Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

HUY ĐỨC: PHẤN ĐẤU & CƠ CẤU

Phấn Đấu & Cơ Cấu
Huy Đức 
12-05-2013
.
Thay vì bỏ phiếu chuẩn thuận ba ứng cử viên do Bộ chính trị đưa ra, Trung ương đã đề cử thêm rất nhiều người. Kết quả, sau 3 vòng bỏ phiếu, hai ứng cử viên do Bộ chính trị đưa ra thất cử.

Chiến thuật làm loãng phiếu bằng cách đưa thêm ứng cử viên từng được “áp dụng” hồi tháng 1-2009, đánh rớt cơ hội vào Ban bí thư của Tướng Lê Thế Tiệm. Nhưng không chỉ đơn giản là gạch bỏ Vương Đình Huệ hay Nguyễn Bá Thanh, lần này, dường như đang có nhiều Trung ương ủy viên muốn giành lại quyền quyết định (theo điều lệ) của Trung ương thay vì cam lòng biểu quyết như cơ quan chấp hành của Bộ chính trị.

Trong lịch sử bầu bán của Đảng cộng sản Việt Nam, những người không được Bộ chính trị hoặc Ban chấp hành trung ương giới thiệu, khi được các đại biểu hoặc các ủy viên trung ương khác giới thiệu, đều tự giác rút lui hoặc được yêu cầu rút lui. Không cần chờ tới Đại hội hay Hội nghị trung ương, một nhân vật đã được Bộ chính trị, được tổng bí thư hoặc có thời chỉ cần được Lê Đức Thọ “chấm” là chắc chắn vào Trung ương, thậm chí vào những vị trí cao hơn trong Đảng.

Dưới thời Tổng bí thư Đỗ Mười, có những câu chuyện làm nhân sự nghe cứ như giai thoại: Trước Đại hội VIII (1996), ông Đỗ Mười cho gọi một vị phó thủ tướng tới bảo: “Kỳ này tôi nghỉ anh thấy sao?”. Vị phó thủ tướng, vốn là một trí thức lịch lãm, chân thành hỏi lại: “Ai sẽ thay anh?”. Kết quả, ông bị loại ra khỏi danh sách tái cử. Ông Đỗ Mười lại cho mời một nhà lý luận bảo thủ tới và khi ông vừa dứt lời thì nhà lý luận này liền đập tay xuống bàn: “Trời ơi, đất nước đang như thế này anh nghỉ làm sao được”. Kết quả, nhà lý luận giữ được ghế ủy viên Bộ chính trị.

Ngày 19-6-1996, tại Hội nghị Trung ương 12 (Hội nghị trước khi Đại hội VIII bắt đầu), Tổng bí thư Đỗ Mười đã yêu cầu Trung ương đưa vào danh sách đề cử ủy viên Bộ chính trị hai nhân vật bị Hội nghị Trung ương 11 đưa ra và yêu cầu tái cử thêm hai ủy viên Bộ chính trị quá tuổi, Đoàn Khuê và Nguyễn Đức Bình. Tuy bị ba uỷ viên trung ương phản ứng, khi ông yêu cầu “giơ tay biểu quyết”, đa số Trung ương phải “chấp hành” ý kiến của ông. Sau Đỗ Mười, không có tổng bí thư nào có khả năng thô bạo với Trung ương như thế. 

Từ Đại hội VI bắt đầu có chuyện ứng cử viên được đề cử bởi Ban chấp hành Trung ương bị thất cử ở trong đại hội. Hai nhân vật “tạo tiền lệ” là Tố Hữu (từng được Lê Duẩn chọn kế vị Tổng bí thư) và Hoàng Tùng, khi ấy đang là Bí thư trung ương Đảng. Năm 2011, Trung ương cũng từng đánh rớt một nhân vật được Bộ chính trị tái cơ cấu, Hồ Đức Việt, và Đại hội cũng đã không bầu Phạm Gia Khiêm một người được đưa vào danh sách chính thức của Trung ương.

Càng về sau, càng có nhiều ứng cử viên “giới thiệu thêm” được đưa vào danh sách bầu. Nhưng, cho dù danh sách ứng cử viên có đông hơn thì xác suất thất cử của các ứng cử viên được Bộ chính trị, Trung ương trình ra là rất thấp.

Ông Nguyễn Phú Trọng là “người của thiểu số” ngay khi bắt đầu trở thành Tổng bí thư. Ông ủng hộ “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” trong khi chiều 18-1-2011, 61,70% đại biểu của Đại hội XI đã chọn định nghĩa đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp”. 

Việc Đại hội không coi “sở hữu công” như là một đặc trưng chủ yếu của chủ nghĩa xã hội lẽ ra phải có giá trị như một hành động vứt bỏ vòng kim cô cuối cùng của Marx (căn cứ theo Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản). Ông Trọng có thể đã có một vị trí lịch sử khác nếu ông “phục tùng đa số” như ông tuyên bố khi nhận chức Tổng bí thư, đẩy mạnh giải tư khu vực kinh tế quốc doanh và trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân. Nhưng, Nguyễn Phú Trọng đã chứng tỏ một cách hùng hồn là ông không có khả năng nhận ra thời cuộc cho chính ông, đừng nói là cho đất nước. 

Từ Hội nghị Trung ương Bốn, ông Nguyễn Phú Trọng rõ ràng đã có nỗ lực để trở nên không tẻ nhạt như người tiền nhiệm của mình. Chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng là một lựa chọn khá được lòng dân. Nhưng, thay vì thừa nhận nguyên nhân tham nhũng là từ “lỗi hệ thống” để cải cách chính trị theo hướng dân chủ hơn; thay vì để cho Quốc hội và tư pháp được thực thi các quyền hiến định của mình, ông lại sử dụng những công cụ hết sức giáo điều trong khi trung ương không còn một đa số chỉ biết vâng lời như trước nữa.

Việc các cơ quan trung ương được cắt giảm chỉ còn sáu ban, kể từ năm 2006, là kết quả của gần hai thập niên cải cách chính trị theo hướng “Đảng lãnh đạo nhà nước chứ không làm thay nhà nước”. Vậy mà tại Hội nghị Trung ương Năm, ông Trọng lại cho khôi phục Ban Nội chính và Ban Kinh tế trung ương (một ban chỉ mới được giải tán từ năm 2006). 

Sau khi Hội nghị trung ương Sáu đồng ý “cơ cấu” chức ủy viên Bộ chính trị cho các trưởng ban. Thay vì bầu bổ sung Bộ chính trị trước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những bước đi “chắc ăn”: Bổ nhiệm Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ làm trưởng ban rồi mới đưa ra Trung ương bầu bổ sung. Kết quả cả hai đều không đắc cử. 

Đây không chỉ là vấn đề tiêu chuẩn cá nhân của ông Huệ hay ông Thanh mà là “sự nổi loạn” của các ủy viên trung ương. Có lẽ không mấy trung ương ủy viên không từng mơ tới chiếc ghế trong Bộ chính trị cao sang, và giờ đây không ít người trong số họ không muốn chỉ ngồi nhìn những kẻ có tiền qua mặt mình, hoặc không muốn chấp nhận nguyên lý “mười năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu”. 

Sau thất bại ở Trung ương Bảy, lẽ ra ông Trọng và Bộ chínhtrị phải nhận ra trong Đảng đã tự diễn biến, các phương thức chính trị cổ hũ đã không còn thích hợp với thực tiễn hiện nay. Thời kỳ các lãnh tụ áp đặt niềm tin cá nhân lên toàn đảng, toàn dân tộc đã qua, ngay trong nội bộ của hệ thống toàn trị cũng cần phải có những chính trị gia thật sự. 

Thay vì dừng lại để tìm một hướng đột phá, lấy phương thức vận động tranh cử để làm “công tác cán bộ trong tình hình mới”, Trung ương Bảy vẫn thông qua chiến lược nhân sự cho Đảng tới 2021 và vẫn dựa trên nguyên tắc “cơ cấu” và “quy hoạch”. 

Năm 2001, khi Trưởng ban Tổ chức trung ương Nguyễn Văn An được cơ cấu làm Chủ tịch Quốc hội, tôi đặt vấn đề “tranh cử trong đảng” với ông. Ông An lúc ấy cho rằng: “Tranh cử không khéo sẽ thành tranh giành, cục bộ. Hiện giờ trong Đảng mình chỉ bàn bạc dân chủ rồi phân công. Đảng phải làm sao đảm bảo có dân chủ mà trong Đảng vẫn giữ được sự thống nhất” (Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 28-6-2001). Giờ đây, ông Nguyễn Văn An cũng phải nhận ra rằng chính “sự thống nhất” nếu còn thì chỉ để cho một số cá nhân lũng đoạn. 

Nếu như tiến trình tranh cử trong đảng diễn ra công khai, thì người thực sự tài hơn trong đội ngũ hiện tại sẽ vượt lên; đội ngũ kế cận sẽ tự nó xuất hiện chứ không phải chỉ những kẻ biết làm vừa lòng cha chú được cơ cấu.

Đặc biệt, nếu tiến trình tranh cử bắt đầu nhiều tháng trước các dịp bầu bán, thì không cần “Nghị quyết trung ương Bốn”, các ứng cử viên sẽ giúp Đảng phát hiện tài sản nổi, tài sản chìm, bồ nhí, con rơi…Giúp dân chúng hiểu được kẻ nào đã ban hành những chính sách hại dân, hại nước. Chính sự “rạn nứt” do tranh cử sẽ tạo ra một tiền đề mới cho cải cách chính trị.

Bản chất của độc tài, toàn trị là đối lập với dân chủ. Tuy nhiên trong điều kiện đảng vẫn cứ một mình cầm quyền và dân chưa biết làm thế nào để thay đổi tương lai chính trị của mình thì áp dụng một số phương thức dân chủ trong đảng cũng giảm được cho nước, cho dân phần nào tai họa.

Nguồn: FB Osin HuyDuc

7 nhận xét :

  1. Huy Đức! người của bênh thắng cuộc đã nhìn thấy được vấn đề, tôi nghỉ người dân thích từ "thay đổi" hơn là từ "cách mạng", quá trình dân chủ hóa đất nước nước là một xu thế tất yếu!

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài này thấy ngay năng lực của ông Trọng, yếu kém và giáo điều, không quyết được việc gì thì lãnh đạo nói ai nghe. Toàn chỉ phát biều sáo rỗng vậy làm sao chống được tham nhũng, bảo vệ đất nước.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cảm thấy chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc đất nước lại tan nát, lòng người ly tán như hôm nay. Bọn tham nhũng dùng tủ đoạn dựa vào chiếc bóng của người chết để tư hữu cá nhân, biến tài sàn của dân cũng để tư hữu cá nhân. Hậu quả tài sản quốc gia đều bán rẻ cho ngoại quốc giá rẻ như cho, đẩy người dân vào con đường nghèo khổ, thành đầu đường xó chợ...
    Chủ nghĩa không tưởng của Marx bị TQ lợi dụng biến nhân dân Việt Nam phải bỏ mạng hàng triệu người trong các cuộc chiến tranh kéo dài khủng khiếp để dựng nên một chế độ không có trí tuệ, cán bộ là những kẻ ít học tham lam vô thần biến thành những kẻ lưu manh phá hoại đất nước, gây cho dân tộc suy kiệt về kinh tế và văn hóa đã tan nát trog thời bình...

    Trả lờiXóa
  4. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 11:25 13 tháng 5, 2013

    Bài của Osin Huy Đức rất hay, coi chừng mai mốt bị cấm về nước . ĐCSVN đang tự biến hóa rất nhanh do các UVTW trẻ . Hai tân UV BCT mang dáng dấp của hiện đại , mở đường bứt phá cho tương lai !

    Trả lờiXóa
  5. Tôi thấy ông Trọng có ưu điểm là đã xới lên vấn đề để có thể thấy rõ ứng xử của các ủy viên TW cũng như của các thành viên BCT!

    Trả lờiXóa
  6. Người ta chỉ có thể làm chậm tiến độ và cường độ của một xu hướng xã hội chứ không thể làm tan biến xu hướng xã hội ấy! Trong kinh tế học có quy luật giá trị giảm dần: Cái gì rồi cũng tới ngày giá trị của nó chỉ còn là con Zero, và đó là thời kỳ của những cái mới, cái tiến bộ, cái hữu dụng hơn xuất hiện, thay thế. Ai thức thời cuộc tất giả vi hào kiệt. Ngày xưa, nền tảng kinh tế cốt lõi của một cộng đồng là điền địa nên giới quân phiệt luôn là kẻ chỉ huy lịch sử vận mạng của nhiều người còn lại. Ngày nay, nền tảng kinh tế cốt lõi của một cộng đồng vừa là điền địa, tiền bạc, máy móc,kỹ thuật, tri thức khoa học và cần lao nên kẻ chỉ huy lịch sử là một tổng phối hợp các ý chí lợi ích của những yếu tố này. Ai còn tìm mọi cách khống chế nguồn tài nguyên điền địa nhằm tiến tới khống chế các yếu tố khác, trong đó có yếu tố cần lao đông đảo, rồi lại dùng các yếu tố bên trên cùng khống chế vào nhau, trói buộc vào nhau nhằm cứng đọng hóa vĩnh viễn lịch sử theo ý chí chủ quan của mình, thì đã vô tình hay cố ý dùng phương thức tư duy cũ để ngăn cản, kềm hãm những quy luật vận động của một thời kỳ mới.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi thích lối lập luận có sử liệu của HĐ nhưng hình như HĐ chưa nói hết ý.Sao không nói thẳng ruột ngựa như mấy bác xe ôm:Nếu tôi là UVTƯ tôi cũng không bầu cho NBThanh vào BCT vì nếu ông ấy mà trị ông ThT NTD(là Sếp tụi tôi)do tham nhũng hay quan liêu,lãnh đạo dở ...vv,thì sau đó sẽ trị tới tụi tôi thôi.Đúng cách nói dân gian .

    Trả lờiXóa