Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Xuân Ba: CUỘC GẶP LẠ VÌ GÓC KHUẤT TẠ ĐÌNH ĐỀ


Cuộc gặp lạ vì góc khuất Tạ Đình Đề

Phóng sự của Xuân Ba
23.03.2014

TP - Cuộc gặp ấy tụ thành Hội thảo sách do NXB Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 21/3 tại Hà Nội hơi bị lạ? Tôi đụng ở đây, ngoài mấy ông viết lách văn báo, ngót trăm đại biểu là các quan chức của ngành Kiểm sát, Tòa án, Công an, vị thì đương chức, ông đã nghỉ hưu. Vừa vừa và nhỏ hơn thì là Viện trưởng của tỉnh thành cùng Vụ trưởng, Vụ phó và Trưởng phòng của Viện KSND Tối cao. Lại có nhiều luật sư…
 
Lạ ngay từ tác giả


Hội thảo ấy có tên Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời của Tiến sĩ Dương Thanh Biểu. Sách mỏng. Ngót 300 trang in, khổ thường (14x20,5cm) cùng tên như Hội thảo. 

Viết về Tạ Đình Đề, mà nhiều người gọi là nhân vật. Đời thực những là nhân viên Sở Hỏa xa Vân Nam, gián điệp được Mỹ đào tạo, Đội trưởng Đội biệt động thành, Giám đốc Xưởng cao su thuộc Tổng cục Đường sắt và liền tù tì hai án oan suốt gần 20 năm... Kêu là nhân vật bởi cái người thường này từng nhuốm không ít sắc màu huyền thoại. Hơn hai chục năm nay đã có loáng thoáng những ấn phẩm này khác. 

Gỡ, cởi dần những huyền thoại là việc đầu tiên và cũng chưa phải là cuối của những ấn phẩm viết về Tạ Đình Đề? Tạ Đình Đề huyền thoại và sự thật (In trong “Mọi linh hồn đều được đưa tiễn”- Xuân Ba, NXB Hội Nhà văn 1992); Tạ Đình Đề của nhà văn Chu Lai vv... và nay thêm Những góc khuất... của Tiến sĩ Dương Thanh Biểu. 

Tác giả cuốn Những góc khuất... này từng nhận học vị Tiến sĩ ngành Kiểm sát. Độc đáo nữa, những năm cuối bảy mươi của thế kỷ trước, kiểm sát viên Dương Thanh Biểu là người trực tiếp chứng kiến phiên tòa xử Tạ Đình Đề kéo dài suốt 6 ngày tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và chứng kiến giây phút chủ tọa phiên tòa Phùng Lê Trân dõng dạc khẳng định Tạ Đình Đề vô tội. Đồng thời tuyên tha bổng bị cáo Tạ Đình Đề ngay tại phiên tòa. 

Và đúng 10 năm sau, trong vai trò của một kiểm sát viên cao cấp ở một Vụ đặc biệt quan trọng của Viện KSND Tối cao có tên là Vụ 2 C, Dương Thanh Biểu đã trực tiếp thụ lý vụ Tạ Đình Đề với tội danh phản cách mạng từ năm 1985 đến năm 1987. 

Có lẽ ở vị trí lẫn vị thế hơi đặc biệt từng can dự vào vụ án thời điểm đã xa ấy, nay với tư cách một Viện Phó Viện KSND tối cao đã nghỉ hưu, tác giả đã trưng đã hé cho bạn đọc những góc khuất của vụ án oan Tạ Đình Đề. 

Với lối viết mà có lẽ khó có nhà văn chuyên nghiệp qua mặt được, mang đậm dấu ấn nghề nghiệp trọng chứng hơn trọng cung, ông TS ngành kiểm sát họ Dương đã làm người đọc hơi bị mất thời gian! Mà mất, mà thất thoát một cách tự nguyện là phải đọc một mạch một lèo (nhà phê bình văn chương Bùi Việt Thắng đã thật thà trong hội thảo rằng, lâu lắm rồi, hai vợ chồng ông mới lặp lại thói quen là đã phải giành nhau đọc cuốn sách này của TS Dương Thanh Biểu). 

Có phải vì lẽ ấy chăng mà NXB Hội Nhà văn mới tổ chức quảng bá sản phẩm mới của mình (sách in quý I-2014)? Hoặc nữa, qua hàng chục tham luận của các vị, như ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên T.Ư Đảng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao (ông Bình bận không đến được đã gửi tham luận tới); Trung tướng GSTS Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; Trần Công Phan - Viện phó VKSND Tối cao, GSTS Trần Ngọc Đường - chuyên gia cao cấp của Quốc hội, Đặng Quang Phương - nguyên Viện phó Viện KSND Tối cao, TS Nguyễn Văn Quảng - Viện trưởng Viện KSND Hải Phòng vv... cùng nhiều tham luận của các nhà phê bình văn chương như Bùi Việt Thắng, Vũ Nho, Văn Giá vv... 

Ở các cương vị và vị thế công việc khác nhau nhưng hết thảy các tham luận, không hẹn mà nên đều toát lên một âm hưởng ngợi ca cuốn sách viết khéo, bắt mắt người đọc. 

Bên hành lang hội thảo, có đến lắm ý kiến về cuốn sách. Qua trao đổi, có ý kiến cho rằng sự hiện diện đông chật của ngành kiểm sát nước nhà (đại biểu dự cũng như có tham luận, tại chức lẫn nghỉ hưu) là họ đến để chia vui để sẻ chia với sáng kiến kịp thời của ngành kiểm sát. 
Sáng kiến ấy chính là quyết định kiên quyết dứt khoát của Viện Kiểm sát Tối cao, bằng những ý kiến quyết liệt không để lê thê thêm thời gian oan trái của Tạ Đình Đề. Mà người thực hiện cụ thể là tác giả cuốn sách! 

Nghe vậy thì biết vậy! Nhưng cũng nao nao thêm về ý kiến rằng, sự có mặt xôm tụ của ngành kiểm sát có cả công an trong hội thảo này gần như là cuộc họp tổng kết, một cuộc tổng diễn tập rút kinh nghiệm để tránh những vụ việc oan sai xảy ra trong hệ thống tư pháp nước Việt. 

Nói theo khẩu khí của mấy ông chuyên ngành phê bình văn chương là hội thảo đã truyền đi những thông điệp cảnh tỉnh lẫn ăn năn nhân một lỗi lầm, qua một việc nhỡ nhàng lẫn chậm trễ của hệ thống tư pháp, ngõ hầu để tránh, khỏi mắc phải? 

Khách dự hội thảo dường như tăng thêm mối quan tâm cùng là thiện cảm với tác giả cuốn sách khi Trung tướng về hưu Nguyễn Quốc Thước với những sải chân mau mắn bước lên diễn đàn. Ca ngợi cuốn sách đã rất kịp thời trong thời buổi xảy ra những vụ án oan sai này khác thì nhiều diễn giả đã đề cập.

Nhưng người nghe ngạc nhiên khi biết thêm tác giả cuốn sách, nguyên Phó Viện trưởng Dương Thanh Biểu là người cùng quê miền Trung với Trung tướng Thước. Những năm trận mạc ở chiến trường Tây Nguyên, khi Nguyễn Quốc Thước là Trung đoàn trưởng thì Dương Thanh Biểu là đại đội trưởng một đơn vị chủ công dưới quyền ông Thước. 

Sau năm 1975, Dương Thanh Biểu chuyển ngành về Viện KSND tối cao. Được đào tạo cẩn thận là cán bộ nguồn. Sự trưởng thành cùng là thăng tiến của người lính từng dưới quyền mình chỉ huy đã làm tướng Thước tự hào nhưng khốn nỗi, là cái khó chịu của không ít sự đố kỵ, dèm pha! Vậy nên xuất hiện những lá đơn tố cáo rằng hồi còn ở quân ngũ và ở mặt trận Tây Nguyên, Dương Thanh Biểu đã dao động, thoái thác nhiệm vụ thế này thế khác... Khi đó, lãnh đạo Viện, mà ông Thước nói là ông Hà Mạnh Trí đã tìm gặp tướng Thước để hỏi cho ra nhẽ... 

Nguyễn Quốc Thước nghe được quắc mắt lên rằng, nếu có thằng nào tố cáo xì xào thế này thế khác về Dương Thanh Biểu thì anh bảo nó đến gặp thằng Thước này nhé! Tôi trực tiếp chỉ huy nó mà lại không biết nó đánh đấm sinh hoạt ra sao à?

Nghe tướng Thước cáu mà thấy mừng cho ông TS họ Dương. Nếu tướng Thước không biết chuyện và không có sự can thiệp kịp thời kiên quyết ấy thì bước đường công danh lẫn vị trí công việc của ông Viện phó tương lai liệu có hề hấn gì không nhỉ? Liệu có một thứ na ná như oan sai sẽ xảy ra với ông không?

Đối diện với với trường hợp oan sai của Tạ Đình Đề, người trong cuộc mà cụ thể là kiểm sát viên cao cấp Dương Thanh Biểu đã làm gì?

Bộc bạch của người can dự

...Đợi lúc tác giả cuốn sách thoát khỏi vòng vây của báo chí, tôi xin phép được quấy phiền ông... Hóa ra thời gian mà tôi hay đến nhà ông Tạ Đình Đề ở tập thể Đường sắt Nhà Dầu Khâm Thiên (Hà Nội) thì ông Biểu cũng đã nhiều lần lui tới với những cuộc gặp theo cách riêng của mình với mục đích là củng cố tài liệu cho thật chắc chắn để làm chất liệu cấu thành nên cuốn sách hôm nay. 

 
Nhiều quan chức ngành kiểm sát, tòa án có mặt trong Hội thảo. ẢNh: L.A.H
 
Ông Biểu tâm sự rằng, từ thuở bé tí, từng nghe về một Tạ Đình Đề huyền thoại... Rồi những cảm giác ấn tượng tại phiên tòa mà ông trực tiếp chứng kiến việc tha bổng Tạ Đình Đề ngày 12/6/1976 còn tươi rói... Cũng trớ trêu thay sau đó, chính ông ở vị thế quan trọng của Vụ 2C được phân công trực tiếp coi sóc vụ ông Đề.

Khá ấn tượng khi nghe ông bộc bạch. Cũng là những chi tiết trong và ngoài lề cuốn Những góc khuất...

...Nghiên cứu hồ sơ, nhất là kết luận điều tra số 11547/A24 ngày 29/11/1986 đề nghị truy tố Tạ Đình Đề phạm tội tuyên truyền chống chế độ XHCN, tôi thấy nhiều băn khoăn. Không hiểu sao vụ án đã được gia hạn giam đặc biệt đến lần thứ 4 mà cơ quan bạn (trong câu chuyện, văn nói cũng như văn viết, ông Biểu dùng cụm từ cơ quan bạn chắc là nhắc đến cơ quan an ninh điều tra?) vẫn đề nghị giam tiếp?

Biết bao những nghi hoặc băn khoăn cộm lên khi cầm trong tay bộ hồ sơ Tạ Đình Đề bị truy tố về tội an ninh ấy!

Ông Biểu bộc bạch, khi ôm tập hồ sơ trên tay mà ông Phan Xuân Bá, Phó vụ trưởng giao nghiên cứu hồ sơ và đề xuất phê chuẩn theo đề nghị gia hạn giam đặc biệt của cơ quan an ninh điều tra, ông thấy mình đang phải gánh một thứ quá sức. Vẫn cứ trong ông mồn một những chi tiết vụ án tha bổng gần 10 năm về trước, ngày 12/6/1976. 

Câu hỏi day dứt cứ trở đi trở lại, trời ơi, vì sao một vụ án nghiêm trọng, được huy động lực lượng điều tra và kiểm sát hùng hậu, các ngành chuẩn bị khá công phu, chu đáo nhưng rốt cuộc bản cáo trạng của Viện KSND Tối cao lại bị TAND thành phố Hà Nội, mà cụ thể là bà Chánh án mảnh mai Phùng Lê Trân bác bỏ một cách thẳng thừng? 

Mà chết cái, những lập luận của việc bác bỏ ấy lại đầy sức thuyết phục, khiến hàng nghìn người dự phiên tòa vỗ tay tán thưởng? Chắc chắn có điều gì không ổn trong quá trình tố tụng? Có việc chi đó sơ suất hớ hênh trong công tác điều tra, truy tố, xét xử một con người? Nhất là người đó lại có ảnh hưởng trong xã hội. Và hiện tại với cái án an ninh mới cột lên cổ ông Đề này, có gì đó khiếm khuyết không thận trọng, kém khách quan?

Vẫn lời bộc bạch của ông Biểu trong câu chuyện - tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng Tạ Đình Đề có hành vi phạm tội tuyên truyền chống phá chế độ như kết luận của cơ quan điều tra. Coi xét kỹ các bản cung, chỉ chằn chặn những dòng có thể gọi là tếu táo nôm na đại loại chân giò quý hơn chân lý/ thực phẩm hơn nhân phẩm/ bằng cấp gì cũng không hơn bằng lòng. Hoặc bù giá vào lương hay bù da vào xương hay bù giá vào lưng vv... và vv...

Nếu cứ chăm chắm vin vào thứ thành ngữ mới mang âm hưởng thơ Bút Tre vô thưởng vô phạt ấy, vô tình cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ biến người dân bị ức chế và có phát ngôn do bất mãn đẩy họ thành kẻ chống đối chế độ là không hợp tình hợp lý! Mặt khác nếu coi đây là tiền lệ để áp dụng cho các trường hợp tương tự thì vô hình trung, chúng ta sẽ đẩy hàng loạt người từ ta sang địch.

Những cuộc họp cứ kéo dài triền miên mà ông Đề vẫn ngồi bó gối trong trại. May mắn khi đó lãnh đạo Vụ 2C rất ủng hộ ý kiến của tôi là Tạ Đình Đề không phạm tội và không thể áp dụng biện pháp tập trung cải tạo. Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì, có thể có sự chỉ đạo từ cấp (?!) nào đó nên Tạ Đình Đề vẫn tiếp tục bị gia hạn tạm giam.

Việc ông Đề vẫn tiếp tục bị tạm giam ấy, những lúc bình tâm nghĩ lại và trao đổi với các bác lớp trước từng có kinh nghiệm thì mọi người đều thừa nhận lúc đó, Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn lệnh tạm giam kéo dài đối với Tạ Đình Đề là hữu khuynh, là không làm đúng bổn phận của cơ quan giám sát pháp luật!

Lại nữa, lật giở những bản cung mà ông Đề từng nhận tội, ông Biểu gạn ông Đề là tại sao không có tội lại nhận một cách dễ dàng vậy? Ông Đề lắc đầu cười mà như mếu rằng, nếu không nhận không khai theo ý người hỏi cung thì lập tức bị chuyển phòng giam thậm chí là bị biệt giam. Lại bị bọn đầu gấu hành hạ. Anh em tù chúng tôi thường coi đây là cách tra tấn tinh vi nhất của nhà giam.

May thay, do sự tích cực kiên quyết của Viện KSND Tối cao, của Vụ 2C mà cụ thể là từ ông Dương Thanh Biểu, sau hơn 2 năm giam giữ, ngày 5/12/1987, cụ Tạ Đình Đề đã được ra khỏi trại.

Tôi xúc động khi nghe trực tiếp từ một quan chức ngành Kiểm sát, dẫu đã hưu nhưng dễ ai mà nói thẳng ra những lời này Nghe ông Đề kể, tôi nhận ra sự đúng đắn của một số nước có nền tư pháp phát triển thì không để một cơ quan vừa quản lý trại giam vừa làm nhiệm vụ điều tra hình sự!

Như những bộc bạch của ông cựu Phó viện trưởng, tôi lờ mờ nhưng dần dà rõ rệt ngay, những duyên do, những nguyên cớ gây ra không ít những vụ án oan sai gây bức xúc công luận mà gần đây nhất là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang?

... Như mới hôm qua thôi mặc dầu đã vèo hơn hai chục năm, tôi mới gặp lại Tạ Mạnh Tiến, người con trai thứ của cụ Tạ Đình Đề. Mừng Tiến nay chững chạc khỏe khoắn trong bộ vét màu xám, gia cảnh êm ấm cùng vợ hai con, tâm trí tôi chợt ngược lại ngày đã xa ấy. Ngồi hút thuốc lào với cụ Đề gian ngoài khu tập thể Đường sắt Nhà Dầu Khâm Thiên (trước đây Hãng Sell từng đóng trụ sở nên có cái tên ấy) bận nào tôi cũng nghe thấy tiếng ho và rên ở buồng trong kế bên. 

Lần ấy, cụ Đề bỏ nhỏ cho hay, dịp Quốc khánh năm 1985, cụ bị bắt giam về tội tuyên truyền phản cách mạng. Cách sau ít bữa, tại cơ quan Tiến làm, một gã nào đó đã làm cái trò bẩn, bẫy Tiến mua xăng. Mà xăng khi đó là thứ của cấm là hàng chiến lược. Tiến bị bắt ngay và bị vu cho tội phá hoại.

Chỉ trong một thời gian ngắn bị giam giữ cùng đi cung, từ một thanh niên khỏe mạnh, hoạt bát yêu đời, Tạ Mạnh Tiến đã trở thành một phế nhân. Sức khỏe suy sụp, gần như tâm thần. Lúc cười lúc khóc, ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Dạo tôi chứng kiến cảnh ấy thì đã gần 6 năm Tiến lâm vào trạng huống đó!

Cuộc sống có lẽ nên nhiều thêm những hội thảo tương tự cũng như những góc khuất phải được mau mau phơi phóng trong ánh sáng Đổi Mới và tiến trình dân chủ ngày một cải thiện.

Sắp Thanh minh năm Ngọ

Cuốn “Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời” đã tái hiện những công lao to lớn của Tạ Đình Đề trong cuộc chiến tranh chống Pháp và xây dựng CNXH được nhân dân truyền tụng như những huyền thoại nhưng bị oan nghiệt hết sức nặng nề. Đồng thời thông qua đó, người đọc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là ngành kiểm sát nhân dân cũng thấy được một phần trách nhiệm của mình về việc để xảy ra những oan trái đó.
Tôi mong rằng các cán bộ trong ngành KSND hãy đọc và rút kinh nghiệm, những bài học quý giá mà cuốn sách này đã tái hiện.
(PGS - TS, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình)


5 nhận xét :

  1. Cứ bắn nhầm , bắt nhầm ...thế này chỉ để sau này tổ chức hội thảo thôi sao?

    Trả lờiXóa
  2. " Không hiểu vì lý do gì, có thể có sự chỉ đạo từ cấp (?!) nào đó nên Tạ Đình Đề vẫn tiếp tục bị gia hạn tạm giam. " Đau là đau ở chỗ này . Và đây là tiền lệ đẻ ra những Nguyễn Thanh Chấn .
    Đây nữa : "nếu không nhận không khai theo ý người hỏi cung thì lập tức bị chuyển phòng giam thậm chí là bị biệt giam. Lại bị bọn đầu gấu hành hạ. Anh em tù chúng tôi thường coi đây là cách tra tấn tinh vi nhất của nhà giam. " .........không thể nói được gì thêm .

    Trả lờiXóa
  3. Nếu cuốn sách của anh Biểu là thể hiện một sự sám hối thì cũng tốt. Lại tổ chức hội thảo hoành tráng về cuốn sách.
    Là người chuyên nghiệp có tâm, có tầm thì nhìn qua là biết cụ Tạ Đình Đề bị oan. Việc này đừng đổ lỗi hoàn toàn cho cơ quan AN điều tra. Trách nhiệm của CQ ANĐT là khám phá và điều tra tội phạm. Có đúng hay không thì còn có cơ quan công tố là VKS xác định. Đẻ ra VKS để làm gì? Nói người ta tiếp tục giam giữ không có lệnh thì vai trò kiểm sát việc giam giữ của VKS để ở đâu? VKS hoàn toàn có quyền tha người bị giam trái pháp luật. Anh biết sai mà anh không làm gì thì chính anh phải là người có lỗi lớn hơn người giam sai.
    Thông qua cuốn sách, anh Biểu có ý thanh minh cho chính mình. Nhưng xin thưa, về hưu rồi mới nhận ra cái sai thì quá muộn. "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại". Cụ Đề bị giam 2 năm, bây giờ anh viết một cuốn sách để tẩy trắng lương tâm sao được?
    Hội thảo có cả anh Trần Ngọc Đường, người đã dẫn dắt anh làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ khi anh chưa nhận bằng đại học luật tại chức. Cái tài về bằng cấp của ta là ở chỗ nhào nặn ra các nhà "khoa học" rỗng chữ nhưng đầy bằng. Nguy cơ tụt hậu là ở đó. Cụ Tạ Đình đề chỉ trong vòng 10 năm từ sau ngày thống nhất đất nước đã 2 lần bị truy tố. Cả hai lần đều bị oan. Lần sau còn oan hơn lần trước. Vậy mà anh vẫn lên đến chức phó viện trưởng VKS tối cao thì quả thực, anh là một người "tài". Để bây giờ cả ông trung tướng Thước đã hưu trí rồi cũng nhảy ra ca ngợi.
    Mỗi lần nhìn ngón tay bị cụt của anh, đồng đội cũ đều ái ngại cho ngón tay bóp cò bị cụt. Vâng anh là một .....thương binh.
    Xứ Nghệ đất học, đã cung cấp cho đất nước nhiều anh tài không thể phủ nhận trong đó Bác Hồ là một biểu tượng bậc nhất.
    Thế nhưng xứ Nghệ cũng có đặc sản.... cháo lươn, soup lươn cũng rất đặc ....trưng
    Anh Biểu ơi, nếu anh là người có chuyên môn, anh thử viết về nhà văn Phạm Viết Đào xem sao. Người đồng hương của anh đấy, vừa bị xử phạt 16 tháng tù. Đừng để 10 năm nữa anh đi sưu tầm án cũ để viết về anh Đào nhá nhá!

    Trả lờiXóa
  4. CA với VKS đầy rẫy những chuyện chuyên án . Oan sai cũng không thiếu mà chính trực cũng có nhiều . Nhiều vụ chuyên án lớn là những câu chuyện mang tính lịch sử không chỉ ảnh hưởng tới một người mà còn ảnh hưởng đến việc làm cho dòng lịch sử xoay hướng !

    Trả lờiXóa
  5. Chuyện đời riêng ông Tạ đình Đề

    Trả lờiXóa