Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Đinh Hoàng Thắng - VƯỢT TRÊN PHỨC CẢM MƯỜI BẢY THÁNG HAI


VƯỢT TRÊN PHỨC CẢM MƯỜI BẢY THÁNG HAI
Đinh Hoàng Thắng

Để hóa giải cả hai thái cực, tâm lý yếm thế lẫn thái độ khinh suất trong quan hệ với Trung Quốc, phải vượt qua được phức cảm tự ti lẫn tự tôn. Phép giải bùa cần được bạch hóa. Giải bùa và bạch hóa là phương tiện trui rèn khối đoàn kết và thúc đẩy công cuộc hội nhập nhằm bảo vệ/xây dựng đất nước.


Thật đau buồn nếu như ngày mười bảy tháng hai thành làn ranh giữa một bên là những trái tim nguội lạnh, với bên kia là bầu nhiệt huyết của triệu triệu con người chưa bao giờ từ bỏ ý chí đòi lại bất cứ phần bờ cõi nào đang bị cưỡng chiếm. Khẩu hiệu hoa mỹ không thể là “vạn lý trường thành” ngăn chận xâm lược. Chứng cứ ư? Sau khi chiếm đoạt nhóm An Vĩnh 4/1956, tiến công Nguyệt Thiềm cướp Hoàng Sa 1/1974, Trung Quốc “tung” hai gọng kìm của cùng một chiến lược: chống lưng cho chiến tranh biên giới Tây Nam 1/1978 và tấn công trực tiếp sáu tỉnh biên giới phía Bắc 2/1979, sau khi lấn chiếm thêm ở quần đảo Trường Sa 3/1988, đã dựng lên thành phố Tam Sa 6/2012 trên đảo Phú Lâm và hiện đang ngày đêm uy hiếp/đe dọa chủ quyền của Việt Nam ở cả hai quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa.

“Giải bùa”  

Quy mô cuộc tiến công 17/2/1979 của Trung Quốc đánh vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam gợi lại cuộc gây hấn mà Trung Quốc tiến hành dọc tuyến biên giới với Liên Xô, năm 1969. Lá bùa vĩ đại nhất về chủ nghĩa quốc tế vô sản đã bị xé toạc từ những năm ấy. Chẳng cần phải chờ đến khi Trung Quốc tự nhận là “NATO ở phương Đông” thế giới mới bừng tỉnh về động cơ thực sự của các cuộc xâm lăng. Trong “Ma chiến hữu”, Mạc Ngôn đã lớn tiếng tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa và vô nghĩa ấy theo cách riêng của ông. Mạc Ngôn mô tả những xác chết của binh lính Tàu được đếm như xác súc vật ở biên giới phía Bắc đều là di thể của những nông dân nghèo khó. Họ tòng quân không vì “chính nghĩa” của nhà cầm quyền, mà cốt chỉ để có ba bữa tạm no và vài bộ quân phục đủ ấm giữa mùa đông.

Trong lịch sử, Trung Quốc đã bao lần dấy binh đánh Việt Nam như vậy? Các cuộc chiến tranh Lý-Tống (1075), Trần-Nguyên (những ba lần: 1258, 1285, 1288), Minh-Hồ (1406), Minh-Lê (1427), Thanh-Tây Sơn (1789) là những cuộc điển hình nhất. Ngần ấy thời gian, số trận mạc như vậy không phải là ít. Trong tất cả những lần động binh ấy đều được thiên triều hô hoán là để ban “ân đức”, như ủng hộ họ Đinh (981), trị phản (1075), phục Trần (1406), phò Lê (1789)… Tuy nhiên, bản chất của các cuộc chiến tranh ấy, tất cả đều không có ngoại lệ, chỉ là một. Đó là các cuộc chiến tranh xâm lược. Sử gia Hà Văn Tấn hoàn toàn chính xác khi ông đúc kết, Việt Nam là dân tộc liên miên phải chống xâm lược và chủ nghĩa yêu nước là kết tinh quan trọng và chủ yếu của cả lịch sử lẫn tư tưởng Việt Nam. 

Đặt cuộc chiến tranh cách đây 35 năm trên dòng chảy lịch sử ấy để thấy hết cái nguy hiểm của hiệu ứng đô-mi-nô trong chiến lược của Trung Quốc đối với lân bang. Liệu có thể hy vọng, gác lại ký ức cuộc chiến tranh biên giới ấy một thời gian nữa hoặc tạm gọi cuộc chiến tranh ấy bằng các danh xưng khác, để giảm bớt tầm nghiêm trọng của chính sách bá quyền truyền thống của Trung Quốc? Chắc chắn là không thể. Bởi vì cuộc chiến tháng 2/1979 là một trong ba cuộc xâm lược Trung Quốc trực tiếp đánh Việt Nam: tháng 1/1974, tháng 2/1979 và tháng 3/1988. Cả ba cuộc chiến ấy có thể ví như ba mũi tiêm chủng làm tăng thêm sức đề kháng mãnh liệt chống lại mọi mưu đồ và hành động lấn lướt của Trung Quốc đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Hãy xem quan hệ Việt-Mỹ đã được nâng cấp thành “đối tác toàn diện” nhưng tượng đài các anh hùng biệt động hy sinh trong Tết Mậu Thân vẫn hiên ngang tồn tại. Bang giao Việt-Pháp vốn có chiều sâu và bền bỉ vượt qua mọi thử thách để nay trở thành một trong những cặp “đối tác chiến lược” hàng đầu (với P5) nhưng đâu có ảnh hưởng tới các kỳ lễ lạt nhân ngày giải phóng Thủ đô hay kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Vậy tại sao các cuộc chiến đấu ngoan cường chống lại những cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc lại chưa được tôn vinh và ghi vào sử sách? Các cuộc chiến đấu chống xâm lược những năm tháng ấy hoàn toàn xứng đáng để ghi vào biên niên sử bang giao Việt-Trung như một trong những chương đáng nhớ để rút ra các bài học cho hậu thế.

Minh bạch hóa

Bởi vì cuộc chiến 17/2 nằm trong một kế hoạch thâm độc làm chảy máu Việt Nam. Báo cáo của chính phủ Việt Nam về hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tháng 1/1978 trên biên giới Tây Nam và tháng 2/1979 trên biên giới phía Bắc, cũng như về nhiệm vụ của toàn dân/toàn quân được trình bày tại kỳ họp thứ năm quốc hội khóa VI (tháng 5/1979), đã khẳng định mức độ tàn khốc của các cuộc thảm sát mà báo chí nước nước ngoài mỉa mai gọi đó là “cuộc chiến huynh đệ”. Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy khi đó Trung Quốc đã lên kế hoạch từ lâu chuẩn bị để tiến công Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, còn ta thì vừa ra khỏi 30 năm chiến tranh ác liệt, đang bộn bề khó khăn. Cuộc chiến tuy chỉ diễn ra chừng một tháng, nhưng những hệ lụy về đối nội và đối ngoại sau đó của nó còn kéo dài hàng chục năm trời.

Dù 35 năm đã trôi qua, hiệu ứng của cuộc chiến vẫn còn dai dẳng trong những “cặp” phức cảm giữa tự ti/và tự tôn, giữa thần phục/và chống lại bắt nguồn từ ảo vọng “cộng thông” về tư tưởng. Hơn bao giờ hết, từ nay phải vượt trên các phức cảm ấy để ưu tiên hàng đầu cho đoàn kết dân tộc và hội nhập quốc tế. Đoàn kết ở đây là phải tăng cường sự thống nhất giữa các vấn đề thuộc về ý thức hệ với ý chí và nguyện vọng của đa số người dân. Chủ yếu là phải dựa vào dân để bảo vệ giang sơn xã tắc, gìn giữ sự tôn nghiêm của lãnh thổ/lãnh hải, chứ không thể dựa vào thế lực nào khác. Chừng nào chưa thực sự nằm lòng được chân lý ngàn đời này thì chừng đó, chưa quy tụ được những điều kiện cần và đủ để vượt qua thách thức, hóa giải các nguy cơ trong quan hệ đối nội cũng như đối ngoại.

Minh bạch giúp hóa giải được cả hai thái cực: tâm lý yếm thế lẫn cả thái độ khinh suất, chủ quan trong quan hệ với Trung Quốc. Tâm lý yếm thế bắt nguồn tự phức cảm tự ti, nhìn tương quan Việt-Trung chỉ trên phương diện tay đôi và cho đó là tương quan “trứng chọi đá”, kiểu gì cũng phải thần phục Trung Quốc. Còn khinh suất chủ quan, ngược lại là do phức cảm tự tôn thái quá. Sau năm 1975 lại cho rằng, không còn thế lực nào dám đụng đến Việt Nam nữa. Cả hai phức cảm này không chỉ liên quan tới cuộc chiến 17/2 mà nó tiềm ẩn trong mọi xung đột đã bùng nổ cũng như còn âm ỉ. Hy vọng chưa quá muộn khi Thủ tướng giao Bộ Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan để đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa.

Ông cha ta suốt hàng ngàn năm đã hình thành một cách đối phó với Trung Quốc: hòa hiếu, chịu đựng nhưng lúc nào cũng cảnh giác và sẵn sàng giáng trả mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Tập trung trí tuệ và sức mạnh, cả cứng lẫn mềm, để xây dựng nội lực, hòa giải quốc gia, đoàn kết dân tộc thành một khối thống nhất, không để bị chia rẽ dưới bất cứ một nguyên do nào. Chủ động “giải bùa” mọi ngộ nhận về các thành viên tích cực và có trách nhiệm trong hệ thống đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Hiếu hòa và khoan dung là điều kiện “cần có” nhưng điều kiện “đủ” là vẫn phải thường xuyên củng cố hệ thống các đối tác trong và ngoài khối ASEAN. Cùng lúc phải thúc đẩy song song cả hai tiến trình: kiến tạo nền nội trị dân chủ/tự chủ đồng thời kiến tạo kết nối quốc tế vững mạnh./.

Đ.H.T

2 nhận xét :

  1. Lại Mạnh Cườnglúc 17:36 17 tháng 2, 2014

    RẤT MONG ĐƯỢC HIỂN THỊ, ĐỂ TRẢ LỜI CHO ANH ĐINH HOÀNG THẮNG,

    LMC

    Một học giả phương Tây đã dẫn chứng, mỗi khi VN bị suy yếu do chia rẽ và bị cô lập với thế giới bên ngoài, còn Tàu cộng đang trong tư thế thuận lợi, thì họ sẽ tấn công VN chiếm đất chiếm biển.

    1/
    Thí dụ đầu năm 1974, CS Tàu đánh chiếm Hoàng Sa vào lúc nội chiến đi vào đoạn kết, với phía VNCH đang ở thế yếu, sắp cáo chung, vì bị CS Ta đánh thua tơi bời khắp nơi, đồng thời lại bị Mỹ bỏ rơi qua cái gọi là Hiệp ước Hoà bình Paris 1973.

    CS Tàu đánh chiếm ngon ơ, trước mũi Hạm đội Bảy của Mỹ, rồi sau này đưa CS Ta vào thế triệt buộc, tức trước MỘT SỰ ĐÃ RỒI (un fait accompli), PHẢI NGẬM BỒ HÒN LÀM NGỌT !

    2/
    Gây chiến tranh biên giới phía Bắc vào đầu năm 1979, khi CS Ta đang bị phương Tây lên án và ruồng bỏ bằng cấm vận kinh tế do xâm lăng Miên. Đồng thời lúc đó Đặng Tiểu Bình vội vã đi công du khắp nơi thăm dò dư luận, nhân tiện bôi đen CS Ta chính là kẻ xâm lăng Miên, một tên TIỂU BÁ VÙNG", một tên "côn đồ", ăn cháo đá bát, vong ân bội nghĩa ... cần phải dậy cho một bài học đích đáng !
    Mỹ không đồng tình, nhưng cũng không phản đối, hay nếu có cũng chỉ lấy lệ. Các nước lân bang ở Đông Nam Á, nhất là Thái Lan, sợ CS Ta hơn hùm beo. Bởi một khi CS Ta nuốt trọn Miên Lèo, sẽ tính sổ tới phiêm Thái. Cho nên Thái đã phải để cho tàn quân Khmer Đỏ, cùng kháng chiến Hoàng Cơ Minh dùng đất Thái làm căn cứ chống CS Ta !
    Còn Nga lúc đó chưa vững chân ở VN, cho nên không sợ đối đầu quân sự với Nga ở VN. Cũng có tin cho rằng, đó là trái bóng thăm dò của Tàu thả ra xem thái độ của Nga ra sao, sau khi VN tham gia vào khối quân sự Varsovie và cộng đồng kinh tế Comecon. Thực ra ĐTB cũng giới hạn chiến tranh ở vùng biên giới, đánh song một thời gian ngắn sau kéo quân về, chứ kô chiếm giữ đất đai, như CS Ta đánh ở Miên, cho nên kô sợ xa lầy hay LX can thiệp.

    Cũng có tin là đánh vùng biên giới cực bắc VN để giải toả áp lực cho Khmer Đỏ ở Miên đang bị quân CS Ta đánh cho đại bại, không nơi nương tựa, bởi bộ đội cụ Hồ chẳng hề ngần ngại nhào qua đất Thái truy kích tới cùng quân Pol Pot, khiến Thái la oai oái !

    3/
    Đánh chiếm Trường Sa, đúng hơn ba bãi đá, nhưng rồi chỉ chiếm lĩnh có một là bãi Gạc-Ma, còn phía VN giữ được bãi đá Len-Đao và Cô-Lin, vào Thàng ba 1988.
    VN lúc đó lao đao vì cấm vận trong hơn 10 năm dài và Tàu cộng vẫn duy trì áp lực ở biên giới mặc dù đã rút quân về, nhưng thực ra chiến tranh vẫn tiếp diễn, nên CS Ta phải duy tri quân số khá đông và tiêu hao chiến phí và nhân mạng rất nhiều. Cuối cùng VN phải châp nhận rút quân khỏi Miên trước thời hạn (1990) và Nhật được cử vào tái lập hoà bình và tái thíết Miên.
    Ít năm sau CS Ta phải chấp nhận "Lộ đồ bốn chặng" (Road Map) do Mỹ đưa ra để giải toả thế bí của mình nhằm hội nhập vào dòng chính (mainstream) thế giới.

    Tác giả cho rằng VN phải tranh đấu bằng đường lối ngoại giao qua sự hổ trợ của quốc tế. Như thế VN phải gia nhập vào cộng đồng thế giới toàn diện.

    Tuy nhiên tôi lại nghĩ rằng, quốc tế chỉ nghĩ đến lợi nhuận, cho nên họ theo đuổi chính trị duy thực hay duy lợi (Realpolitik), cho nên căn bản là Việt Nam phải mạnh, mới ngăn được âm mưu Hán hoá của Tàu. Muốn thế CS Ta phải hòa giải hoà hợp nghiêm chỉnh với mọi thành phần dân tộc, với mọi đảng phái ... Nghĩa là họ phải chấp nhận DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN. Đó chính là SINH LỘ cho VN.

    Đáng tiếc cho đến nay CS Ta vẫn lớn họng kết án dân chủ đa nguyên, cương quyết cho là, cần ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ bằng độc tài độc đảng, để phát triển kinh tế. Một khi kinh tế cất cánh thì mọi sự sẽ đâu vào đó. Bởi VN lúc ấy đã có cơ sở vật chất theo mô hình kinh tế tư bản, để cho đảng CS tiếp tục bước thêm bước nữa là tiến lên chủ nghĩa xã hội và sau cùng chủ nghĩa CS. Nói là thế, nhưng bọn chúng đã đánh rơi mất lý tưởng CS ở dọc đường và hiện nay hiện thân là một tập đoàn MAFIA ĐỎ, dưới hình thức các NHÓM LỢI ÍCH, chia chác nhau quyền lợi. Chủ nghĩa giờ là KIM TIỀN, cần làm giầu thật nhanh, bằng mọi thủ đoạn.

    Kết, PHẢI THỦ TIÊU ĐỘC TÀI THẬT NHANH, BẰNG MỌI GIÁ !

    Amsterdam, 16/02/2014
    Lại Mạnh Cường

    Trả lờiXóa
  2. Báo chí nước ngoài nói về màn khiêu vũ khác thường ở Hà Nội này:
    http://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/vietnam-deploys-dancers-to-foil-protests/2014/02/16/83ba3620-96c7-11e3-ae45-458927ccedb6_story.html

    Trả lờiXóa