Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

LS. TRẦN VŨ HẢI NÓI VỀ THÔNG ĐIỆP CỦA NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM (9.11.2013)

Bài thứ 5 trong loạt những bài viết của Trần Vũ Hải
nhân dịp kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII: 

Ngày Pháp luật Việt Nam, Hiến pháp, Công ước về nhân quyền và Nguyễn Thanh Chấn, Nguyễn Công Nhựt

Luật sư Trần Vũ Hải
Ngày 9/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên. Năm 2012, Quốc hội đã coi ngày 09/11 là Ngày pháp luật Việt Nam. Những ngày này, ít thấy báo chí, trang mạng, người dân bàn về Hiến pháp, trong khi vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã được thông tin, bình luận dày đặc.

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn có thể sẽ trôi đi, nhưng Hiến pháp vẫn còn đó. Nguyễn Thanh Chấn có thể là người may mắn nhất trong những người bất hạnh. Nhưng có những người bất hạnh khác không bao giờ còn cơ hội gặp may như Nguyễn Công Nhựt (đã chết trong trụ sở công an huyện Bến Cát – Bình Dương), nếu Hiến pháp vẫn không hạn chế được việc bắt bớ tùy tiện từ phía cơ quan công lực. 
Điều 11 Hiến pháp năm 1946 quy định “ Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam”. Theo Hiến pháp này, cơ quan Tư pháp chính là Tòa án các cấp.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Việt Nam gia nhập năm 1982) quy định tại khoản 4 điều 9: “Bất cứ người nào do bị bắt hoặc giam giữ mà bị tước tự do đều có quyền yêu cầu được xét xử trước tòa án, nhằm mục đích để tòa án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ  và ra lệnh trả lại tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp”.

Có thể thấy Hiến pháp 1946 ra đời trước Công ước quốc tế trên, nhưng đã quy định về việc bắt giữ tương tự như Công ước này. Trong khi Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định: “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”. Còn theo điều 20 Dự thảo 4 của Dự án sửa đổi Hiến pháp:Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định”. 

Quy định của Hiến pháp hiện hành và Dự thảo Hiến pháp vẫn cho phép trường hợp bắt theo phê chuẩn của Viện kiểm sát và không quy định quyền của người bị bắt được Tòa án xem xét việc bắt, giam, giữ như theo Hiến pháp 1946 và Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị. Nói cách khác, so với bản Hiến pháp 1946 và Công ước quốc tế này, Hiến pháp hiện hành và Dự thảo Hiến pháp đã có bước thụt lùi về quy định hạn chế việc bắt giữ tùy tiện, chưa đảm bảo được quyền cho người bị bắt giữ.

Thực tế ở Việt Nam, cơ quan công an bắt giữ nghi phạm (phần lớn là bắt theo lệnh khẩn cấp), sau đó chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát xin lệnh phê chuẩn. Nếu Kiểm sát viên nào có trách nhiệm, họ có thể gặp trực tiếp nghi phạm để kiểm tra việc bắt giữ có hợp pháp hoặc cần thiết hay không trước khi phê chuẩn bắt giữ. Nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam không quy định bắt buộc thủ tục này. Do đó, phần lớn các trường hợp bắt giữ, Viện Kiểm sát chỉ căn cứ vào hồ sơ của cơ quan điều tra để phê chuẩn. Việc này đã tạo kẽ hở cho những điều tra viên kém đạo đức, kém chuyên môn tùy tiện bắt, giữ nghi phạm và bức cung, ép cung họ để có hồ sơ không đúng sự thật chuyển đến Viện Kiểm sát, khởi nguồn việc oan sai. Hoặc sau khi đã “thỏa thuận”, nghi phạm được tự do, không cần có hồ sơ chuyển đến Viện Kiểm sát.

Kỹ sư Nguyễn Công Nhựt chết ở trụ sở công an huyện Bến Cát – Bình Dương ngày 25/4/2011. Theo công an huyện Bến Cát, anh Nhựt tự nguyện xin ở lại trụ sở công an huyện nhiều ngày, công an không bắt giữ. Thế nhưng tại sao anh Nhựt đã tự nguyện ở lại trụ sở công an lại tự tử? Không thể lý giải được. Thực tế không ai tự nguyện ở trụ sở công an (nếu như họ không bị thế lực khác đe dọa về tính mạng). Đây là một kiểu bắt giữ lách luật.

Cuối năm 2012, nhiều thành viên của một gia đình đại gia cũng phải viết đơn tự nguyện ở lại nhiều ngày tại cơ quan công an. Và họ chỉ được tự do sau khi đã ký vào một thỏa thuận. Không có hồ sơ nào được chuyển đến Viện Kiểm sát về vụ tự nguyện này.

Trong vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, theo lời ông Chấn, ngày 20/9/2003, ông được cơ quan điều tra mời lên lấy lời khai và sau đó không được trở về nhà. Đến ngày 28/9/2003, trên đe dưới búa (theo đúng nghĩa đen), ông Chấn đã có đơn đầu thú. Và nhờ đơn đầu thú này và các bản cung nhận tội do ép cung, Viện Kiểm sát đã phê chuẩn việc bắt giữ.

Nếu có quy định như theo Hiến pháp 1946 và Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, nghi phạm sẽ có cơ hội đến trước Tòa án để công khai trình bày, khiếu nại về việc bắt giữ. Nếu có việc ép cung, nhục hình từ công an, nghi phạm đã nêu ngay vấn đề đó cho Tòa án, và Tòa án đương nhiên phải kiểm tra chứng cứ khác (ngoài lời và bản cung của nghi phạm) để quyết định phê chuẩn lệnh giam giữ, sẽ chỉ định luật sư hoặc khuyến cáo nghi phạm nhờ sự trợ giúp của luật sư. Có quy định như vậy, trường hợp oan sai như Nguyễn Thanh Chấn sẽ được sớm ngăn chặn.

Bản Dự thảo Hiến pháp đi kèm Kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức đã đề xuất ít nhất sau 24 giờ kể từ khi bị bắt, người bị bắt giữ sẽ được dẫn giải đến Tòa án để Tòa án quyết định giam hay trả tự do.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Quốc tế (HRW) đã khuyến nghị Việt Nam cần áp dụng theo Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, cụ thể quy định trong Hiến pháp sau 48 giờ, nghi can bị bắt có quyền được ra tòa để tòa kiểm tra tính hợp pháp của việc bắt giữ.

Rõ ràng những góp ý trên nhằm giúp Việt Nam cải thiện nhân quyền, thực hiện đúng cam kết khi gia nhập Công ước quốc tế trên. Đáng tiếc, những góp ý này đã bị bỏ qua. Những “Nguyễn Thanh Chấn”, “Nguyễn Công Nhựt” sẽ còn xuất hiện, nếu …. 

T.V.H

7 nhận xét :

  1. À ra thế!
    Vậy là ở Việt Nam ta, cả năm chỉ có mỗi một ngày Pháp luật! 364 ngày còn lại nước ta không có pháp luật mà tòan dùng Đảng luật và... luật Rừng!
    Thảo nào!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Comment hay nhất về ngày pháp luật Việt Nam!

      Xóa
  2. Sự may mắn đầu tiên của ông Nguyễn Thanh Chấn là ông đã được hội đồng xét xử sơ và phúc thẩm áp dụng chính sách hình sự khoan hồng do ông là con liệt sĩ nên không áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình. Người bị oan cũng chỉ muốn có sự may mắn mong manh đó. Nhưng gia đình ông đã tan nát từ trong gan ruột cho đến nếp nhà.
    Trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn là rất hy hữu. 10 năm kêu oan không một ai đoái hoài tới. Nhưng khi hung thủ ra đầu thú thì việc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được khẩn trương thực hiện. Cũng nên hoan nghênh tinh thần làm việc của cục điều tra VKS tối cao. Chính họ đã phát hiện ra những vi phạm nghiêm trọng của bản án sơ và phúc thẩm mà lẽ ra cái cục/ vụ chuyên môn nào đó của VKSTC phải làm việc này. Có lẽ vì thế mà cái vụ nghiệp vụ này nhanh chóng kháng nghị theo thủ tục tái thẩm vào ngày 4/11/2013, thì chỉ 2 ngày sau, tức ngày 06/11/2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tói cao đã chóng vánh đưa ra xét xử hủy án sơ và phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung. Có nghĩa là vụ án được điều tra lại từ đâu. Ông Chấn tiếp tục được triệu tập đến CQĐT với tư cách là bị can. Có lẽ trong lịch sử xét xử Việt Nam chưa có một vụ án nào được xét xử chóng vánh đến vậy. Chỉ trong 2 ngày sau khi VKS kháng nghị tái thẩm, HĐXX tái thẩm đã đưa ra xét xử.
    Nhanh như vậy giống như một đám cưới chạy tang, mặc dù hai bên gia đình đã dạm hỏi từ nhiều năm trước nhưng cả 2 gia đình đều quên béng không tổ chức đám cưới cho hai trẻ, đến khi tang gia cận kề thì vội vàng chào mời khách khứa, ngoài mặt nói cười vui vẻ nhưng trong ruột đang nẫu ra vì người chết nằm trong giường buông màn giả vờ ngủ.
    10 năm ngủ quên, coi người như cái kiến, 2 ngày làm sao giải oan? thế nên hủy điều tra lại cho gọn. như thé là họ đang ngồi xổm lên các quy định của pháp luật, lấy dâu ông nọ cắm cằm bà kia. Đúng ra phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, Tòa án phải có thời gian nghiên cứu thẩm tra lại rồi mới đưa ra xử, quyết định hủy án có hiệu lực, đình chỉ vụ án và tuyên ông chấn vô tội.
    Đúng là: tái thẩm/ hủy án/ màn hạ/điều tra/một ma/hai giết
    Thế mà các quan cứ gào lên là dúng thủ tục. nhiều ông to trả lời cứ lúng ta lúng túng. Nhưng là quan thì:
    Nói có người nghe
    Đe có người sợ
    Nợ có mà đòi

    Trả lờiXóa
  3. Tất cả các trường hợp phạm tội chỉ nên nghiêm khắc kiểm điểm,rút kinh nghiệm rồi thả,như vậy mới dân chủ,công bằng cho mọi công dân.Quan được đảng dạy dỗ đàng hoàng làm sai còn được thăng chức cụ thể như các điều tra viên vụ ông Chấn cớ sao dân làm sai lại không được phong tặg cho cái danh công dân ưu tú và trả tự do,như vậy là bất công lắm.Làm thế câu nói"do dân,vì dân"cứ như một câu trong hài kịch hiện đại mà đảng đem ra dỡn dân vậy

    Trả lờiXóa
  4. Rõ ràng hiến pháp là của nhân dân do đó phải được nhân dân phúc quyết BẰNG BỎ PHIẾU KÍN VIỆC BAN SOẠN THẢO MỚI CHỈ TỔNG HỢP Ý KIẾN LÀ CHƯA ĐỦ . Nếu chưa được nhân dân phúc quyết thì bản HIẾN PHÁP sửa đổi này chưa có hiệu lực , nếu đem ra để thực thi thì QUỐC HỘI , CHÍNH PHỦ LÀ NHỮNG KẺ PHẢN BỘI NHÂN DÂN .

    Trả lờiXóa
  5. Không thương không phải là ngườilúc 02:30 10 tháng 11, 2013

    Trông cái mặt của người phụ nữ mất chồng oan sao mà khổ hạnh thế, thương thế ! Căm thù "bộ phận không nhỏ" khốn kiếp quá giời ơi !

    Trả lờiXóa
  6. Vụ ông Chấn quy tụ đủ những biểu hiện của "nền pháp chế XHCN" và bản chất chế độ này. Đó là điều dân chúng thấy rất rõ, còn Đảng, chính quyền và nhất là các cơ quan pháp luật cố lý giải rằng đó là cá biệt! Ông thì tâng bốc cơ quan điều tra Việt Nam thuộc hàng giỏi nhất thế giới, ông thì nỉ non "ấn oan giảm đáng kể". Việc lập cái "Ngày pháp luật Việt Nam" cũng chỉ để "làm hàng" thôi.
    Không ai đúng bằng nhân dân và cũng không ai lừa bịp được nhân dân đâu!

    Trả lờiXóa