Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

MỘT CƠ HỘI ĐỂ CẢI CÁCH THẾ CHẾ MỘT CÁCH CĂN BẢN VÀ CÓ TÍNH HỆ THỐNG

Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - cơ hội để cải cách thể chế một cách căn bản và có tính hệ thống

Lê Đăng Doanh
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm tới. Cần tranh thủ cơ hội này để cải cách thể chế một cách căn bản theo hướng bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ của người dân, thực hiện nguyên tắc quyền lực phải được giám sát và kiểm soát. Trên cơ sở đó, QH nên chủ trì một dự án cải cách toàn diện về thể chế, sửa đổi các “lỗi hệ thống” hiện nay để tạo điều kiện thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và phát huy hiệu quả các tiềm năng của đất nước. 

4 hạn chế lớn về thể chế cần khẩn trương khắc phục

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ, cho nên ý kiến thường rất khác nhau. Trong khi đó, trình độ nhận thức, trí tuệ của chúng ta có mặt còn hạn chế. Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. 

Bế mạc Hội nghị lần thứ Sáu, Ban chấp hành Trung ương Khóa XI, Tổng bí thư cũng nêu rõ: Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều khóa nay có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó. Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực (như chạy chức, chạy quyền, chạy tội...) và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình. Trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của Trung ương, nhất là về doanh nghiệp nhà nước, còn lúng túng, buông lỏng; kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (điển hình là Vinashin, Vinalines) hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Một số hạn chế, khuyết điểm, chưa được làm rõ thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể, ai phải chịu trách nhiệm, như tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm…”.

Hai phát biểu quan trọng của Người đứng đầu Đảng ta đã nêu lên những hạn chế của thể chế và con người trong hệ thống thể chế đó. Rõ ràng, cải cách thể chế ở nước ta đã bị chậm so với cải cách kinh tế. Đã đến lúc cần phải nghiên cứu sâu sắc, toàn diện các vấn đề về thể chế ở nước ta. 

Có thể phân tích một số vấn đề cấp bách của thể chế ở nước ta như sau: 

Thứ nhất, chế độ trách nhiệm cá nhân không rõ ràng: trên thực tế đã xuất hiện tình trạng dân chủ hình thức, hội họp, bàn bạc nhiều nhưng ý kiến người đứng đầu luôn là quyết định và điều đáng nói là, trách nhiệm lại thuộc về tập thể. Ví dụ điển hình là những sai phạm xảy ra tại Vinashin và Vinalines đến nay đều chưa làm rõ được trách nhiệm cá nhân và không kỷ luật được cá nhân nào. Nếu không thay đổi được thực trạng này thì lợi ích nhómtư duy nhiệm kỳ sẽ không thể cải thiện được. Các quy định về chế độ trách nhiệm cá nhân chưa rõ ràng và cũng chưa có quy định về trách nhiệm giải trình của cá nhân đối với những quyết định gây thiệt hại cho đất nước hoặc những vấn đề được ĐBQH hay người dân chất vấn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không có ai chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng của chính sách. Thực tế, đã có không ít chính sách được ban hành nhưng chất lượng thấp, giải pháp không thực thi được; đã xuất hiện những văn bản được ban hành nhưng không được điều tra, nghiên cứu thực tiễn, không được thảo luận với những đối tượng phải thực hiện, thiếu tính công khai minh bạch, thiếu khả năng dự báo và thiếu tính khả thi. 

Chế độ trách nhiệm cá nhân không rõ ràng đã và đang để lại nhiều hệ lụy cho KT-XH. Một ví dụ điển hình là trong lĩnh vực đầu tư công. Đến nay, khung pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ hệ trọng và phức tạp này mới chỉ dừng lại ở các văn bản pháp lý do Chính phủ quy định chứ không phải là một đạo luật của QH, thậm chí, trong đó có không ít quy định có vị thế pháp lý rất thấp, chỉ là quyết định của Thủ tướng. Vai trò của QH trong đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa khá hạn chế, chủ yếu là giám sát sau thực hiện và nêu kiến nghị với Chính phủ. Hệ quả là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đạt thấp, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp với không ít tiêu cực. Những vụ việc đã phát hiện như Vinashin, Vinalines, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gây tổn thất lớn. Đầu tư công đã bị lạm dụng, được mở rộng mà không đi kèm với một chế độ trách nhiệm cá nhân nghiêm ngặt, không có những ràng buộc chặt chẽ về hiệu quả kinh tế - xã hội. Thực tế, từ năm 2009, QH tiến hành giám sát tối cao đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã phát hiện được nhiều tiêu cực, lãng phí và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. 

Những biểu hiện trên đây cho thấy, đã đến lúc, cần thiết kế lại chế độ trách nhiệm cá nhân, xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ lợi ích nhóm bất chính và tư duy nhiệm kỳ bất chính. 

Thứ hai, thiếu giám sát độc lập, vừa đá bóng, vừa thổi còi: trong mỗi tổ chức nhà nước, xã hội và nền kinh tế hiện nay đều đang thiếu các cơ sở nghiên cứu độc lập, có khả năng phân tích, đánh giá, phản biện chính sách để trình QH thảo luận. Chính vì vậy, các báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trình QH thường được tô hồng, những thiếu sót chậm được phát hiện và không được phân tích thấu đáo. Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tốc độ tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch. Nhưng trong Bộ này lại có Tổng cục Thống kê báo cáo tốc độ tăng trưởng được thực hiện. Điều này, có lẽ khó tránh được việc thỏa hiệp về số liệu. Hay Bộ Y tế bổ nhiệm giám đốc sở, giám đốc bệnh viện Trung ương nhưng đồng thời cũng lại là cơ quan đánh giá hoạt động của các bệnh viện. Vì thế, việc kết luận về những vụ việc thiếu sót của các bệnh viện do nhân dân và dư luận xã hội phát hiện được cũng rất khó. Tương tự như vậy, có thể liệt kê trong các lĩnh vực giáo dục, xây dựng, giao thông vận tải... hàng loạt các hiện tượng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Hệ quả là kinh tế - xã hội cả nước phải trả giá  khá đắt cho những sai lầm, thiếu sót không đáng có. 

Thầy thuốc giỏi cũng không thể tự phẫu thuật cho chính mình. Cần thiết lập một hệ thống giám sát độc lập với sự tham gia rộng rãi của người dân (chuyên gia, tổ chức quần chúng) để phát hiện những sai sót, hạn chế từ đó giúp bộ máy nhà nước làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. QH cần ban hành luật xác định quy chế pháp lý độc lập của ngành thống kê, không trực thuộc Chính phủ và càng không nên để trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về nguyên tắc, cần xác định quyền và trách nhiệm kiểm tra, giám sát độc lập hoạt động của các bộ cho QH và các hiệp hội như các nước đã giao cho các tổ chức nghề nghiệp. Ví dụ, Tổng hội Y học thực hiện giám sát chất lượng độc lập, cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ, quy định lập hội đồng độc lập đánh giá hoạt động bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học theo những tiêu chuẩn khách quan, không phụ thuộc vào bộ trưởng và hệ thống hành chính. Những kết quả giám sát đó cần được trình lên QH hay cơ quan dân cử để làm căn cứ cho việc chất vấn và bỏ phiếu tín nhiệm. 

Thứ ba, thiếu công khai, minh bạch: thực tế, hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay đã có nhiều quy định về công khai, minh bạch đối với cơ quan nhà nước. QH đã đi đầu trong việc thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của mình bằng việc phát thanh, truyền hình trực tiếp một số hoạt động cho toàn thể nhân dân theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí, lạm dụng ngân sách, thời gian làm việc, đi nước ngoài chi tiêu quá mức nhưng kém hiệu quả... vẫn chưa giảm sút. Có thể nói, nhiều quy định công khai, minh bạch hiện nay về kê khai tài sản, thu nhập, chế độ chi tiêu chưa đi vào thực chất mà còn có biểu hiện đối phó, hình thức. Nói cách khác, quy định công khai, minh bạch chưa phát huy tác dụng răn đe và ngăn ngừa cần thiết trong thực tế. Cần lưu ý rằng, công khai, minh bạch trong bộ máy nhà nước không được có ngoại lệ. Càng công khai minh bạch càng tốt. Càng trong sạch thì càng nên công khai. Các nước đã thực hiện công bố thông tin trên mạng và lịch làm việc, khách sạn và tiền phòng, chi tiêu khi đi công tác trong nước và ngoài nước... của Thủ tướng, các Bộ trưởng. Cơ quan thanh tra có quyền công bố cho báo chí và công luận biết mọi chi tiết như biên lai chi tiêu không đúng quy định ngay sau khi phát hiện. Tuy nhiên, ở nước ta, các quy định này lại chưa được thực hiện. 

Thứ tư, quy chế bổ nhiệm cán bộ nhiều sai sót:  cho đến nay, quy trình bổ nhiệm cán bộ vẫn chưa phát huy được vai trò cần thiết của các cơ quan giám sát, tư vấn độc lập để bảo đảm chất lượng của việc bổ nhiệm cán bộ. Việc bổ nhiệm Tổng giám đốc Vinashin và Cục trưởng Cục Hàng hải là ví dụ rõ ràng cho thấy những sai sót trong quy trình bổ nhiệm cán bộ. Việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay thường được lấy ý kiến khép kín trong nội bộ tổ chức một cách hình thức, ứng cử viên không cần trình dự án hay chương trình hành động ra bất kỳ một hội đồng thẩm định độc lập nào. Chính quy trình khép kín này đã và đang cho phép bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo không theo một quy trình công khai minh bạch và không có sự giám sát của các cơ quan dân cử và giám định của các hội đồng chuyên môn, có biểu hiện của lợi ích nhóm. Các Ủy ban của QH chưa tham gia vào quá trình thẩm định trực tiếp với các ứng cử viên vào các chức vụ bộ trưởng, thứ trưởng, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế nhà nước. Việc bổ nhiệm tổng giám đốc doanh nghiệp chưa gắn liền với một hợp đồng trách nhiệm quy định cần đạt được kết quả gì, sau thời hạn nào.

Rõ ràng rằng thể chế của chúng ta đã bộc lộ những khiếm khuyết có tính hệ thống cần được nhận thức rõ và thay đổi một cách căn bản, kịp thời.

 Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – cơ hội để cải cách thể chế một cách căn bản và có tính hệ thống
 
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được trình QH tại Kỳ họp thứ năm tới. Dự thảo đề ra những vấn đề có tính nguyên tắc như: thực hiện các quyền tự do dân chủ của người dân, bảo đảm nguyên tắc quyền lực phải được giám sát, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để hạn chế các hành vi lạm dụng quyền lực, nâng cao chế độ trách nhiệm và chất lượng của bộ máy. Cần tranh thủ cơ hội này để tiến hành các cải cách cơ bản, có tính hệ thống về thể chế, thực hiện các quyền tự do dân chủ của người dân và thực hiện nguyên tắc quyền lực phải được giám sát và kiểm soát.

Trước hết, việc cải cách thể chế cần tập trung vào QH – cơ quan lập pháp và Chính phủ – cơ quan hành pháp trong hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước. 

Đối với QH, cần nâng cao vai trò và hiệu lực hoạt động bằng việc bảo  đảm các điều kiện để phát huy đầy đủ vai trò của QH trong hoạt động lập pháp và giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội như tổ chức việc nghiên cứu, phân tích về kinh tế - xã hội. Đồng thời, QH cần xác định quy chế pháp lý độc lập cho ngành thống kê, xác lập vị thế độc lập tương đối cho Ngân hàng Trung ương; ban hành các luật về quyền tiếp cận thông tin, luật về quyền lập hội và hoạt động của hội. Trong đó, luật về quyền tiếp cận thông tin cần xác định cụ thể trách nhiệm công bố công khai thông tin về những hoạt động không cần giữ bí mật, đặc biệt trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, sử dụng ngân sách, cứu trợ đối với người dân theo hướng thay đổi hẳn vị thế của người dân là người có quyền yêu cầu được cung cấp thông tin và vị thế của công chức, viên chức nhà nước là người có trách nhiệm phải cung cấp thông tin. Cần sớm ban hành luật về hội để kiện toàn hoạt động của các hội và giao cho các hội quyền hạn, trách nhiệm giám sát độc lập về lĩnh vực chuyên môn phụ trách nhằm giúp cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình, chống tham nhũng, lãng phí, lạm dụng chức quyền. 

QH cũng cần bổ sung vào chương trình xây dựng luật các dự án pháp luật về đầu tư công; sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước; luật về giám sát doanh nghiệp nhà nước; luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; luật kiểm soát độc quyền nhằm bảo đảm các hoạt động chủ yếu phải được chế định bằng pháp luật, bảo đảm quyền giám sát đầy đủ của QH. Bên cạnh đó, cần quy định quyền và trách nhiệm của các Ủy ban của QH trong việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt của Chính phủ, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, xác định rõ mục tiêu cần đạt được trong một hợp đồng trách nhiệm có thời hạn. Các Ủy ban cần thực hiện bỏ phiếu kín sau khi thực hiện chất vấn, nếu ứng cử viên không đủ phiếu bầu sẽ không được bổ nhiệm. Cùng với đó là sớm ban hành luật về tham vấn ý kiến của các nhóm lợi ích có liên quan, tạo điều kiện và cho phép các nhóm lợi ích khác nhau được trình bày ý kiến của mình trước các Ủy ban của QH và trước QH trước khi thông qua các dự án đầu tư, dự án pháp luật.

Đối với Chính phủ, nên xác định lại nhiệm vụ, phạm vi của Chính phủ theo hướng tập trung vào những nhiệm vụ đích thực của nhà nước mà khu vực tư nhân chưa hay không thực hiện được; chấm dứt ngay tình trạng ôm đồm, lĩnh vực nào cũng tham gia nhưng hiệu quả chưa cao. Chính phủ cần giao trách nhiệm giám sát độc lập các hoạt động của các cơ quan Chính phủ cho các tổ chức độc lập, được QH chế định bằng luật pháp hay được QH và Chính phủ giao nhiệm vụ ràng buộc theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, mỗi một đơn vị đều cần có một tổ chức chịu trách nhiệm giám sát độc lập, kết quả giám sát được cơ quan dân cử và chính quyền cùng xem xét một cách khách quan cầu thị, chấm dứt tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. 

Chính phủ cần thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng pháp luật: điều tra, nghiên cứu, đánh giá tác động, tham khảo ý kiến độc lập, phản ánh trung thực và đầy đủ các ý kiến trước công luận và QH. Kiện toàn kỷ luật, kỷ cương trong toàn thể bộ máy nhà nước, thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân về các quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định đó. Thực hiện tái cấu trúc và cải cách đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước, đoạn tuyệt với lợi ích nhóm bất chính và tư duy nhiệm kỳ. Thực hiện thủ tục bổ nhiệm các chức danh cán bộ công khai minh bạch, có sự tham gia của các hội đồng tư vấn độc lập và chịu sự giám sát của các cơ quan dân cử. Thực hiện công khai minh bạch rộng rãi phù hợp với thông lệ quốc tế đối với tất cả thông tin liên quan đến người dân, sử dụng ngân sách, thu hồi đất, tiến tới công khai lịch công tác trên cơ sở áp dụng rộng rãi nhất công nghệ thông tin. Sửa đổi các quy định về bảo mật và cung cấp thông tin phù hợp với yêu cầu mới. Sửa đổi, bổ sung quy chế bổ nhiệm cán bộ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, huy động rộng rãi ứng cử viên từ các nguồn trong xã hội trên nguyên tắc cạnh tranh, thi tuyển, thẩm định công khai nhằm thu hút người tài vào các vị trí quan trọng của bộ máy và doanh nghiệp nhà nước. Giảm biên chế hành chính, giảm hẳn sự tham gia của lãnh đạo vào các hoạt động khánh thành, động thổ, lễ hội, phô trương, hình thức. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực hiện chế độ sử dụng ngân sách tiết kiệm, có hiệu quả, đi đầu trong đấu tranh chống lãng phí, tham nhũng, lạm dụng chức quyền.

Cuối cùng, QH nên chủ trì một dự án cải cách toàn diện, có hệ thống về thể chế, sửa đổi các lỗi hệ thống để tạo điều kiện thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và phát huy các tiềm năng của đất nước.
Ts Lê Đăng Doanh
Nguyễn Vũ ghi

12 nhận xét :

  1. Tôi là một kỹ sư bình thường, nhưng sau khi đọc sơ qua bài viết của TS Lê đăng Doanh tôi thấy không ổn chút nào cả.
    Ông nói: " Có thể phân tích một số vấn đề cấp bách của thể chế ở nước ta như sau ".
    - Nội dung thứ nhất: Ông nêu 4 vấn đề ... Rõ ràng là không đủ còn thiếu quá nhiều vấn đề, bởi hiện nay tôi có thể nêu được hàng trăm vấn đề cấp bách chứ không chỉ có 4 vấn đề.
    - Nội dung thứ hai: Ông không nêu được nguyên nhân chính của các vấn đề, hoặc ông cố tình né tránh. Theo tôi nguyên nhân sâu xa của mọi nguyên nhân là do đảng CS độc quyền lãnh đạo, do chế độ XHCN hoang tưởng, duy ý chí, đi ngược bản chất tư hữu của loài người.
    Vậy thì cái bệnh của đất nước ta, chỉ có thể chữa được khi chúng ta đi và làm theo bản HP 2013 do các nhân sĩ trí thức chân chính soạn thảo. Trong danh sách ký KN72 tôi thấy có tên của ông. Vậy có nghĩa là ông cũng đã thấy vấn đề cốt lõi, thế thì việc gì ông không đi thẳng vào vấn đề, mà nói vòng quanh cho mất thời gian.
    Trân trọng kính chào.

    Trả lờiXóa
  2. Ông Lê Đăng Doanh trong bài viết này có mấy lần nhắc đến "lỗi hệ thống", nhưng nội hàm của lỗi hệ thống là gì thì không thấy ông chỉ ra. Tất nhiên người đọc có thể hiểu... Tuy nhiên, một bài viết cho tờ Người Đại biểu nhân dân đương nhiên chỉ dám nói vòng vo, quanh co, men mén... Không dám đi thẳng vào vấn đề cốt lõi cũng là điều dễ hiểu.

    Trả lờiXóa
  3. tôi thấy cậu học sinh lớp 12 chủ nhân clip " sự trăn trở của một kẻ lười biếng"(xin lưu ý mới chỉ là học sinh lớp 12 chưa tốt nghiệp)mà đã nêu ra hàng trăm vấn đề có liên quan đến giáo dục, vấn đề nào cũng được cậu ấy phân tích và mổ xẻ rất chí lí đồng thời góp ý cực kỳ hợp lý, vậy hà cớ gì một TS lão luyện như vậy mà góp ý chẳng nên đầu nên đũa gì cả? Nếu sợ mất sổ hưu thì đành thôi vậy - Góp ý mà thấy "rác" quá, đọc nhức cả mắt.

    Trả lờiXóa
  4. Nghĩa là đảng này nhà nước này vẫn tiếp tục cầm quyền ???Thế thì chán cho ông quá đi mất !Ông lại mong "tốt hóa" một cái tử thi đang còn thở nhờ súng đạn ,còng số 8 và nhà tù ư ? Một chứng minh là "ông không đồng ý với kiến nghị 72 ???Có lẽ ông không ký tên vào kiến nghị 72 để cho báo đảng nghi ngờ là co thật ? Xin miễn làm mất thời giờ đọc những điều lăng nhăng của các vị" phản biện trung thành" !

    Trả lờiXóa
  5. Chỉ cần 2 điều.Một "tự do ngôn luận". Mọi người được quyền ra báo.Hai "tự do ứng cử".Đảng nào cũng được tranh cử hết.......Mọi chuyện giải quyết ngay.Không cần nói nhiều. Hốt,hốt hết !!! Hahaha !!!

    Trả lờiXóa
  6. Nguyên nhân gốc của mọi nguyên nhân là độc đảng, không tam quyền phân lập , không có XH pháp quyền . Nên , cải cách cơ bản toàn hệ thống chỉ có thể là : đa nguyên , đa đảng , tự do báo chí-ngôn luận , XD một XH pháp quyền chặt chẽ, tam quyền phân lập. Chỉ cần thế , tự nhiên mọi chuyện được giải quyết ngay , còn ngược lại thì chẳng bao giờ, chẳng có cá nhân nào...(cứ như hiện nay) lại có thể giải quyết được những tồn tại , khủng hoảng ,tệ nạn ...của toàn XH được.

    Trả lờiXóa
  7. TS Doanh viết bài này hỏng thật rồi. Cốt lõi của toàn bộ v/đ về thể chế không được ông xét đến một câu nào. Hình như ông chưa hiểu thể chế chính trị, và nền tảng của nó ở VN, hay là ông né tránh ?

    Trả lờiXóa
  8. Tôi là một kỹ sư kinh tế, xin mổ xẻ câu nói của TS Lê Đăng Doanh: " Thực hiện tái cấu trúc và cải cách đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước " Ông có biết lâu nay doanh nghiệp NN chiếm hầu hết nguồn lực vật chất và con người của đất nước, được ưu tiên đủ thứ, nhưng có tới 80 % DN tham nhũng tràn lan, làm ăn thua lỗ triền miên, số còn lại làm ăn hiệu quả rất thấp, nộp ngân sách không đáng kể, tôi ví DNNN như một đứa trẻ được cho uống sữa hoài, được tẩm bổ đủ thứ mà không sao lớn được, cứ nằm liệt giường đòi bú. Vậy thì tái đầu tư làm quái gì, cải cách cái quái gì ? Điều này nói nhảm cả tai, viết tốn không biết bao nhiêu là giấy mực, họp ngồi tù đít rồi mà chỉ làm được con số không thôi ông ạ ?

    Ông có biết nguyên nhân vì sao không ? Đó là vì CNXH được xây dựng trên cơ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất ( của chùa, của nhà nước, cha chung không ai khóc ), nó mâu thuẫn với bản chất tư hữu của loài người. Cho nên ai cũng thi nhau cướp, phá, thậm chí ai không cướp bị cho là dại. Vậy thì dẫu ông có tái có cải 1000 lần đi chăng nữa phỏng có ích gì không thưa ông TS ?
    Vì vậy vấn đề cơ bản là phải làm một việc mà các ngài cho là phản động, đó là đạp đổ sở hữu nhà nước ( khoảng 90 % ), tư nhân hoá, cổ phần hoá ( cổ phần thật sự chứ không phải cái kiểu cổ phần giả tạo, nhà nước chiếm 51 % ) các doanh nghiệp nhà nước, thì ngay tức khắc tham nhũng sẽ giảm trên 80 %, thu ngân sách sẽ tăng vọt v.v... Vì chẳng nhẽ họ cướp phá của chính họ, ngược lại họ sẽ bằng mọi cách để đưa doanh nghiệp họ phát triển nếu không muốn bị tiêu diệt. Còn phía nhà nước chỉ cần hỗ trợ bằng luật pháp, bằng chính sách, kiểm tra v.v...
    Tất nhiên đi kèm với nó cũng có nhiều chuyện phải làm, như tự do, dân chủ, công khai minh bạch, chống độc tài v.v...
    Ở các nước dân chủ việc góp ý, phê phán đảng nhà nước là bình thường, còn ở ta thì không được phép, cho nên tôi hiểu và thông cảm cho ông, nhưng đã không đủ dũng khí thì nên im lặng, đừng nói lung tung, lắm kẻ không biết cứ tưởng là thật thành ra ông lại làm hại đất nước
    Còn nhiều vấn đề ông nói sai bét, nhưng thôi vậy là đủ rồi, xin chào ông và tôi cũng sẵn sàng tranh luận với ông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một là ông chỉ là một tiến sĩ dỏm, không bằng một kỹ sư kinh tế bình thường. Hai là ông không đủ dũng khí. Vậy mà cũng làm chức này chức nọ. Tôi khuyên ông nên im lặng, đừng nói lung tung.
      Xin cảm ơn bác Tễu đã cho đăng bài này.

      Xóa
  9. Hoan hô VÕ NGỌC TÂM nhưng cần phải thêm đa thành phần sở hữu đất đai trong đó có sở hữu tư nhân

    Trả lờiXóa
  10. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 15:23 11 tháng 5, 2013

    Thời PK và tư sản , ruộng đất không thuộc Đ và NN thống nhất quản lí, tài sản quốc dân cũng vậy . Cho nên Đảng chủ trương CCRĐ và đánh tư sản mại bản . Việc đó cũng khá dễ dàng và Đảng đã thành công . Sau CCRĐ và đánh tư bản mại bản , ruộng đất và toàn bộ nền kinh tế đều do NN quản lí, thực tế là do các đảng viên nắm giữ và dần dần nó trở thành những miếng bánh thật to và béo bở của những nhóm lợi ích khác nhau. Bây giờ muốn gỡ những miếng bánh đó khỏi tay các nhóm lợi ích đó chẳng dễ dàng chút nào, chẳng ai muốn nhả ra . Nó biến thái thành những ma trận không tài nào biết đường ra , vì những người đang nắm giữ nó muốn như vậy . Càng rối rắm càng có lợi, càng đục nước càng béo cò . Cũng có khá nhiều thay đổi mà không thoát khỏi được khó khăn . Nước ngoài nhìn thấy rõ những khó khăn đó, một mặt họ cũng giúp, mặt khác các công ty tư nhân của họ nhảy vào lợi dụng những yếu kém trong quản lí và điều hành nên kinh tế VN để hưởng lợi tối đa. Kinh tế VN mất thế chủ động lại bị dồn vào thế bị động trên sân chơi thế giới vì nền sản xuất của VN yếu kém và lạc hậu .
    Chiến tranh du kích thì VN có thể là vô địch , nhưng làm kinh tế để VN mau chóng biến thành rồng thì VN vẫn còn đang là những anh học trò .
    Thời chiến tranh chống Mỹ , các nước chung quanh ngay cả TQ đều hưởng lợi từ VN. Ngày nay hòa bình, các nước vẫn được hưởng lợi từ sự lạc hậu của 3 nước Đông Dương, nhất là VN . VN góp phần vào sự thịnh vượng của các nước chung quanh !

    Trả lờiXóa
  11. TS Doanh ngu bỏ mẹ.

    Trả lờiXóa