà Lê sơ đánh dấu bởi bộ Quốc triều hình luật (còn gọi luật Hồng Đức) ban hành vào khoảng 1470-1497 thời Lê Thánh Tông. Bộ luật này quy định: Kẻ trộm mới phạm lần đầu thì phải đày đi châu xa. Kẻ trộm đã có tiếng và kẻ trộm tái phạm thì phải tội chém. Kẻ giữa ban ngày ăn cắp vặt cũng xử tội đồ (tương tự như phạt cải tạo lao động ngày nay), đã lấy được của thì phải bồi thường 1/3 tang vật... Đàn bà được giảm tội (7). Đối chiếu với ghi chép của Toàn thư và Hình luật chí của Phan Huy Chú, có thể thấy trộm cướp thời kỳ này ngoài chịu tội lưu (đày), tội đồ (phục dịch), còn bị chặt ngón tay. Phan Huy Chú cho biết, năm 1721, triều đình Lê Trịnh Đàng Ngoài đã cho đổi tội chặt tay và lưu đày thành đi đày và phục dịch ở chuồng voi tùy theo nặng nhẹ để xác định thời hạn như tội xử chặt hai bàn tay và đày đi châu xa thì thành đi phục dịch ở chuồng voi suốt đời ... Tuy nhiên, "những kẻ trộm cướp bị tội chặt tay và lưu đày thì không theo lệ này" (8). Luật của Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì từ 1614 - 1635) quy định: Tội nặng, tên trộm sẽ bị chém đầu; nếu tội nhẹ như trộm gà, lần đầu hắn sẽ bị chặt một ngón tay, lần thứ hai chặt một ngón khác, lần thứ ba sẽ bị cắt tai, lần thứ tư sẽ bị chém đầu. (9)

Triều đình nhà Nguyễn sau khi thành lập đã cho tham khảo hình luật của các đời, đặc biệt châm chước luật Hồng Đức thời Lê và luật nhà Thanh Trung Quốc, biên soạn và ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ (thường gọi là luật Gia Long) vào năm 1815. Bộ luật này xử tội trộm cắp dựa trên giá trị của tang vật bị trộm: "Phàm trộm cắp đã thực hiện song không lấy được tiền của, phạt 50 roi, miễn trổ chữ. Song lấy được tiền của thì phải trị tội... Phạm lần đầu thì trổ lên cẳng tay phải hai chữ Thiết Đạo (trộm cắp). Tái phạm trổ lên cẳng tay trái. Phạm lần thứ ba thì xử giảo (thắt cổ). Cụ thể: Trộm 1 lạng tới 10 lạng đánh 70 trượng. 20 lạng đánh 80 trượng. 30 lạng đánh 90 trượng. 40 lạng đánh 100 trượng. 50 lạng đánh 60 trượng, xử tội đồ 1 năm. 60 lạng đánh 70 trượng, xử tội đồ 2 năm... 100 lạng đánh 100 roi, lưu đày 2000 dặm... 120 lạng trở lên xử tội giảo". (10)

Xét ra thì luật Lý khoan hồng, luật Trần hà khắc, luật Lê nghiêm minh, luật Nguyễn xác thực. Luật thời nay chỉ phạt hành chính, cải tạo, tù giam, tuy đã chạm tới văn minh, song chưa đủ nghiêm để dân nể, chưa đủ sáng để dân theo. Thành thử chục năm gần đây quan trộm dân cướp, phạm pháp thành bầy, không có cách nào ngăn được! Dân nhiều nơi bắt được trộm cướp, tự ý xử quyết, đánh đập đến chết, rồi thú với quan, bởi dân không còn tin vào luật pháp nữa nên vậy.

Chú thích chữ Nôm trên các tranh dẫn trong Kỹ thuật của người An Nam (từ trái qua phải):
1. Ăn trộm trèo tường.
2. Trộm bẻ khóa.
3. Ăn trộm dùi tường.
4. Ăn trộm khăn

Cước chú:
1, 2, 3. Đại Việt sử ký toàn thư. Lần lượt là các đạo luật được ban vào năm 1042, 1117, 1125.
4, 8. Lịch triều hiến chương loại chí - Hình luật chí.
5. An Nam chí lược.
6. An Nam tức sự.
7. Quốc triều hình luật.
9. Báo cáo về sứ mệnh mới của các cha xứ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong.
10. Hoàng Việt luật lệ.

Nguồn: FB Trần Quang Đức

3 nhận xét :

  1. "Xét ra thì luật Lý khoan hồng, luật Trần hà khắc, luật Lê nghiêm minh, luật Nguyễn xác thực.
    Luật thời nay chỉ phạt hành chính, cải tạo, tù giam, tuy đã chạm tới văn minh, song chưa đủ nghiêm để dân nể, chưa đủ sáng để dân theo. Thành thử chục năm gần đây quan trộm dân cướp, phạm pháp thành bầy, không có cách nào ngăn được! Dân nhiều nơi bắt được trộm cướp, tự ý xử quyết, đánh đập đến chết, rồi thú với quan, bởi dân không còn tin vào luật pháp nữa nên vậy."

    Nhận xét trên tuy hơi áp đặt lối nghĩ một chiều cá nhân, định kiến với chính quyền hiện nay nhưng không phải là không có cái lý của nó.

    Soi dã sử Tàu, Thương Ưởng thực thi nghiêm minh luật pháp, trong vòng 03 năm mọi chốn an ninh trật tự được tái lập. Tuy rằng vì vậy mà làm mất lòng nhiều người, gây thù chuốc oán dẫn đến thiệt thân sau này, nhưng ông là người tài rất cần cho đất nước giai đoạn đó. Người xưa làm được, chã nhẽ nay chúng ta thời văn minh lại không tái lập lại được trật tự kỹ cương, luân thường đạo lý xã hội hay sao.

    Vậy xin Chính quyền trung ương xem xét kỹ càng luật pháp và thực thi nghiêm minh để quan, dân tin, phục và sợ mà nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp để nhà nước ta là nhà nước pháp trị thật sự.

    Đồng Bào

    Trả lờiXóa
  2. Đề nghị ông Nguyễn bá Thanh điều tra ngay vụ bộ y tế cấp 10 máy thở dởm cho các bệnh viện lớn đang tập trung điều trị cho các bệnh nhi bị bệnh phổi và bệnh sởi.VTV đưa tin tối ngày 18/4/2014.

    Trả lờiXóa
  3. Ngoài việc phạt theo pháp luật thì việc quan trọng hơn là giáo dục Công Dân . Trong đạo Thiên Chúa có 10 điều răn đã có tới 2 điều răn về trộm cắp là chớ lấy của người và chớ tham của người. Thế mới biết từ ngàn xưa luật đã rất chú trọng đến việc dậy cho người ta biết tôn trọng của người khác và chớ tham của người khác . Còn ở VN ngày nay, phạm tội trộm cắp và tham ô của công thì nại đủ lí do để giảm nhẹ. Như thế chỉ dung dưỡng cho những hành vi trộm cắp chứ không ngăn ngừa và nghiêm trị được tội trộm cắp !

    Trả lờiXóa