Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Võ Văn Tạo: CÀNG BỊT, HŨ MẮM CÀNG NẶNG MÙI

Nhưng bút tích cái câu này: "Sau khi nói chuyện với anh Ngọ xong tôi xin phép về và hôm đó tôi không đưa tiền cho anh Ngọ như tôi đã khai tại trại B34 thành phố Hồ Chí Minh…" thì không thấy đưa lên trong bài viết.

Càng bịt, hũ mắm càng nặng mùi 

Võ Văn Tạo 

Sau cái chết không thể đáng ngờ và giật gân hơn của tướng Ngọ, báo Petrotimes do đại tá công an Nguyễn Như Phong làm Tổng biên tập, ngoài việc “nhảy cẫng đưa tin” (tối 18-2-2014) trước cả thời khắc ông Ngọ thực sự chết, ngày 20-2-2014 còn đăng bài 2 bài dồn một: “Petrotimes công bố tư liệu đặc biệt về 2 cuộc gặp của Dương Chí Dũng và tướng Ngọ”. 

Đây là 2 bài báo thuật lại bút tích tự khai của Dũng ở Trại Yên Trạch (Lạng Sơn) ngày 17-10-2012 về 2 cuộc gặp gỡ chạy tội với tướng Ngọ ở bãi biển Đồ Sơn và nhà riêng tướng Ngọ tại Hà Nội và có bình thêm. 

Nội dung bài báo thì dài nhằng, nhưng tóm lại, chỉ nhằm thanh minh thanh nga cho tướng Ngọ. Rằng cả 2 lần trên, Dũng không hề hối lộ tiền bạc cho tướng Ngọ. Rằng lời khai trước đây của Dũng ở  B34 (đưa 10.000 USD và 500.000. USD) “là sai sự thật, do lẫn và hoang tưởng”. 

Như báo chí đã đăng tải, lúc mới bị bắt từ Campuchia di lý về Sài Gòn (B34), Dũng khai đã hối lộ tướng Ngọ 2 lần, tổng cộng 510.000 USD. Tại phiên tòa xét xử vụ án thứ 2 liên quan đến Dũng (tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài), Dũng lại khai có hối lộ như lần khai ở B34. Trước vành móng ngựa, Dũng bộc bạch, nội dung khai trước tòa mới là sự thật, vì là lời nói của kẻ bị khép án tử hình chờ chết, không thể man trá. 

Qua đó, chẳng cần thông minh lắm, công luận dư sức hiểu, về đến Trại Yên Trạch, dưới áp lực của phe cánh tướng Ngọ, Dũng đành phản cung để đề phòng bị thủ tiêu ngay trong trại giam nhằm diệt khẩu. 

Những ai từng tham gia xét xử nhiều vụ án hình sự đều biết và tôn trọng nguyên tắc: khi nội dung các lần khai tại cơ quan điều tra mâu thuẫn nhau, thì sự thật nằm trong lời khai đầu tiên. Vì khi mới bị bắt, nghi can thường bất ngờ, bị động, nên khai thật. Sau đó, “nhất dạ bá kế”, mới tính toán thiệt hơn này nọ để khai khác đi. 

Về nghiệp vụ và đạo đức báo chí, xin đại tá Phong trả lời giùm câu hỏi của bạn đọc và đồng nghiệp: vì sao Petrotimes chỉ đăng (kèm ảnh chụp bản tự khai) lời khai ở Trại Yên Trạch, mà không đăng  lời khai của Dũng (kèm ảnh chụp bút tích) ở B34 cũng như lời khai tại tòa? 

Chẳng phải đây là lần đầu tiên Petrotimes “làm xiếc” công luận trong vụ án này. Sau khi Dương Tự Trọng bị kết án, tờ báo này đã đăng nhiều bài ca ngợi Dương Tự Trọng như một người quân tử, một người con tận hiếu… 

Nhưng sự thật vể Dũng và Trọng với cả đống biệt thự, vợ bé đã cho công luận dư biết anh em họ tiền đông hơn quân nguyên. Petrotimes là tờ báo của ngành dầu khí – tiền cũng đông hơn quân Nguyên cả vạn lần. Chẳng lẽ lãnh đạo ngành dầu khí cứ “ngơ ngơ như bò đội nón”, để ai đó lợi dụng tờ báo của ngành mình để viết thuê, lừa dối công luận, trục lợi cá nhân? Một tờ báo bị công chúng ghê tởm và phỉ nhổ, cơ quan chủ quản làm sao có thể nói với công luận rằng chúng tôi sạch sẽ? 

Không chỉ có vậy, khi cả nhân loại tiến bộ mừng nhân dân Libya thoát ách độc tài dơ bẩn của Kadhafi, thì Petrotimes đăng bài tụng ca tụng ca và thương tiếc kẻ này – “kẻ thù nguy hiểm nhất của thế giới, con chó dại nguy hiểm vùng Cận Đông” (lời cựu tổng thống Reagan). 

Báo chí có thể tác động và gây ảnh hưởng đến công chúng. Điều đó không phải bàn cãi. Nhưng với tham vọng hoang đường một tờ báo chầy cối và trơ trẽn viết ngược hàng trăm tờ báo trong và ngoài nước, chống lại sự thật rành rành, chống lại các giá trị nhân phẩm, liệu Tổng biên tập Nguyễn Như Phong, ngoài việc tự bôi chất bẩn vào mặt mình, có mắc bệnh hoang tưởng? 

Nhân vụ tướng Ngọ đột tử, cũng xin bàn thêm đôi chút. Theo lời khai của Dũng, tướng Ngọ điện báo, mach nước Dũng nên trốn đi một thời gian. Kết hợp nhiều tình tiết khác, tòa ra quyết định khởi tố vụ án (chưa khởi tố bị can) cố ý làm lộ bí mật nhà nước, mà nghi can là tướng Ngọ. Tướng Ngọ chết, phải đình chỉ vụ án theo luật định (trừ trường hợp xác định có nghi can khác). Nhưng chuyện hối lộ, Dũng Khai ngoài tướng Ngọ còn có đại tá cục trưởng (sau khi Dũng bỏ trốn, đã “bay” chức Trưởng ban chuyên án Vinalines) và cán bộ C48 được Dũng lót tay hàng chục nghìn USD, với cụ thể số lượng từng món cho từng người. Nếu điều tra khẩn trương và nghiêm túc, lời khai của Dũng là đúng, thì khó suy rằng Dũng khai vấy cho tướng Ngọ. Bản chất các vụ án liên quan đến Dũng là nhằm mục tiêu răn đe tham nhũng. Một vụ án đưa và nhân hối lộ liên quan trong vụ này, nếu được khởi tố kịp thời, điều tra khẩn trương và chính xác, sẽ vớt vát phần nào cho cái gọi là chủ trương đẩy mạnh chống tham nhũng của thể chế. 

V.V.T

3 nhận xét :

  1. ông Nguyễn Như Phong này hình như đang làm một công việc mà hậu thế sẽ nhắc mãi về tính trung thực, tính côn đồ, tính láu cá, tính tàn nhẫn....của ông để làm gương cho người đời.
    Tôi sẽ xem ngày sau của ông Nguyễn Như Phong sẽ như thế nào.
    Ân oán là có thật

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Như Phong là một tên bồi bút , không hơn không kém . Điều đáng sợ nhất với người cầm bút có lương tâm là 2 từ : BỒI BÚT .

    Trả lờiXóa
  3. Lời khai đầu tiên của bị can và lời khai trước toà của kẻ tử tội chắc chắn đáng tin hơn lời khai sau khi "làm việc" với công an điều tra! Chắc chắn lá thư được đăng này là sản phẩm của những kẻ "hoang tưởng" như đại tá Phong, chứ Dũng tỉnh táo, bình tĩnh ngay cả khi nghe án tử không hề nao núng, thì sao lại tự nhận mình là kẻ "hoang tưởng và nhầm lẫn" về lời khai trước đó được? nếu không là bị ép cung.

    Trả lờiXóa