Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

CUỘC TỌA ĐÀM VỀ "SÓNG HẬN SÔNG LÔ" VANG DỘI SÓNG TRƯỜNG SA


15h00 ngày 10/8/2013 tại Thư viện café sách Đông Tây, đường Trần Quý Kiên Hà Nội đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học, các PV báo in và báo hình đã có mặt để tham dự buổi tọa đàm ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử Sóng hận sông Lô của nhà văn Vũ Ngọc Tiến. Sách dày 352 trang, do NXB Hội nhà văn & TTVH Đông Tây liên kết ấn hành tháng 7/2013.

Dưới đây, xin giới thiệu bài lược ghi tại cuộc tọa đàm của PGS.TS nhà phê bình văn học Vũ Nho và tham luận của nhà văn Lê Mai về tiểu thuyết Sóng hận sông Lô.  Mời độc giả xem thêm Lược thuật của Bauxite Vietnam tại đây nữa. 
 
Lược thuật của Vũ Nho
Theo thư mời đã được thông báo trên các trang mạng, chiều 10 tháng 8, tại trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, buổi ra mắt tiểu thuyết được tổ chức với sự tham gia đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu và bạn đọc.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyễn dẫn chương trình giới thiệu tóm tắt về tiểu thuyết Sóng hận sông Lô, những thành công và đóng góp mới của nhà văn Vũ Ngọc Tiến.

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến phát biểu đôi điều về việc chọn đề tài, lối viết mới cho Sóng hận sông Lô.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải, cây tiểu thuyết lịch sử chúc mừng thành công của đồng nghiệp Vũ Ngọc Tiến. Ông nhấn mạnh vai trò của nhà Lê. Nếu cuộc kháng chiến của Lê Lợi không thành công, không biết có còn tồn tại nước Đại Việt. Nhà văn dẫn chứng sự tàn bạo cướp sạch, đốt sạch của bọn xâm lược phương Bắc. Ông dẫn chứng đồ gốm nhà Trần rực rỡ thế, nhưng đến thời nhà Lê thì “tuyệt diệt”. Bởi bọn giặc bắt đi những người thợ tài hoa nhất. Ông mời mọi người lên chùa ĐỌI để xem tấm bia đá to, bọn giặc Minh đập vỡ một góc như là chứng tích tội ác. Ông tự tin tuyên bố đầy trách nhiệm rằng từ xưa đến tận bây giờ, âm mưu thôn tính Đại Việt của bọn thống trị phương Bắc không hề thay đổi. Không phải ngẫu nhiên, các bậc đế vương của nước ta, khi trăng trối cho con cháu luôn nhắc cái họa phương Bắc.

Nhà văn cho rằng “Sóng hận sông Lô” là cuốn sách kịp thời cảnh tỉnh những ai giả vờ, hoặc cố tình ngủ quên trước hiểm họa đất nước. Đồng thời thổi một luồng sinh khí mới vào tinh thần yêu nước có lúc bị xúc phạm. Ông tâm đắc với bài học lịch sử về nhà Hồ xây thành đá và chịu thất bại được nói tới trong tiểu thuyết này. Nhà Hồ “xa dân, ngờ dân, sợ dân, ép dân” nên thất bại. Thành nhà Hồ xây kiên cố thế, nhưng không bắn được một mũi tên, không giết nổi một tên lính quèn nhà Minh. Từ góc độ nghiên cứu riêng, ông khẳng định Hồ Quý Ly không có tài, chưa đánh thắng một trận nào.

Hoàng Quốc Hải tâm đắc với những thông điệp nổi và chìm trong tiểu thuyết này. Ông nhắc lại lời của Mác về lịch sử, không phải là triệu bóng ma lịch sử trở về.

Nhà giáo Phạm Xuân Thạch phát biểu cảm nhận tiểu thuyết như viên ngọc nhưng chưa được mài giũa kĩ. Ông thấy xu hướng “phức tạp hóa” nhân vật lịch sử ( trong chính sử họ thường đơn giản). Ông cho rằng thành công của nhà văn là đã dựng nên một Lê Lợi không chỉ là một thủ lĩnh ( điều này quen thuộc), mà dựng lên Lê Lợi như một nhà vua, một người đứng đầu quốc gia. Lê Lợi vừa là thủ lĩnh, vừa là nhà vua, đó là nét mới.

TS sử học Đinh Công Vĩ viết một tham luận dài. Ông là nhà Lịch sử, nên chăm chú xem xét sự “vi phạm” lịch sử đến đâu trong hư cấu của nhà văn. Sợ mất thì giờ của mọi người, ông tóm tắt bài viết và sẽ góp ý chi tiết với tác giả.

Nhà văn Lê Mai viết một tham luận dài. Ông thích khoe giọng đọc trầm của mình nên nói với cử tọa rằng chỉ đọc mất bảy phút. Thực tế là nhiều hơn gấp hai lần. Lê Mai liên hệ “trực tiếp” âm mưu của bọn giặc Minh trong tiểu thuyết với thực tế bây giờ bọn Tàu khai mỏ, lập phố Tàu, thu mua đỉa…

TS Nguyễn văn Khải- ông gìa Ozon chúc mừng nhà Văn, ông nhớ con phố Trần Nguyên Hãn thủa ấu thơ và viên tướng tài Trần Nguyên Hãn trong tiểu thuyết. Với tư cách bạn đọc, ông thích tiểu thuyết này.

Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Hồng cảm nhận tính kịch trong tiểu thuyết, đặc biệt là với nhân vật Trần Nguyên Hãn. Ông trao đổi với tác giả về một số chi tiết muốn hiểu rõ.

PGS TS La Khắc Hòa phát biểu với tư cách người đọc, đã đọc tiểu thuyết qua bản vi tính do PGS TS Trần Mạnh Tiến cùng khoa Văn gửi cho. Ông nói đùa “bổ chính” ý kiến của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Nhà nước ta rất quan tâm đến Lịch sử. Ông dẫn chứng là thành nhà Hồ ở thanh Hóa quê ông. Trước ra vào tự do. Từ ngày nhà nước “quan tâm”, có bảo vệ, không được “tự do” vào nữa. Và chuyện thành cổ Tuyên Quang, sau khi được “quan tâm” đầu tư thì trở thành “cái lò gạch”!

La Khắc Hòa thích khái quát mô hình, hệ thống. Ông cho rằng Vũ Ngọc Tiến đã dựng được cái khung mới cho tiểu thuyết lịch sử ở ta. Vũ Ngọc Tiến không viết Lịch Sử như ngụ ngôn, rút ra bài học; nhà văn đã kể “câu chuyện thú vị” về Lịch Sử để người đọc nhận lấy thông điệp. Tán thành ý kiến của nhà văn Hoàng Quốc Hải, La Khắc Hòa cho rằng chúng ta nên “ngủ một mắt” khi ở cạnh anh bạn láng giềng lắm thủ đoạn.

PGS TS Trần Mạnh Tiến nhấn mạnh vốn kiến thức lịch sử dày dặn của nhà văn. Tiểu thuyết lịch sử này đã dựng lại thành công nhân vật lãnh tụ cuộc kháng chiến có tầm văn hóa. Đây là tiểu thuyết thành công vì đã đánh thức ý thức lịch sử của mọi người.

PGSTS Vũ Nho là người phát biểu sau cùng. Vì có bài viết in ở cuối tập sách nên diễn giả chỉ nói miệng thêm mấy điều:

- Nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã rất thành công khi viết bộ ba tiểu thuyết lịch Sử : Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ, Khúc Hạo, được in 3, 4 lần.

- Ông viết “Tiểu thuyết giáo trình”, “Tiểu thuyết Bài”, “Tiểu thuyết bài học”, “Tiểu thuyết giáo khoa” ( Lesson Novel) là viết thử nghiệm đầu tiên ở nước ta. Vì là đầu tiên, nên ngay cả tên gọi cũng chưa có cách gọi thống nhất. Nhưng đáng nói ở đây là thử nghiệm thành công. ( nếu là người đầu tiên mà thất bại thì có gì đáng nói nhiều?). Diễn giả cũng có ý “tranh luận” thân ái với nhà văn Hoàng Quốc Hải khi nhà văn cho rằng tiểu thuyết đáp ứng sự “đói sử” của dân ta. Vâng!, diễn giả đồng tình với nhà văn, nhưng lại thêm : dân ta đói sử, nhưng lại kén ăn. Những món sử không chất lượng, không ngon thì dù đói cũng không ăn ( Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra Gâu gần!). Vì vậy, tác phẩm lịch sử có hay thì dân ta mời xài. “Sóng hận sông Lô” đáp ứng được tiêu chí đó.

Diễn giả tâm đắc với các ý kiến trước đó và dẫn thêm: Nhà văn Tiệp Phu xích trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ” đã viết câu nổi tiếng “ Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!”. Tiểu thuyết này của nhà văn Vũ Ngọc Tiến cũng có một thông điệp nhắc nhở “ hỡi con dân Đại Việt, hãy cảnh giác!”
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên mời bạn bè tăng hoa, mời nhà văn Vũ Ngọc Tiến phát biểu.

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến xúc động vì bạn bè đến đông, các bạn miền Nam cũng gửi tham luận góp ý. Nhà văn cho biết đây là thử nghiệm cho tập đầu. Ông sẽ viết tiếp hai tập nữa cũng theo bút pháp Uy liam Phuôc-nơ. Ông cám ơn mọi người, nhất là cám ơn ba người phụ nữ : nhạc mẫu của ông, Minh Thi, vợ ông; và cháu gái giúp việc gắn bó với gia đình ông.

Mọi người chụp ảnh lưu niệm với nhà văn và sau đó ra quán Bầu bạn trong Trung tâm thể thao của quận Cầu Giấy để uống bia mừng sự thành công của cuốn sách.

Lược thuật của Vũ Nho, tại đây.

“SÓNG HẬN SÔNG LÔ” DỘI ĐẾN TRƯỜNG SA
(Nhân đọc cuốn "Sóng hận sông Lô" của Vũ Ngọc Tiến, 
Nxb Hội Nhà văn 7/2013)
Lê Mai
Hội Nhà văn Hà Nội
Vũ Ngọc Tiến sinh năm Bính Tuất (1946) ở làng Bưởi, nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ- Hà Nội. Ờ mà đất Hà Thành cũng lạ, năm 1946 giữa khói lửa ngút trời của chiến tranh chống Pháp bỗng dưng đẻ ra một đám linh cẩu sau này cùng theo đuổi nghiệp văn: Nguyễn Mạnh Tuấn, Chu Lai, Hòa Vang, Nguyễn Đình Chính, Vũ Ngọc Tiến… Họ mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một hoàn cảnh xuất thân, một cá tính thẩm mỹ; kẻ sớm người muộn bước vào văn đàn, đều để lại những tác phẩm đáng mặt là những chàng trai sinh trưởng nơi mảnh đất ngàn năm văn vật… 
Chúng ta đã quen với lối viết bảng lảng sương khói, thâm trầm, giàu trí tuệ, có lúc quyết liệt của chú linh cẩu Vũ Ngọc Tiến với những Khói mây Yên Tử, Rồng đá, Gà ô tử mỵ, Vị phồn thực… đặc biệt là Chù Mìn Phủ và tôi - một truyện ngắn đặc sắc về cuộc chiến Việt - Trung tháng 2/1979. Nếu đem so sánh nó với Ma chiến hữu của Mạc Ngôn thì chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào, nhưng số phận hai tác phẩm lại trái ngược đến phi lý mà năm 2008 ai ai cũng rõ!? Ngay cả khi anh viết sex thì cái sex ấy luôn được tiết chế và chứa đựng một tư tưởng. Ai không tin hãy đọc lại truyện ngắn Rồng đá thì khắc biết. Rồng đá là biểu tượng của quyền uy, thế mà trên cơ thể nó, chỗ nào, kể cả cái mặt rồng nếu được lũ trẻ con trong làng cởi truồng trèo lên, tụt xuống, gí chim chịn bướm vào là chỗ đó sáng lên, còn không thì mốc thếch, nhện chăng rêu bám… Hay như trong truyện ngắn Vị phồn thực, chị vợ viên trung tá VNCH vạch vú đang cương sữa nhét vào miệng anh lính VC đang bị thương sắp chết và kêu khát. Anh vừa sợ vừa ngượng, nhả vú ra, lắc đầu quầy quậy làm chị nổi cáu tát cho một cái và quát: “Đang đêm giữa rừng, tìm đâu ra nước, muốn chết hay muốn sống, hử?!...” Đọc “Sóng hận sông Lô” tôi hơi tiếc vì cái phong vị quen thuộc ấy của tác giả dường như bị cất giấu đi nhiều để anh thử nghiệm cái gọi là “Tiểu thuyết giáo trình”. Duy chỉ có cái “vị tham” - tham kiến thức, vốn vừa là  ưu điểm vừa là nhược điểm của Vũ Ngọc Tiến là còn hiện rõ. Cái đó phù hợp với loại “Tiểu thuyết giáo trình“ chăng? Tôi không biết nữa! Thôi thì cái phần lý luận văn học về chủ nghĩa này, trường phái nọ trong tiểu thuyết hãy nhường lời cho các nhà phê bình, tôi chỉ muốn bàn sâu về một vài mạch truyện làm nên tư tưởng tác giả xuyên suốt trong cuốn sách này mà thôi.
Trong “Sóng hận sông Lô”, tác giả muốn kể ta nghe về cái chết tức tưởi oan khuất của đại công thần Trần Nguyên Hãn. Nhưng sao anh lại kể rộng thế? Nhiều sự kiện thế? Nhiều nhân vật chính thế? Nhiều kiến thức về địa lý, sử học, triết học, tôn giáo thế?... Phải chăng tác giả muốn chứng minh và giảng bài cho ngài Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thấy anh thực sự lo lắng cho thực trạng:
Dân ta chẳng biết sử ta
Lại cứ vanh vách nói ra sử Tàu!
Thực trạng dạy và học lớt phớt bộ môn lịch sử trong các trường Phổ thông và Đại học đã khiến Vũ Ngọc Tiến âm thầm suy ngẫm, luận giải về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chia nó thành 3 giai đoạn Phòng ngự (1418- 1423), Cầm cự (1423- 1426) và Tổng tiến công (1426- 1428) để tôn vinh vai trò của đội ngũ trí thức - là một phát hiện độc đáo chưa có trong các giáo trình và sách giáo khoa.
Phải chăng khi viết “Sóng hận sông Lô”, trong tâm thế tác giả sôi lên niềm tự hào về nhà Trần 3 lần thắng giặc Nguyên - Mông, giữ vững nền độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ suốt 175 năm.  Còn chiến thắng quân sự lẫy lừng đời Lê kết hợp với chiến thắng của lòng nhân ái (Hội thề Đông Quan) đã dập tắt nguy cơ Bắc thuộc lần thứ hai: “Trẫm lâu nay vẫn giữ kín với cháu một điều, trong câu chuyện về giấc mộng lạ kỳ trên núi Sóc ở huyện Vĩnh Lộc, quê của Trịnh Khả. Hôm đó vua Lê Đại Hành đã báo mộng rằng, 100 năm sau cơ nghiệp họ Lê tưởng chừng bị mất, may nhờ ở chân núi Sóc xuất hiện nhân tài họ Trịnh đứng ra phò giúp vua Lê lấy lại kinh đô, kiến tạo nên triều Lê Trung Hưng kéo dài thêm 250 năm nữa” (trang 326). Vậy nếu cộng thêm 66 năm nội chiến Lê - Mạc thì triều Lê tổng cộng kéo dài hơn 400 năm. Thật là bài học sâu sắc, đáng giá.
Phải chăng qua “Sóng hận sông Lô”, tác giả cũng ngầm trao đổi với ta một cách nhìn mới về tài- đức của bậc lãnh tụ. Người bình thường như chúng ta tài- đức được phân biệt rạch ròi, có hồng  và có chuyên. Nhưng đối với một bậc quân vương thì tài và đức cũng như anh hùng và gian hùng hòa lẫn với nhau khó tách biệt. Phải chăng thế mà một Lê Lợi thô tục, đầy rẫy thói hư tật xấu, thậm chí đa nghi, nham hiểm, nhưng ông quá tài, quá giỏi trong tầm nhìn chiến lược, thuật dùng người, tự tin và quyết đoán nên ông làm xong đại nghiệp, xứng đáng là bậc quân vương, một anh hùng dân tộc. Hiểu được Lê Lợi như thế sẽ biết cái chết của Trần Nguyên Hãn và nhiều công thần trong giới trí thức là không tránh khỏi khi đất nước đã thanh bình, “giảo thỏ hết thì cung tên xếp xó”. Có lẽ vì vậy nên tác giả không dựng truyện xoay quanh nhân vật chính Trần Nguyên Hãn theo lối dựng truyện thông thường, khai thác sâu giai đoạn thơ ấu ở chùa Thiên Ân hay 12 năm đi bán dầu, vướng phải mối tình éo le với cô chủ Hồng… Giá được như thế, tiểu thuyết sẽ lung linh, hấp dẫn hơn chăng? Tác giả chỉ muốn tập trung lý giải nguyên nhân vụ án Trần Nguyên Hãn bằng việc viết lại “giáo trình” về một phân kỳ lịch sử thời Lê sơ. Do vậy tiểu thuyết có lúc hơi khô chăng?...
Tôi đặc biệt xúc động và đồng cảm với Vũ Ngọc Tiến khi anh dành nhiều trang trong tiểu thuyết mô tả khá cụ thể, chân thực về âm mưu phá nát nội bộ triều Lê, làm suy yếu nước Đại Việt bằng cả một mạng lưới gián điệp quy mô phủ khắp từ triều đình ra xã hội, từ miền xuôi lên miền ngược. Và tôi có cảm giác “Sóng hận sông Lô” đang dội đến Trường Sa. Tôi đọc và liên tưởng đến hình ảnh tác giả cùng các nhà văn Huệ Chi, Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên hay cùng các nhân sĩ Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Văn Khải năm 2011 xuống đường phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo nước ta. Tôi chợt nhớ tới hình ảnh Vũ Ngọc Tiến một mình cô độc đi bụi giữa Tây Nguyên, lang thang đến từng buôn làng, mỏ quặng Bauxite để viết bài tâm huyết “Tây Nguyên du ký”, làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Anh thường tâm sự với bạn bè rằng, dân tộc Hán là một dân tộc ghê gớm lắm. Sức sống và sức đồng hóa của nó đạt tới mức ma quái. Lô gic thông thường: Người chiến thắng sẽ đồng hóa kẻ chiến bại. Hơn 200 năm phát triển của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, người da đỏ bản xứ ngày nay trở thành thiểu số yếu hèn, ăn nhờ ở đậu ngay trên mảnh đất thiêng của mình. Nhưng đối với dân tộc Hán thì khác đấy. Vào thế kỷ XIII, vó ngựa quân Mông Cổ tung hoành khắp lục địa Á- Âu, chiếm đất và nhanh chóng thống trị Trung Hoa, nhưng rồi chính họ lại bị người Hán đồng hóa thành triều đại nhà Nguyên. Có phải vì nỗi lo này không mà ta thấy trong “Sóng hận sông Lô”, tác giả dụng công mô tả rất nhiều thủ đoạn thâm hiểm của giặc Minh thời hậu chiến để cảnh báo cho hôm nay và mai sau? Đọc đến đâu, nghĩ tới vụ việc xảy ra hôm nay, tôi cứ giật mình thon thót:
Ta sẽ xin với Tuyên Tông hoàng đế lập một vài phân đội thủy binh, cải trang thành hải tặc chuyên săn lùng thuyền của ngư dân và khách buôn nước Nam Man đáng ghét này mà cướp giết thật tàn bạo, khiến chúng khiếp vía không dám ra khơi. Ta tin chỉ trong vài năm, cả một vùng biển bao la, giàu có của Nam Man sẽ thành lãnh hải của Đại Minh.” (trang 109). Hôm nay, một vài phân đội thủy binh của Trịnh Hòa năm xưa đã biến thành hạm đội Nam Hải có đủ phi cơ, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm… trang bị hiện đại đang làm mưa làm gió ở biển Đông đấy thôi! Chúng tôi đọc anh mà nhói lòng nghĩ tới thân phận các ngư dân ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị giặc Tàu xả súng giết hoặc bắt người, cướp thuyền và ngư cụ. Lại nữa: “Thoạt đầu hắn sẽ làm cỏ nước Nam Man cho bõ tức, sau đó lần lượt nuốt chửng hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp. Đến lúc đó toàn bộ biển Đông sẽ thành biển Nam Trung Hoa”… “Ta sẽ dùng thủy binh của Trịnh Hòa chiếm nốt Xiêm La, rồi từ Xiêm La nuốt chửng luôn Ai Lao, Man Miến…” (trang 131). Khiếp quá! Đây chính là ý đồ bành trướng của bọn theo chủ nghĩa sô vanh Đại Hán thời nay rồi còn gì! Nó chỉ mới thè cái lưỡi bò ra đã chiếm tới 80% diện tích biển Đông.
Thế còn trên đất liền thì sao? “Chu Đại đang neo thuyền buôn ở bến sông làng Hiến, được cấp rất nhiều ngân lượng, lên bờ cắm chốt, lấy vợ bản địa, mua đất mở cửa hàng…” Đến hôm nay ông bạn láng giềng phương Bắc đã lập được bao nhiêu phố Tầu sau khi trúng thầu giá rẻ ở các công trình thế kỷ của nước Việt ta nhỉ? Chúng thuê được bao nhiêu héc ta rừng? Ngày xưa chúng chỉ cho người tràn sang thu mua vàng bạc, quế, hồi, sa nhân chứ bây giờ thu mua cả đỉa, lá điều khô, móng ngựa, chân trâu… thì thật đểu cáng, thâm hiểm gấp mấy các hoàng đế nhà Minh!... Rồi nữa: “Lang Mỵ, Hưng Khánh có mỏ sắt lớn ta đã cho đào bới, thăm dò”“ Sát vùng biên giới có rất nhiều mỏ đồng, chì, vàng, bạc, thiếc…” (trang 194). Tôi chợt giật mình tự hỏi, ở đấy có mỏ bauxite không nhỉ? Giờ mỏ nào đã được liên doanh ngầm để móc khoáng sản thô chở lậu qua biên giới?  Lại nữa: “Mụ chủ lầu xanh Lệ Hoa cũng đã được cấp ngân lượng mua đất, mở vài cao lâu, tửu quán… tuyển thêm gái đẹp, thạo ngón nghề quyến rũ đàn ông…” hay “Nay ta đã mở rộng thành mạng lưới giăng kín xứ này gồm các thương nhân, đạo sĩ, thầy lang, thầy bói…” (trang 111). Tất cả đều là điệp viên cả đấy - toàn cỡ điệp viên 007, khiếp! Kinh khủng nhất là bàn tay phá hoại của giặc Minh thọc sâu vào tận cung đình, can dự vào công việc của Khu mật viện - một cơ quan có vai trò gần giống như Ban Tổ chức Cán bộ bây giờ. Bọn gián điệp đã gian manh tạo ra sự kiện lễ tế thần sông Cả, ở bến Triều Khẩu (ngày rằm tháng 6 năm Ất Tỵ - 1425) nhằm can thiệp sắp xếp nhân sự cao cấp nhất của triều đại nhà Lê sau này. (Loại bỏ bằng được nhóm trí thức tài năng Trãi- Hãn- Xảo- Chú- Tư Tề và ngầm ủng hộ nhóm vô học, tham lam, ngu ngốc Sát- Ngân- Vấn- Hoành- Nguyên Long.)  Tổng lực đến thế! Táo tợn và nham hiểm đến thế! “Sóng hận sông Lô” năm xưa đã dội đến Trường Sa hôm nay…
“Sóng hận sông Lô” là cuốn sách có hồn. Cái hồn đó nhắc bảo chúng ta: Không có một dân tộc nào trên trái đất này được phép tự coi mình là siêu đẳng, là duy nhất, còn xung quanh chỉ là Man- Di- Mọi- Rợ. Tất cả các dân tộc sinh ra đều bình đẳng. Chỉ một phút lãng quên điều đó, Hít-le và dân tộc Giéc- manh đã phải nhận hậu quả bi thảm. Cái hồn đó nhắc bảo chúng ta: Sức sống, sức đồng hóa của dân tộc Hán thật ma quái, nhưng sức chống đồng hóa của dân tộc Việt cũng thật phi phàm. Trải qua 1000 năm Bắc thuộc mà người Việt vẫn mãi là người Việt. Nó trở thành liều vắc-xin phòng chống Hán hóa hiệu quả mà không thế lực nào có thể phủ nhận hoặc hèn hạ từ bỏ. Có phải thế chăng mà khi đọc xong cuốn “Sóng hận sông Lô”, tận thẳm sâu trong tôi bỗng ngân lên những câu thơ hào sảng của đại thi hào Nguyễn Trãi:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc- Nam cũng khác…”

                                                                                                Hà Nội 4/8/2013
                                                                                                        Lê Mai  

3 nhận xét :

  1. không có một trí thức chân chính nào nổi tiếng tăm là không hiểu Lịch sử nước mình .trí tuệ và tình yêu đất nước thúc đẩy họ vươn lên chăng ? hay điểm thi môn sử kém là bình thường "và "phải làm mại dâm thì ngân sach thu nhập du lịch mới tăng đươc "?

    Trả lờiXóa
  2. Đền thờ Hai Bà Trưng tọa lạc trên một đồi thông đẹp ở thôn 3 xã Mê Linh, H.Lâm Hà (Lâm Đồng) bị kẻ xấu đốt phá nhưng chưa tìm ra thủ phạm.

    Bài viết tường thuật vụ việc trên báo Thanh Niên:

    http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130807/can-canh-den-tho-hai-ba-trung-bi-dot-pha.aspx

    Trả lờiXóa
  3. Lê Mai so sánh một số nhà văn của đất Hà Thành thời từ 1946 về sau này là linh cẩu ! Nên chăng? Ngồi nghe nhà văn diễn thuyết, tôi giật mình, tưởng tai mình nghe nhầm. Nay đọc bài viết trên giấy trắng mực đen thì thấy là mình không nghe nhầm.
    Mở google ra xem, thì thấy không ổn ! Mong LM xem lại.

    Trả lờiXóa