Cải cách toàn diện ở Trung quốc…
và Sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam
và Sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam
Nguyễn Trung
Cả thế giới dồn sự chú ý của mình về cuộc cải cách toàn diện do hội
nghị lần thứ 3 của BCHTƯ khóa 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc (09-12
tháng 11-2013) khởi xướng. Cuộc cải cách này ở Trung Quốc được coi là có
quy mô lớn hơn và mang nội dung sâu sắc hơn cuộc cải cách do Đặng Tiểu
Bình phát động cách đây trên 3 thập kỷ đã mở đường tạo ra nền kinh tế
lớn thứ hai thế giới hôm nay.
Nội dung cuộc cải cách toàn diện lần này tập trung vào 4 yêu cầu:
- Thị trường phải trở thành nhân tố quyết định;
- Làm lành mạnh toàn bộ hệ thống tài chính – ngân hàng;
- Cải cách hệ thống tư pháp để tăng cường luật pháp và đẩy mạnh công khai hóa;
- Hạn chế bớt sự can thiệp của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) các cấp
Cụ thể hóa việc thực hiện 4 yêu cầu trên là 60 biện pháp lớn cho mọi
lĩnh vực của toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của
Trung Quốc. Trong những biện pháp lớn, đáng chú ý là:
- Thành lập khu kinh tế tự do thí điểm Thượng Hải (ở mức sâu rộng
hơn khu kinh tế tự do Thâm Quyến) với mục đích tìm kiếm mô hình tiếp tục
khai phá con đường phát triển toàn Trung Quốc;
- Đẩy mạnh tư nhân hóa, cổ phần hóa và sự tham gia của kinh tế tư nhân vào toàn bộ nền kinh tế quốc dân;
- Các tập đoàn kinh tế nhà nước phải nâng gấp đôi mức đóng góp vào ngân sách quốc gia;
- Nông dân có quyền bán phần ruộng đất của mình đang canh tác để tham gia vào quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa;
- …
Để dễ hiểu và dễ nhớ, có thể nói đợt cải cách toàn diện lần này ở Trung Quốc nhằm vào 3 mục tiêu:
- Thị trường nhiều hơn (“thị trường giữ vai trò quyết định”);
- Luật pháp nhiều hơn (“tăng cường hệ thống tư pháp”);
- Đảng (sự can thiệp của ĐCSTQ) ít hơn.
Tất cả 3 mục tiêu này đều nhằm vào cái đích ĐCSTQ đã công bố, đó là hoàn thành việc thực hiện giấc mơ Trung Quốc – còn được gọi là hoàn thành sự nghiệp phục hưng Trung Hoa – vào năm 2049. Chỉ cần dựa vào sử Trung Quốc để luận ra nội dung giấc mơ này, chẳng có gì là bí hiểm cả.
Hiển nhiên, cuộc cải cách toàn diện lần này là sản phẩm của tư duy có
bài bản được chuẩn bị có hệ thống từ lâu của lãnh đạo Trung Quốc, chứ
không phải là việc làm ngẫu hứng của cá nhân Tập Cận Bình.
Có thể nói ngay, trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi, trong tình
hình Trung Quốc tự thân có hàng núi vấn đề lớn sau 35 năm tiến hành
cuộc cải cách “mèo đen, mèo trắng” do Đặng Tiểu Bình mở đường,
cuộc cải cách toàn diện được Tập Cận Bình công bố lần này nhằm đáp ứng
đòi hỏi tất yếu yêu cầu phát triển mới của Trung Quốc. Không thể nói
khác, đấy là quyết định đúng và cần thiết đối với Trung Quốc. Ngay trong
10 năm tới là chuyển hẳn nền kinh tế Trung Quốc đi vào xu thế phát
triển (1)dựa vào nhiều hơn nữa các yếu tố khoa học và công nghệ, và
(2)lấy khai thác nhu cầu nội địa làm chủ đạo.
Vô luận tình hình nội trị Trung Quốc hiện tại như thế nào và sẽ ra sao, cuộc cải cách “mèo đen, mèo trắng”
đã đem lại vị thế toàn cầu như Trung Quốc đang nắm giữ ngày nay – với
mọi tác động tốt hoặc xấu đối với cả thế giới, đồng thời tính bá quyền
Trung Quốc và sự thách thức của nó với cả thế giới – trước hết là với
các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam – cũng tăng theo tỷ lệ thuận
với trọng lượng kinh tế ngày càng lớn của quốc gia này. Hoàn toàn có cơ
sở để dự báo trước một kết luận tương tự như thế về cuộc cải cách toàn
diện lần này mang tên Tập Cận Bình.
Là nước láng giềng hứng chịu mọi tác động trong toàn bộ quá trình đi
lên siêu cường đang diễn ra của Trung Quốc cho đến nay, Việt Nam đang
khoanh tay ngồi nhìn:
- Đại hội XI của ĐCSVN đã bỏ qua yêu cầu phải đưa nền kinh tế Việt
Nam đi vào một giai đoạn phát triển mới sau 28 năm đổi mới và cần cải
cách thể chế chính trị để thực hiện nhiệm vụ này;
- Từ năm 2007 đất nước ta đã lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn
diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; giữa lúc mọi
thách thức từ bên ngoài – đặc biệt là những thách thức của siêu cường
đang lên Trung Quốc, đang ngày càng gia tăng quyết liệt.
- Chưa bao giờ kể từ sau 30-04-1975 đất nước lại có nhiều hiện
tượng suy đồi và tham nhũng trầm trọng như một thập kỷ nay, nhưng ĐCSVN
với tính cách là lực lượng nắm vận mệnh đất nước trong tay hầu như chưa
đặt ra cho chính mình và cho cả nước câu hỏi phải làm gì để vượt qua
cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay.
- Cả nước có trên 800 báo chí các loại trong hệ chính thống (lề phải), được giải thích là trong đó không hề có “báo chí lá cải”…
Nhưng cho đến hôm nay chưa có lấy một tờ báo nào thông báo và cảnh báo
đầy đủ cho nhân dân về thực trạng nói trên của đất nước và những thách
thức trong / ngoài đất nước đang phải đối mặt. Trong khi đó báo chí lề
phải trở thành sân chơi hoành tráng cho đội ngũ dư luận viên ra sức mạt
sát và xuyên tạc những tiếng nói thật và những góp ý xây dựng mong cứu
vãn tình hình đất nước hiện nay.
- Thay vì phải xốc lại hàng ngũ đảng viên của mình, cải cách toàn
bộ hệ thống chính trị của quốc gia, đề ra những quyết sách đưa đất nước
ra khỏi nguy khốn hiện nay.., lãnh đạo ĐCSVN qua các hội nghị Trung ương
4 – 8 khóa này (khóa XI) lại chỉ tập trung vào những chuyện “chống tham
nhũng”, chuyện “bỏ phiếu tín nhiệm”.., mà trên thực tế chỉ là những
chuyện “nói vậy mà không phải vậy”, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt cho những cái tên chung như là chuyện “con sâu”, chuyện “đồng chí x”; mặt khác hệ thống chính trị tiếp tục thực thi mọi biện pháp trấn áp tệ hại.
- Sửa đổi Hiến pháp 1992 là một cơ hội cực kỳ quan trọng, ngõ hầu
tạo ra một nền tảng pháp lý cho thiết kế một nhà nước pháp quyền dân
chủ, đúng với tinh thần là một nhà nước của dân – do dân – vì dân với tất cả tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc, để nhờ đó có thể xây dựng thành công một Việt Nam dân giàu nước mạnh – xã hội dân chủ công bằng văn minh,
có vị thế quốc tế xứng đáng và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Lẽ ra phải lãnh đạo, hậu thuẫn nhân dân xây
dựng nên một hiến pháp như thế, ĐCSVN lại chủ trương hiến pháp được sửa
đổi lần này phải thể chế hóa cương lĩnh của Đảng, với mục đích sâu thẳm
bên trong là tiếp tục duy trì sự độc quyền toàn trị của những người nắm
thực quyền trong toàn bộ hệ thống chính trị của ĐCSVN. Vì lẽ này, dự
thảo Hiến pháp sửa đổi đang được hối thúc thông qua vào ngày 28-11-2013
tới về cơ bản vẫn sẽ là hiến pháp cũ với một số điểm thụt lùi mới.
Từng công dân Việt Nam, trước hết là từng đảng viên ĐCSVN, nên tự hỏi mình: Việt
Nam ta có thể xử sự như nói trên trước một Trung Quốc đang bước chân
vào cuộc cải cách toàn diện lần này mang tên Tập Cẩm Bình hay không?
Xem Trung Quốc xử sự như vậy, xem nước ta xử sự như vậy, tôi phải
nhắm mắt nuốt lòng tự ái và sỹ diện dân tộc của mình, đành kêu lên giữa
trời: Ý chí và tầm nhìn của những người lãnh đạo ĐCSVN thấp hơn những
người lãnh đạo ĐCSTQ nhiều cái đầu.
Tôi cầu mong nhân dân cả nước hãy vượt lên mọi nỗi sợ để nhìn thẳng vào sự thật./.
Hà Nội, ngày 25-11-2013
Nguyễn Trung
Nguyễn Trung
Chỉ có TQ mới có thể thay đổi tư duy của lảnh đạo ĐCSVN mà thôi. Nhân dân Việt Nam không có cách nào làm thay đổi họ được. Bây giờ TQ bắt đầu đổi mới đât nước của họ và dĩ nhiên lảnh đạo ĐCSVN cũng sẻ rập khuôn TQ. Cái hay của lảnh đạo ta là không cần phải động não.
Trả lờiXóaAn toàn là ưu tiên hàng đầu ( safety first ). Chính quyền VN bị ảnh hửởng TQ rất nặng nề từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, ngoại giao... và ĐCS TQ có rất nhiều đòn phép với những nhà lãnh đạo VN, do đó dù có động não, hoặc có " kẻ sĩ" giúp, chính quyền VN không thẻ đi khác đuờng lối cửa CSTQ. Nhưng hướng gío, xu hướng toàn cầu đang thay đổi, nếu ĐCS muốn tồn tại thì phải dựa vào lòng dân TV
Trả lờiXóaBài viết của bác rất hay, trí lý, nhưng vẫn biết rồi khổ lắm nói mãi, tôi có xem một bức tranh lâu lâu rồi trên blog bác Diện là hình ảnh đàn gảy tai trâu. Lãnh đạo ta thua xa Myanmar rồi. Có lẽ phải mang Trâu ra Đồ sơn chọi và thịt đi bán có giá trị hơn.
Trả lờiXóa