Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

HOÃN THÔNG QUA LUẬT ĐẤT ĐAI LÀ BƯỚC LÙI TÍCH CỰC

Luật gia Lê Hiếu Đằng: 
Hoãn thông qua Luật Đất đai là bước lùi tích cực 
Thụy My thực hiện

Như chúng tôi đã loan tin, Quốc hội Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 5 đã quyết định hoãn việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi, đồng thời thông qua nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. RFI Việt ngữ đã phỏng vấn luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề này. 

 

RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, ông có nhận xét như thế nào về sự kiện Quốc hội vừa qua đã hoãn lại việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi sang kỳ họp lần tới ?

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người nông dân là người chịu rất nhiều thiệt thòi, và đã hy sinh rất nhiều. Trong hai cuộc chiến tranh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hứa hẹn và dùng khẩu hiệu « Người cày có ruộng » để phát động quần chúng tham gia cuộc kháng chiến. Nhưng có điều hết sức nghịch lý: Sau khi đã giành được độc lập, thống nhất đất nước rồi, thì Nhà nước lại lấy lại đất của dân, và không công nhận quyền sở hữu đất đai cho họ. 

Tôi cho đây là sự phản bội rất lớn đối với người nông dân. Bởi vì nói đến đất đai, thì đại bộ phận là nông dân. Thành ra đây là một vấn đề làm cho người nông dân rất bất bình. Do đó diễn ra rất nhiều cuộc đấu tranh. Mà không chỉ người nông dân, nói chung là vấn đề đất đai lại đang trở thành vấn đề nóng. Một vấn đề rất là vô lý, đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của quần chúng.
 
Nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn không nghe ý kiến của nhiều chuyên gia, trí thức và kể cả không thấy hậu quả nghiêm trọng trong những cuộc có thể nói là nổi dậy của người nông dân, như của Đoàn Văn Vươn, ở Văn Giang hay nhiều vùng khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là mối đe dọa cho sự tồn vong của chế độ. 

Nhưng tôi rất ngạc nhiên là một vấn đề hiển nhiên như vậy, nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn không thấy. Vẫn khăng khăng đưa vào Hiến pháp sửa đổi mới đây trình trước Quốc hội, là vẫn không công nhận quyền sở hữu về đất đai, mà vẫn là sở hữu toàn dân, đất đai do Nhà nước quản lý. Còn tệ hơn nữa, là công nhận việc giải tỏa đền bù đối với các dự án kinh tế. Đó là một bước thụt lùi rất lớn đối với Luật Đất đai mà hiện nay các vị đại biểu Quốc hội không thông qua, chưa thông qua. 

RFI : Có một thực tế là đại biểu Quốc hội Việt Nam hầu hết là đảng viên, nhiều người chỉ tham gia một cách hình thức … 

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Thật ra đây không phải là đại biểu Quốc hội, nhưng rõ ràng ý nguyện của người dân, và nó phản ảnh qua một phần nào đó thôi. Bởi vì có thể nói Quốc hội Việt Nam bây giờ vẫn là Quốc hội hình thức, mà chúng tôi thường nói với nhau đây là Quốc hội minh họa - minh họa cho đường lối chủ trương của Đảng. Nhưng cũng có những lúc nào đó, cái sự thật hiển nhiên đó, là đất đai phải thuộc về tay người dân, đã làm cho một số đại biểu Quốc hội phải suy nghĩ, phải công nhận cái thực tế đó. Và họ thấy rằng nếu thông qua Luật Đất đai, thì nguy cơ lớn nhất của chế độ có thể sụp đổ vì sự phẫn nộ, bất bình của nông dân. 

Bởi vì dù có công nghiệp hóa thì hiện nay ở Việt Nam đại bộ phận là nông dân, hoặc con em của họ đi ra thành thị học ở các trường đại học cũng có nguồn gốc nông dân. Đa số nhân dân đều dính dáng tới vấn đề đất đai cả, thành ra vấn đề này nếu không giải quyết thì trước sau gì cũng có những cuộc bùng nổ, mà Đoàn Văn Vươn, Văn Giang hay nhiều nơi khác chỉ là một loài chim báo bão. Báo một cơn bão sẽ ập đến nếu mà không giải quyết một cách triệt để. 

Do đó buộc lòng Quốc hội phải tạm thời chưa thông qua, để mà còn tính toán nữa. Mặc dù dự thảo về Luật Đất đai là Đảng và Nhà nước đã thông qua rồi, bộ máy cầm quyền đã thông qua rồi. Nhưng bây giờ Quốc hội đề nghị ngưng lại, thì đó cũng là một điều phản ảnh được rằng, đứng trước áp lực dư luận xã hội, Đảng và Nhà nước phải suy nghĩ và phải dựa trên những cơ sở mà các đại biểu của người dân – tuy là hình thức – nhưng họ cũng phải e dè. Vì vậy họ có chủ trương tạm ngưng lại, không thông qua trong kỳ họp này. 

Tôi nghĩ đó là một điểm phản ánh tình hình là ở Việt Nam đang dần dần hình thành một xã hội công dân, một xã hội dân sự, trong đó các tổ chức, các đoàn thể, Quốc hội…của Nhà nước, hay là những tổ chức « ngoài luồng », báo chí « lề phải », « lề trái »… tạo thành sức mạnh. 

Ví dụ như kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức về việc sửa đổi Hiến pháp, hay của 40 người phản đối dự thảo Hiến pháp – mà tôi cho kiến nghị của 40 người rất là triệt để, nói rất thẳng thắn. Rõ ràng hình thành một khối công dân dám đứng lên nói tiếng nói trung thực của mình. Cái xã hội công dân mới manh nha đó có tác động đến Quốc hội. Nó làm cho cái thành phần - có thể nói cũng tiến bộ trong Quốc hội - có những ý kiến khác với ý kiến của Đảng và Nhà nước, mặc dù những đại biểu đó cũng là đảng viên. 

Thành ra tình hình hiện nay là ngay trong Đảng cũng có nhiều người phản đối lại các chủ trương chính sách hiện nay không hợp lòng dân, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Tôi cho đó là hiện tượng rất đáng mừng, và dù sao cũng ghi nhận một cách công bằng là, việc Quốc hội vừa rồi không thông qua cũng là một điểm son. Nó đánh dấu một điều rằng nếu Quốc hội dựa trên nguyện vọng, ý chí của người dân để thẩm định những luật, những dự án của chính phủ, thì sẽ có tác động rất tốt đến đời sống xã hội. 

RFI : Như vậy theo ông, cho dù đây chỉ là một bước lùi tạm thời để hạ nhiệt tình hình, thì vẫn là một điểm tích cực phải không ạ ? 

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Đúng rồi. Ví dụ như dự thảo Hiến pháp lần thứ tư trình ra Quốc hội rất là bảo thủ, tệ hại hơn cả ý kiến mà chính phủ và Mặt trận Tổ quốc đưa qua, có thể nói là không tiếp nhận gì hết mà thậm chí còn lạc hậu hơn cái cũ. Điều đó chứng tỏ trong bộ máy Đảng và Nhà nước hiện nay, những thế lực bảo thủ không muốn thay đổi, và không đặt lợi ích đất nước, lợi ích của tổ quốc lên trên, mà đặt lợi ích nhóm, gia đình và cá nhân của họ. 

Trong tình hình như vậy thì việc Quốc hội không thông qua Luật Đất đai tôi cho cũng là điều đáng mừng. Nhưng chúng ta cũng phải cảnh giác là, đôi lúc đứng trước công luận như vậy, thì có thể những người bảo thủ trong Đảng và Nhà nước có một bước lùi, nhưng mà biết đâu cũng như dự thảo Hiến pháp vừa rồi, họ sẽ vẫn cứ giữ những điều đó. Thành ra chúng tôi nghĩ là nhiệm vụ của xã hội công dân, của nhân sĩ trí thức, của các đại biểu Quốc hội hiện nay là đấu tranh chống lại khuynh hướng bảo thủ - khuynh hướng luôn đi ngược lại lợi ích của đất nước, của tổ quốc chúng ta. 

RFI : Xin cám ơn luật gia Lê Hiếu Đằng đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.
 

2 nhận xét :

  1. TÔI XIN ĐỀ NGHỊ : THAY TỪ 'TÍCH CỰC' BẰNG TỪ'CHIẾN LƯỢC' CHO TỰA BÀI VIẾT .
    Vì 2 lẽ :
    1/ Bước lùi , đã bao hàm ý 'tiêu cực' , nên đi kèm với từ 'tích cực' nghe chói tai .
    2/ Trào lưu gần đây cũa các nhà LĐ Việt nam là thích dùng từ 'chiến lược' để bổ nghĩa cho danh từ đứng trước nó .
    Thành ra , dùng cụm từ 'bước lùi chiến lược' vừa thuận nhĩ và lại hợp 'thời trang' hơn . Cám ơn ,

    Trả lờiXóa
  2. Bác Tài ơi, bây giờ ở nước ta người ta nói đến nhiều "chiến lược" quá! Nào là: "tầm nhìn chiến lược", "lòng tin chiến lược", v.v... nhưng trong quy hoạch phát triển kinh tế, đô thị thì chỉ "tầm nhìn đến năm 2020", xa lắm cũng chỉ "tầm nhìn đến năm 2030". Trong khi đó Trung Quốc họ xác định quy hoạch cho đến 100 năm nữa.
    Trước mắt, người nông dân đang lo canh cánh đồng đất nuôi sống họ có vướng "quy hoạch", có bị "thu hồi" không. Muốn nước khác tin ta bằng "lòng tin chiến lược" thì nhà nước phải lấy được lòng tin từ người dân trong nước bằng những chính sách, pháp luật hợp lòng dân đã. Còn cái sở hữu toàn dân về đất đai thì chắc chắn chẳng có lòng tin chiến lược nào tồn tại trên đất nướt VN của chúng ta cả.
    "lòng tin chiến lược" (strategic trust) không phải là câu chữ của VN sáng tạo ra. Uyển ngữ ngoại giao này do ông Tập Cận Bình lúc còn là Phó chủ tịch khi đến tham Mỹ đã nói (có lẽ là người đầu tiên). Ông ta nói:
    “For us, strategic trust is the foundation for mutually beneficial cooperation, and greater trust will lead to broader cooperation.”
    Tập Cận Bình chỉ có một lần nói "lòng tin chiến lược" trong bài phái biểu của mình khi thăm Mỹ.
    Bài phát biểu của TT Việt Nam tại Đối thoại Shangri - la lần thứ 12 đã nhắc tới mấy chục lần câu "lòng tin chiến lược".

    Trả lờiXóa