Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

CÓ PHẢI ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG DẪN DẮT CẢ DÂN TỘC ĐI TÌM KHO BÁU?

 

Có  phải ông Nguyễn  Phú  Trọng dẫn dắt cả dân tộc 
đi tìm kho báu?!

Hữu Quả  - Nhà báo đã nghỉ hưu
Vừa qua, sau nghe ông TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu về tương lai của CNXH, tại buổi thảo luận tổ Quốc Hội, làm 90 triệu dân sửng sốt, choáng váng!
Không choáng váng sao được, đã gần bảy mươi năm, kể từ khi thiết lập nền cộng hòa (VNDCCH), dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, nhân dân ta đã đổ biết bao núi xương sông máu, để dành và giữ cái nền cộng hòa này, mà hiện nay gọi là CHXHCN (theo mô hình Liên Xô).

Sự hy sinh to lớn của cả dân tộc, cho giai đoạn lịch sử này, không những không được đền đáp thỏa đáng; mà niềm hy vọng cứ dần tiêu tan, bởi những sai lầm cứ nối tiếp nhau; về cả đường lối, chủ trương, chính sách, và sự tha hóa của đội quân tiên phong; nay lại nghe ông TBT cứ nói khơi khơi rằng, xây dựng CNXH còn lâu dài lắm; rằng đến hết thế kỷ 21 này, không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam chưa?! Người dân không cần quan tâm mô hình, hay tên gọi CNXH, hay CNXH hoàn thiện là gì; mà cái dân cần ngay bây giờ, chứ không phải đợi trăm năm nữa; đó là làm sao cho đất nước thoát hiểm; ra khỏi khó khăn, cho nhân dân bớt khổ!

Cần hành động chứ không chỉ nghe nói huyên thuyên; sự thật bao giờ cũng mạnh hơn muôn lời hùng biện! Với cái giọng mơ hồ, nửa vời, pha chút màu sắc bí ẩn, cứ hư hư thực thực, làm cho người ta không biết ông TBT đang tung ra một thông điệp gì? Đây không phải là Hội đồng lý luận, với những bộ óc “siêu phàm”! Mà đây là diễn đàn đại diện của dân. Thật là khó hiểu!
Thôi, cứ thử tự đoán xem; có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng nói, xây dựng CNXH còn lâu dài lắm, là nhằm răn dạy, nhắc nhở nhân dân cần có tư tưởng vững vàng, lập trường kiên định, sẵn sàng tiếp tục hy sinh, chịu đựng, chịu đựng hơn nữa; tiếp tục tin tưởng đi theo đảng trên con đường dài vô tận này chăng?! Nếu quả đúng như vậy, thì chẳng lẽ ông TBT cho rằng, gần bảy nươi năm qua, từ giữa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, sự hy sinh của toàn dân tộc Việt Nam còn ít quá sao?!
Hay vì ông Trọng chưa hề một ngày có mặt ở chiến trường, trong những năm đất nước có chiến tranh, nên ông khó có sự cảm thông, chia sẻ về sự mất mát với nhân dân? Từ cuộc chiến tranh thứ nhất, đến cuộc chiến tranh thứ hai, thứ ba… Rồi gần bốn mươi năm hòa bình, thống nhất, bá tánh của ông, nào đã được yên ổn; lại tiếp tục gồng mình hy sinh, chịu đựng vượt qua, để tồn tại; và mỗi lần như thế, họ lại tự chấn an bằng điệp khúc: “khổ chừ sướng sau, khổ chừ sướng sau”. Thế mà nhân dân đã được sướng đâu cơ chứ?
Nền kinh tế, với căn bệnh “ác tính” kéo dài; người dân đang phải chạy lo ăn từng bữa, cùng với bệnh tật ốm đau, lo học hành cho con cái; nghĩa là cuộc sống với hàng trăm hàng nghìn cái lo, cái ẩn họa, sao có thể gọi an dân được? Các quyền tự do dân chủ cơ bản từ khi có bản Hiến pháp đầu tiên của nền cộng hòa, đến nay người dân vẫn chưa thực sự được hưởng. Đất nước độc lập, mà lãnh thổ vẫn chưa giữ được chủ quyền toàn vẹn; bị tụt hậu xa về sự phát triển, so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tất cả sự hy sinh mất mát, sự thua thiệt này, cuối cùng ai phải gánh chịu, ngoài nhân dân?! 
Nếu ông TBT có tình cảm thương dân, thương nước thực sự, thì hãy nhìn kỹ lại đi chặng đường lịch sử gần bảy mươi năm đã qua, với sự hy sinh của cả dân tộc to lớn biết nhường nào, e trời cũng phải cảm động! Từ nhận thức thực tiễn của bảy mươi năm này, ông TBT có thể hình dung, phán đoán, lượng định ra được sự hy sinh, chịu đựng của thần dân của ông cho chặng đường trăm năm có dư sắp tới nữa, như ông nói, để có được CNXH hoàn thiện không? Ngay qua lời nói của ông, cũng đã bộc lộ sự thiếu tự tin và mơ hồ rồi. Nếu không lượng định, hình dung, tính toán, dự đoán nổi tương lai, sao ông phải lãnh nhận trách nhiệm người đứng đầu dắt dẫn nhân dân đi tiếp trên một con đường như vô tận này? 
Ví như người điều khiển một con tàu, cũng phải thông thạo luồng lạch, đo dò độ nông sâu, các vật chướng ngại có nguy cơ gây tai nạn; có như thế mới đưa con tàu tránh được đá ngầm, đến đích an toàn. Huống gì một con người tự nhận lãnh trách nhiệm dẫn dắt cả một dân tộc, một đất nước có chín mươi triệu dân mà không am tường, không nắm bắt kịp xu thế thời đại, không dự đoán được thời cuộc, thì hậu quả sẽ ra sao?! 
Ông đưa ra nhận định tỉnh khô rằng, phải trăm năm nữa, Việt Nam chưa chắc đã có CNXH hoàn thiện! Ông đưa ra khái niệm “hoàn thiện”, nghe lại càng mơ hồ; thế nào là “hoàn thiện?” Ông có biết cái hình thù của CNXH hoàn thiện nó ra sao không? Cựu phó thủ tướng Trần Phương hỏi: “CNXH là cái gì? Là cái gì nữa? Ai trả lời? Không trả lời được”!!! Có phải theo ông đến khi đó, con người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu chăng? Thật là hoang tưởng?!
Tôi xin trở lại ý, vì sao sau khi nghe ông TBT Nguyễn Phú Trọng nói, xây dựng CNXH còn lâu dài lắm, phải hàng trăm năm nữa mà chưa chắc đã có CNXH hoàn thiện; thì không những riêng tôi, người viết bài này, mà cả dư luận rộng rãi trong nhân dân, đều có phản ứng sửng sốt, choáng váng! Sự choáng váng, lo lắng của người dân, nên hiểu như thế nào cho đúng với thực tế đây?
Có phải vì họ yêu thích, ngưỡng mộ cái mô hình CNXH mà họ đang mong chờ nó sớm thành công, để được hưởng “phúc”; nên nay nghe nói còn dài thăm thẳm, trăm năm nữa chưa chắc đã có, làm cho họ chán nản, thất vọng chăng? Rất tiếc, hoàn toàn không phải hiểu theo nghĩa như thế. Mà là sự lo lắng đến choáng váng của họ là, xuất phát từ bài học thực tiễn của quá khứ và hiện tại, qua gần bảy mươi năm của chặng lịch sử đầy cay đắng, cả máu và nước mắt, mà họ đã từng can dự, trải nghiệm, in đậm trong hồi ức; nay lại nghe cuộc thử nghiệm lịch sử mới, dài hơn nữa, làm họ nghi ngại, lo lắng; lo lắng cho bản thân, cho tương lai con em họ, lo lắng cho cả tiền đồ dân tộc.
Có người hỏi, thử nghiệm gì mà lo vậy? Xin thưa rằng, những thử nghiệm của chặng đường dài trăm năm tới, thì chưa thể biết cụ thể, vì nó còn như một ẩn số. Còn những thử nghiệm chặng lịch sử gần bảy mươi năm đã qua, thì đầy rẫy đó thôi, kể sao cho xiết. Như mấy cuộc chiến tranh liên tiếp, là những thử nghiệm; trong này máu, như một loại hàng hóa “giá rẻ”. Rồi cải cách ruộng đất và hợp tác hóa nông nghiệp; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; tất cả đều làm theo ý chí và lý thuyết giáo điều, bất chấp quy luật; phá nát lực lượng sản xuất, gây nên bao tổn thất to lớn nội lực quốc gia; kéo lùi phát triển nền kinh tế, và để lại di chứng nặng nề về xã hội.
Như vậy, phải chăng những việc làm trên đây qua từng giai đoạn, trên nhiều lĩnh vực, lại không phải là những cuộc thử nghiệm tàn hại nhất và nghiêm trọng nhất, mà không những đối với thời chúng ta đang sống, con cháu chúng ta cũng phải gánh chịu hậu quả lâu dài này nữa, đó sao? Cũng chẳng cần dẫn chứng đâu xa, mà ngay trong những năm gần đây thôi; khi đứng trước tình hình nền kinh tế khủng hoảng, lại có biết bao nhiêu giải pháp nửa vời đưa ra, đều không có hiệu quả, phải trả giá; kéo theo kinh tế là sự khủng hoảng toàn diện, làm cả xã hội bức bối, ngột ngạt; mà nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này ai cũng biết, đó là sự lãnh đạo yếu kém của đảng và quản lý điều hành tồi của nhà nước. Thế mà, bộ máy cầm quyền vẫn tồn tại vững mạnh, như vô can, thế mới lạ! Chẳng lẽ tình hình nêu trên, không đủ chứng minh về sự thử nghiệm tai hại đó sao??? 
Thử nghiệm từ cả máu xương, đến cả cái hầu bao, nồi cơm của dân. Trong khoa học, để sản xuất ra một loại vắc-xin nào đó người ta phải dùng đến chuột làm thí nghiệm. Còn để tìm ra một mô hình, một đường lối phát triển; người ta sẵn sàng hy sinh nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của cả một dân tộc ư?! Thế giới có bao nhiêu mô hình, bao nhiêu kinh nghiệm hay về sự phát triển, sao chúng ta không học, cứ loay hoay, ôm giữ khư khư mãi cái mớ lý thuyết giáo điều, đã lỗi thời, bắt nhân dân phải tin và làm theo, để đất nước tiếp tục lụn bại, dân tộc phải chịu khổ đau, điêu đứng?! Như vậy, đã gần bảy mươi năm thử nghiệm chưa đủ sao? Nay lại tiếp tục định hướng thêm trăm năm có dư nữa, để có CNXH hoàn thiện sao? 
Mấy năm nay, từ lãnh đạo cấp quốc gia, đến bộ máy quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, đi ra nước ngoài khá nhiều, như đi chợ; có khi cơ quan quản lý ngân sách méo mặt phải kêu lên về cái hầu bao ngân sách. Đáng lẽ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”; thế nhưng, hiếm thấy họ đem những điều hay học được, về áp dụng, làm lợi cho dân, cho nước?
Lấy một ví dụ như nước Hàn Quốc, đất không rộng, người không đông, ít tài nguyên thiên nhiên, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề; là một trong những nước nghèo nhất thế giới, lúc bấy giờ. Vậy mà sau khi chấm dứt chiến tranh 1950, chỉ trong thời gian 40 năm, (trừ mười năm đầu khôi phục sau chiến tranh); họ đã “lột xác”, vươn mình đứng dậy, làm nên những kỳ tích, cả thế giới phải khâm phục. Về kinh tế, Hàn Quốc là nước đứng hàng thứ ba Châu Á, và hàng thứ mười ba thế giới; có nguồn dự trữ ngoại tệ đứng hàng thứ sáu thế giới; có mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn mức trung bình liên minh Châu Âu; có một nền khoa học và công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, cùng với thành công trong phát triển kinh tế, Hàn Quốc đã xây dựng được một xã hội dân chủ, giá trị con người được tôn trọng. 
Hoặc như CHLB Đức, sau khi thống nhất, Tây Đức phải gồng mình cõng trên lưng cả Đông Đức; vậy mà chỉ trong vòng hai mươi năm, họ đã sớm ổn định và có bước phát triển mới; hiện là một cường quốc kinh tế thế giới đáng nể trọng. Còn cái thể chế của CHXHCN Việt Nam ta thì sao? Đã bảy mươi năm rồi vẫn chưa ra môn ra khoai gì. Nay “câu giờ”, thêm trăm năm nữa có dư; và nếu lạc quan dè dặt, là gần hai trăm năm, khi ấy Việt Nam là cái gì, chưa ai biết?! Và thế giới lúc bấy giờ họ đang ở đâu? Hay họ đã di dân sang một hành tinh khác ở cho sướng, để bớt bị ô nhiễm của môi trường?! Nêu lên vài dẫn chứng và suy nghĩ trên đây, với hy vọng những người đang nắm trọng trách đất nước và vận mệnh dân tộc, hãy sớm thực sự thay đổi tư duy, nắm bắt kịp xu thế thời đại, để đưa đất nước thoát hiểm; cố gắng rút ngắn khoảng cách mà thế giới bỏ xa ta.
Tưởng chỉ viết đôi dòng về bức xúc, sau khi nghe phát biểu của ông TBT Nguyễn Phú Trọng thôi; không ngờ lại dông dài, ngoài ý muốn. Tại sao tôi lại có liên tưởng mạnh mẽ về cái mô hình “CNXH hoàn thiện” với “kho báu”, mà ông TBT đi đầu, cùng với đội quân tiên phong, dắt dẫn cả dân tộc Việt Nam đi tìm “kho báu” nào đó; với niềm tin và hy vọng nó sẽ là cứu cánh, đưa được đất nước đến bến bờ phồn vinh, nhân dân sẽ có ấm no hạnh phúc. Việc đi tìm kho báu thì đã có từ xưa nay; kể cả tìm thấy trong các truyện cổ tích, truyện thần thoại.
Những người đi tìm kho báu, ngoài được trang bị một số thông tin nào đó ban đầu, để có căn cứ làm chỗ dựa; họ thường là những con người cả tin vào vận may. Nói chính xác, họ sẵn sàng liều đánh cược trước sự may rủi; và cũng có kẻ, có thêm sức mạnh của lòng tham; nhưng nhìn chung, họ đều giống nhau là, chọn sự rủi may để hành động. Nếu như ví mô hình “CNXH hoàn thiện” là “kho báu”, thì trăm năm nữa, liệu có tìm thấy “kho báu” không nhỉ? Không ai trả lời nổi câu hỏi này, ngoài người đại diện tiêu biểu, sáng suốt duy nhất là, ông TBT Nguyễn Phú Trọng, đáng kính.

8 nhận xét :

  1. Mục đích của XHCN là gì ? phải chăng là tự do, no ấm, hạnh phúc, giầu ngèo không qua chênh lệch, người mất việc hay không kiếm đuợc việc làm thì được hường trợ cấp, nghèo quá thì có phiếu thực phẩm, trợ cấp nhà ở, trợ cấp y tế, phếu đi xe buyt rẻ tiền và các tổ chức từ thiện nâng đỡ .Để lấy tiền bù đáp cho những người nghẻo thì người giầu phải đóng thuế rất nặng có thể lên tới 65% tổng số thu nhập.... Nếu là như vậy thì các nước "tư-bản" Tây Âu, và Mỹ đã thục hiện từ lâu rồi và đang đuợc Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản, Singapore lần lần noi theo và gần đạt được.
    Nếu phải mất cả thế kỷ nữa VN mới tiến gần đuợc mục tiêu như trên, có nghĩa là phải hơn 150 năm từ ngày VNDCCH ra đời, thì cần phải xét lại, chúng ta có đi đúng đường không, chủ nghỉa CS có thực sự đem lại thế gìới đại đổng, và không giai cấp không ? chưa một quốc gia nào theo XHCN đạt được nhu thế trong khi cả mấy chục quốc gia tư bản chỉ mất khoảng 50 năm mà đã đạt mục tiêu Cũng xin nhớ rằng hồi đầu thập niên 60, VN có GDP cao hơn Đại Hàn, và TT Lý Thừa Vãn chỉ mong quốc gia này đuợc như Nam VN . VT

    Trả lờiXóa
  2. Ông Trọng lú thật.Cái mô hình CNXH ở đâu mà VN cứ phải dò tìm khi mà các nước tiên tiến khong nước nào là CNXH

    Trả lờiXóa
  3. Càng nói về ông Nguyễn Phú Trọng bao nhiêu thì tôi lại càng thất vọng và xem thường ông bấy nhiêu. Ở cái thời đại mà thế giới phẳng đang hội nhập vào nhau rất nhanh, thì ông ta lúc nào cũng ra rả về cái chủ nghĩa Mác Lenin và CNXH mỗi khi ông mở mồm. Ông không biết rằng, ông nói đi nói lại, nói lấy được, nói hết phần người khác đấy mà người khác đâu có nghe. Ngược lại trong lòng người ta lại khinh ông vì đầu óc bảo thủ và tầm tư duy hạn hẹp, kém cỏi. Làm gì có cái chế độ mà làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu như trong sách vở ông học đâu. Nếu ông còn lương tâm , xin hãy sáng suốt lấy dân làm gốc, đi theo tiếng gọi những người dân, đừng để đất nước tụt hậu, nhân dân khổ cực như thế này nữa. Như thế thì hậu thế sẽ ghi nhớ công ơn của ông. Còn không thì hậu thế chỉ biết đến ông là người bảo thủ, tài hèn, hay chỉ là một thầy giáo làng thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Ông Trọng không hề lú mà là khôn ranh quá đà.
    1. Ông là võ sỹ siêu hạng canh cửa cho tham nhũng. Và theo đúng qui luật, không ai làm không công, kể cả Phật. Điều siêu khôn là, hình như ông ít ăn văt, chỉ ăn ra ăn, nên dễ được ngộ nhận là hơi sạch!
    2. Độ vô cảm của ông là siêu cao. Đoàn Văn Vươn, Nguyễn Thanh Chấn..., cả dân tộc rung động. Ông thì không mảy may. Toàn các đồng chí thân thiết của ông gây ra cả.

    Trả lờiXóa
  5. Khong the hieu noi...!

    Trả lờiXóa
  6. Tôi nghĩ rằng nếu ông Trọng có lòng tự trọng như cái tên của mình tốt nhất để tên tuổi ông không bị nhân dân "khen ngợi, ca hát, hò vè., kéo dài thêm nữa.." ông hãy từ chức để khai thông con đường đi cho đất nước cho dân tộc.

    Trả lờiXóa
  7. Hàng ngày người ta bỏ vào mồm sơn hào hải vị, tai đươc nghe những lời nịnh nọt, mắt thấy cơ man bổng lộc. Thay đổi làm gì nữa.

    Trả lờiXóa
  8. Cái buồn nhất là câu phát biểu của ông Trọng làm tôi mất hẳn niềm tin còn ai đó trong bộ máy lãnh đạo hiện nay còn có người có tài, có tâm để làm được gì đó (!)

    Trả lờiXóa