Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

NGHỆ AN: SƯ TỬ TÀU TRÀN LAN TẠI CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA

Sư tử đá tràn lan tại các di tích ở Nghệ An   
Kiều Nga   
Chủ nhật, 27 Tháng 4 2014 10:48 
Sư tử đá vốn dĩ không phải là loài vật có trong kiến trúc đền chùa ở Việt Nam. Hiện tượng sư tử đã xuất hiện trong điêu khắc cổ được cha ông chúng ta tượng tưởng từ những loài vật và Việt hoá thành linh vật hiền lành, có trí tuệ, mang tính tâm linh tại các đền chùa miếu mạo. Thế nhưng hiện nay sư tử đá ngoại lai đã xuất hiện khá nhiều tại các đền chùa ở Nghệ An.
Tại di tích đền Qủa Sơn, đập mắt vào du khách là đôi sư tử đá trắng buốt ngồi chềnh ễnh hai bên cửa. Cặp sư tử dữ dằn nhe nanh, trợn mắt như muốn đe dọa người vào tham quan. Được biết cặp sư tử là lễ vật cung tiến của một thành viên làm ăn xa quê thuộc xã Lạc Sơn, Đô Lương, trị giá 60 triệu đồng chẵn. Không chỉ ở đây, mà nhiều di tích như Nhà lưu niệm Truông Bồn, đền Bạch Mã, đền Nguyễn Xí, Tượng đài Binh biến Đô Lương,.. cũng có những cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc thường do doanh nhân hay một số cơ quan, doanh nghiệp cung tiến. Tuy nhiên, việc cung tiến này lại không được xem xét và cân nhắc đến các yếu tố văn hoá truyền thống đã khiến cho những công trình văn hoá tồn tại hàng trăm năm bị xâm thực bởi các yếu tố phi văn hoá Việt. Ngay nhận thức về tình trạng sư tử đá tại các đền - chùa của nghững người làm công tác quản lý cũng có sự khác nhau. Ông Nguyễn Khắc Ngọ, trưởng BQL đền Qủa Sơn [Đô Lương] chia sẻ: Theo gốc tích thì đúng là sư tử đá không có ở đền chùa Việt, chúng tôi cũng biết điều đó. Trao đổi với người cung tiến hiện vật để đặt tượng Hổ phù nhưng lại không có nên đành đặt cặp sư tử đá này, lúc dâng cũng làm lễ xin và được bề trên cho phép. So với không gian hiện tại thì cặp sư tử đá hơi to, nhưng tiến tới đền được nâng cấp thì trông lại bình thường, cặp sư tử đá sẽ góp phần tăng thêm phần linh thiêng cho ngôi đền.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên trưởng ban BQL Di tích và Danh Thắng Nghệ An lại cho rằng: Ngay trong ngôn ngữ Việt cũng bị ảnh hưởng bởi Trung Hoa, vậy nên văn hoá Việt Nam ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa là hoàn toàn đúng (?!). Vấn đề ở đây là cần quy định hiện vật cung tiến tại đền chùa thì phải như thế nào, về kích cỡ, mẫu mã, chất liệu nào phù hợp di tích, cảnh quan. Công tác quản lý đang còn bất cập, nhiều địa phương luôn tâm niệm hễ có người công đức thì sẵn lòng nhận mà thiếu sự xem xét của cơ quan chức năng nên có tình trạng hiện vật không phù hợp với không gian di tích, màu sắc,..., lúc phát hiện thì đã hô thần nhập tượng nên khó đưa ra được.
Khác với ông Thanh, ông Đoàn Văn Nam, Trường phòng Quản lý di sản, Sở VHTT&DL cho rằng: thực tế tượng sư tử đá ban đầu nó được du nhập vào miền Nam bằng cách theo chân người Hoa di cư, rồi sau đó mới từ miền Nam ngược ra Bắc. Nó là quá trình “thẩm thấu” lâu dài và đã bắt đầu bùng phát trong những năm gần đây ở phía bắc, trong đó có Nghệ An. Sư tử đá không nằm trong bản gốc của văn hóa Việt Nam. Hiện tại ở các di tích Nghệ An có sư tử đá bởi do các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp cung tiến,…mà không thông qua ý kiến của cấp trên. Lễ vật đã làm dâng lên thần bây giờ nói di dời cũng rất khó khăn bởi liên quan đến vấn đề tâm linh. Hiện tại, để ngăn chặn bùng phát hiện tượng sư tử đá ngoại lại vào đền chùa, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn gửi về các địa phương nhằm quy định và quản lý việc công đức các công trình, vật phẩm tại đền chùa.
Nhiều di tích lịch sử - văn hoá đã và đang được phục hồi, trong đó có nguồn xã hội hoá. Vậy nên rất cần phải quản lý chặt chẽ ngay từ đầu và thường xuyên việc tu bổ, sửa sang ở các công trình – di tích. Và điều trước tiên, trong công tác quản lý, những người có trách nhiệm cần có nhận thức đúng đắn, khách quan, thống nhất các vấn đề về lịch sử, nguồn gốc và quan niệm về các biểu tượng, các nguyên tắc bảo tồn, trùng tu và quản lý, tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” như hiện nay giữa các cơ quan liên quan. Việt Nam không thiếu các vật linh. Long – Ly – Quy – Phượng, thậm chí là nghê, chó, ngựa, cá... đã được người xưa sử dụng trong trang trí các công trình kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng. Tại sao chúng ta lại không tiếp tục truyền thống đó mà phải vay mượn sư tử đá từ bên ngoài? Và liệu chúng ta có thể quyết tâm đưa các tượng sư tử đi nơi khác được không? Câu hỏi này xin được nhờ các nhà quản lý di sản trả lời hộ.
Nguồn: Văn hóa Nghệ An.


Tễu: Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên trưởng ban BQL Di tích và Danh Thắng Nghệ An lại cho rằng: Ngay trong ngôn ngữ Việt cũng bị ảnh hưởng bởi Trung Hoa, vậy nên văn hoá Việt Nam ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa là hoàn toàn đúng (?!) 

Đề nghị ngành văn hóa Nghệ An gom hết sư tử và đèn lồng Tàu đưa về nhà ông này để ông ấy thờ bố mẹ và tổ tiên ông ta. 
 

3 nhận xét :

  1. PHÓ THƯỜNG DÂNlúc 20:22 27 tháng 4, 2014

    Ô. Nguyễn Văn Thanh này là người Trung Hoa 100 % rồi .

    Trả lờiXóa
  2. Sư tử đá , đèn đá ...rồi đèn lồng đỏ treo la liệt trong ngày hội ; Phải chăng đó là điển hình của " đượm đà bản sắc dân tộc " ?!

    Trả lờiXóa
  3. Đã lỡ hô "Thần nhập" rồi thì ta lại hô "Thần xuất"! ...Chẳng lẽ thần linh mà lại chỉ biết " nhập" mà không biết "xuất"?!.....

    Trả lờiXóa