Làng cổ Đường Lâm:
Sẽ dần 'cưa ngọn' nhà cao tầng?
(Thethaovanhoa.vn) - Cải
tạo lại những nhà 2 tầng (khu vực 1) và 3 tầng (khu vực 2), đồng thời
có những quy định đặc thù về không gian làng, đường đi, cảnh quan
chung... của Đường Lâm - đó là những nội dung chính trong dự thảo Quy
hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển ngôi làng cổ này.
Bản
đề án này do Viện Bảo tồn Di tích xây dựng và được Sở VH,TT&DL Hà
Nội tổ chức đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành liên quan trong
sáng 13/6. Bên cạnh các vấn đề về tôn tạo, bảo tồn, đề án còn đưa ra
những quy định bắt buộc về quản lý, xây dựng nhà ở của các hộ dân trong
vùng di tích. Vài tháng trước, vấn đề này đã đưa Đường Lâm trở thành
"điểm nóng" của dư luận, với việc hàng chục hộ dân đề nghị trả lại danh
hiệu Di tích Quốc gia vì bị... hạn chế xây nhà.
Ưu tiên bảo tồn "vùng lõi" 10%
Trong
hàng ngàn ngôi nhà tại Đường Lâm, số nhà cổ có giá trị chỉ chiếm chưa
đầy 10% và nằm rải rác theo kiểu "xôi đỗ". Do vậy, trong toàn bộ 164 ha
của di tích này, 16,4ha diện tích thôn Mông Phụ - nơi có nhiều nhà cổ
nhất - đã được khoanh vùng thành khu vực bảo tồn cấp 1. Bốn thôn còn lại
(Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm) được xác định là vùng bảo
tồn cấp 2, với vai trò ít quan trọng hơn và có giá trị như một vùng đệm
quanh phần di tích chính yếu.
Như
lời của ông Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện BTDT), việc bảo tồn toàn bộ
diện tích Đường Lâm là điều không tưởng trong điều kiện hiện tại. Do
vậy, bản đề án tập trung đưa ra các giải pháp để bảo tồn tối đa khu vực 1
và các nhà cổ nằm ở 4 thôn còn lại, đồng thời có thêm những biện pháp
để bảo vệ và giữ được không gian đặc trưng của toàn bộ làng cổ này.
Nhà 3 tầng ở làng cổ Đường Lâm
|
Cụ
thể, toàn bộ 400 ngôi nhà tại Mông Phụ sẽ được khảo sát kỹ và phân
thành 4 loại: nhà cổ còn giữ được tổng thể (loại 1), nhà cổ đã xây mới
một số công trình phụ như bếp vườn, cổng (loại 2), nhà hiện đại đã xây
cao 2, 3 tầng (loại 3) và nhà hiện đại nhưng chỉ có 1 tầng (loại 4).
Theo
cách xếp loại này, các ngôi nhà thuộc 2 loại đầu tiên sẽ được nghiên
cứu hỗ trợ để bảo tồn nguyên trạng hoặc khôi phục đủ các giá trị gốc. 2
loại nhà còn lại (chiếm tỷ lệ lớn) sẽ dần được “cưa ngọn”, cải tạo lại
thành nhà 1 tầng, có độ cao dưới 7,2m và tuân thủ các quy định về thiết
kế, màu sơn, vật liệu xây dựng.
Tương
tự, tại phần diện tích còn lại của Đường Lâm, những ngôi nhà cổ còn giữ
được nguyên gốc (giống như loại 1 tại Mông Phụ) sẽ được hỗ trợ bảo tồn
nguyên dạng. Những ngôi nhà cổ không còn nguyên gốc hoặc nhà hiện đại
được phép cải tạo lại thành nhà 1 hoặc 2 tầng (chiều cao tối đa 10,5
mét) theo tiêu chuẩn về thiết kế, vật liệu xây dựng. Những ngôi nhà 3
tầng hoặc có chiều cao vượt khỏi tiêu chuẩn này sẽ được điều chỉnh lại
để đảm bảo cao độ chung.
Ngoài
số nhà cổ, các di tích trong vùng cũng sẽ được tiến hành bảo tồn, tôn
tạo. Đó là 9 di tích đã được xếp hạng (đình Mông Phụ, Cam Thịnh, đền
Phùng Hưng, đền Ngô Quyền…) và 56 di tích chưa được xếp hạng (6 giếng cổ
Mông Phụ, đình Đông Sàng, đền bà chúa Mía…). 6 di tích đã bị xuống cấp
hoặc không còn tồn tại như cổng làng Cam Thịnh, cổng làng Cam Lâm, cầu
ngói qua sông Tích... sẽ được nghiên cứu tôn tạo sau này.
Không dễ triển khai?
Với
việc bảo tồn được không gian đặc trưng, đồng thời tạo điều kiện xây
dựng, phát triển nơi ở (xây nhà 2 tầng) cho những hộ dân thuộc khu vực
2, đề án trên nhận được sự đánh giá tương đối tốt của các chuyên gia về
di sản. Một số ý kiến bổ sung chủ yếu nhắc tới việc bảo tồn thêm một số
chi tiết của làng cổ như điếm canh, lũy tre, ao làng; đưa thêm quy định
về các nhà mặt đường trong khu vực 2, hoặc điều chỉnh, nới rộng khu vực 1
để "ôm" thêm một vài di tích sát đó như lăng Ngô Quyền, đền Phùng
Hưng...
Nhưng
để trở thành hiện thực, dự án trên sẽ cần tới một khoản kinh phí rất
lớn - được dự đoán là sẽ vượt xa con số ước tính 500 tỷ đồng ban đầu.
Quan trọng hơn, việc điều chỉnh lại độ cao của các ngôi nhà trong làng
cổ, cũng như việc khuyến khích người dân cải tạo nhà theo thiết kế, vật
liệu xây dựng... liệu có dễ dàng nếu nhìn lại câu chuyện cũ trong 2
tháng trước?
“Chúng
ta phải nói thẳng với nhau: lãnh đạo Hà Nội đã có sai sót nghiêm trọng
khi không sớm điều chỉnh và để làng cổ Đường Lâm rơi vào tình trạng mà
báo chí đã phản ánh vừa qua” - GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học
Lịch sử VN) nói. “Nghĩ được như thế, hãy chấp nhận rằng việc quy hoạch
bảo tồn Đường Lâm sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc vận động
người dân”.
Tương
tự, PGS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa VN) nhắc tới việc
các ngành liên quan nên tổ chức tìm giải pháp để người dân Đường Lâm
thật sự có nguồn thu từ du lịch, qua đó tự nâng cao ý thức bảo vệ di sản
của mình.
Thậm
chí, vì lo ngại ảnh hưởng tới nguyện vọng hiện đại hóa nhà ở của các hộ
dân, TS Lưu Minh Trị (Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long) đề nghị
có sự mềm dẻo khi áp dụng nguyên tắc xây dựng tại khu vực 1. Theo ông
Trị, trong trường hợp không nằm ở mặt đường, các ngôi nhà trong khu vực
này vẫn chỉ được xây một tầng, nhưng có thể... nới thêm độ cao so với
quy định 7,5 m).
Nhất quyết không thể xây nhà 2 tầng tại Mông Phụ
Tham
luận gửi tới hội thảo của GS Nhật Bản Hiromichi (từng tham gia xây dựng
các đề án tôn tạo Đường Lâm cách đây 10 năm) có nhắc tới đề xuất vào
năm 2005. Theo đó, phía Nhật Bản đề nghị nghiên cứu đưa thôn Cam Thịnh
vào diện bảo tồn cấp 1 (cùng với Mông Phụ), đồng thời sẽ bổ sung các địa
điểm như chùa Mía, đền Phùng Hưng... trong thời gian sau. Ở thời điểm
này, số nhà 2 tầng ở Cam Thịnh vẫn còn rất ít.
“Đề
xuất này không thành hiện thực. Kết quả, Cam Thịnh bây giờ đã mọc lên
rất nhiều ngôi nhà 2, 3 tầng và gần như không còn khả năng đưa vào vùng
bảo tồn số 1 nữa. Nhắc lại chuyện cũ, tôi muốn lưu ý, nếu các bạn nới
lỏng quy chế và cho phép xây nhà 2 tầng tại Mông Phụ, ngôi làng cổ này
sẽ bị phá hỏng rất nhanh trong thời gian gần” - GS Hiromichi viết.
|
Chiêu MinhThể thao & Văn hóa
Tin bài liên quan:
- Đề xuất giữ trọn vẹn cấu trúc làng cổ Đường Lâm (TTXVN). – Ứng xử khác nhau với từng loại nhà ở Đường Lâm (TQ).
- Đường Lâm: Đề xuất bảo tồn nguyên trạng khu I (DV). - Phải giữ cho được Làng cổ Đường Lâm (PLTP). - Làng cổ Đường Lâm: Vẫn phải khống chế xây nhà mới (TP). - Bàn mãi vẫn chưa cứu Đường Lâm (TN).
- Các nhà khoa học góp ý vào việc giữ gìn làng cổ Đường Lâm (PL&XH).
- Các nhà khoa học góp ý vào việc giữ gìn làng cổ Đường Lâm (PL&XH).
Láo nháo như cháo với cơm . Cái hiện trạng của Làng Cổ Đường Lâm cũ mới đan xen . Cái muốn bảo tồn và phá vỡ bảo tồn . Tất cả phản ảnh xã hội đương đại : kẻ có chức có quyền , kẻ chân trắng như công dân hạng hai trong xã hội . Kẻ có chức có quyền muốn phá vỡ cái bảo tồn, kẻ chân trắng cũng muốn phá vở để cơi nới nơi ở của mình có chút rộng rãi và tiện nghi. Một bên làm được và một bên không làm được .
Trả lờiXóaCưa ngọn cũng dở mà không cưa cũng dở . Cái đó là chứng tích của tham nhũng , cửa quyền !