Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

GS. Nguyễn Minh Thuyết: SÂU THAM NHŨNG ĐANG BIẾN THÀNH BẠCH TUỘC


SÂU THAM NHŨNG ĐANG BIẾN THÀNH BẠCH TUỘC

Vương Tuấn Anh thực hiện    

Đại hội XI của Đảng đã xác định “tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng” là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và nêu nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) còn rất hạn chế. Vậy, nguyên nhân từ đâu và cần có những biện pháp như thế nào để thực hiện nhiệm vụ Đại hội XI đã chỉ ra? Hà Nội Ngày nay có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
Tham nhũng… cơ chế, chính sách

*Tham nhũng đang làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội, làm suy giảm giảm nghiêm trọng lòng tin của nhân dân vào nhà nước. Giáo sư đánh giá thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay như thế nào?

- Tham nhũng ở nước ta đang diễn ra phức tạp. Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở lượng tài sản bị chiếm đoạt và số người vi phạm ngày càng tăng. Tính chất tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, thể hiện ở xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội ngày càng rõ rệt. Việc PCTN ngày càng bộc lộ những lỗi hệ thống khó khắc phục. Bất chấp các biện pháp tổ chức và tuyên truyền – giáo dục, số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra còn rất ít. Các vụ việc được vạch ra chủ yếu nhờ báo chí, nhờ người dân hoặc bị vỡ lở do ăn chia không đều, khiến nội bộ mâu thuẫn, “vạch áo cho người xem lưng”. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng không chỉ lúng túng mà còn chưa nghiêm… Đó là những nét chính về tình trạng tham nhũng hiện nay.


* Vì sao việc tố cáo tham nhũng ở nước ta còn rất hạn chế, thưa giáo sư?

- Theo khảo sát mới đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, số người Việt Nam khẳng định sẵn sàng tố cáo tham nhũng thấp nhất Đông Nam Á. Đó là vì số người mất niềm tin vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của nhà nước ngày càng tăng lên. Người ta mất lòng tin vì thấy tuyên truyền rầm rộ nhưng kết quả chỉ bắt được mấy con mèo; trong khi người đấu tranh chống tham nhũng thì bị trả thù, không biết tránh đâu cho thoát. Quan sát một số quyết định bất hợp lý từ các cơ quan nhà nước, người ta cũng thấy thấp thoáng hình bóng của các nhóm lợi ích. Nếu tham nhũng đã là con đẻ của cơ chế thì chống nó có nghĩa là lấy trứng chọi với đá. Đó là những lý do khiến ít người muốn mua dây buộc mình.

* Một hình thức tham nhũng rất khó phát hiện đó là tham nhũng cơ chế, chính sách. Giáo sư nhận định thế nào về hành vi tham nhũng này?

- Hai năm liền, kết quả khảo sát dư luận người dân của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đều xếp cảnh sát giao thông đứng đầu danh sách tham nhũng. Nhiều anh em trong lực lượng cho rằng điều đó không công bằng. Nói như thế cũng đúng, vì tuy có gây bức xúc cho dân nhưng tham nhũng của mấy anh cảnh sát ngoài đường làm sao so được với tham nhũng của những anh ngồi phòng máy lạnh vạch chính sách. Tham nhũng chính sách, tức là ban hành chính sách, pháp luật vì lợi ích nhóm, chính là loại tham nhũng lớn nhất, tệ hại nhất. Nếu ví cán bộ tham nhũng với những con sâu làm rầu nồi canh thì tham nhũng chính sách cho thấy con sâu đã trở thành con bạch tuộc chi phối kinh tế và tác động vào chính trị. 


Chính vì đánh giá được mối nguy từ loại tham nhũng này mà tại phiên họp cuối tháng 8 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Chu Sơn Hà (Hà Nội) đã chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường về vấn đề ban hành chính sách, pháp luật vì lợi ích nhóm. Điều đó cho thấy tham nhũng chính sách không chỉ là dư luận mà đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường không khẳng định, cũng không phủ nhận sự tồn tại của loại hình tham nhũng mới, mặc dù câu hỏi của đại biểu chỉ gói gọn trong phạm vi ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài các văn bản trao đặc quyền, đặc lợi cho nhóm lợi ích của mình, những người tham mưu, người có quyền còn có thể đưa ra những dự án béo bở cho người thân, người cùng phe lợi ích với họ.          

Cái nguy của tham nhũng chính sách là nó bóp méo chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, đi ngược lại quyền lợi của đông đảo nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước. Nó còn đẩy nhanh sự suy thoái của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và làm mất lòng tin của nhân dân.

* Chuyện các sếp ở doanh nghiệp nhà nước nhận “lương khủng” được phát hiện vừa qua liệu có phải là tham nhũng cơ chế hay không và nguyên nhân để xảy ra việc này từ đâu, thưa giáo sư?

- Đối chiếu những gì đã được phát hiện với quy định của pháp luật thì đây đúng là tham nhũng, mà có nhiều dấu hiệu tham nhũng tập thể, tức là có những “anh” chống lưng để đẻ ra cơ chế phục vụ lợi ích nhóm.

Có hai nguyên nhân dẫn đến chuyện này: Thứ nhất, nhà nước đang “ôm” các doanh nghiệp và từ “sở hữu chung” đến “cha chung không ai khóc” là điều không tránh khỏi. Nguyên nhân thứ hai là xử lý không nghiêm. Chính vì không nghiêm nên chuyện “lương khủng” ở nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn cứ tiếp diễn.

Tôi nhớ là trước đây các đại biểu Quốc hội đã chất vấn việc người đứng đầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lương cao gấp cả chục lần lương Chủ tịch nước. Người có trách nhiệm cũng đã hứa kiểm tra nhưng chuyện đó được kết luận thế nào, có ai bị xử lý kỷ luật không và bây giờ lương Tổng giám đốc SCIC ra sao thì không ai rõ. Những chuyện không bình thường ở cơ quan cấp trung ương còn chưa được xử lý nghiêm chỉnh, thì ở địa phương làm ăn xằng bậy là điều dễ hiểu.

Tiếp “lửa” chống tham nhũng

* Theo giáo sư, chúng ta cần phải có biện pháp thiết thực gì để ngăn chặn, loại trừ tham nhũng có hiệu quả?

- Theo tôi, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là công khai, minh bạch ở tất cả các lĩnh vực, tất cả các hoạt động và xác định thật rõ trách nhiệm công vụ của mỗi vị trí công tác trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Đây là điều không mới, nhưng vấn đề là chúng ta phải triển khai thực hiện thật.

Thực tế cho thấy tự kiểm tra là khâu yếu, chỉ khi có mâu thuẫn nội bộ, tố cáo lẫn nhau mới phát hiện được tham nhũng. Vì vậy, công khai là giải pháp tốt nhất để dân giám sát và để ai đó muốn nhắm mắt làm ngơ hay ém nhẹm cũng không làm ngơ, ém nhẹm được.

Cùng với các biện pháp trên, phải chú trọng bố trí, sử dụng, đãi ngộ đúng mức đội ngũ thanh tra, kiểm toán, điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có năng lực và bản lĩnh nghề nghiệp phát hiện, xử lý và làm án tham nhũng; cần phải có những chế tài nghiêm khắc liên quan giữa trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý tham nhũng.

Vấn đề tiền lương với công chức, viên chức nhà nước cũng là việc đáng quan tâm. Nhà nước sẽ phải sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này, bởi nếu cắt đi được khoảng 40% số công chức, viên chức đang “ăn bám” thì sẽ có thêm một khoản kinh phí đủ lớn để trả cho những người thực sự xứng đáng. Đây cũng là một nút cởi cho bài toán chống tham nhũng.

* Thực tế rất nhiều vụ tham nhũng bị người dân và báo chí phát hiện. Chúng ta phải làm gì để tạo điều kiện cho người dân cùng báo chí tích cực tham gia vào công tác chống tham nhũng?

- Người dân và anh em báo chí không được đào tạo bài bản về điều tra nhưng họ lại là những người phát hiện cho cơ quan nhà nước rất nhiều vụ việc tham nhũng. Hầu hết những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực nảy sinh ở các cơ quan, đơn vị, địa phương khó qua khỏi tai mắt của nhân dân. Để công tác PCTN được hiệu quả hơn nữa, cần phải sử dụng báo chí để tạo sức ép dư luận, răn đe, ngăn chặn. Có một thực tế là chúng ta rất lúng túng với việc nội bộ che giấu cho nhau. Trong khi đó, nguồn tin của báo chí là khách quan, được người dân tin tưởng. Rất nhiều vụ do báo chí, dư luận phanh phui ra, chứ không phải do các cơ quan chức năng. Vì vậy, tôi cho rằng bất kể một biện pháp nào nhằm kiểm soát, bưng bít nguồn tin báo chí sẽ hạn chế công tác PCTN và sự phát triển của xã hội.



Bên cạnh đó, chúng ta cần phải triển khai nhiều việc góp phần vào công tác PCTN như: Nâng cao dân trí thông qua các hoạt động truyền thông; điều tra nghiên cứu; cung cấp thông tin PCTN nhằm phát huy vai trò của báo chí trong việc phản ánh dư luận xã hội. Vai trò của các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể xã hội, các tổ chức cộng đồng… trong công tác PCTN cần phải được quy định chi tiết trong các văn bản pháp luật hiện hành.

* Cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng, tiêu cực nên được xây dựng như thế nào, thưa giáo sư?

- Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người đấu tranh chống tham nhũng bị trù dập, thậm chí bị trả thù dã man… Người tố cáo tham nhũng nếu không được bảo vệ thì sẽ bị chùn bước vì họ rất ngại bị trả thù.

Luật Tố cáo, có hiệu lực thi hành ngày 01-7-2012, đã quy định việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại tất cả những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo. Đối tượng bảo vệ không chỉ có người tố cáo mà còn cả những người thân thích của người tố cáo như vợ hoặc chồng, con cái, bố mẹ, anh em ruột thịt… Luật xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo; đồng thời, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ như bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo…

Tin rằng với những quy định này, những chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận đấu tranh PCTN sẽ có thêm sự hỗ trợ đắc lực để đấu tranh chống giặc nội xâm một cách mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại một điều đã nói không ít lần: Quan trọng nhất là lãnh đạo phải thực sự quyết tâm chống tham nhũng. Lãnh đạo quyết tâm thì đấu tranh mới thắng lợi. Và nếu không may có chiến sĩ nào bị thương vong trong cuộc đấu tranh, họ vẫn có thể an lòng với niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.

* Trân trọng cảm ơn giáo sư!
Nguồn: HN Ngày Nay.


16 nhận xét :

  1. THƯA ÔNG GIÁO SƯ THUYẾT,LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC NÀY LÀ AI? TÔN CHỈ MỤC TIÊU CỦA NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN LÀ GÌ TA ĐỀU RÕ.

    DÂN NÓI RẰNG:

    "HỠI ÔI,NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN,NAY CÒN ĐÂU!"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nòng cốt của Đảng Cộng sản là giai cấp Vô sản. Bây giờ đội ngũ nòng cốt đã biến thành giai cấp Tư sản thì dĩ nhiên bản chất của tổ chức Đảng thay đổi. Đảng xưa tuy không còn nữa nhưng vẫn còn cái tên cũng là tốt rồi.

      Xóa
    2. CÓ CỤ LÃO THÀNH NƯỚC TA NÓI : ĐẢNG NÀY SỤP ĐỔ RỒI, ĐẢNG VIÊN THÌ NHAN NHẢN, NHƯNG CỘNG SẢN KHÔNG CÓ THẰNG NÀO, KHÔNG ĐỔ MỚI LÀ LẠ, XEM GƯƠNG SỤP ĐỔ CỦA LIÊN BANG XÔ VIẾT THÌ RÕ !!!

      Xóa
  2. Tham nhũng tệ hại nhất hiện nay là tham nhũng chính sách trong chính sách chống tham nhũng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "tham nhũng chính sách trong chính sách chống tham nhũng" . Tuyệt! Thế thì chống tham nhũng thé nào được?

      Xóa
  3. Tham nhũng đang đi trên Thảm nhung nên không chống được đâu.

    Trả lờiXóa
  4. Xã hội càng ngày càng rơi vào tình trạng trên"tiêu"dưới"cực"nhưng việc đấu tranh chống lại điều đó chẳng khác gì múa gậy vườn hoang nhiều khi nó còn gây nên cảm giác hài hài vậy

    Trả lờiXóa
  5. Nghe nói "bộ phận không nhỏ" tức là nhiều quan chức tham nhũng. Nhưng từ khi có nghị quyết "bộ phận không nhỏ" ấy ngày càng "không nhỏ", bởi tự nó tiêu vong hay nó lẫn trốn đi đâu mà không thấy pháp luật đưa nó ra ánh sáng?Ai sẽ trả lời câu hỏi này? Chỉ có đảng CSVN mới trả lời được!

    Trả lờiXóa
  6. ai tham nhũng? chẳng lẽ là dân đen? còn bạch tuộc việt nam ư? nó đã tiến hóa thành tinh rồi không phải là bạch tuộc của nước ý nơi mà được bảo kê bằng băng nhóm găng tơ và luật im lặng, nay bạch tuộc việt nam được bảo kê bằng đại bác và nhà tù

    Trả lờiXóa
  7. Ai là người tham nhũng hiện nay? là những đảng viên có chức có quyền, nắm giữ các vị trí chủ chốt các vị trí có tiền có vật chất có tài nguyên có khoáng sản ( số đảng viên này chiếm% không nhỏ trong hơn 3 triệu đảng viên hiện nay). Như vậy chống tham nhũng là: chống đảng trong đảng ( đảng tự chống nhau) NQTW 4 tốn kém còn chẳng làm được gì? như trò hề ấy mà còn cứ to mồm hô chống. đảng không giải quyết được vấn nạn tham nhũng thì đảng tự giải tán đi.Còn dân người ta chán lắm rồi, họ chỉ muốn xóa bỏ đi thôi, không tin thì cứ làm điều tra xã hội về lòng tin của dân vào đảng ( như hải dương đã làm ) thì biết rõi ngay việc gì cứ mở mồm là nói " dân tuyệt đối tin tưởng vào đảng"

    Trả lờiXóa
  8. Tham nhũng là ai?
    Ai thì mới có đủ "điều kiện" để tham nhũng?

    Thưa các vị, cho dù có quanh co thế nào thì câu trả lời cuối cùng vẫn chẳng thể khác rằng:

    Tham nhũng là những người nằm trong Bộ máy Nhà nước hoặc liên doanh với Nhà nước!
    Và chỉ những người nằm trong Bộ máy Nhà Nước hoặc liên doanh với Nhà nước mới có đủ điều kiện để tham nhũng!!!

    Trả lờiXóa
  9. Hầu hết các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn đều do những đảng viên của đảng gây nên.Với bề dày và độ lớn như thế thiết nghĩ đảng nên tự xấu hổ mà rút lui ra khỏi chính trường đất nước được rồi đấy!

    Trả lờiXóa
  10. Nó đâu là bạch tuộc,nó thành quỷ ,thành virus HIV rồi thưa GS !

    Trả lờiXóa
  11. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 14:48 30 tháng 9, 2013

    Tài nguyên thiên nhiên rừng vàng biển bạc biến thành tiền vào túi tham nhũng . Con cháu sau này hết rừng hết biển thì cứ tham nhũng mà tính . Cũng như ngày xưa địa chủ năm hết đất của Dân, CM nổi lên , Dân cứ địa chủ mà đòi đất . Mai ngày cũng thế , Dân nghèo cứ nhà giàu là cựu quan quyền do tham nhũng mà có của thì cứ đó mà tính . Luật nhân quả mà !

    Trả lờiXóa
  12. Tôi rất tán thành ý kiến GS Nguyễn Minh Thuyết đã trình bày ở trên. Nhưng đúng như GS nói kết quả chống tham nhũng vẫn là quyết tâm của lảnh đạo có thực sự "tuyên chiến " với tội tham nhũng hay không hay 1 mặt không quyết tâm vì phức tạp rắc rối giây cà ra giây muống liên quan đến cấp cao, đến bạn bè thân quen, đến...vô vàn nguyên nhân phức tạp khác. Mặt khác tâm lí "vạch áo cho người xem lưng" vì cùng trong đảng cùng chi bộ cùng đơn vị cả, sợ bị trù úm (thực tế là đảng viên có chức có quyền mới có điều kiện tham nhũng kếch xù được), về tâm lí không muốn góp phần làm cho bộ mặt "đảng ta" xấu xa hơn nữa!!! Vụ con ông bí thư tỉnh ủy Hải dương tôi nhớ kết quả chỉ đọc được 1 câu đại ý là không thấy tiền của anh này do ông bố chuyển cho...Nhà cửa ruộng đất của cải hàng trăm tĩ do tự anh ta làm ra nhưng làm cách nào thì k thấy giải thích, mặc dầu anh ta còn trẻ chức tước bé tí xíu...Ai cũng thấy khó hiểu không thể không nghi ngờ tính minh bạch vào bộ phận điều tra chống tham nhũng được!!!

    Trả lờiXóa
  13. Cơ chế là cha đẻ của tham nhũng ở VN. Vậy muốn chống tham nhũng thì phải xóa bỏ cơ chế hiện hành. Không được đâu! Xóa cơ chế có nghĩa là xóa chế độ, xóa hết cả những ân sủng mà chế độ dành cho các "công bộc", các "đầy tớ" của dân. Không tham nhũng thì đồng lương công chức làm sao đủ để xây nhà mua xe. Lương của Thủ tướng cũng chỉ trên 17 triệu VNĐ thôi mà. Không chống được đâu anh Thuyết ơi!

    Trả lờiXóa