Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

TS. Tô Văn Trường: THIÊN TAI VÀ NHÂN TAI MIỀN TRUNG


TS. Tô Văn Trường trả lời PV báo Tuổi trẻ:
THIÊN TAI VÀ NHÂN TAI Ở MIỀN TRUNG
Mấy ngày qua, đặc biệt 15-16/11 nhiều nơi ở  miền Trung lũ vượt mốc  lịch sử, chia cắt cô lập, giao thông gián đoạn, hàng chục người chết và mất tích. Trước vấn nạn thiên tai và nhân tai, phóng  viên báo Tuổi Trẻ phỏng vấn  Tiến sĩ Tô Văn Trường Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước KC08/11-15 Bộ Khoa học & Công nghệ xung quanh vấn đề nói trên.
PV:  Ông đánh giá như thế nào về thủy điện xả lũ đồng loạt ở miền Trung  vừa qua gây nên ngập lụt và chia cắt cô lập nhiều nơi?

TVT: Năm ngoái, miền Trung và Tây Nguyên ít mưa, bị khô hạn cho nên năm nay các hồ chứa đều quan tâm đến việc tích nước.  Ngược lại với năm ngoái, năm nay ba cơn bão liên tiếp 13, 14 và 15  bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao và không khí lạnh phía Bắc gây ra mưa lớn liên tục trên diện rộng. Các hồ chứa thủy điện chỉ có Vũ Gia-Thu Bồn và Sông Ba (kể cả Sesan Tây Nguyên) là có quy trình vận hành liên hồ chứa còn hầu hết các đập thủy điện chỉ có quy trình vận hành đơn lẻ, không có dung tích phòng lũ. Công tác dự báo chỉ đảm bảo độ chính xác khoảng 65% (trước 12-24 tiếng) nên việc xả lũ đồng loạt của các đập thủy điện đã gây ra lũ lớn cho hạ du là do cả thiên tai và nhân tai.

PV: Lũ lụt miền Trung không chỉ bị chia cắt, chịu tổn thất mất mát lớn về tài sản mà còn gây thiệt hại to lớn về sinh mạng của người dân bất ngờ hơn cả các cơn bão quét vừa qua, theo ông nguyên nhân này do đâu?

TVT: Dựa báo về bão vẫn dễ hơn dự báo về mưa thế mà quỹ đạo và cường độ của siêu bão 14 vừa qua liên tục chệch hướng làm cho công tác chuẩn bị ứng phó rất bị động. Bộ chỉ huy tiền phương chống bão phải di chuyển liên tục từ Đà Nẵng ra Quảng Ninh. Có ý kiến cho rằng sau siêu bão 14 không trực tiếp vào miền Trung nên có một phần tâm lý chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ yếu do mưa quá lớn, liên tục nhiều ngày,  nhiều nơi vượt lũ lịch sử như sông Ba (Phú Yên) thượng nguồn Gia Lai, Quảng Ngãi vv…Do lưu vực miền Trung sông ngắn, dốc, hầu hết các đập thủy điện không có dung tích phòng lũ, quy trình vận hành liên hồ chứa và công tác dự báo lưu lượng nước đến các hồ còn nhiều bất cập. Nhiều cơ sở hạ tầng kể cả đường giao thông chắn ngang dòng chảy không đủ khẩu độ thoát lũ. Các biện pháp phi công trình chưa được quan tâm đúng mức  vv…

PV: Doanh nghiệp làm thủy điện bán điện thu lợi nhuận nhưng khi cần thì xả lũ làm người dân ở hạ du gánh chịu mọi hậu quả. Dường như các tiếng nói, kể cả của người dân đều bất lực?

TVT: Theo thống kê diện tích rừng bị mất do làm thủy điện, thủy lợi trung bình 14,5 ha/MW ở Tây Nguyên và khoảng 16,5 ha/MW ở lưu vực sông Đồng Nai. Lời nguyền tài nguyên có câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” ngẫm suy thật chuẩn xác vì đó là cái giá phải trả do đối xử tệ hại với môi trường sinh thái tự nhiên. Ngoài nguyên nhân do lâm tặc hoành hành,  sự tiếp tay của những phần tử thoái hóa trong chính quyền, thì  việc phát triển thủy điện tràn  lan, tàn phá rừng đầu nguồn kể cả vườn quốc gia cũng là tác nhân gây nên các hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở núi đồi vv…phá hủy cơ sở hạ tầng, làm nhiều người bị rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đặc biệt là cướp đi biết bao sinh mạng của người dân vô tội.

Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Công thương tiến hành rà soát lại quy hoạch thủy điện, bước đầu đã loại bỏ 424 nhà máy thủy điện tác động lớn đến môi trường và  hiệu ích không cao.

Từ vấn đề thủy điện nhìn rộng hơn về vấn đề thiên tai, tại kỳ họp này của Quốc hội , GS Bùi Thị An  đã đề nghị đổi chống thiên tai thành hạn chế, giảm tác hại của thiên tai. Khi biểu quyết , đã có hơn 130 đại biểu tán thành.       Tuy không điều chình được tên gọi nhưng phải thấy với con số hơn 130 đại biểu Quốc hội tán thành thì đó là một thắng lợi. Sở dĩ như vậy vì trước đây chỉ lo tìm giải pháp cảnh báo lũ ống, lũ quét mà không tập trung vào nhiệm vụ hạn chế, giảm nhẹ tác hại của thiên tai. Nhận thức là cả quá trình , mong rằng đất nước có nhiều vị đại biểu Quốc hội hiểu biết như GS Bùi Thị An.

PV: Trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện đều có cam kết điều hòa về lũ nhưng thực tế xảy ra ở miền Trung như thế nào, thưa ông? Chúng ta cần có giải pháp nào để khắc phục các bất cập nói trên?

TVT: Do đặc thù địa hình, thủy thế của miền Trung, các dự án thủy điện không có khả năng cắt lũ như ở lưu vực sông Hồng. Khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường các tài liệu điều tra cơ bản cho việc đánh giá hầu như rất ít, nên khi đánh giá chủ yếu mượn từ các lưu vực tương tự. Đánh giá chỉ là công cụ hỗ trợ cấp có thẩm quyền ra quyết định đầu tư trên cơ sở phân tích được mất! Cơ quan quản lý môi trường chỉ đánh giá, phân tích và tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định đâu tư hay không đầu tư. Ở một số nước, báo cáo đánh giá tác động môi trường do chủ dự án thực hiện trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường mà không cần thẩm định. Khi cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra thấy có sự sai lệch hoặc vi phạm pháp luật về môi trường thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nhà nước.

Ở Việt Nam cũng càng khó do ý chí của cơ quan quyền lực cao hơn. Theo quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được phê duyệt trước khi quyết định đầu tư và cơ quan quản lý môi trường nhiều trường hợp phải “bẻ ghi” các quyết định theo ý chí của cấp cao hơn! Hiện nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang tiến hành xây dựng hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện theo Luật sửa đổi bảo vệ môi trường.

Biện pháp cấp bách đối với miền Trung là rà soát lại quy hoạch hạ tầng cơ sở theo thứ tự ưu tiên là an toàn công trình, cắt giảm hoặc chống lũ cho hạ du, đảm bảo nhu cầu dùng nước tối thiểu cho hạ du và phát điện. Thông tin đầy đủ,  kịp thời đến người dân về quy trình , thơi gian xả lũ. Cần phải tăng cường đẩy mạnh khoa học công nghệ, nâng cao độ chính xác của công tác dự báo để các hồ chứa cần phải duy trì mực nước trước lũ (dung tích phòng lũ) trong một thời kỳ. Tăng cường hệ thống quan trắc, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa của các lưu vực sông và xử lý nghiêm các các đối tượng vi phạm.

Hoàng Điệp thực hiện

3 nhận xét :

  1. Sao anh Diện lại xóa còm em vậy!? những gì tôi phản biện lại ông Trường là vì tôi không phục ở vài điểm nhận định của ông ta mà thôi!?
    Với một tỉnh mà số lượng hồ đập hơn 60 cái thì làm sao điều tiết nước cho nổi! trong khi độ dốc ở khu vực nầy rất lớn! Do vậy chỉ có cách là đập phá bớt đi mới họa may...!? không giải pháp nào khác!
    Khi mùa khô về thì cả khu vực hạ du chịu sự xâm thực của nước mặn! nhiều khi từ cửa biển kéo dài lên thượng nguồn gần 25km! riêng về hệ thống tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp gần như bị động và đình trệ. Hai nhà máy cấp nước gồm một cái ở Cầu Đỏ(thuộc thành phố Đà Nẵng), một ở thành phố Hội An(ở Quảng Nam) phải hoạt động cầm chừng và canh me...triều cường!nhiều khi hết cách rồi thì phải đi...lạy mấy ông thủy điện ở trên thượng nguồn xả bớt xuống để có nước ngọt mà sinh hoạt!
    Ngay từ bây giờ trồng cây để tái tạo rừng nhiệt đới trên thượng nguồn.chỉ có rừng và rừng là địa chỉ giữ nước,chống khô hạn cũng như chống lũ hữu hiệu nhất! Sự thật hàng loạt thủy điện mọc lên như nấm ở miền trung là "GỔ" chứ không là giải pháp năng lượng gì tất!?
    Đây là vài ngu ý của thằng nông dân,không có bằng cấp gì nhiều!mong anh Diện cho đăng!?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc "vài ngu ý của thằng nông dân, không có bằng cấp gì nhiều" thấy còn hợp logic và hay ho hơn vạn lần bài trả lời phỏng vấn "quanh co vòng vo", đùn đẩy và không đúng trọng tâm câu hỏi rất rõ ràng của ông tiến sĩ Tô Văn Trường Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ Khoa học & công nghệ (!!??)

      Xin cảm ơn bạn, chúc bạn khoẻ và mong bạn tiếp tục lên tiếng!

      Xóa
  2. Đây, kết quả nhãn tiền http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Moi-truong/580766/bun-do-titan-tran-lenh-lang-nhu-lu-troi-3-xe-may.html

    Trả lờiXóa