Bản án cho Phương Uyên và Nguyên Kha phản ánh khuynh hướng “phát-xít” đáng ngại
Thụy My
Như chúng tôi đã đưa tin, lời kêu gọi trả tự do cho hai thanh niên
yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tuy vừa mới được đưa ra
vào tối qua 20/05/2013, nhưng đến cuối giờ chiều nay (giờ Paris) đã thu
hút được trên 1.200 chữ ký trực tuyến, trong đó có rất nhiều khuôn mặt
tên tuổi trong và ngoài nước.
Trước đó còn có bản tuyên bố đề ngày 17/05/2013 mang tên “Sinh viên
yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha không có tội!” do nhóm
Công dân Tự do khởi xướng, đến nay cũng đã có được trên 1.400 chữ ký.
Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ
nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng đây là một bản án tàn bạo. Theo luật
gia, bản án này không chỉ phản ánh một khuynh hướng mà ông cho là
“phát-xít”, mà còn cả xu thế ngả theo một Trung Quốc vốn có khuynh hướng
bành trướng, rất là nguy hiểm.
RFI: Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng! Ông có nhận xét như thế nào về bản án dành cho Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Có thể nói là hiện nay nhân
dân cả nước đang rất phẫn nộ trước bản án dành cho hai em đó. Thành ra
trong lời kêu gọi chúng tôi dùng chữ “phẫn nộ” là đúng như thực chất.
Bởi vì thực ra hành động của hai em là hành động yêu nước - chống Trung
Quốc, chống tham nhũng - nhưng từ hành động đó mà đi đến bản án đến sáu
năm cho em Uyên và tám năm cho em Kha, thì đúng là rất là tàn bạo! Đối
với hai em đều còn trẻ, rồi tương lai các em sẽ như thế nào.
Ở đây có hai vấn đề. Một là phẫn nộ lên án việc đó. Thứ hai là khâm
phục hành động có thể nói là hiên ngang, và những phát biểu rất là đúng
đắn của em Uyên và em Kha trước tòa - nhất là em Uyên, thái độ rất là
chững chạc.
Mà chúng tôi nói thật, rất thất vọng là khi em Uyên bị bắt thì cũng
đã có nhiều nhân sĩ trí thức gởi kiến nghị lên chủ tịch Trương Tấn Sang,
để mà có sự can thiệp, chỉ đạo với các ngành chức năng, xem xét trường
hợp này. Nhất là em Uyên là một đoàn viên thanh niên, trong Ban chấp
hành Đoàn trường, tức là nằm trong hệ thống của Đảng và Nhà nước. Thế
thì vì lý do gì mà các em có những hoạt động như vậy? Rất tiếc là chủ
tịch nước Trương Tấn Sang không có động thái gì can thiệp vào việc này.
Nhưng bây giờ lại xử bản án quá nặng!
Rõ ràng ý đồ của Nhà nước là muốn răn đe. Nhưng mà cái ý đồ này sẽ
không đạt được. Bởi vì làm cho công luận trong cả nước phẫn nộ, làm nhân
dân bất bình, càng chống đối Đảng và Nhà nước hơn nữa. Không làm giảm
nhẹ đi được, mà tạo một sự đối kháng, đối lập giữa các tầng lớp nhân dân
đối với Nhà nước, trước những bản án vô lý như vậy.
Do đó lời kêu gọi mới này – mà những người ký toàn là những người có
chức vụ, rồi nhân sĩ trí thức, tôi thấy có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ,
các vị có cương vị trong xã hội, và tốc độ ký rất nhanh – chứng tỏ sự
phẫn nộ và quan tâm của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ trí thức,
đến bản án quá nặng nề đối với em Uyên và em Kha.
Vì vậy chúng tôi hy vọng rằng đến khâu phúc thẩm, tòa án tỉnh Long An
sẽ chuyển lên Tòa án Nhân dân Tối cao, thì lúc đó các cơ quan chức năng
của trung ương phải có một sự thẩm định như thế nào để xem xét lại bản
án đó.
Mà chúng tôi nghĩ rằng với chính sách hiện nay về nhân quyền, và Việt
Nam đã ký kết những cam kết tôn trọng nhân quyền, thì các cơ quan trung
ương sẽ cân nhắc việc này. Chứ nếu không đứng về mặt quốc tế mà nói,
người ta sẽ lên án việc này, và như vậy Việt Nam sẽ có một hình ảnh rất
xấu về vi phạm nhân quyền.
RFI: Như vậy theo ông thì bản án vừa rồi hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam?
Chúng ta biết xu thế trên thế giới hiện nay, vấn đề dân quyền và nhân
quyền là hai vấn đề lớn. Mà trong các chế độ toàn trị như Trung Quốc,
Việt Nam hay các chế độ độc tài như các nước ở Trung Cận Đông, các nước
châu Phi, là vấn đề hiện nay loài người tiến bộ đều quan tâm.
Nếu chúng ta phản lại xu hướng tiến bộ đó, chúng ta không thấy được
cái trào lưu hiện nay là trào lưu đấu tranh để bảo vệ cho dân quyền,
nhân quyền, bảo vệ môi trường – thực chất là bảo vệ con người – mà Đảng
Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thường nói là vì con người, nhưng như vậy
thực chất có phải là vì con người hay không? Hay là đặt cái lợi ích của
nhóm, của cá nhân, của gia đình hay của Đảng, của chế độ lên trên lợi
ích của Tổ quốc, của đất nước?
Tôi thấy là giữa lời nói với việc làm là hoàn toàn không đi đôi với
nhau, hoàn toàn trái ngược nhau. Và chính vì vậy mà hiện nay các tầng
lớp nhân dân Việt Nam hết sức mất niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng
và Nhà nước Việt Nam.
Cũng như mới đây thôi Quốc hội đang họp đó, việc đổi tên nước là
nguyện vọng chung của người dân. Mà cái này thật ra cũng không phải là
một yếu tố gì cơ bản, điều 4 mới là yếu tố cơ bản, nhưng rồi cũng không
chấp nhận nữa! Thì điều đó nói lên cái gì? Đó là những đầu óc bảo thủ,
những đầu óc muốn giữ lại cái cũ đang khống chế cả hệ thống chính trị
của Việt Nam.
Đối với chúng tôi, thì chúng tôi không quan tâm nhiều đến sự thay đổi trong hệ thống Đảng và Nhà nước.
Chúng tôi tin rằng hiện nay cái lợi ích đó đã ràng buộc các vị rồi.
Không dễ gì các vị từ bỏ những quyền lợi có thể nói rất lớn hiện nay.
Các vị hiện giờ đều là những người giàu sụ cả, nên không dễ gì từ bỏ.
Vấn đề ở chỗ là chúng ta phải làm sao cho xã hội dân sự, xã hội công
dân mạnh lên, với những định chế mà quốc tế người ta đã định ra, đã đấu
tranh và có tác động trở lại đối với Đảng và Nhà nước. Cho nên nếu chỉ
ngồi trông chờ không thôi, nhân dân và nhất là nhân sĩ trí thức mà không
đấu tranh thì không biết là đất nước Việt Nam đi về đâu, trước cái họa
xâm lăng của bọn bành trướng Trung Quốc. Trước cái họa tham nhũng, họa
bất công áp bức và bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng.
Bản án của em Uyên và em Kha càng phản ánh tình trạng phải nói là
phát-xít, tình trạng dùng lực lượng công an, cảnh sát, tòa án để đàn áp
những tiếng nói rất là ôn hòa, rất hòa bình, rất xây dựng cho đất nước
của chúng ta. Đây là khuynh hướng đáng lo ngại.
Mà tôi nghĩ rằng bất cứ một chế độ nào, nếu chỉ dùng công an, cảnh
sát, dùng cái ách độc tài để mà đàn áp nhân dân, thì chế độ đó không thể
tồn tại được nữa. Đó là một bài học mà các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước
của Việt Nam cần phải rút ra. Cần phải sớm tỉnh ngộ để có những hành
động tích cực.
Đây là một thời cơ rất lớn để chúng ta chuyển hướng theo cùng trào
lưu tiến bộ hiện nay trên thế giới, để đấu tranh cho một đất nước Việt
Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội và giàu mạnh. Như vậy mới
phù hợp với lòng dân và lợi ích của các tầng lớp nhân dân hiện nay.
RFI: Phiên xử diễn ra đúng ngày lệnh cấm bắt cá trên Biển Đông
của Trung Quốc có hiệu lực. Phải chăng đây là một món quà cho Bắc Kinh,
và một bản án nặng nề như vậy sẽ ngăn Việt Nam tiếp cận với các quốc gia
coi trọng nhân quyền, đẩy đất nước trở lại trong vòng kiềm tỏa của
Trung Quốc?
Đúng vậy. Cái này là một kiểu, một tín hiệu cho phía Trung Quốc để
thấy rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam sẵn sàng đàn áp những tiếng nói
chống Trung Quốc. Và như vậy điều đó chứng minh rằng khuynh hướng hiện
nay - đang ngả về phía Trung Quốc - là một khuynh hướng rất nguy hiểm.
Mà chúng ta biết bản chất Trung Quốc là xâm lược, là bành trướng!
Thành ra bây giờ có một tình trạng nghịch lý là giữa hai Nhà nước
trung ương thì nói rất hay, bốn tốt mười sáu chữ vàng…nhưng mà hành động
thực tế thì xua quân, xua tàu đánh cá sang tràn ngập Biển Đông, rồi bắn
giết ngư dân chúng ta. Như vậy là thế nào?
Nếu vì lợi ích cá nhân, vì cái lợi của các tập đoàn lợi ích mà ngả về
phía Trung Quốc, thì lúc đó cái họa xâm lăng trở nên rất là nguy hiểm.
Mà điều đó thì các tầng lớp nhân dân Việt Nam không chấp nhận, các nhân
sĩ trí thức Việt Nam không thể chấp nhận được. Và sẽ có những hành động
để mà biểu thị lòng yêu nước của mình, nếu việc đó cần phải làm.
RFI: Chúng tôi xin rất cám ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ
nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI
Việt ngữ hôm nay.
Nguồn:RFI.
HỌ ĐANG CẦM GƯƠM CẦM SÚNG,HỌ MUỐN GIẾT AI MÀ CHẲNG ĐƯỢC. ĐỪNG NHẦM,CHÚNG BAY CÒN HỌ HÀNG BÀ CON GIÒNG TỘC ,NHỮNG NGƯỜI ẤY HỌ KHÔNG ỦNG HỘ BỌN BAY ĐÂU !
Trả lờiXóa