Gặp người lính ở bên kia biên giới
Ngô Nhật Đăng
Cựu binh cuộc chiến biên giới Việt - Trung
BBC - 16:07 GMT - thứ bảy, 15 tháng 3, 2014
Dean Peng, một nhà báo với 17
năm cầm bút và là bloger rất nổi tiếng ở Bắc Kinh nhắn: "Trong 3 ngày 5,
6, 7 tháng 3 này, cựu binh Trung Quốc sẽ tưởng niệm những người bạn đã
chết của họ ở chính nơi xảy ra trận chiến, có thể chúng ta sẽ nói chuyện
được với vài người trong số đó.
"Tôi sẽ đi từ Bắc Kinh xuống, chúng mình đón nhau ở biên giới. Tiểu đoàn này tham chiến từ ngày 5/3/79 và chỉ trong 3 ngày đó gần 2/3 bị chết và thương vong," ông Peng nhắn tôi.
Tính chất bi thảm này lập tức làm tôi chú ý, họ bị chết 10 ngày trước khi cuộc chiến chấm dứt, chỉ có ba ngày chuẩn bị, tôi vội vàng gọi điện cho một bạn trẻ sinh năm 1978, giỏi tiếng Anh và ham tìm hiểu lịch sử, đặc biệt là cuộc chiến tranh hầu như bị quên lãng này.
Vội vàng lên sứ quán Trung Quốc làm visa "khẩn cấp" và hai anh em vác ba lô lên đường.
Dean đón chúng tôi với vẻ mặt thất vọng, anh nói :"Đến phút cuối cả chính quyền và cựu chiến binh đều rút lui, một vài người nói họ chưa chuẩn bị tinh thần để gặp cựu chiến binh Việt Nam, tôi cũng đang bế tắc".
Chúng tôi kéo nhau đến địa điểm xảy ra cuộc chiến. Không có ai, cây cầu nhỏ dẫn xuống bãi đất ven sông Hồng nơi tiểu đoàn đó tập trung trước khi đổ bộ sang Việt Nam có mấy cảnh sát Trung Quốc đứng gác ngăn cản không cho người đi xuống.
Quay về khách sạn Dean bàn, "hay từ ngày mai chúng ta đi đến các nghĩa trang, biết đâu lại gặp cựu binh nào đó đến tưởng niệm đồng đội của họ".
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đến một nghĩa trang tại Hà Khẩu. Nghĩa trang rộng lớn với hàng ngàn ngôi mộ, được chăm sóc cẩn thận nhưng vắng tanh không một bóng người.
Dean nói: "Đi Bình Biên, nơi đó có một khu tưởng niệm khá lớn". Chúng tôi lại lên đường.
Nghĩa trang Bình Biên
Hà Nội vẫn đang mưa rét, nhưng cao nguyên Vân Nam đã bừng ánh nắng và hoa nở khắp nơi, nhất là cây hoa gạo người Trung Hoa gọi là "mộc miên" dọc con đường sắt Hà Nội - Vân Nam tung lên bầu trời những đóa hoa đỏ như máu. Nó làm tôi nhớ lại mùa hoa này những ngày tháng 2/79 cũng nở dọc đường Cao Bằng đón chúng tôi trên đường ra trận.
Bình Biên là thị trấn thanh bình nằm trong một thung lũng nhỏ.
Dean dẫn chúng tôi đến nghĩa trang, anh chỉ tấm biển ghi tên con đường dẫn đến nghĩa trang nói, "nó được đổi tên thành "Đường Vệ Quốc" sau tháng 2/79".
Nghĩa trang nằm ở cả hai bên con đường lớn, trập trùng bia mộ nằm khắp triền đồi. Có 4, 5 người đàn ông đang đứng nghe chim họa mi hót trong những chiếc lồng treo trên cây.
"Với tình hình căng thẳng hiện nay giữa hai nước, chiến tranh khó có thể xảy ra nhưng trở thành bạn bè thì cũng khó." - Một kỹ sư trẻ gặp trên đường cao tốc Côn Minh
Chúng tôi hỏi có biết những người này chết ở đâu và vì sao lại chết thì họ trả lời: "Chết ở Việt Nam và không biết vì sao họ chết".
Có mấy bạn trẻ cả nam và nữ đứng quanh đó, một bạn lên tiếng, "họ sang giúp Việt Nam đánh Mỹ và hy sinh ở đó". Một bạn khác chen vào: "Họ đánh nhau với Việt Nam".
Dean hỏi có biết vì sao lại đánh nhau với Việt Nam không thì bạn đó lắc đầu. Dean hỏi tiếp: "Nếu bây giờ lại đánh nhau với Việt Nam, bạn có sẵn sàng cầm súng?". Bạn trẻ lắc đầu kiên quyết : "Pú tả" (không đánh) vì chúng ta đâu có hận thù".
Khi biết chúng tôi là người Việt Nam họ ồ lên và đồng ý chụp ảnh chung.
Lên đến gần đỉnh đồi, có một ngôi mộ được dán tờ giấy ép plastic, đó là bài thơ đề ngày 17/1/2014.
Dean dịch cho chúng tôi nghe bài thơ đó, tim tôi như bị bóp lại, vinh quang hay anh hùng phải trả với giá xương máu thế này sao?
Tôi nhớ lời kể của một cựu tù chính trị ở Việt Nam nói với tôi:"Chú là tù chính trị nên bị giam ở xà lim riêng, một lần có người gửi cho chú một điếu thuốc lá, trong đó có mẩu giấy nhỏ ghi dòng chữ "Người ta nghiêng mình trước một người anh hùng đã chết, nhưng một tráng sỹ còn sống đáng quý hơn.""
Cả đêm đó chúng tôi thao thức, tôi và anh bạn trẻ bàn nhau sáng sớm hôm sau quay lại nghĩa trang gỡ bài thơ trên mộ mang theo cuộc hành trình.
Từ chối gặp
Trên đường đi tình cờ một kỹ sư trẻ đang công tác tại đường cao tốc Côn Minh đồng ý tìm giúp chúng tôi những người cựu binh sống ở Mã Quan (quê của anh), chúng tôi dừng ở Mã Quan chiều hôm đó, nhưng rồi cũng không gặp được.
Anh bạn kỹ sư lại giới thiệu tiếp người thợ ảnh tại Mã Lật Pha, anh nói, “anh ấy là cựu binh và nhiều năm nay chuyên chụp ảnh các cựu chiến binh đưa lên mạng internet”.
Dean gọi điện cho người thợ chụp ảnh, người thợ đồng ý sẵn lòng gặp chúng tôi và sẽ giới thiệu các cựu binh khác bạn của anh. Chúng tôi bàn nhau khi xong việc ở Ma li pho tôi sẽ về Việt Nam (cách biên giới Hà Giang - Việt Nam hơn 30km) còn Dean sẽ quay về Bắc Kinh.
Tối hôm đó, khi đến nhà người thợ ảnh, anh lại cho biết những người cựu chiến binh khác gửi lời xin lỗi vì không gặp chúng tôi được, họ sợ và “chưa chuẩn bị cho tình huống này”.
Anh thợ ảnh tặng tôi một cuốn sách tường thuật cuộc chiến năm 79 có rất nhiều ảnh tư liệu và nói: “Bây giờ chưa bàn đúng sai, tôi nghĩ những người lính cả hai bên đã nằm xuống cần được nhớ tới và tưởng niệm, nếu có dịp đến Việt Nam tôi cũng sẽ đến các nghĩa trang liệt sỹ để tường niệm họ”.
Tối đó khoảng 2200 (giờ địa phương) chúng tôi bị một nhóm cảnh sát vũ trang đến tại phòng kiểm tra giấy tờ.
Sáng hôm sau khi xuống sảnh khách sạn, một nhóm người mặc thường phục đã chờ sẵn, họ hỏi tôi vài câu nhưng vì tôi không biết tiếng Trung nên không hiểu, một người rút máy ảnh chụp tôi rất ngang nhiên, khi Dean xuống anh tranh cãi với họ một hồi rồi quay sang tôi : “Họ bảo nếu hôm nay muốn đi đâu họ sẽ có xe chở chúng ta đi”.
Tôi đồng ý và bảo chờ chừng 10 phút để tôi lên phòng mang theo máy quay và máy ảnh. Khi quay lại thì họ đã bỏ đi, Dean cười, “khi biết anh mang theo máy quay phim, họ bỏ đi rồi, tôi bảo họ :”Sao lại bỏ đi, các ông làm chúng tôi mất một cơ hội tiết kiệm tiền taxi hôm nay rồi"”.
Chúng tôi đều cười vui vẻ. Dean nói: “Ra nghĩa trang thôi, ông quản lý nghĩa trang nói mẹ ông ta sẵn sàng cho chúng ta phỏng vấn, bà làm ở đây từ năm 79”.
Theo dõi
Không ngờ khi đến nơi nhóm người buổi sáng đã chờ sẵn nhưng có thêm 2 cô gái, khi tôi chụp ảnh cô nói bằng tiếng Việt “Quản lý nghĩa trang chỉ cho phép tham quan mà không được chụp ảnh” và họ đi theo chúng tôi chỉ cách vài chục mét.
Đây là nghĩa trang rộng lớn, địa thế đẹp và được chăm sóc kỹ lưỡng, nó giống một công viên hơn là một khu nghĩa trang, khi hỏi về số lượng mộ, người của nghĩa trang cho chúng tôi một con số giật mình: 9.060 người.
Tiến về phía cô gái tôi hỏi:
- Bọn anh có giống người xấu không?
-Không giống đâu.
- Vậy tại sao anh lại có cảm giác đang bị theo dõi?
Cô xua tay nói lớn:
"Chúng ta đang sống, nói cười như người bình thường, chỉ một tiếng kèn hiệu ta bỗng biến thành người khác." - Xie Yong Gui, từng là lính pháo binh của Trung Quốc trong cuộc chiến với Việt Nam
- Vậy em giải thích cho anh xem tại sao lại có hiện tượng này?
Cô ngập ngừng một chút rồi nói:
- Lần đầu tiên có người Việt Nam đến đây.
À ra vậy, tôi nói mình là bộ đội Việt Nam có tham gia chiến tranh tháng 2/79 và lý do tìm đến đây.Cô gái nói:
- Hai nước giao lưu thì tốt mà, nhưng anh em trong nhà cũng có lúc cãi nhau, đánh nhau mà? - Cô khoa tay chỉ một vòng và tiếp:
- Nhắc lại làm gì, đau lòng lắm.
Tôi gặng:
- Tại sao không nhắc, anh nghĩ nhắc lại để cho con cháu chúng ta không bao giờ làm những việc đau lòng như vậy nữa càng tốt chứ sao? Còn hơn là giả vờ quên.
Cô cười và trả lời thật thú vị:
- Em không biết đâu, việc đó là để cho đàn ông làm thôi.
Chúng tôi cùng cười và trao đổi thêm mấy câu riêng tư về gia đình nghề nghiệp.
Rồi cô quay lại nhóm mấy người đàn ông, chắc là kể lại cuộc trao đổi với tôi. Khi chúng tôi ra về thì họ không theo nữa.
Cậu em đi cùng cười khùng khục : “Em lén ghi âm lại cuộc nói chuyện của anh với cô bé đó rồi”. Cách làm này không đẹp nhưng sự quyến rũ có được những tư liệu đó cũng khó cưỡng.
Anh bạn Bắc Kinh thông báo, "có mấy cựu chiến binh đồng ý gặp nhưng chúng ta phải quay lại Văn Sơn, anh tính sao?"
Trời! Ông ma xó này, còn chần chờ gì nữa, chúng tôi lập tức lên đường.
Hố sâu lịch sử
Như mọi người lính, chúng tôi ôm nhau rất chặt như từng đã quen biết. Anh bạn bộ binh mở cho chúng tôi xem blog của anh ấy, có ảnh thời mới nhập ngũ, một chàng trai trẻ khoác trên người cả một băng đạn đại liên. Và thật thú vị có cả ảnh anh tham dự Buổi gặp mặt truyền thống trung đoàn của Việt Nam.
Chúng tôi rủ nhau đi thăm thành phố, chụp ảnh lưu niệm và trong bữa cơm chúng tôi nói với nhau rất nhiều. Từ chuyện chúng tôi được nghe những gì từ truyền thông vì sao chúng tôi lại bắn giết nhau đến mức tàn nhẫn như thế, bạn bè nào của nhau đã ngã xuống vĩnh viễn. Toàn những chuyện kinh khủng nhưng nói ra được cũng làm nhẹ lòng.
Chúng tôi được nghe về sự xâm lăng tàn bạo của Trung Quốc, giết người, hãm hiếp, tàn phá… Tôi cũng được chứng kiến những đống hoang tàn của các thành phố, làng mạc Việt Nam sau khi Trung Quốc rút quân.
Các bạn đều được tập trung hai ngày trước khi ra trận để xem những cuốn phim về “Việt Nam bài xích người Hoa”, được nghe các chính trị viên kể họ đã trực tiếp chứng kiến từ bên kia biên giới cảnh bộ đội Việt Nam tàn sát Hoa kiều man rợ ra sao. Tất cả đều khóc ròng và căm thù sôi sục.
Chúng tôi đã cầm súng lao vào nhau như đối với kẻ thù không đội trời chung như vậy đó.
Chúng tôi kể chuyện gia đình, kể việc mưu sinh sau khi giải ngũ, khoe nhau ảnh gia đình, vợ con, cháu ngoại, người lính bộ binh thì đã ly dị, anh trầm ngâm uống rượu.
Anh bạn pháo binh nói, "chúng ta đang sống, nói cười như người bình thường, chỉ một tiếng kèn hiệu ta bỗng biến thành người khác.
"Chúng ta đã bị lừa dối, bị biến thành công cụ. Không có ai khao khát hòa bình như những người lính. Vạn nhất sau này có xảy ra chuyện đó một lần nữa, chúng ta là những người phải kiên quyết chống lại dù phải hy sinh mạng sống của mình."
Chúng tôi đứng nghiêm chào nhau theo tư thế người lính một cách trang trọng.
Anh bạn Bắc Kinh viết lại câu đó bằng tiếng Hoa, đặt trước ngực hai chúng tôi chụp lia lịa.
Anh bạn bộ binh nâng cốc nói, “có những thằng chết đi mà chưa từng nắm tay phụ nữ. Hãy uống cho những thằng may mắn còn sống sót”.
"Chúng tôi muốn sang Việt Nam đi thăm nghĩa trang Trường Sơn. Chúng ta hãy lập một công ty toàn là cựu chiến binh hai nước, hãy cùng nhau kiếm tiền, bất cứ thằng nào trong chúng ta mà làm bậy thì…"
Anh uống cạn chén rượu, bàn tay chặt mạnh vào không khí, mồm kêu: “Pập”.
Trên đường về Việt Nam trong đầu tôi cứ vương vất câu nói của anh kỹ sư trẻ trên đường cao tốc Côn Minh, "với tình hình căng thẳng hiện nay giữa hai nước, chiến tranh khó có thể xảy ra nhưng trở thành bạn bè thì cũng khó".
Một nhà Sử học Việt Nam cũng coi cuộc chiến năm 79 là “một vết hằn lịch sử trong quan hệ hai nước”.
Tôi thì nghĩ, đó không chỉ là một vết hằn mà là một hố sâu, thay vì quên nó đi (mà chắc gì quên được) tại sao ta không nghĩ cách lấp nó lại. Vâng, rất khó nhưng chẳng lẽ lại không làm.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả Ngô Nhật Đăng, gửi cho BBC tiếng Việt từ Hà Nội.
Nguồn: BBC Việt ngữ.
....Các bạn đều được tập trung hai ngày trước khi ra trận để xem những cuốn phim về “Việt Nam bài xích người Hoa”, được nghe các chính trị viên kể họ đã trực tiếp chứng kiến từ bên kia biên giới cảnh bộ đội Việt Nam tàn sát Hoa kiều man rợ ra sao. Tất cả đều khóc ròng và căm thù sôi sục.
Trả lờiXóaChúng tôi đã cầm súng lao vào nhau như đối với kẻ thù không đội trời chung như vậy đó.-.......
Tại sao không nhắc, anh nghĩ nhắc lại để cho con cháu chúng ta không bao giờ làm những việc đau lòng như vậy nữa càng tốt chứ sao? Còn hơn là giả vờ quên !
Đừng quên và giả vờ quên sẽ đẩy những người dân trung thực vào tội lỗi .Dân họ sẽ là người ngăn mọi tội lỗi của phe bá quyền và nhóm không nhỏ ?
Người dân cả 2 nước bao năm "côi cut làm ăn,toan lo nghèo khó",nhưng luôn là nạn nhân của những thủ đoạn chính trị dã man,luôn bị đầu độc để làm phương tiện cho những tham vọng bẩn thỉu!
Trả lờiXóaCó tội lớn nhất với nhân dân Trung Quốc và Việt nam là Đặng Tiểu Bình, chỉ một mình ông ta đã gây lên hàng vạn cái chết oan uổng và tốn kém, gây hằn thù chia rẽ 2 dân tộc, ảnh hưởng xấu tới lịch sử và hiện tai tương lai.
Trả lờiXóaSao tác giả lại dùng từ "nghĩa trang "liệt sĩ"" nhỉ?
Trả lờiXóa"Không ai mong ước hoà bình như những người lính". Xin cảm ơn anh vì những gì anh đã và đang làm cho Tổ Quốc.
Trả lờiXóa