Đình cổ Quang Húc còn gì sau trùng tu?
08:27 | 24/03/2014
Đình Quang Húc (đình Bôm), xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội song sinh với đình Chàng nổi tiếng xứ Đoài, được dựng vào cuối thế kỷ XVII. Tương truyền, các cột của hai đình này được lấy từ một cây gỗ lớn, nên dân có câu: Gốc đình Chàng, ngọn đình Bôm. Trải qua gần 400 năm, cặp đình song sinh này đều bị xuống cấp nghiêm trọng và đều được trùng tu. Song, trong khi đình Chàng đến nay được xem là di tích điển hình cho việc trùng tu chất lượng, thì đình Quang Húc dù trùng tu đã kéo dài quá hạn hơn 1 năm mà vẫn dở dang...
Năm 2011, sau khi có quyết định trùng tu, đình Quang Húc - được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990 - được giao cho đơn vị thiết kế là Công ty cổ phần Xây dựng công trình VH, TT và DL, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tư vấn XD và TM Thành Hưng. Trước mô hình thiết kế của nhà thầu, dân làng khấp khởi mừng, bởi ngôi nhà Thánh ở sắp được tu bổ, sửa sang chắc chắn hơn, đẹp hơn. Nhưng đến nay, sau hơn 3 năm khởi công trùng tu, ngôi đình hiện thời bị bỏ dở, hoang lạnh, điêu tàn cứ như thể không ai có trách nhiệm đứng ra trông coi. Chưa nói tới chất lượng gỗ được chắp vá vào thân cột hay những mảng chạm trang trí được nối ghép cẩu thả, dù không có chuyên môn về nghề mộc, hay chưa nhìn thấy ngôi đình cũ, người ta cũng khó lòng chấp nhận kết cấu nghiêng vẹo từ hệ thống cột kèo tới bức y môn cửa võng ở trung tâm đình. Hệ thống xà dọc, cột cái, cột quân, cột hiên xưa liên kết bằng mộng chắc chắn thì nay xô lệch và gắn kết chủ yếu bằng keo công nghiệp...
.
Cột bị ghép |
Mới vào đến sân đình, mùi ẩm mốc đã bốc lên, nền đình đầy lá khô, mùn gỗ và dây điện. Chưa đầy 5 phút chúng tôi vào đình, nhiều người kéo ra, từ thanh niên tới trung niên và các cụ cao tuổi. Họ bức xúc trước những mất mát của ngôi đình cổ. Ngôi đình hiện tại là sản phẩm phẫu thuật thẩm mỹ không thành công. Dù đang trong quá trình chờ nghiệm thu, nhưng ngôi đình cổ rõ ràng chịu đựng những biến chứng nặng nề, không chỉ giảm sút giá trị thẩm mỹ, mà những tai biến hậu thẩm mỹ cũng đáng ngại. Do sự trùng tu cẩu thả, các liên kết bằng mộng không bảo đảm, hệ thống cột kèo xô lệch, mái ngói cong vênh... Một người vốn là thợ mộc tỏ ra bức xúc: khi dựng những hàng cột cuối cùng, do việc lắp đặt có nhiều sai sót, người ta không thể lắp khít các lỗ mộng, mà phải nhờ sự trợ giúp của cẩu để táp các cột gỗ vào. Ấy vậy nhưng, những hàng cột ấy đến nay vẫn không chịu đứng thẳng. Khu vực trung tâm đại đình, nơi thờ tự, từ trần thiết, bộ cửa võng kéo xuống khám thờ bị đục lại gần như mới rồi phủ lớp sơn công nghiệp hồng đỏ chói gắt. Nhiều cấu kiện kiến trúc trên đó có những mảng chạm khắc trang trí cổ mang dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII vẫn có thể tái sử dụng, nhưng đơn vị thi công đã đem bỏ xó và thay mới bằng cấu kiện khác. Điển hình là chiếc xà ngang chạm khắc lưỡng long chầu chữ thọ ở gác lửng hậu cung đình là khối gỗ nguyên, còn chắc chắn, các mảng chạm còn rõ nét, tinh xảo nhưng bị đem bỏ sau hậu cung.
Cũng như nhiều di tích nghệ thuật kiến trúc cổ khác, sau khi trùng tu, hệ thống bờ nóc đại đình đình Quang Húc bị thay mới hoàn toàn, các con giống trên bờ nóc, hệ thống đầu đao... được làm lại bằng xi măng cốt thép. Hàng loạt sai phạm khác do sự thiếu hiểu biết của đơn vị thi công mà nhiều lần dân thôn đã phải kiến nghị sửa đổi. Đôi nghê nhỏ xinh được đắp bằng đất luyện cùng với vôi mật, giấy bản xưa đặt chầu trước lối vào đại đình bị thay thế bằng đôi sư tử kiểu Tàu. Sân đình lát gạch mới mà chỉ sau một mùa mưa đã rêu mốc, trơn trượt. Thời điểm mùa mưa năm 2013, trước thực trạng ngấm dột ở đình chẳng khác nào lúc chưa trùng tu, dân làng đã chụp ảnh, khiếu nại lên đơn vị thi công và chủ đầu tư, yêu cầu xem xét, sửa chữa.
.
Y môn cửa võng bị sơn lại bằng sơn công nghiệp, hình vẽ rồng cẩu thả |
Trước sự việc đã rồi, các cụ cao tuổi
trong làng kiến nghị: 1) Đề nghị nhà thầu hoàn thiện công việc còn lại
để dân rước thánh về đình. Thánh phải đi ở nhờ cửa Phật quá lâu rồi!; 2)
Yêu cầu đơn vị thi công và chủ đầu tư giải trình, làm rõ quá trình
trùng tu, toàn bộ dự án, từ thiết kế thi công cho tới quá trình hoàn
thiện.
Số phận đình Quang Húc sẽ ra sao? Thánh có sớm được về đình hay chỉ được dăm bữa nửa tháng, Ngài lại phải đi lánh tạm, chờ dựng nhà mới?
Vũ Thị Hằng
Tôi cho rằng công trình này đã bị rút ruột để ăn chia từ trên xuống dưới cho nên họ mới cẩu thả đến như vậy vì đã có "Ô dù" đỡ. Ông bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước dân trong vụ này.
Trả lờiXóabà Thứ trưởng được điều từ Hải Dương lên là ăn thôi, nói cho Bộ trưởng thì oan quá, vì thẩm quyền được ăn là của bà này ký thỏa thuận trùng tu
Trả lờiXóaCái trò rút ruột quá thô thiển vụng về . Ăn bẩn quá lộ liễu . Qua mặt NN được chứ không qua mặt ND được ! Không lẽ chờ cho Đình Quang Húc sụp xuống mới truy tố bọn ăn bẩn này ?
Trả lờiXóa