Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

TS. Nguyễn Văn Vịnh: CẦN CÓ QUY CHẾ ĐỂ XỬ LÝ NHỮNG SƯ, SĨ TƯ VẤN BẬY

Đắp "quái thú" ở Lăng Ngô Quyền:  
Lòe phong thủy, tiêu 20 tỷ 

(Tin tức thời sự) - “Cần có quy chế chịu trách nhiệm đối với những người đưa ra tư vấn khi trùng tu các di tích để tránh tình trạng “vẽ rắn thêm chân”.

TS. Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục đã tỏ ra bức xúc và lo lắng trước sự việc các di tích lịch sử đang có nguy cơ bị xâm hại dưới danh nghĩa trùng tu, sửa chữa, tôn tạo… nhưng sau đó các di tích này đã bị biến dạng. Gần đây nhất là việc Lăng Ngô Quyền tại làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây bị xây bình phong bên trong rồi lại đập, dỡ bỏ.

Chiếc bình phong được dựng lên ngay trước cửa lăng Ngô Quyền 
Di tích không phải nơi thí nghiệm đúng, sai

PV: - Thưa ông, mấy ngày qua giới nghiên cứu văn hóa cũng như dư luận bàn nhiều tới câu chuyện bình phong quái thú tại Lăng Ngô Quyền, Sơn Tây dựng lên rồi lại phá bỏ. Là người nghiên cứu về phong thủy, văn hóa ông bình luận gì về điều này?

TS Nguyễn Văn Vịnh: - Như tôi biết dự án tôn tạo Đền thờ và Lăng Ngô Quyền gồm nhiều hạng mục: Hậu cung, Nghi môn, Tiền tế, Tả vu, Hữu vu, xây dựng Lầu hóa sớ (với Đền); Tu bổ Lăng, tôn tạo sân, trụ biểu lan can, xây dựng bình phong( đối với Lăng). Dự án do Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng – trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lập báo cáo kỹ thuật và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công. Ý tưởng xây dựng bình phong tại Lăng Ngô Quyền được cho là của GS. Trần Lâm Biền. 

Vấn đề các di tích liên tục được trùng tu, bảo vệ là cần thiết và là cũng là chủ trương chung của Nhà nước. Với chủ trương này Bộ Văn hóa, Cục Di sản Bộ VHTT&DL, Sở VHTT&DL Hà Nội, các ban ngành liên quan của thị xã Sơn Tây, đại diện Hội đồng Ngô tộc Việt Nam và đại diện Ban giám sát cộng đồng di tích làng cổ Đường Lâm đã tiến hành trùng tu ở Đền và Lăng Ngô Quyền,tại Đường Lâm, Sơn Tây.

Tổng mức đầu tư hơn 29,9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của dòng họ Ngô đóng góp là 10 tỷ đồng, nguồn ngân sách là hơn 19,9 tỷ đồng. Mới qua 6 tháng thực hiện công cuộc trùng tu đã xuất hiện rất nhiều vấn đề, đặc biệt là chuyện xây dựng bình phong trong khu vực lăng mộ và trên bình phong đắp tượng quái thú rất phản cảm. 

Theo như tác giả tư vấn (GS. Trần Lâm Biền) thì tượng này cũng không đúng theo ý tư vấn. Tôi thấy rằng việc đầu tiên là phải làm cho rõ khái niệm thề nào là “trùng tu, tôn tạo”, giữ nguyên mẫu, hay là có thể sáng tác,vẽ vời theo kiểu “vẽ rắn thêm chân” một cách tùy tiện chẳng giống ai.Vấn đề ở đây không phải tượng có đúng ý tư vấn hay không(?) mà là tại sao lại xây bình phong?

Tôi quan niệm một công trình trùng tu, cần phải giữ được nguyên mẫu để các thế hệ sau hiểu nó như thế nào. 

PV: - Phải chăng việc thêm, bớt là dựa trên yếu tố phong thủy mà theo mỗi trường phái sẽ có cái nhìn khác nhau thì sao, thưa Tiến sĩ?

TS Nguyễn Văn Vịnh: - Công trình lăng Ngô Quyền được xây vào năm Tự Đức thứ 27 (1874). Đương nhiên vào lúc đó công trình được lựa chọn địa điểm, tọa, hướng và được thiết kế bởi những người rất thông thạo về mặt phong thủy. Đặc biệt các lăng tẩm, đền đài đều được xử lý về mặt phong thủy rất nghiêm ngặt bởi những chuyên gia có tri thức và học vấn cao minh.

Theo lý thuyết phong thủy của trường phái Tam Nguyên Cửu Vận, kết hợp với hình thế địa lý cụ thể của trường phái Loan đầu, thì công trình này được xây dựng vào vận 1 Thượng nguyên (mỗi nguyên gồm 180 năm chia thành Thượng, Trung và Hạ nguyên, mỗi nguyên gồm 3 vận, mỗi vận là 20 năm, vận 1 Thượng nguyên gần đây nhất bắt đầu từ 1864-1883). 

Theo đó lăng được xây dựng tọa Tây, hướng Đông, đây là sự lựa chọn tối ưu cho xây dựng Âm phần. Mặt khác hình thế địa lý cụ thể của khu đất được chọn để xây Lăng cũng rất đắc địa, Minh đường rộng rãi, Thanh long, Bạch hổ cân phân, thật xứng đáng với bậc mở đầu cho nền Vương nghiệp của người Việt.

Trở lại khái niệm bình phong: Trước hết bình phong được hiểu đơn giản là vật ngăn che để chia trực khí, hỏa khí xâm nhập quá mạnh qua khí khẩu, thường chỉ dùng trong trường hợp cổng hoặc cửa hướng Nam, trong nhà bình phong, như bức vách tạm phân chia không gian có tính ước lệ, bình phong chia làm hai loại, ngoại bình phong (ngoại án) và nội bình phong (nội án). Nội bình phong được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau, nhiều khi được trang trí như tác phẩm nghệ thuật theo các điển tích hoăc linh vật. Bình phong ngoài trời thường được xây bằng gạch, đá. Đối với những công trình lớn, ngoại bình phong (ngoại án), có thể là đồi núi tự nhiên.

Sự kiện xây bình phong ở lăng Ngô Quyền được GS.Trần Lâm Biền cho rằng: “Vấn đề đặt ra là như thế này, khi tôi biết được có dự án tôn tạo Lăng Ngô Quyền, trong một cuộc họp tôi đã nêu ý kiến nên xây dựng một bức bình phong. Xin lưu ý, đó chỉ là tư vấn của tôi, còn việc những người có trách nhiệm nghe hay không là quyền của họ. Tôi cho rằng việc xây bình phong là cần thiết, để ngăn chặn khí độc và quỷ dữ, chứ không nên để lăng chơ vơ, trống trải”.

Tôi xin nói thẳng, ở đây có hai chuyện: Một là “vẽ rắn thêm chân” không biết có liên quan đến tài chính, chấm mút gì hay không (?) hay là làm thêm hạng mục cho dễ giải ngân thì không rõ. Hai là về phương diện phong thủy tôi khẳng định là người tư vấn này không có một hiểu biết đến nơi đến chốn và nói năng theo cảm tính, lòe mọi người bằng những khái niệm “ khí độc và quỉ dữ” thì thực là vu khoát, không theo cơ sở lý thuyết nào cả.

Từ đây có một vấn đề đặt ra là những di sản được trùng tu, tôn tạo cần phải được tham vấn nhiều chiều bởi những chuyên gia có uy tín ở lĩnh vực văn hóa, phải rất thận trọng chứ không phải cứ “Sư, Sĩ” là phán bừa.

Cần phải có quy chế chịu trách nhiệm

PV: - Thưa ông nhưng ngay sau đó Ban quản lý đã cho phá bỏ bình phong này. Điều này có nghĩa phản ứng rất kịp thời?

TS Nguyễn Văn Vịnh: - Việc bình phong xây xong, gặp phải sự phản ánh không đồng thuận của dư luận và dòng họ, Ban quản lý đã cho phá bỏ bình phong là đúng và rất kịp thời, song dư luận không đồng tình ở chỗ, không phải cứ muốn xây là xây bằng được, rồi không thích thì phá đi.

Viêc nào cũng có thể sai hoặc đúng, sai thì sửa là chuyên bình thường, nhưng đối với các di tích thi không được thí nghiệm đúng sai, vần đề quan trọng là phải giữ được như bản nguyên. Đây cũng là bài học góp phần bảo vệ những di sản văn hóa.

Nói như vậy là bởi trên thực tế đã không ít di tích bị can thiệp khá mạnh tay và có phần là thô bạo có thể nói rất đáng buồn. Như việc trùng tu Chùa Trăm gian gần đây; Hay Đình cổ Quang Húc bị trùng tu như phá, đang kêu cứu; Hay tệ hơn như ở Đền Hùng người ta còn đặt hẳn một hòn đá lạ vẽ bùa theo kiểu “rối loạn tâm linh”, rồi sau phải bỏ vì phản ứng của dư luận. Những việc tương tự thế này chẳng khác gì phá hoại.

Điều này cho thấy quan niệm trùng tu, bảo tồn di tích trước đây có một thời gian bỏ bê. Nhưng nay trên đà muốn phục hồi lại thì lại xuất hiện những hiện tượng chẳng biết nên khóc hay cười như thế này. 

PV: - Vậy theo ông cần có giải pháp gì và nên ứng xử như thế nào với các di tích cần được bảo vệ?

TS Nguyễn Văn Vịnh: - Tôi cho rằng cần phải có quy chế chịu trách nhiệm đối với những người đưa ra ý kiến tư vấn. Những người này phải có kinh nghiệm, có tri thức, và đăc biệt phải có tâm. Bảo quản, trùng tu, tôn tạo di tích thực sự là công việc trọng đại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Ngọc (Thực hiện)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét