Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Thái Doãn Hiểu: CHA ƠI! CON XÓT XA VÀ TỰ HÀO VỀ CHA!

Thân phụ tôi

Thái Doãn Hiểu 
Cha ơi, con xót xa và tự hào về cha ! Cha đã vượt qua những chặng đường khổ ải với nhiều ân oán của bọn lang băm chính trị đểu cáng để trở thành vị Phật sống luôn hiện hữu giữa đời.
Cha tôi sinh năm Thìn (1904), và người mất cũng năm Thìn (1988). Những hai con Rồng cơ đấy! Ông cưỡi Rồng đến với thế giới hoang dã này và giã từ thế kỷ máu lửa đầy giông bão này cũng trên mình Rồng. Nhưng rất tiếc con Rồng của cha tôi chỉ là Rồng Đất, Rồng giáng chứ không phải Rồng thăng. Bạn thử nhìn kỹ coi. Nó không có vảy, nghĩa là Rồng lươn như thời nhà Lý. Nó chỉ giỏi bò và trườn hệt lươn. Náu mình trong đầm phá, bao phen Rồng cất mình bay là là trên mặt nước rồi bổ nhào đâm đầu cắm xuống bùn, suýt chết.

Năm 2000, đón chào thiên niên kỷ mới anh em nhà chúng tôi dù tứ tán khắp nước nhưng đều nhận được tập hồ sơ tù của cha tôi Thái Doãn Tiên cùng chú  Út Thái Doãn Nghiên do Viện Bảo tàng Xô viết Nghệ  Tĩnh gửi. Thật xúc động khi nhìn gương mặt trẻ của cha chú đầu trọc lốc, gầy gò, mặt rầu rầu trong tư thế chụp chính diện hay chụp nghiêng… Do mối quan hệ tốt đẹp thế nào đó, Chính phủ Pháp có thiện ý giao cho phía ViệtNam300 hồ sơ tù nhân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 của Sở Mật thám Đông Dương tàng trữ ởParis. Danh sách có đăng báo Nghệ An. Cha tôi lãnh bản án 5 năm tù cấm cố với tội danh “Trong hỏi cung khai là đảng viên đảng cộng sản Đông Dương, chi bộ Vầng Hồng”. Thật dám làm dám chịu đúng tinh thần thượng võ của một con người trung trực. Khai làm cộng sản thì tù mọt gông chứ chẳng chơi. Xót con, bà nội Hoàng Thị Nguyên phải bán không biết bao nhiêu mậu ruộng chạy đôn chạy đáo mới lo lót cứu hai anh em ra khỏi tù, thoát chết, sau 2 năm bị nhốt xà lim Vinh.

Sau 12 năm ngâm cứu, nhờ  sự  kiên trì  của cháu Thái Thị  Hải Châu với tất cả lòng yêu kính ông nội, ngày 18-2-2012, từ Thành phố Vinh, Ban Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An ra quyết định 1545- QĐ/TU  công nhận Đồng chí Thái Doãn Tiên (1904-1988) Nhà giáo, Bác sĩ Đông y quê xã Yên Lăng, huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An (nay là xã Thịnh Sơn huyện Đô Lương) là  Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương vào Đảng năm 1931, nguyên là cán bộ hoạt động cơ sở có thời gian hoạt động cách mạng từ 1928 đến 1931. Gia đình đồng chí Thái Doãn Tiên được hưởng chế độ đãi ngộ đối với bậc lão thành cách mạng trước 1-1-1945 kể từ ngày ký quyết định. Kèm theo là 50 triệu đồng. Thay mặt Ban thường vụ, Phó bí thư thường trực. Đã ký Trần Hồng Châu.

Bao nhiêu biến thiên dâu bể cuộc đời. Cha ơi, cha không còn sống để thấy sự kiện lớn ngày hôm nay. Cha được chiêu tuyết rồi ! Cha sống lại rồi ! Bao nhiêu tháng năm dài dằng dặc cha ngậm oan để sống. Cha bị nghi ngờ, xét nét, hành tội bởi những người lãnh đạo chính quyền. Họ vẫn giao việc như Chủ tịch làng Kim Liên khi cướp xong chính quyền, Trưởng ban Bình dân học vụ xã Yên Hòa trong chiến dịch diệt giặc dốt 1946-48…Bác sĩ đông y Thường trực trạm xá xã 27 năm… nhưng họ không tin. Họ hành xử theo cương lĩnh Xô Viết Nghệ Tĩnh do Trần Phú thảo “Trí, phú địa hào đào tận gốc xốc tận rễ..”, xem ông là phần tử trí thức xấu – kẻ thù của giai cấp cần loại bỏ. Họ xử tệ với cha tôi bằng những hành vi thô bạo nhắc lại thêm đau lòng. Các con của ông cấm không được học bất cứ một trường đại học nào, không được vào đảng trong tiến trình chúng tôi cúc cung đi theo cách mạng. Trong lý lịch đi học Đại học sau khi rời quân ngũ của tôi, hồ sơ mật bí thư TD Ngữ bịa tạc ghi “ông bố tổ chức tập toàn phú hữu chống phá cách mạng”. Việc vào đảng của mấy anh chị tôi mới bi đát hơn : anh Sửu 33 năm 5 làm đối tượng Đảng, Chị Thanh 35 năm đối tượng Đảng. Anh Hảo 25 năm đối tượng Đảng. Chỉ có anh Sửu kiên trì nên thành công. Trời, thời đó mà có một đạo bùa chú như thế này hôm nay thì  chúng tôi đâu đến nỗi long đong lên bờ xuống ruộng. Không phải riêng cha tôi mà cả 7 anh chị em chúng tôi nữa đều là nạn nhân của các đồng chí của cha tôi! Cũng may, Xô Viết Nghệ Tĩnh thất bại bị dìm trong bể máu, nếu nó thắng lợi thì còn đau biết gấp mấy lần cho anh trí thức?

Cho đến tận ngày mất, chưa bao giờ thấy cha tôi khoe với các con tao là “đảng viên Cộng sản” như một vinh danh thời thượng. Hình như có uẩn khúc gì đấy, ông ém nhẹm giấu tiệt điều này tài thế. Chỉ có chuyện này thì ông kể say sưa : ông bị nhốt cùng một xan với cụ Hồ Tùng Mậu và Tôn Quang Phiệt. Mấy ông trí thức hay chụm đầu vào nhau bàn bạc chuyện quốc sự. Bọn cai ngục thấy bất an bất lợi, tách mỗi người ra một khám. Không được trò chuyện với nhau cũng buồn, cha tôi nẩy ra sáng kiến khi đi tiêu, nhặt những tờ báo người ta chùi khu có tít chữ lớn giữ lại. Khi muốn thông tin cho các cụ, chỉ cần kết nối các con chữ lại với nhau trên một tấm bảng. Vì phát minh này mà các cụ bị bọn cai ngục đàn áp cho ăn một trận mưa dùi cui. Cha tôi lõa máu đầu chạm đến não di hại đến cả cuộc đời, về sau cứ  hễ động trời cắn nước thì đầu lại đau như búa bổ.

Ra tù cha tôi lại trở về với nghề gõ đầu trẻ, tuy có gián đoạn một thời gian tù đày. Mặc dầu có tì vết nhưng bọn Pháp thực dân  vẫn tin dùng người. Ông tốt  nghiệp trường sư phạm Bảo hộ, ra trường năm 1926 với tấm bằng ghi rất trang trọng “Giáo sư Hương trường”. Ông Giáo sư hương trường dạy học trò trường làng khai tâm phóng học đến cấp một với đồng lương đủ cho cả nhà sống sung túc: 9 đồng/ 1 tháng lương khởi điểm (2đ 8/ 1 tạ gao), vải, đường, xà phòng, thịt hộp… phát riêng. Ông ăn vận rất sang, mặc Tây, mặc Ta đủ cả, thích nhất là bộ quần ba ba tơ tằm màu mỡ gà do mẹ tôi nuôi tằm dệt lụa làm lên. Chân ông dận đôi dép cao su Sài Gòn trắng mỏng dính, đầu đội mũ phớt, tay cần cái ba tong và đi trong tư thế ung dung đạo cốt. Những lúc cao hứng ông làm thơ hoặc đọc cho chúng tôi nghe một đoạn văn của Bôđơle hay Veclen thật diệu nghệ, phát âm chuẩn như Tây. Ngày nghỉ, ông thường lên  Thị trấn Đô Lương đi  bát phố coi cảnh phố phường buôn bán nhộn nhịp  sầm uất, kết thúc bằng một chầu phở xào giòn mà ông khoái khẩu, rồi lại thong dong bộ hành 4 kilômết về nhà. Bọn trẻ chúng tôi căn giờ đón ngoài cổng. Gặp ông là sà xuống vây quanh, thọc tay vào áo bađơxuy lôi ra những thỏi bánh mì  thơm thơm mùi lúa mạch, mùi lên men chua chua. Mẹ tôi lườm lườm nhìn ông và lũ trẻ mắng yêu “Cao lâu thì cha xơi, đem về cho con những cục cơm nguội nướng”. Theo định kỳ, ông được tăng lương lên 11 đồng, 15 đồng…Ông giáo Thiệu (tên chị Cả) mà  dân  làng và  học trò  kính cẩn gọi như  thế  đã sắm được xe đạp Steclinh ngang với ông nhà giàu PhóKy.

* * *

Vào đầu năm 1953, xóm trên làng dưới bỗng truyền đi tin đồn: Một ông công an gộc, nghe đâu là trưởng đồn công an huyện Con Cuông sẽ biệt phái về xã Yên Hoà để đối mặt với một tên phản động gộc. Hắn về thật. Hắn là Học Mai,Thái Doãn Mai, có học chút ít nên mới gọi là Học. Hắn về chiều thì hai giờ sáng đã đến viếng ông  chú họ. Lễ nghĩa quá ta ! Tên hung thần này kéo theo một đám lâu la dăm  bảy đứa tay gươm, tay mác bặm trợn như lũ cướp. Học Mai vận một bộ quân phục ka ki vàng choé thưả theo lối Amêricơn bê rê trễ trên đầu, súng pachoọc chễm chệ bên hông, nòng dài quá đầu gối, giày săng đá với những hàng đinh dày lộp cộp nghiến trên nền gạch. đến ghê. Hắn đập cửa rầm rầm, dựng cả nhà dậy. Mọi người nhà tôi ngái ngủ tưởng trời sắp sập. Học Mai cất cái giọng khê lòm rin rít qua hai hàm răng sít sịt đều đặn trắng nhởn như bắp ngô:

-  Lệnh bắt người và khám nhà.

-  Lệnh của ai !Vì tội gì ? – Mẹ tôi hỏi

-  Lệnh của Công an. Tội làm phản động, làm giặc.

-  Chứng cớ đâu ?

-  Chúng tao sẽ đập cho lòi cái chứng cứ ra !

-  Công an không có quyền, chỉ có lệnh của Tòa án mới có hiệu lực – anh Hợi vặc lại.

-  Đừng lôi thôi lắm lời. Chính quyền – toà án – công an chỉ là một. Lệnh ai chẳng được. Chúng bay ! khám nhà.

Sau hai tiếng lục soát chẳng tìm được gì khả nghi, chúng tiu nghỉu bắt cha tôi và anh Hợi đi để lại một bãi chiến trường ngổn ngang tủ, bàn ghế tanh bành,  quần áo bươi chười, sách vở tài liệu rủ tằm rủ rối. Mẹ tôi ngao ngán, thở dài. Các anh em tôi chết lặng đứng như trời trồng.Cảnh cướp bóc ở nhà Vương Ông dưới chính thể mới đang tái diễn.

Tối hôm đó, Học Mai hối thúc dân làng đến Hội quán làng mở cuộc đấu tố cha tôi. Hai cha con bị bắt quỳ dưới đất, ngứa không dám gãi. Hắn tuyên bố:

- Trước mắt bà con dân làng là một tên phản động gộc. Hãy tấn công không khoan nhượng vào tên tội phạm, kẻ thù không đội trời chung của nhân dân. Theo tình báo của ta, thằng thầy giáo Nguyễn Ngạn làm việc ở ban tu thư Bộ Giáo dục đứng ra thành lập một chính phủ lâm thời phản động gọi là Cộng hòa ViệtNam. Danh sách nội các chính phủ của y gồm 15 bộ trưởng. Cách đây nửa tháng tên Nguyễn Ngạn giữ chức Thủ tướng ghé qua nhà  Thái Doãn Tiên giao cho tên này chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Giáo Thiệu ! Ông có nhận tội không?

Cha tôi từ tốn:

-  Có lẽ các ông nhầm với ai đó. Nguyễn Ngạn là bà con đằng ngoại mẹ tôi ở Yên Thành. Cũng như Phan Đăng Diêu, ông ấy là bạn  học đồng khóa sư phạm ghé thăm xã giao chứ tuyệt nhiên chẳng có chuyện tổ chức chính trị nào  cả như các ông vu oan giá họa.

-  Vu oan giá họa à !  – Học Mai rít lên – Nguyễn Ngạn hiện đã bị bắt, đang nhốt trong lao. Để xem cái thành thực của ông đến mức nào, ông giáo ạ. Sớm muộn rồi cũng cháy nhà ra mặt chuột. Ông ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc nên ông lú lẫn chuyên đi ca ngợi văn minh thực dân.

Lời ném qua câu quặng lại, gậy gộc đánh đập phũ phàng lên thân thể mảnh mai nhà nho của cha tôi. Ông bị treo ngược lên xà nhà hội quán. Thương cha, anh Hợi dùng vai đỡ cho cha khỏi mỏi, lấy thân làm chiến lũy thịt che chở cho cha mà không kín được, ông vẫn phải ăn những ngọn đòn hiểm từ mấy tay côn đồ đánh rất có nghề.

Khi đưa ông về đến chỗ tạm giam thì thân thể cha tôi rũ ra như ngọn rau muống héo, máu mê bết mặt, bết tóc, toàn thân bầm dập. Các anh chị tôi phải dùng thuốc  đông y xoa bóp khắp toàn thân để tan máu bầm.

Đêm thứ hai lại đến. Vẫn là trò nhục hình khốn nạn đó lặp đi lặp lại. Tiếng đánh đập thình thịch, tiếng kêu thét dậy trời. Đau quá, cha tôi xin khai. Chúng cởi trói hạ cha tôi xuống đất, thì vừa lúc ông ngất đi. Chúng lấy nước ruộng hắt vào mặt. Một chốc ông tỉnh lại, ngơ ngác không nhớ ra chuyện gì đang xẩy ra với mình.

Đêm thứ ba. Ngón đòn hiểm cuối cùng chúng dở dói ra là dùng lưỡi cày nung đỏ, bắt nghi phạm  ngồi lên may ra nó khai. Chiều ấy, mẹ tôi khẩn thiết nhờ lão bộc Bon cấp tốc ra Yên Thành mời cho bằng được ông Nguyễn Ngạn lên cứu chủ.

Khi quần ông Thiệu cháy khét rẹt, da thịt ông ở mông sắp chạm chiếc lưỡi cày đỏ lòm thì một tiếng thét vang lên:

-  Dừng tay! Ta là Nguyễn Ngạn đây. Các ông giết người vô chứng cớ. Ông đòi nhân chứng thì ta đây là nhân chứng sống. Còn gắp lửa bỏ tay người nữa không? Chúng tôi sẽ kiện các ông ra tòa về tội vu khống.

Học Mai sai người xét giấy tờ, cứng họng, đuối lý, nhũn như con chi chi, len lét như rắn mồng năm.

-  Chúng tôi lầm. Xin lỗi. Xin lỗi !

Ngay lập tức, Học Mai buộc phải trả lại tự do cho ông giáo Thiệu. Một vài tiếng chê trách xì xầm trong đám đông “Cháu giết chú. Đồ dã thú”. Học Mai đốp cháp ngay “Chú cháu thì rồi vẫn là chú cháu, nhưng nếu là kẻ thù giai cấp của nhân dân thì tôi đây không tha”. Các anh chị tôi khiêng cái xác thoi thóp của cha về nhà. Đau và mừng. Năm ấy cha tôi mới 49 tuổi qua ba ngày tra tấn nhục hình sọm đi như ông già bảy mươi. Mẹ tôi phải khôi phục những vết bầm dập toàn thân động đến nội thương lục phủ ngũ tạng mất ba tháng trời  bằng một lứa tằm chín ngào với  mật ong với khoảng dăm chục chén thuốc bắc..

* * *

Giữa năm 1955. Cải cách Ruộng đất  tràn qua quê tôi như một cơn lốc xoáy làm làng xóm xơ  xác tiêu điều, con người sống trong tâm trạng nơm nớp hãi hùng, sợ Đội như sợ cọp, không ai dám túm tụm chuyện trò sợ bị liên lụy. Chính quyền xã bị vô hiệu hóa. Đội Cải cách xâu rễ bắt chuỗi với bần cố nông, đoàn kết với trung nông lớp dưới, cô lập bọn phú nông, tiêu diệtgia cấp địa chủ, thành một thế lực lớn mạnh nhất thao túng làng quê. Hoe Giao, tay bợm trạng xung đội du kích xã vác thanh đại đao trên vai, áp giải ông chủ tịch xã Tùng. Ông bị hắn trói giật cánh khỉ bằng một sợi dây thừng to tổ bố đi nghệu nghễn ngoài đường. Hắn vào nhà Hoe Hoét, sợ ông bỏ trốn hắn trói nghiến ông Chủ tịchđáng kính vào gốc dâm bụt như trói chó làm mặt ông biến sắc nhăn nhó, đứng cũng không được, ngồi cũng không xong. Tôi đi ngang qua bắt gặp cặp mắt ông van lơn thấy mà thương. Ông Chủ tịch lãnh đạo xã nhà từ sau cướp chính quyền đến giờ rất có uy tín với dân làng bởi đức độ hiền hậu và tính mẫn cán trong công việc. Ông bị tội gì đây ? Tội phản động !

Gia đình cha tôi bị quy là địa chủ thường, sau khi đã trừ đi những tình tiết giảm nhẹ vô cùng quan trọng  là có người anh thứ 3 Thái Doãn Hợi quân cách mạng, vừa mới tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng. Ông bị quy kết ba tội : 1-Trí thức (biết tiếng Pháp đích thị là tay sai gián điệp của bọn thực dân Pháp; biết chữ Nho đích thị là tay chân cho bọn phong kiến),  2- Phú: Gia đình  máu mặt có 7 gian nhà ngói, ao dưới vườn trên; 3- Địa: có những 2 mẫu 3 ruộng tự cày cấy. Vẫn là theo chuẩn của cương lĩnh Tổng bí thư Trần Phú vạch. Thoạt đầu cha tôi thoát án tử, rồi hạ xuống 20 năm tù giam cũng thoát nốt. Ông anh ở chiến trường đã đỡ thay cho bố thoát khỏi tử hình và tù tội, lợi hại thật. Nếu thế thì rất tiếc không động viên anh Sửu (chưa đủ tuổi) ra lính luôn – mẹ tôi tiếc rẻ – không chừng nhà ta chẳng bị thành phần cũng nên !

Ngày tịch biên gia sản đến. Một lũ khố rách áo tải 13 gã đàn ông 3 mụ đàn bà chân đất đầu trần sát khí đằng đằng, quần nâu áo cộc, tay thước tay dao xông vào nhà như chốn không người. Cha mẹ tôi bị du kích cầm gươm khống chế ngay. Họ đọc quyết định trưng mua 2/3 gia sản, đuổi cả gia đình tôi xuống mấy gian nhà ngang lợp tranh tá túc. Họ lục lạo, xô cái tủ đẩy cái ghế kêu rít lên. Ảnh chân dung của cha tôi bị giật xuống, gạch chéo mặt, vứt xuống sàn xéo lên cho hả. Tôi muốn thét lên, nhảy xổ vào thằng người thú cấu xé, nhưng sợ lưỡi gươm lăm lăm, lại thôi. Rút kinh nghiệm Cải cách ở Hà Tĩnh trước đó một năm, mẹ tôi là người đàn bà đảm lược, quyết không để của cải mồ hôi nước mắt của mình tạo nên lọt vào tay bọn nhác làm siêng ăn đã sơ tán triệt để những thứ  quý giá cho bà con họ hàng tâm phúc giữ. Cái nào cồng kềnh quá thì thôi hoặc bán tống bán tháo.Thành thử khi Ban thu mua vào nhà thực thi công vụ thì chỉ còn cái xác  nhà trống. Chúng bực tức hậm hực, truy cứu vàng giấu chỗ nào ? Tôi 12 tuổi và em Tâm 7 tuổi bị tách ra hai nơi để khảo vàng. “Thằng anh mày khai rồi, mày không khai tao cho một nhát gươm bây giờ.” Tâm một mực “Tui không biết”. Tôi bị một con mụ lải nhải tra khảo hoài, bực mình tôi chỉ tay lên ngọn dừa bên ao. Một thằng đầu trọc nhanh nhảu trèo lên lục lạo khắp nơi, bỗng nó la ré lên như phải bỏng, vội vàng tụt xuống gốc cây, mặt và người đầy kiến lửa. Nó chạy lại cho tôi một thoi như trời giáng vào mặt “Mày chơi khăm ông à?”.

Khi vào kho khám xét, người ta không tìm thấy gì, chỉ có đôi bồ con năm 1953, anh Hợi đi dân công Thượng Lào đem về. Trong bồ có gì ? Một mớ khoai dong chuột gặm nham nhở. Nhìn sang bên có một cái sàng đựng mớ rau má khô còng queo. Ông Đội ái ngại nhìn cốt cán Hoan “Thật tao không thể tưởng tượng nổi, cả gia đình 7 miệng ăn mà không có lấy một hạt gạo !?  Không hiểu chúng nó sống bằng gì ?”

Đến non trưa thì cuộc khám xét trưng mua và biên bản đã hoàn tất. Cái gì tốt họ mua như 7 gian nhà lim cổ, dong, gường mođen, sập, tủ gụ, còn cái gì cũ nát không dùng được thì tống xuống nhà ngang phần gia đình bọn tôi. Họ niêm phong nhà, giao một biên bản trưng mua cho cha tôi. Mua nhưng không có giá tiền, không hẹn bao giờ trả tiền. Vĩnh viễn không có tiền trả ?

Khi bọn đầu trâu mặt ngựa đi khỏi, tôi dùng nước thấm vào băng niêm phong mở cửa vào nhặt bức hình chân dung cha tôi. Tôi ôm vào ngực, lòng dào lên nức nở.    Đứng trước phòng ngủ đêm qua của cả nhà ấm cúng là thế nay thuộc kẻ khác rồi mà cám cảnh trời đất. Về sau, tôi đã bảo vệ bức hình cha tôi cẩn thận, dùng kỹ thuật hiện đại phục chế nó hoàn hảo hôm nay mới có đăng kèm theo bài này như bạn đọc thấy đấy. Đó là bức hình cha tôi chụp trước lúc người đầu đội vòng nguyệt quế ung dung đi vào bóng tối của nhà tù đế quốc 1931.

Cha tôi chỉ bị đưa ra Hội quán chòm đấu tố nhiếc móc một đêm. Vì chẳng có tội gì cả ngoài việc dạy chữ mở mang tâm trí bọn trẻ, ông tiệt không gây ra một ân oán cá nhân nào. Ông hiền có tiếng, đi đường hễ gặp đàn kiến hành quân qua, ông xuống xe nhấc hai bánh để không cán lên chúng. Bà con thương tình chỉ lườm nguýt qua quýt cho xong chuyện. Riêng ba gia đình lão bộc Duận, Nhã, Bon gia nhân của cố cụ Tuần tôi đều lên kể nhân đức Cố tiếp đến chuyện cha tôi  đã  chăm sóc họ tử tế như thế nào từ chuyện cất nhà, dựng vợ gả chồng cho con cái họ… làm ông Đội cạu mặt đuổi huầy huậy xuống đài đấu.

Từng ấy cũng đủ hạ uy thế cha tôi, đường đường là một ông giáo đạo cao đức trọng. Ông co vào nội tâm sống âm thầm như chiếc bóng. Buồn nhất là khi đấu tố ở xã, cha mẹ tôi và chị Thanh lớn tuổi bị nhốt vào chuồng như nhốt thú dành  riêng cho địa chủ. Ông thấy nhục, cúi gằm mặt xuống đầu gối. Thỉnh thoảng một gã oắt du kích vác thanh kiếm cùn đi tuần qua thét “ngẩng mặt lên, thằng kia”. Cha tôi ngửng mặt lên bắt gặp ánh mắt của thằng học trò, mắt hắn cụp lại lảng sang chỗ khác. Chiều ấy, tôi đi đào rau má ở Bạch Ngọc cách nhà 15 cây số, được một gánh đầy nhóc, ra sông Lam chỗ đền Miệu nơi có cây búp quả linh thiêng xổ sạch bùn đất, cùng O Niêm con chú Trị gánh về.Tôi bỏ vào kho, ra lu tọc một gáo nước lã, rồi nhảy chân sáo xuống Đồng Lạc coi đấu địa chủ. Tôi dè dặt đi lại chuồng nhốt cha mẹ và chị tôi. Cha me và chị ngước nhìn tôi mừng rỡ. Tôi khoe với người là đào được một gánh rau má tươi non.”Ôi con tôi giỏi quá” – mẹ khen. Tôi mon men lại gần khu trung tâm đấu tố. Một tấm phông màu cháo lòng như cánh buồm  no gió trên can quốc kỳ và ảnh bốn lãnh tụ hai Tây hai ta: Mã khắc Tư (Mác) -  Tư Đại Lâm (Stalin)  – Hồ Chí Minh – Mao Trạch Đông. Trên bàn chủ tịch đoàn kê cao hơn đầu người gồm có Chắt Hoan cốt cán là chánh án, ông Đội mặc y phục quân nhân bạc màu trong vai cố vấn, ả đĩ Thắm, hai gã trai cày không rõ tên chuyên cày thuê cuốc mướn, không biết chữ làm bồi thẩm đoàn. Người ta lôi ra trước vành móng ngựa ông Phan Tư Giản một địa chủ biết làm ăn nhất ở Hội Tâm. Một ả nông dân chân đất  mặt như Thị Nở chạy choi choi lên, nắm chặt tay dúi lia lịa vào đầu kẻ thù của mình. Ả kể lể “Mày bắt tao làm lụng suốt ngày đêm không cho nghỉ ngơi, ăn thì toàn đồ thừa vợ chống mày thải ra. Ngày nọ mày đè sấn tao bên bụi khoai môn mày hiếp tao. Như thế này ! Thế này !  Cái thằng bạo dâm chết dẫm”. Ông Tư Giản ngẩng cao đầu hắt ra một câu “Cái thứ đĩ rạc ma chê quỷ hờn như mày nằm ngửa giữa đường chó nó cũng không thèm đ. chứ là tao”. “Đả đảo địa chủ ngoan cố” – tiếng hô đả đảo dậy trời từ một rừng cánh tay vung lên căm giận ngút trời…

Đấu một chặp nữa, đến trưa, tội trạng bóc lột nông dân đến tận xương tủy đã phơi bày rõ ràng. Toà nhân danh công lý  của nông dân tuyên ông Giản 15 năm,  phạt 5 năm về  tội ngoan cố không chịu khuất phục nông dân. Tổng cộng hình phạt lên đến 20 năm tù giam..

* * *

 Buổi sáng ấy, chúng tôi đang ngồi học trong lớp nơi sơ tán nhà ông Cẩn thì nghe những phát súng trường chát chúa nổ rất đanh, gần lắm.Thầy Thạc Tân cho lớp nghỉ giải lao, chúng tôi chạy ùa ra phóng xuống cánh đồng xem bắn địa chủ. Đến nơi, thấy một xác người nằm còng queo dưới huyệt hai tay vẫn bị trói dật vào cây cột tre, máu sủi bọt từ những vết thương bị đạn phá ra to bằng cái dĩa. Một du kích dùng kiếm chặt đứt những nuôộc trói, kéo tóc bật ngửa mặt người chết lên. Trời, thì ra là Thái Doãn Thi – bác họ  của tôi. Một người nông dân hiền lành cơ chỉ biết cách làm ăn, ông chết vì tội gì vậy ? Mãi sao này tôi mới biết “tội” của ông là: năm 1953, chính trị viên tiểu đoàn Thái Doãn Mậu chỉ huy đánh chùa Non Nước Ninh Bình. Trên đường khải hoàn đi qua cánh đồng Pháp câu moócchiê ông bị trúng đạn tử thương tại chỗ. Thương em trai,  ông Thi len lỏi từ vùng tự do khu Bốn vào vùng địch hậu tìm hài cốt của em. Cuộc đi không thành. Đến Cải cách ông Thi bị khép vào tội tử “nhảy vào vùng tề ngụy, cấu kết với bọn công giáo Phát Diệm chống phá cách mạng”. Trước đó, trong giảm tô ông anh Cả của ông Thi là Thái Doãn Yết cũng bị bắn đợt đầu. Ông Yết là người sáng lập ra chi bộ Đảng đầu tiên của xã Yên Hòa (thời đó gồm 3 xã Thịnh Sơn, Hòa Sơn và Bài Sơn), huyện Anh Sơn (nay là huyện Đô Lương), và nhận lãnh chức vụ bí thư. Theo chỉ thị của bí thư đảng Vầng Hồng nhà doanh nghiệp đồ gỗ là ông Cửu Thiện, Thái Doãn Yết được biệt phái sang hoạt động hai mang bên địch với vai bang tá. Lịch sử Đảng bộ xã Thịnh Sơn viết “Khiếp nhược trước uy vũ của thực dân Pháp, Thái Doãn Yết đầu hàng giặc làm tay sai cho chúng chống phá lại cách mạng”. Đến Giảm Tô, ông lãnh án tử hình vì tội “phản bội” đó. Rất tiếc nhân chứng sống duy nhất là bí thư Cửu Thiện bị xử lý trước đó.

Một nhà ba anh em tham gia cộng sản, ba đảng viên, cả ba đều chết vì tay cộng sản. Cho đến nay Đảng bộ xã  Thịnh Sơn vẫn ngủ  yên trên sai lầm tai quái này!

* * *

Sáng nay anh em chúng tôi lại vào rừng như thường lệ. Hôm nay có cha đi theo để kiếm cái mỏ cối đạp mà cả tháng nay ông lục cục đục đẽo chưa xong. 5 giờ sáng. Đêm còn tối bưng. Chúng tôi quen rồi với cảnh âm phủ suốt hơn năm sống nhờ rừng, nên bước đi vững chãi. Cha tôi không quen bóng tối chân nam đá chân chiêu trông đến tội. Đường theo lối sỏi thân quen lượn lờ quanh đồi núi. Được nắng hương cỏ mật hai bên vệ đường dâng lên ngào ngạt, đầy cả hai buồng phổi. Khí rời mát mẻ, se se gió lạnh. Xa xa, đôi chim từ quy khắc khoải gọi tàn canh. Phương Đông màu trắng ửng dần sang hồng. Bọn tiều phu chúng tôi đi trong bình minh rực lửa và râm ran tiếng gà. Đây là làng Yên Bài, nối tiếp dãy lèn Yên Mỹ với Mỏ Diều hùng vĩ, vượt qua quãng đồng Tiên Cảnh có ngôi mả ông ăn mày to như trái núi con bởi ông ta chết vào giờ thiêng, đây rồi Khe Nước Nhỉ – nơi chúng tôi thường nghỉ ăn trưa, uống nước, tiếp đến làng Hậu Trạch lơ thơ dăm mái lá hiền hoà. Đi một đỗi ruộng bậc thang nữa thì đến bìa rừng. Cha theo kịp nhưng khá vất vả, thở dốc ra khó nhọc. Kia rồi, một súc gỗ dẻ nằm lẫn trong đám lá dẻ khô queo. Anh Hảo gạt mấy cành nhánh, lộ ra gốc cây ngon lành. Anh Hảo nói “Cha chặt cây này khoảng độ 1m 2, rồi ra điếm canh nghỉ ngơi ăn cơm, xong vác về trước. Các con còn đi sâu vào rừng mới chặt được củi” . Nói rồi, anh em chúng tôi xăm xăm đi. Rừng bỗng trở nên yên ắng tịch mịch. Có tiếng gọi với theo “Các con ơi, sao nỡ bỏ cha giữa rừng già thế này”. Tôi chạy quay trở lại. Ông sợ run bắn lên. Tôi trấn an ông “rừng ở đây hiền hòa không có thú dữ đâu cha”. Ông hơi yên dạ vung rựa lên đẵn vào cây thiết mộc.Tiếng cum cum vọng lên từ thung lũng như khắc vào hồn tôi như chạm vào hồn rừng từng nhát từng nhát khắc khoải nhói đau. Tiếng cum cum yếu dần, thưa dần rồi im bặt. Tôi đâm hoảng sợ có gì bất trắc, định chạy ra thì anh Hảo xua tay “không việc gì đâu, lo làm khẩn trương lên tránh cơn giông kia kìa”. Đến trưa mặt trời lấp lửng trên đỉnh rừng anh em gánh củi ra thì thấy khúc gỗ dẻ đã đem đi rồi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tháng trước, dượng Thung cũng vào rừng này chặt gỗ dẻ về làm cối xay, bị cây thoi từ trên xuống gãy đầu gối, máu xối lênh láng, không ai cứu kịp đã tử vong.

Rừng Hậu Trạch là ân nhân của chúng tôi, cứu cả vài chục gia đình địa chủ thoát chết đói, vốn bà con họ hàng dây rau rễ má liên kết  đùm bọc lại cùng nhau để sống. Rừng cho chúng tôi củi, lá dong, hạt muồng, củ nâu, hạt dẻ, lá lốt, lá trầu rừng, chạc chìu, cánh kiến, sa nhân, mật ong, thú rừng… mùa nào thức ấy, bất cứ cái gì cũng đổi được ra gạo, khoai, ngô. Con cháu địa chủ đông đến mấy trăm người, cứ bảnh mắt là lùa vào rừng, gánh củi luôn ra chợ Tràng, chợ Lường, chợ Xóm Giếng bán, mua thực phẩm, tối mịt mới về nhà, đi không ai thấy về không thấy ai. Rừng Hậu Trạch là thế giới riêng là công quốc tự do không có hung thần Đội Cải cách của những người bị nạn. 12 tuổi, tôi đã sống hòa vào người thân cảnh đời của Thạch Sanh hàng năm trời “Rong rêu mọc, nước suối tuôn – Đỡ lòng ngồi ngắm giang sơn chuyển vần”.

Các bạn tiều phu bất đắc dĩ của tôi ơi, sau này dẫu đi bốn phương trời: Mỹ, Anh, Pháp, Canađa, Úc…các bạn còn nhớ chiến khu nơi cưu mang nuôi sống chúng ta không những năm tháng gieo neo vận hạn kiếp người ? Còn tôi, tôi luôn đau đáu nhớ về những cánh rừng Hậu Trạch, hễ nhắc đến là chực trào nước mắt.

* * *

Cha tôi có người chú út là ông Thái Doãn Châu. Ông Châu làm nghề dạy học kiêm thầy lang thuốc Bắc.  Ông giáo Châu người quắc thước có ánh   mắt nhìn dữ, tiếng nói oang oanh quát tháo như lệnh vỡ. Chỉ có mẹ tôi là chế ngự được ông. Ngày giỗ Cố cụ Tuần, ông bao giờ cũng đến muộn, ngồi độc một mâm trên cao chửi mắng con cháu hết điều khi rượu vô. Cải cách đến ông lâm vào cảnh đói, bốc thuốc không có khách. Ông thường ngồi thừ một xó vuốt bộ râu rậm rì, nghĩ ngợi kế sinh nhai. Quẫn quá, một lần dân làng thấy ông đang ngồi xóc chiếc điếu cày sau cái giếng đất cuối làng. Người ta báo với đội Cải Cách. Đội sai dân quân du kích gô cổ  ông. Tội danh đánh thuốc độc vào giếng đầu độc dân làng, buộc ông lãnh 20 năm tù. Tưởng vào tù có cơm ăn, ai ngờ chỉ sau hai tháng ông bỏ mình trong trại tù Bến Hới.

Ông để lại cho cha tôi tủ sách thuốc hàng trăm quyển. Cảm thương cái chết oan uổng của chú ruột, lại không có việc gì làm, ông cắn răng bấm bụng đói meo đọc sách thuốc quyết nối nghiệp thay chú cứu nhân độ thế. Thoạt đầu ông chữa những bệnh đơn giản cho những người thân trong nhà. Thấy được, ông dấn lên đọc tài liệu, luyện nghề cho tinh thông. Tiếng lành đồn xa, người ta tìm đến ông như tìm đến một cứu nhân. Ông nổi tiếng thầy lang mát tay, giỏi nhất là chữa bệnh nhi khoa và phụ khoa. Ông bắt mạch kê toa không lấy tiền. Thương ông, bà con đem biếu thầy mớ khoai, củ sắn, bò gạo để ông giáo đắp đổi qua ngày. Sau này, khi đã có thương hiệu, ông vẫn chứng nào tật ấy, không lấy tiền của bà con, hoặc nếu có lấy thì lấy chút ít cho có lễ để ông bà đủ sống và bù trì cho người nghèo hơn. Một lần tôi thấy một bệnh nhân nam rách rưới, da mặt ưởi, bủng beo đến xin ông chạy chữa. Cha tôi khám kỹ, rồi cho đơn. Ông viết bằng chữ Hán đẹp như vẽ. Cầm đơn thuốc trong tay, người bệnh tần ngần. Hiểu ý, ông mở túi cho hai hào tiền thuốc. Bệnh nhân cảm ơn rối rít. Ra về đến ngoài ngõ, ông gọi giật lại, nói “bà ơi cho cháu này xin 2 bò gạo”. ông bảo tôi “Uống thuốc mà không có gì ăn thì làm sao khỏi bệnh”. Tôi đã vỡ nhẽ ra tất cả. Trong nhà cha tôi chỉ tôn thờ một câu châm ngôn của Danh sư Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác “Nhân nghiã trân tàng bất hoán phương” [Cái nhân nghĩa là của quý giá nhất phải biết bảo tồn không bao giờ thay phương đổi hướng]. Trong ngôi nhà tranh vách đất chỉ có câu:
 
Bức họa châm “nhân nghĩa trân tàng..”
hiện treo tại thư viện Thái Doãn Hiểu.

kim chỉ nam ấy là sáng rực lên một vùng bởi nét chữ bay bướm như rồng múa phượng chầu. Sau ngày ông mất, tôi giữ gìn bức châm ấy như giữ linh hồn của ngôi nhà, dù tôi ở quê hay ở nhà riêng Sài Gòn. Tôi thích nó và quyết tâm sống theo lễ nghĩa đó.

Cha tôi là người hiếu học. Sự hiếu học xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với người bệnh. Ông học theo lối kiến văn là chính cộng với rút kinh nghiệm từ các ca bệnh nhưng không quên chính danh về mặt bằng cấp. Ông đi thi để lấy bằng sơ cấp ở huyện, thi lấy bằng trung cấp ở tỉnh hội Đông y. 70 tuổi ông còn lóc cóc ra tận Hà Nội  đến TW Hội Đông y thi lấy bằng Bác sĩ đông y (đại phu). Việc này diễn ra đúng 10 năm !

*  *  *

Tôi đi làm thầy giáo vào năm 1960. Chính thức đứng trên bục giảng năm chưa đến 17 tuổi. Cha tôi lo lắm “Không biết nó làm ăn ra sao. Dù gì thì nó vẫn còn là đứa trẻ” – Cha tôi nói với mẹ  – “đêm ngủ phải có cha, không rời nửa bước”. Nói rồi, ông đi lên trường cấp 2 Cao Sơn, Anh Sơn nhiệm sở của tôi. Ông lân la hỏi mấy vị đồng nghiệp đồng môn về sự dạy dỗ của tôi. Anh Bính thưa: “Bác đừng lo, tuy trẻ người nhưng anh ấy già tay nghề lắm. Học trò ở đây lống con, có em đã từng đi bộ đội tham gia chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Điện Biên về học. Họ lớn hơn thầy giáo cả chục tuổi nhưng vẫn thấp hơn thầy giáo cái đầu. Họ dày dạn bom đạn nhưng lại nơm nớp sợ thầy Hiểu nổi trống truy bài”. Ông xin thầy hiệu trưởng dự giờ dạy của tôi rồi mới yên tâm quay về nhà. Hai năm sau, tôi thuyên chuyển lên Dừa, trường cấp 2 Hùng Sơn, cha tôi nhớ con lại lên thăm. Đường xa 38 km, ông thường cuốc bộ, ít khi mua được vé xe khách quốc doanh. Có lần ông lên và tôi về. Hai cha con gặp nhau ở lèn Kim Nhan. Dáng ông phăm phăm sải dài trên con đường vắng, nắng chiều dát vàng lên đỉnh núi Kim Nhan rực rỡ. Hai cha con ngồi nghỉ dưới khoảng rừng thưa, bạch đàn lao rao nắng, tiếng chim cu gù đầm ấm gần xa, sông Lam như một giải lụa mềm mại vắt qua núi non xanh biếc.

Sau này, 1976 vợ chống chúng tôi chuyển cư từ Hải Phòng vào Sài Gòn định cư, dạy trường Cao đẳng Sư phạm Tp Hồ Chí Minh, ông lại vào thăm. Bữa đó, tôi  giảng bài Thu vịnh của Nguyễn  Khuyến cho 12 lớp văn khóa 2 trên giảng đường lớn. Không hiểu làm sao ông biết được và xin dự giờ. Anh Hoàng Xuân Tâm đành phải tháp tùng hướng dẫn ông. Tôi thì trổ hết tài nghệ để chứng minh tính ưu việt của học thuật phái đỏ, và để cha tôi biết sự trưởng thành của tôi. Dạy xong, về văn phòng ông nói ngay “Cũng được, nhưng vẫn khai thác chưa hết ý. Bức tranh tâm cảnh thì phải đánh từ trong ra chứ không phải ngoài vào”. Tôi tiếp thu và về sau hoàn chỉnh nội dung và nghệ thuật bài giảng tốt hơn.

*  *  *

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Mỹ dùng không quân leo thang đánh ra cả nước. Cả nước dốc người đi đánh Mỹ. Nông thôn miền Bắc rỗng người, chỉ  có  một sư  đoàn bảo vệ , còn lại người già  trẻ  em, phụ nữ tay cày tay súng đảm việc nhà, nuôi con chờ chồng đến ngày chiến thắng. Không một làng quê nào yên bình được với bom đạn. Làng tôi nằm trên trục giao thông đường 7. Ngày, triền miên không lúc nào chúng ngớt đánh phá. Đêm, pháo sáng từng đợt từng đợt đốt lựng, lũ ó lùng sục săn ô tô. Làng tôi bị đánh không biết bao bận, nhưng kỳ lạ không ai nỡ rời làng. Ai cũng bám chặt lấy làng như một lẽ sống. Lần bị bom chụp nặng nhất  là năm 1973 cả làng bị tan hoang nát bấy, người chết, gia súc chết ngổn ngang, mọi người  mới chịu dời làng lên núi.

Quê mới có gì ? Có núi và rừng. Rừng núi cho cha tôi cả một kho dược liệu quý không phải mua. Nguồn thuốc Bắc từ Trung Quốc sang bị giao thông chặn tứ phía. Sau này, chiến tranh biên giới Trung Việt xẩy ra 1979, nguồn thuốc bị cắt hẳn cha tôi cũng không hề lúng túng. Tuệ Tĩnh theo lệnh vua Lê Thái Tổ đi cống Minh rồi bỏ lại thân xác ở quê người, nhưng vị Thánh Y này đã để lại cho cha tôi một bửu bối “Người Nam dùng thuốc Nam”. Cha tôi đã triệt để khai thác nguyên lý chữa bệnh này và đã thành công. Trong dược điển của cha tôi có hàng trăm dược liệu quý giá. Ông có thể chữa được hàng chục thứ bệnh nan y mà Tây y bó tay. Cha tôi huy động bà con vào núi hái thuốc đem về phơi đầy sân đầy vườn trạm y xá xã. Bà con chữa bệnh không tốn bao lăm tiền

Những năm chiến tranh gian nan đó, gia đình tôi chia xẻ ra ly tán mỗi người một phương. Anh Hợi ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình. Anh Sửu làm việc ở phòng phổ thông Ty Giáo dục Phú Thọ. Anh Hảo dạy học ở Thanh Hóa đầu quân đi Thanh niên Xung phong chống Mỹ, cứu nước tổng đôi TNXP Thanh Hóa. Tôi – Thái Doãn Hiểu gia nhậpTNXP Nghệ An. Chị Thanh làm Thư ký Công đoàn Nông trường Quân đội 1-5 Nghĩa Đàn. Út Tâm đi dân công tải đạn chứa vào hang động Phong Nha Quảng Bình. Chúng tôi toàn sống ở những trọng điểm đánh phá quyết liệt của máy bay Mỹ : Cầu Hàm Rồng, Cầu Cấm, Truông Bồn…, suýt chết không biết bao lần. Cha mẹ tôi sống ở hậu phương, ngày nào cũng cầu nguyện cho các con đi chân cứng đá mềm. Mẹ còn phải giữ đám trẻ để phụ thêm công điểm hợp tác xã kiếm thêm chục cân thóc mỗi tháng phụ vào đồng lương ít ỏi của cha 30 đ/ tháng.. Già rồi mà các cụ cơm không được no, khoai ngô sắn độn cơm. Cả nước sống như thế cả.

*  *  *

Năm 1973. Lần ấy tôi từ Dừa ghé thăm nhà. Hai cha con chuyện trò đến tận khuya. 12 h hơn, bỗng có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở. Một bộ mặt gớm giếc thò vào : cu Minh ở sau nhà. Tên sát nhân đã từng đeo mặt nạ bắn bác Thái Doãn Yết đây mà.

-  Có việc gì khuya khoắt thế này.

-  Thưa ông, ông cứu con con với. Đã mấy ngày nay nó bí đái không tiểu được. Con đã làm đủ mọi cách.

Tôi đưa mắt nhìn cha tôi dò hỏi. Ông ngồi bật dậy với túi đồ nghề khoác vào tay:

- Nào ta đi.

Đề phòng bất trắc tôi vớ chiếc đèn pin soi đường đi theo hộ tống người. Đến nơi, một thằng bé mặt xanh nanh vàng nằm thở khò khè trên chiếc chõng tre. Cha tôi vạch áo khám cho nó, nấn khắp bụng, đến dương vật. Một hồi lâu ông hỏi cu Minh:

- Nhà có bồ kết không ?

- Dạ có nhiều ạ.

- Lấy ba quả nướng lên hòa với nước sôi để nguôi cho uống cách nhau 2 tiếng một lần. Ba lần thì khỏi bệnh. Xong rồi !

Ông khoát tay tôi ra về.

Sáng hôm sau, cu Minh sang nhà quỳ mọp xuống trước mặt ông Phật sống lạy như tế sao:

-  Ông ơi, sao ông nhân từ thế. Một đời con chỉ làm ác cho ông và gia đình ông. Sao ông lại cứu chúng con ?

Cha tôi điềm đạm vuốt râu:

- Cứu người là việc của thầy thuốc. Giết người là nghề của đồ tể, là lý tưởng người ta dạy anh. Nếu anh thấy đúng thì cứ giết. còn nhược bằng anh thấy giết người là tội ác dã man thì thôi ngay. Anh nên nhớ nhà Phật dạy: Ác giả ác báo. Gieo gì gặt nấy.

Cu Minh ửng đỏ mặt như đã thấm. Vẫn trong tư thế quỳ :

- Con cảm tạ ông đã cứu con con và cứu vớt linh hồn con. Amen !

*  *  *

Bạn đọc. Bạn sẽ hỏi Thái Doãn Hiểu viết văn đã thành danh, có chịu ảnh hưởng gì ở cha mẹ của mình không ? Ảnh hưởng nhiều lắm chứ. Trên tạp chí Sông Hương cách đây vài chục năm tôi đã trả lời phóng viên Dương Quang Minh -Vụ phó vụ Thông tấn báo chí Văn phòng chính phủ rằng:

“Còn một lý do rất đỗi quan trọng nữa tôi viết sách là để trả nghĩa cho hương hồn Phụ Mậu tôi. Cha tôi là một nhà nho thanh bạch, đi dạy người và làm thầy thuốc đông y cứu nhân độ thế. Cha mẹ tôi không để lại cho tôi một cây chỉ nào cả, nhưng người đã để lại cho tôi một tài sản tinh thần vô giá. Cha tôi sống rất hiền đức, là đồ đệ của Lão Tử, Thích Ca, ông chủ trương không chống lại đều ác bằng bạo lực. Cha tôi là một nhà giáo mô phạm từ chữ viết, lời nói, quần áo, tư tưởng, tác phong, một thầy thuốc có y đức lớn xứng đáng là đồ đệ của Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh. Còn mẹ tôi – người là biểu trưng cho người phụ nữ Việt Nam hay lam hay làm, hệt như bà Nguyễn Khuyến. Mẹ làm lụng quần quật từ bảnh mắt cho đến tận khuya, quần áo lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Tôi thừa hưởng những nết tốt đó. Có thể nói: tôi viết sách dưới ánh sáng đức nhân của cha, miệt mài thức khuya dậy sớm bằng cái cần mẫn của mẹ. Không thừa nhận có ngày chủ nhật và ngày lễ, tôi làm việc đều đặn không dưới 14 tiếng mỗi ngày, chỉ nghỉ ngơi bằng cách thay đổi hình thức công việc. Tôi viết với tất cả nỗi đam mê vốn có, và cả sự cưỡng bức lao động chính mình”.

Lần nọ, 1987 từ Sài Gòn về thăm nhà,  cha tôi bảo “Cha yếu lắm. Nghỉ hưu, chẳng có việc gì làm, lại không có lương hưu. Ăn rồi lại ngủ, chẳng biết đi đâu, chơi với ai nơi khỉ ho cò gáy này. Thôi để cha về với ông bà Tổ tiên. Đa thọ đa nhục”. Tôi động viên ông , “cha thường làm thơ Thọ trường trăm tuổi danh thơm sẽ về. Danh của cha đã thơm rồi, nhưng cây cao bóng cả vẫn là nơi các con được nương nhờ”.  Tôi lại hỏi cha “Nếu phải từ biệt thế giới đầy khổ nạn này, cha thương tiếc nhất cái gì ? “Không tiếc gì cả, những thứ cha mong đã có hết, cha chỉ thương 7 đứa con yêu quý của cha. Chị Cả Thiệu  đẹp người tốt nết, hiền hậu. Chị Thanh đảm đang chạy chợ ngược xuôi cứu cả gia đình khỏi chết đói qua ba cơn hiểm họa. Hy sinh lớn, vì thế, chị con đâm ra công thần thao túng mọi việc trong nhà. Thật tội nghiệp và bất hạnh sống không chồng con. Anh Hợi có cái chín chắn đức độ của một người từng trải trận mạc và nhân tình thế thái. Anh sẽ  là người con trai duy nhất  ở  bên cạnh cha cho đến phút cha lâm chung. Anh Sửu hào hoa phong nhã, nói năng lợi khẩu bặt thiệp, ước gì được nấy, muốn là ông Đốc khi ba tuổi về sau làm Đốc học suốt đời. Anh sống hơi vị kỷ,  thời trẻ có ý oán hận đã trót thác sinh vào gia đình ta làm cản đường tiến chính trị của mình. Anh Hảo kiến văn hạn hẹp, nhìn đời, nhìn người, nhìn sự việc rối. Hay nói, nói nhiều, nên lầm lẫn; được cái tính tình vui vẻ, ruột để ngoài da, hay trạng, luôn giữ trong mình một đứa trẻ con cho đến già. Còn con  – Thái Doãn Hiểu tài hoa, chịu học, sống vị tha, con sẽ làm nên nghiệp văn lớn, hậu vận con cháu tốt tươi. Cha kỳ vọng ở con. Có điều cầm bút phải lo là tai nạn nghề nghiệp “Thủ thân vi đại” [giữ mình là việc lớn]. Con thấy đó, trên tấm hoành phi đặt ở nhà thờ, Tổ tiên ta chỉ để lại ba chữ “Di dĩ an” [lấy cái bình yên để lại cho con cháu]. Còn út Tâm, đứa con út da trắng tóc vàng  cùng chồng là thuyền trưởng viễn dương Vương Đình Đỉnh lúc nào cũng chỉ lo đói nên tằn tiện tích cốc phòng cơ đến là… khu đỉn. Giàu có nhưng lệ thuộc đồng tiền, làm cho chất lượng cuộc sống thấp. Được cái em nó biết căn cơ từ lúc 5 – 7 tuổi, cái đận cả nhà vào rừng, ở nhà một mình Tâm biết hái rau tập tàng, kiếm cái mẻ bác nấu canh muối cho cả nhà ăn”. Trong 7 anh chị em, mỗi đứa mỗi nết, chỉ có anh Hợi và Hiểu là hiếu đễ bậc nhất, không bao giờ sao nhãng việc nuôi thân dưỡng tâm cho cha mẹ. Cha cảm ơn các con. Cha biết ơn các con, cả 4 con trai đều phát huy truyền thống võ công và văn trị của dòng họ Mạc nhà ta, nối nghiệp nho gia của cha – cái nghề dạy người thật thanh bạch, nghèo chút nhưng sống ra con người”. Nói đến đây ông rung rung chòm râu, rơm rớm nước mắt. “Còn mẹ thì sao cha ?” “Không có mẹ thì cái nhà này không thành. Mẹ là nội tướng quán xuyến trong ngoài, bếp núc đỏ lửa, mâm cỗ cúng tế Gia tiên tươm tất, đối nhân xử thế với họ hàng nhân hậu lịch lãm, người hy sinh tất cả để tái tạo, dẫn dắt tương lai. Cha con ta chịu ơn mẹ nhiều lắm”.

“ – Thế cha có oán trách ai không cha ?” Ông lặng đi một lát rồi cất tiếng – “Ngồi buồn mà trách ông Xanh – Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”. Trách ai được con. Thực ra thì họ cũng là nạn nhân. Nạn nhân của sự ngu dốt, tham lam và đố kỵ. “Nhân chi sơ tính bản thiện” – thầy Mạnh Tử bảo thế,  nhưng Tuân Tử ngoặc lại   “Nhân chi sơ tính bản ác”. Cái xứ mình nó thế. Không có gì nhân đức bằng con người nhưng cũng không có gì tàn ác bằng con người. Thôi thì, có thân có khổ, có khổ mới nên thân. “Cha có nhận xét gì về những cuộc cách mạng long trời lở đất tràn qua quê ta và giày xéo lên cuộc đời của cha ?” “- Cách mạng !? nó không đem lại mục đích gì cao quý ngoài sự đổ vỡ và chết chóc. Cuộc cách mạng mà con gọi là long trời lở đất đó đã giáng một đòn chí tử vào xương sống đạo lý, tín nghĩa dân tộc được thiết lập xây đắp hàng nghìn năm, nó tiêu diệt những đầu óc biết làm ăn và quản lý kinh tế ở nông thôn và thành thị, nó triệt hết trí thức hiền tài nguyên khí của quốc gia. Không hiểu làm sao người ta lại dại dột chọc tay vào mắt mình” “ – Cách mạng là phản cách mạng – ông Mabớp triết gia Pháp đã nhận xét về những cuộc cách mạng tư sản như vậy đấy”.


Sang năm sau, 5-12-1988 cha tôi đi thật. Ông bị tiêu chảy, không chữa, hai ngày thì mất. Bà con họ hàng quyến thuộc, những bệnh nhân khắp huyện nghe tin thương tiếc một  người hiền. Họ đến đưa tang đông chật cả thung lũng Cây Chanh để vĩnh biệt vị bồ tát ân nhân cứu khổ cứu mạng của mình. Ngày cha mất, tôi không  về chịu tang được vì không có một đồng tiền nào cả. Khốn nạn thân tôi với cái nghề cao quý chết đói. Việc này cha tôi đã dặn rồi “Cha chết thì đừng về, đã có họ hàng bà con ngoài này lo. Về thì mang công mắc nợ khốn thân con”.  Tôi cùng út Quỳnh nằm khóc cha  suốt ba ngày ba đêm, mắt sưng húp không nhìn thấy gì cả.

Sinh 1904. 11 tuổi (1915) mồ côi cha, cùng người mẹ trẻ nuôi nấng và dẫn dắt một bầy em lít nhít 4 đứa. 15 tuổi (1919) thay cha chăm sóc ông nội ốm liệt giường. 22 tuổi (1926) – (1945) làm giáo sư Hương trường. 24 tuổi (1928) bất bình với Pháp, tham gia hoạt động cách mạng. 26 tuổi (1930) vào tù bởi vụ Xô viết Nghệ Tĩnh. 27 tuổi (1931) gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. 41 tuổi (1945) tham gia cướp chính quyền ở địa phương, làm Chủ tịch làng Kim  Liên. 42 tuổi (1946-1948) Trưởng ban Bình dân học vụ xã. 49 tuổi (1953) mắc phải vạ vu khống làm Bộ trưởng Giáo dục. 51 tuổi bị quy là địa chủ. 56 tuổi (1960- 1987) làm Bác sĩ Đông y trực trạm xá xã Thịnh Sơn. Năm 85 tuổi (1988) giã từ cõi thế.

Con Rồng đất đã giáng mang người đi rồi ! Thái Trung Tiên! ông Tiên giữa đời đẹp lão, vị trích tiên đạo cốt đã về Trời thật rồi ! Adi đà Phật !

Một buổi sáng vào năm 2009, khi còn ở trên nhà viết Hương Viên Các, Gò Vấp, tôi thức dậy thì liền thấy cha tôi ngồi cạnh bên, âu yếm nhìn tôi như hồi còn tấm bé, như hồi cha con tôi háo hức thức đón giao thừa bên mâm cỗ Tết cúng Gia tiên. Tôi thảng thốt kêu lên “Cha ơi cha ! Con đây!”. Tôi đưa tay ôm chầm lấy người. Ông biến mất. Thì ra hình tôi chiếu vào trong tấm gương soi trên cánh cửa tủ đặt cạnh giường.

Buồn. Bâng khuâng suốt cả một ngày trời…

Bao nhiêu ảnh hình thân thuộc theo ký ức lại hiện về. Này đây, cha đang đi chân nâng – ồ không người đang đi trên mặt nước sông đào xanh trong như đi trên đất đầy khói sương; này đây cha đang rung đùi và cười vang khi một sáng tìm được tứ thơ “Thanh nhàn vui vẻ là người thần tiên”; này đây, cha tỉ mần gắn kết từng cái bát yêu sứ  vỡ bằng xi măng để có cái ăn đồ đựng cho cả nhà; này đây, cha đang phá vườn để trồng toàn thuốc nam chữa bệnh cho dân; này đây cha an ủi và dặn dò bệnh nhân bằng vẻ mặt ân cần từ tâm, tôi cứ ngỡ như Hải Thượng tái thế; này đây cha con ta đang trò  chuyện y đức y thuật, chuyện trước tác của tôi trong hầm rồi ngủ quên lúc nào không hay, cứ  đinh ninh có  bốn bao thuốc nam sơ  chế  che chắn bom đạn an toàn cho cha con mình tròn giấc; đây nữa cha cùng mẹ đứng trước một vườn cải rực rỡ hoa vàng rù rì đàn ong đến hút mật; và đây cha râu tóc bạc phơ quây quần giữa con cháu đến mừng tuổi thọ…

Cha ơi, con xót xa và tự hào về cha ! Cha đã vượt qua những chặng đường khổ ải với nhiều ân oán của bọn lang băm chính trị đểu cáng để trở thành vị Phật sống luôn hiện hữu giữa đời.
.
[Trích chương 17  ÂM VANG CỦA TIỀM THỨC, hồi ký của Thái Doãn Hiểu, chưa in] 

Ảnh: Giáo sư Hương trường, Bác sĩ Đông y THÁI DOÃN TIÊN (1904-1988)
Tác giả gởi trực tiếp cho blog NĐH.
 


18 nhận xét :

  1. Khi bọn đầu trâu mặt ngựa đi khỏi, tôi dùng nước thấm vào băng niêm phong mở cửa vào nhặt bức hình chân dung cha tôi. Tôi ôm vào ngực, lòng dào lên nức nở. Đứng trước phòng ngủ đêm qua của cả nhà ấm cúng là thế nay thuộc kẻ khác rồi mà cám cảnh trời đất. Về sau, tôi đã bảo vệ bức hình cha tôi cẩn thận, dùng kỹ thuật hiện đại phục chế nó hoàn hảo hôm nay mới có đăng kèm theo bài này như bạn đọc thấy đấy

    Trả lờiXóa
  2. Thưa ông Thái Doãn Hiểu ! Ông không cần thành danh ! Ông đã thành nhân ! Văn phong của ông tôi thấy nó có thấp thoáng cái bóng bồ tát của người cha của ông !
    Chỉ vỏn vẹn có 1 chương 17 Âm Vang Của Tiềm Thức . Tôi tưởng vừa làm cuộc hành trình xuyên qua nổi đau khổ dài và dai dẵng của kiếp người ! Trời ơi ! Địa ngục ở đâu xa ! Địa ngục ở chương 17 AVCTT nầy đây ! Trời ơi ,ngày xưa tôi xem phim Doctor Zivago tôi đã khóc ! Nhưng nhân vật Zivago nầy không thống khổ không bằng cha của ông ! Vợ của Zivago chỉ cặm cụi lao động trong 1 công trường của Liên Xô và chỉ nhớ thương trông ngóng chồng về thôi . Mẹ của ông thì ở bên cạnh cha của ông ,mở to 2 con mắt để chứng kiến cảnh đoạn trường dồn dập như giông tố đổ ập xuống gia đình của ông !
    Tôi tưởng tượng giờ nầy cha của ông đang ở 1 cõi nào đó . Mặt đồ trắng và ngồi dạy cho những ông Lenin ,ông Stalin,ông Mao Trạch Đông ,ông Hồ Chí Minh..tư tưởng nhà Phật ,lão,Chúa ,Khổng v.v...Khi nào cha của ông cải tạo được họ thì mới cho họ lên đầu thai !
    Kính

    Trả lờiXóa
  3. Thưa anh Hiểu. Tôi kém anh 4 tuổi và sinh ra bên dòng sông Giăng đổ vào Lam giang nên tôi rất xúc động khi đọc dẫu chỉ 1 chương trong hồi ký của anh . Tôi thật sự thấm thía với những dòng đối thọa giữa Cụ và anh : Cuộc cách mạng mà con gọi là long trời lở đất đó đã giáng một đòn chí tử vào xương sống đạo lý, tín nghĩa dân tộc được thiết lập xây đắp hàng nghìn năm, nó tiêu diệt những đầu óc biết làm ăn và quản lý kinh tế ở nông thôn và thành thị, nó triệt hết trí thức hiền tài nguyên khí của quốc gia. Không hiểu làm sao người ta lại dại dột chọc tay vào mắt mình” “ – Cách mạng là phản cách mạng – ông Mabớp triết gia Pháp đã nhận xét về những cuộc cách mạng tư sản như vậy đấy”.

    Trả lờiXóa
  4. Chao ôi! Sao câu chuyện này giống ở quê tôi thế! Chẳng lẽ khắp miền Bắc khi ấy trong cảng này ư? Không phai chỉ một người bị quy oan khổ mà con cháu họ phải tủi nhục cả 3 đời, không ngóc đầu lên được. Hầu quả tồi tệ về kinh tế xã hội là không tính hết được và đến nay nhân dân ta vẫn phải gánh chịu. Những người là tác giả thảm kịch này không hề ân hận dù đã từ lâu lãnh tụ của họ đã gạt lệ xin lỗi quốc dân đồng bào. Nếu ai là nạn nhân của chủ nghĩa lý lịch thì hẳn biết những tờ thẩm tra lý lịch mật đã phá nát biết bao nhiêu cuộc đời, kể cả hiện nay. Nếu biết lỗi thì đã không có cải tạo công thương và cấm chợ ngăn sông ở Miền Nam sau năm 1975. Tóm lại, còn đi theo thì Tàu dân ta còn khổ!

    Trả lờiXóa
  5. nguoi khong khoanh taylúc 22:45 9 tháng 8, 2013

    Không thể cầm được nước mắt. Khóc cho một người con; khóc cho một người cha; khóc cho một gia đình; khóc cho một làng quê; khóc cho một đất nước. Và khóc cho những cuộc...CÁCH mạng.

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn tác gỉa Thái Doãn Hiền đã trình bày sự thật đau lòng của gia đình, sự đồng cảm của dân mạng lề dân sẽ xoa dịu được vết thương đã lâu nhưng chưa lành của dòng họ Thái-Doãn. Mong những người cùng cảnh ngộ hãy viết lên những sự thật để ngàn đời học hỏi, trong đó không thể không nhắc đến trường hợp cụ Đặng Văn Hướng, thân phụ của Mon Petit Napoleon, con hùm xám đùờng số 4 Đạng Văn Việt đã bị đấu tố và chết ra sao, xin Cụ Việt viết lại để hậu sinh biết sự thật về chủ nghĩa, dù cụ được "bác" xin lỗi, cụ có thể tha, nhưng vì dân tộc, vì lich sử, xin cụ hãy nhắc lại, đừng cho qua đi như bọt bèo trên sông. Cả những người biết về chi tiết Đặng X. Khu đâu tố cha như thế nào, cũng cần lên tiếng để thế hệ đi sau không bị cái vòng kim cô thống trị tâm não. Mong lắm thay. (Trần Văn)

    Trả lờiXóa
  7. Cuộc CCRĐ mấy chục năm qua do Trung Quốc cố vấn gây ra thật tàn khốc, một nỗi đau âm ỷ không nguôi, một vết nhơ trong lịch sử dân tộc, làm cho đất nước chịu một hậu quả nặng nề, nhân dân lại trở lại làm nô lệ lầm than...

    Trả lờiXóa
  8. Có gì nghẹn ở cổ cay xè mắt mũi, Thiện tai, thiện tai...

    Dân Nghệ

    Trả lờiXóa
  9. Đành rằng, bất kì một công việc gì, khi tiến hành cũng có thể mắc lỗi ở khâu nào đó. Song điều quan trọng nhất là phải có được một quan điểm gốc đúng đắn. Ở cuộc Cách mạng do những người cộng sản khởi xướng và tiến hành đã mắc phải cái sai lầm ngay từ gốc rễ, ngay từ thuở ban đầu cho tới tận bây giờ.
    Ngay trong cương lĩnh sai lầm của Đảng cộng sản do Trần Phú, một người lãnh đạo còn rất trẻ tuổi và non nớt về nhận thức soạn thảo, ghi rất rõ "Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ" cho thấy rất rõ cái sai chết người này. Họ đâu biết rằng, những cái mà họ đã gắng sức "đào" và "trốc" ấy chính là tinh hoa, là cái nền tảng của xã hội, được tích tụ qua hàng ngàn đời, thế mà họ đã đào bật tung lên tất cả, chôn vùi và sỉ nhục tất cả. Xã hội được "lãnh đạo" bằng cả một guồng máy, tạo nên bởi những người có lí lịch "đẹp nhất" : Bần nông, cố nông, đã không biết chữ, lại càng không biết "nghĩa". Thử hỏi một xã hội được điều hành bởi những "hạt nhân" thiếu cả chữ, thiếu cả nghĩa như thế liệu có tồn tại được không nếu chưa nói đến từ "phát triển".
    Ngày nay, những người cộng sản (mang danh thôi nhé) vẫn tiếp tục sai lầm, với cụm từ "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN". Thực ra vấn đề ở đây là gì ? đó là "cho phép" phát triển kinh tế theo các ông thầy tư bản, nhưng phải theo ông chủ Đảng cộng sản. Một cái khoa học (kinh tế thị trường) bị phong tỏa, kiểm soát bởi một cái phi khoa học, duy ý chí (cái định hướng).
    Tôi cũng tin, là bản thân những người CS cũng nhận thức được sự vô lý này, nhưng bây giờ khác ngày xưa, nếu như ngày xưa những sự sai lầm này khác có thể được đổ cho một khát vọng hão huyền mang danh "Cộng sản chủ nghĩa", thì ngày nay, tôi dám chắc là không còn mấy ai tin vào cái cụm từ quái thai ấy nữa, nhưng họ cứ bám riết vào nó, trương nó ra để làm bức bình phong, làm bùa hộ mệnh, vì cái gì ? Đó là vì Quyền và Tiền, hai thứ vốn có quan hệ khăng khít và tương hỗ lẫn nhau.
    Xã hội có thể vẫn chấp nhận cái thực trạng này, nhiều người vẫn có thể chấp nhận "câm miệng" để tranh thủ kiếm cơm trong những năm này để cho căn bệnh xã hội vẫn âm thầm di căn. Nhưng sẽ có một ngày nào đó, khi con người ta không còn bị ám ảnh bởi cái chữ "thoát nghèo", cùng với phút "phát bệnh" của căn bệnh ở giai đoạn cuối, khi mà tất cả mọi người đều tỉnh ngộ, thì may ra ... !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 06:08 11 tháng 8, 2013

      Có đào tận gốc trốc tận rễ mới bàn giao mặt bằng cho chủ nghĩa xã hội được . Đó chính là chỉ đạo từ đệ III QT CS . Chứ một Trần Phú trẻ người non dạ đã thấu hiểu gì về CS đến từng ấy . Cuộc CCRĐ cũng chính là làm sạch mặt bằng cho chủ nghĩa xã hội . Giết lầm hơn tha lầm . Xong việc rồi thì họ xin lỗi để an lòng dân . May mà sau 30/4/75, miền Nam không trả qua những cuộc đấu tố, cải cách khốc liệt như vậy, nhưng những cuộc đầy đoa các người của chế độ cũ cùng những cuộc cải tạo tư sản cũng đủ làm cho mặt bằng xã hội miền Nam bị sàn phẳng . Còn chút tài sản nào thì vượt biên , rút cục cũng vào tay CA hay xuống biển hết !

      Xóa
  10. Xin được tò mò hỏi bác tác giả T.D.Hiểu có bà con gì với
    nhà giáo Thái Doãn Ngà và bác sĩ Thái Doãn Quản (ở miền
    Nam)không ạ !
    Xin da tạ trước.

    Trả lờiXóa
  11. Đọc tới đâu thấy đau đớn trong lòng tới đó các bác ạ. Nhiều chỗ tôi phải dừng lại một hồi lâu, vì đau quá chịu không nổi. Những đau khổ cả một đời người, cả một gia đình ở đây, như là điển hình của nỗi khổ đau mà toàn dân tộc chúng ta phải nếm trải! Cả dân tộc chúng ta đã phải chết lên chết xuống, đã nhiều lần thập tử nhất sinh, y như những gì cụ Thái Doãn Tiên đã phải chịu đựng trong 85 năm dương thế vậy.

    Nhưng cuộc đời của cụ cũng là điển hình cho tinh thần nhân ái, hướng thiện, hiền đức một cách bền bỉ kiên cường của dân tộc ta, bất chấp mọi thử thách và nghịch cảnh. Lấy chí nhân thắng cường bạo. Lấy đạo nghĩa thắng hung tàn.

    Tôi nghĩ mọi người Việt thế hệ chúng ta cần ôn lại bài học này, kể cả các đảng viên ĐCSVN. Ôn lại không phải để oán trách hận thù. Ôn lại cũng không phải để tự dày vò vì mặc cảm tội lỗi, nhưng để có một tâm tình sám hối lành mạnh. Ôn lại để từ thế hệ chúng ta trở đi không bao giờ còn vấp phải sai lầm kinh khủng của thời mê muội độc ác đó nữa. Và ôn lại để mở một lối đi mới hướng về tương lai: dứt khoát tìm lại bằng được những di sản tinh thần cao quý của tổ tiên mà đã một thời ta dại dột đánh mất, và từ đó mà vượt qua quá khứ đau buồn để cùng nhau xây dựng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

    Để cho những khổ đau và xương máu của những người đi trước chúng ta không trở thành vô ích.

    Trả lờiXóa
  12. Đất nước thật bất hạnh, thật đau đớn, ... tất cả đều tan tác, khốn khổ sau những đợt “đấu tranh giai cấp” cụ thể : 1-Cải cách ruộng đất 1953; 2-Cải cách tư bản sau 1975. Đằng đằng thù hận giai cấp, thù hận dân tộc, thù hận kẻ thua cuộc, ...
    Đau đớn vậy nhưng đâu đã mở mắt ra, vẫn không chịu thay đổi, ... cả Đất nước - một cơ thể đầy ung nhọt nhức nhối, ròi bọ, ... đã khuỵu xuống, vẫn lê bước theo con đường cũ, con đường mà “cuối thế kỷ này chắc không được chứng kiến?”, một ngõ cụt làm khổ Nhân dân, làm khổ Đất nước.
    Thương thay cho Đất nước này.

    Trả lờiXóa
  13. Thuộc thế hệ sinh ra những năm 50, tôi đọc bài này và nhớ lại những điều được ba mẹ tôi kể hồi nhỏ. Do công việc của Ba tôi, gia đình từ miền Nam ra Bắc năm 1947 , cư ngụ tại Rạng, Thanh chương, Tân kỳ Nghệ an. Nên chuyện của tác giả như cuốn phim thời sự đẫm máu và nước mắt , quay lại chậm chạp, nặng nề trong ký ức của tôi. Thật khủng khiếp! Cuộc đời bể dâu mà gia đình ông trải qua có lẽ nên viết thành sách và làm phim " lịch sử c/m dân tộc dân chủ và XHCN đặc sắc Việt nam giữa thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21". Đảng CSVN chỉ xin lỗi chiếu lệ khi không thể dấu diếm sai lầm và cả tội ác của mình đối với nhân dân và cả đ/c của họ. Tôi tâm đắc câu nói của phụ thân ông , khi trả lời về ý nghĩa c/m do ĐCS lãnh đạo " Không hiểu làm sao người ta lại dại dột chọc tay vào mắt mình” . Và bây giờ thế hệ con cháu lãnh đạo của họ đã bị mù thực sự về trí - đức - liêm - dũng ..

    Trả lờiXóa
  14. Gia đình tôi cũng phải chịu thảm cảnh này, nhưng may mắn là ông cụ nhà tôi thoát chết. Đúng ra là các ông/bà đội chưa kịp ra lệng bắn thì có lệnh ngưng. Khi ông bị nhốt, ông đã nói với bà là có gì thì cho ăn, chắc sắp đén lượt rồi.

    Trả lờiXóa
  15. Đau đớn! Chỉ có thể gọi là sự khát máu! Cần ghi chép, tập hợp các tài liệu về sự kiện lịch sử "cải cách ruồng đất" và những sự kiện khác đầy máu và nước mắt của người dân Việt.

    Trả lờiXóa
  16. Tiếng khóc , tiếng than còn vang mãi qua nhiều thế hệ . Ai tẩy sạch được Lịch Sử ! Không ai cả !

    Trả lờiXóa
  17. Đau thương, căm phẫn với những kẻ gây nên cái chết oan nghiệt cho những người đã giúp kẻ cướp

    Trả lờiXóa