Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Ý KIẾN CỦA LS. HÀ HUY SƠN VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM NHÂN DÂN


Để đảm bảo Hội thẩm nhân dân độc lập chỉ tuân theo pháp luật cần thay đổi chế định hiện nay

Luật sư Hà Huy Sơn

Chế độ bầu Hội thẩm nhân dân được thực hiện đối với các Toà án nhân dân địa phương. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán và chỉ tuân theo pháp luật. Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Điều kiện để trở thành Hội thẩm nhân dân: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất, đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, thì có thể được bầu hoặc cử làm Hội thẩm. 

Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu theo sự giới thiệu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và do Hội đồng nhân dân cùng cấp miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân cùng cấp sau khi thống nhất với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Số lượng Hội thẩm nhân dân của các Toà án nhân dân địa phương do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Chánh án quyết định phân công, thay đổi Hội thẩm nhân dân tham gia tiến hành tố tụng.

Hội thẩm nhân dân tại các phiên tòa sơ thẩm với số lượng 02 hoặc 03 người và Thẩm phán là 01 hoặc 02 trong Hội đồng xét xử 03 hoặc 05 người tùy theo quy định của pháp luật. Nếu xét về số lượng thì Hội thẩm nhân dân có vai trò quyết định đối với phán quyết của Tòa án. Nhưng thực tế ngược lại, các Hội thẩm nhân dân thường chịu ảnh hưởng và ngả theo quyết định của Thẩm phán. Yêu cầu đối với Hội thẩm nhân dân không phải là kiến thức pháp lý mà là sự khách quan, sự phản ảnh khách quan thái độ của xã hội đối vụ việc. Nhưng với chế định về Hội thẩm nhân dân hiện nay thì Hội thẩm nhân dân phụ thuộc vào sự phân công, sự thay đổi của Chánh án. Nếu Hội thẩm nhân dân nào mà “độc lập” với Thẩm phán thì sẽ khó được trưng dụng. Vì lợi ích của mình và với chế định hiện hành, “không ít” Hội thẩm nhân dân đã trở thành vật cảnh, trang trí cho phiên tòa.

Để đảm bảo Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, cần phải thay đổi chế định Hội thẩm nhân dân hiện nay:
.
1. Không biến Hội thẩm nhân dân thành một nghề.

2. Hội thẩm nhân dân hoàn toàn không được biết đến sẽ tham gia xét xử vụ việc nào, không được biết đến hồ sơ vụ việc, không được biết đến đương sự trước khi phiên tòa được mở.

3. Việc tham gia tiến hành tố tụng của Hội thẩm nhân dân theo thứ tự vụ án, vụ việc của tòa án mà không theo sự phân công của Chánh án.

4. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân không quá 01 năm và không được bầu trở lại. Số lượng Hội thẩm nhân dân phải tăng gấp nhiều lần hiện nay để đảm bảo hoạt động tiến hành tố tụng của Tòa án.

Thực hiện tốt vai trò của Hội thẩm nhân dân sẽ góp phần làm cho người dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động tiến hành tố tụng của Tòa án.

Hà Nội, ngày 30/03/2014.
Luật sư Hà Huy Sơn

  

8 nhận xét :

  1. Hội thẩm nhân dân chỉ là "con chốt thể hiện tính dân chủ hình thức" trong hoạt động xét xử mà thôi, thưa Luật sư Hà Huy Sơn! Hội thẩm nhân dân chỉ tham gia "ngồi" cho có tụ, đủ bộ và sau đó là nhận tiền "công". Thế thôi. Còn án đã được thư ký phiên tòa viết nội dung trước, chủ tọa quyết định là xong. Hội thẩm không có thực quyền trong hoạt động xét xử đâu. Theo tôi nên bỏ chế định Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử. Xét xử sơ thẩm gồm 03 thẩm phán, phúc thẩm 05 thẩm phán. Thẩm phán là người được đào tạo (cho dù chỉ học chuyên tu) luật và như vậy còn có một tý hiểu (cho dù là mơ mơ ) thì cũng có tác dụng hơn Hội thẩm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế giới hiện vẫn duy trì thì liệu Việt Nam làm theo ý bạn có lại "khác người" không? Bản thân tôi nếu làm công việc này thì tôi sẽ tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản của hội thẩm (đi vào phiên tòa chịu khó tìm hiểu không đến nỗi khó như bạn nghĩ đâu). Nếu tôi chỉ quan tâm tới nhiệm vụ mình làm cán cân công lý, và suy nghĩ ít nhất tương thích với đồng tiền tôi nhận thì dù có chủ trương của cấp cao đến đâu mà tôi thấy không đúng (ví dụ như ý kiến ĐG 19:01) thì tôi cũng chả quan tâm, mà chỉ quan tâm vào nội dung khi xét hỏi của Viện kiểm sát, bảo vệ của luật sư và tự mình cũng phải phát huy đặt câu hỏi phù hợp tới bị cáo, nhân chứng, không việc gì phải chịu sự chỉ huy của chủ tọa phiên tòa nếu thấy người này muốn áp đặt (trường hợp có quyết định vô lý cũng phải tìm hiểu quyền khiếu nại, vì Việt Nam cũng dần phải đi theo xu hướng chung thế giới, chứ không thể kiểu Bắc Triều Tiên được) - và luôn nhớ là quyền độc lập của thẩm phán và hội thẩm tuy ít ỏi, cũng đã được hiến định, nên cũng tự tin mà có quyết định riêng của bản thân dựa vào lương tâm và kiến thức của mình - tất nhiên tham khảo ý kiến khách quan của người khác. Còn ai muốn làm bù nhìn, tự ti thì đó là quyền của người đó, nhưng thế thì đừng nhận công việc thì mới có lương tâm nghề nghiệp!

      Xóa
    2. Nói thế thì HTND không có thì thiếu mà có lại thừa ? Không lẽ HTND là ngón tay thứ 6 trong bàn tay sao ? Theo tôi thì phải làm thế nào cho HTND làm đúng vai trò trong xử án để cân bằng cái cực đoan nếu có . Chứ không nên bỏ HTND !

      Xóa
  2. Đúng quá, nhưng làm thế nào để làmđược như thế?

    Trả lờiXóa
  3. Ở quận tôi có bà giáo viên cấp 2 , chẳng biết gì về luật, tính 3 phải, bảo gì làm nấy.. mà là ngồi ghế Hội thẩm nhân dân Tòa án quận mới oánh chứ. Làm cảnh, vui là chính chứ HTND hiện nay chẳng có ích gì cho công bằng và cho nền pháp chế dân chủ thực sự .

    Trả lờiXóa
  4. Tôi nhất trí bỏ hội thẩm ND như 8:54 ngày 31/3 nói. Hội thẩm ND chỉ là bù nhìn vào cho đủ vị ( ra vẻ chế độ ta dân chủ ) vì án bỏ túi đã định sẵn rồi. CỤ thể khi một vụ án chuẩn bị sử thì chánh án triệu tập hội thẩm cho nghiên cứu mấy ngày, phân cho một đoạn hồ sơ đặt câu hỏi cung, khi ra sử cứ thế hỏi nếu bị cáo trả lời đúng thì là xong. Khi nghị án thực chất là tập trung vào hậu trường chánh án đọc bản nghị án đã viết sẵn và khung hình phạt đã định sẵn ( đã xin ý kiến lãnh đạo tòa và báo cao cấp trên y duyệt " cấp trên ở đây là thường vụ đảng ủy hoặc đồng chí bí thư) bộ 3 gồm: chánh án và 2 hội thẩm chỉ việc giơ tay nhất trí là xong. Tôi đã từng làm hội thẩm ND tôi hiểu rõ rồi./.

    Trả lờiXóa
  5. Tốt nhất nên tổ chức Tòa án độc lập với các CQ chính quyền địa phương , đã từng có ý kiến tổ chức tòa án vùng mà sao không thực hiện? Chỉ khi tòa án đã độc lập thì mới độc lập và kiện toàn được HTND.

    Trả lờiXóa
  6. Chưa tam quyền phân lập 3 nhánh quyền lực : lập pháp, tư pháp và hành pháp thì có HTND hoặc hội thẩm quan chức cũng chẳng ích gì cho công lý và luật pháp .

    Trả lờiXóa