Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

TÔ VĂN TRƯỜNG: CON SỐ MÀ BIẾT NÓI NĂNG

CON SỐ MÀ BIẾT NÓI NĂNG
Tô Văn Trường

Trong dân gian có câu truyền khẩu:

Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”.

Nhìn vào con số thống kê ở Việt Nam do bệnh thành tích và “phục vụ yêu cầu lãnh đạo” nên thường được “chế biến” theo ý kiến chỉ đạo của những người có trách nhiệm ở cả trung ương và địa phương.

Không có gì phải ngạc nhiên, trên báo Phụ nữ Today mới đây đăng bài phỏng vấn ông Chủ tịch hội Thống kê quốc gia Nguyễn Văn Tiến đã huỵch toẹt thẳng thừng các chỉ số thống kê luôn có hai loại. Loại dùng công bố cho dân hầu hết là con số láo, khác xa với chỉ số thật. Chủ tịch hội Thống kê quốc gia còn khuyên người dân một cách rất mỉa mai và… ngang ngược rằng “chấp nhận công bố bao nhiêu biết bấy nhiêu, người dân thấy sao cứ biết vậy đi!”.


 Nhìn lại lịch sử từ năm 1954-1975 đất nước Việt Nam chia làm hai miền thuộc hai chế độ chính trị khác nhau. Ở miền Bắc, ngành thống kê áp dụng phương pháp luận của “Hệ thống các bảng cân đối vật chất – MPS”. Ở miền Nam, Viện Thống kê thuộc chính quyền Sài Gòn áp dụng “Hệ thống các tài khoản quốc gia – SNA”. Thời kỳ 1976-1988 đất nước thống nhất, ngành thống kê áp dụng MPS cho phạm vi cả nước. Từ 1989 đến nay, ngành thống kê Việt Nam áp dụng SNA trên phạm vi toàn quốc (ngày 25-12-1992, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 183/TTg về việc chính thức áp dụng hệ thống SNA trên phạm vi cả nước thay cho hệ thống MPS trước đây).

Theo tôi hiểu tất cả mọi số liệu thống kê đều phải đi từ số liệu nguyên thủy, số liệu gốc từ nơi phát sinh ra. Trình độ phát triền khoa học, công nghệ cho phép thu thập số liệu này ngày càng đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn. Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội có phức tạp hơn so với những số liệu, thống kê về các hiện tượng tự nhiên. Vấn đề được đặt ra không phải chỉ là có được số liệu thống kê mà còn phải biết phân tích xử lý thống kê. Chẳng hạn như có số liệu thống kê tổng số nợ, nợ xấu và số liệu đó được hình thành từ việc tổng hợp các khoản nợ do các con nợ và chủ nợ đứng ra cho vay. Thế nhưng khi báo cáo lại không chịu làm rõ là ai nợ, vay nợ để kinh doanh trong lĩnh vực nào thì khó có thể có giải pháp thích hợp để khắc phục tình hình. Các đại biểu Quốc hội cũng không chú ý đúng mức đến yêu cầu Chính phủ phải báo cáo cụ thể thực trạng đó mà nặng về đòi hỏi phải có con số chuẩn xác về nợ. Đó là thiếu sót trong việc xử lý phân tích số liệu thống kê.

Về tính độc lập của Tổng cục Thống kê. Trước đây, thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có lúc ông gộp lại Thống kê vào Bộ Kế hoạch. Chuyên gia tư vấn Vũ Quang Việt xin gặp thẳng ông Kiệt và trình bày là Thống kê các nước phải độc lập để bảo đảm tính khách quan, ngân sách phải được Quốc hội qui định trực tiếp. Mọi điều tra và báo cáo thống kê không phải thông qua bất cứ ai. Ông Kiệt sau đó đồng ý, tách công tác thống kê để đảm bảo tính độc lập. Thời kỳ sau này, người ta lại cho thống kê được gộp vào thành một phần của Bộ Kế hoạch & Đầu tư với lý do gộp vào để dễ quản lý, chứ còn thống kê vẫn độc lập!? Trong thực tế, nói vậy chứ không phải vậy!

Sự tin cậy của số liệu thống kê ở diện quốc gia: Theo chuyên gia Vũ Quang Việt cho biết ngay từ những năm 1989-1990 con số thống kê đã không thể tin cậy được. Nhiều số liệu tính toán về tiền tệ do Ngân hàng nhà nước (thời ông Cao Sỹ Kiêm là Thống đốc) cung cấp cho các tổ chức quốc tế là số giả, không thể dùng được. Lúc ấy, số liệu theo kiểu xã hội chủ nghĩa dù không giả cũng không thể dùng vì chúng không được xây dựng theo nguyên tắc quốc tế. Để giúp Việt Nam lúc đó, chuyên gia Vũ Quang Việt là người chịu trách nhiệm đưa phương pháp tính của Liên Hiệp Quốc vào VN đã hướng dẫn Tổng cục thống kê thực hiện và trực tiếp phải tự tính ra số liệu dựa vào thông tin được cung cấp. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, người ta chịu nhiều áp lực, ngày càng công bố ít số liệu chi tiết nên khó kiểm tra độ tin cậy. Ngoài ra trình độ nghiệp vụ cũng hạn chế hơn thời xưa.

Sự tin cậy của số liệu thống kê ở diện địa phương: Những số liệu này ngay từ những năm 1990 cũng không thể tin cậy được. Bệnh nặng nhất là bệnh giả dối do các địa phương muốn có thành tích. Tổng cục Thống kê có thể sửa lại dựa vào số liệu điều tra để tính GDP cho địa phương nhưng người ta ngại về quy chế và mối quan hệ xã hội nên không dám làm. Cách làm tốt nhất là có thể phải xóa bỏ thống kê địa phương để đỡ tốn tiền vì những con số đó làm ra không có giá trị. Nếu cần lập thống kê vùng phải do Tổng cục Thống kê trực tiếp điều hành. Các nước khác, đều làm như thế.

Sự tin cậy của thống kê thất nghiệp. Tổng cục Thống kê nói là được hướng dẫn bởi ILO là tổ chức về lao động của Liên Hiệp Quốc. Nhưng ngạc nhiên nhất là thống kê thất nghiệp không phản ánh gì tăng trưởng GDP. Một trong những điều thấy rõ là khi làm thống kê thất nghiệp mà đưa khu vực nông thôn vào là có vấn đề, nhất là lao động nông nghiệp vẫn còn chiếm trên 70% lực lượng lao động. Làm sao có thể đánh giá thất nghiệp những người này khi họ làm theo mùa vụ và khi chỉ làm 1 tiếng đồng hồ cũng không bị coi là thất nghiệp. Các nước chỉ đo thất nghiệp ở thành phố. Những con số này mới phản ánh đúng tình trạng việc làm. Minh chứng cho thấy nếu 69% là ở nông thôn mà hầu hết coi như không có thất nghiệp thì tỷ lệ thất nghiệp cả nước rất thấp dù thất nghiệp ở thành thị (hoạt động trong công nghiệp và dịch vụ) tăng rất cao. Nếu thất nghiệp ở thành thị tăng từ 2% lên 8% mà thất nghiệp ở nông thôn không tăng thì thất nghiệp cả nước chỉ tăng từ 0.6% lên. 2.44%.

Thông kê ngân hàng. Các chuyên gia muốn đánh giá công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất khó khăn vì thường chỉ công bố vài số liệu, cũng không hệ thống nên khó lòng theo dõi và phân tích. Họ cũng chỉ đưa ra số liệu khi bắt buộc phải công bố. Mấy năm gần đây, khi nhóm lợi ích đầy quyền lực ‘thọc’ vào ngân hàng, thì con số thống kê càng tùy tiện, phấn hứng theo cái roi chỉ đạo ‘nhảy múa’ lộn tùng phèo không biết đâu mà lần, nhiều biểu hiện cố tình ‘lập lờ đánh lận con đen’.

Bài học kinh nghiệm của nước ngoài

Tổng thống Obama mới đề cử ông John H. Thompson là người đứng đầu một tổ chức nghiên cứu có uy tín nhất khu vực tư nhân vào vị trí lãnh đạo Cục điều tra dân số nhưng phải được Thượng viện thông qua. Tiêu chí lựa chọn người đứng đầu làm công tác thống kê là có kinh nghiệm về chuyên môn và quản lý, bản lãnh, ủng hộ đổi mới và có mối quan hệ tốt với Quốc hội, có khả năng lập kế hoạch nghiêm túc cho cuộc tổng điều tra năm 2020, cố gắng tiết kiệm, sử dụng kinh phí có hiệu quả và thích ứng với thời đại kỹ thuật số. Ngân sách thường xuyên của Cục thống kê dân số này là: $900 triệu/năm. Ngân sách cho điều tra thống kê cơ bản (10 năm một lần) năm 2010 là 13 tỷ US, và có thể lên tới $25 tỷ vào năm 2020. Theo luật pháp, các thông tin số liệu đều phải công bố công khai minh bạch, thuận tiện cho người quan tâm phân tích, sử dụng.

Ở Mỹ, với mong muốn thu được số liệu đúng và đầy đủ để điều hành xã hội và nền kinh tế thì thông qua công nghệ và tiền người ta có thể làm được điều đó nhưng ở Việt Nam ngay cả khi có đổ ra hàng núi tiền cũng chẳng thể hy vọng có được con số chính xác và đầy đủ bởi vì hệ thống chính trị không muốn công khai con số thật nếu có. Mặt khác, bản thân nhiều người đi điều tra cũng bị lây nhiễm căn bệnh “tham nhũng cấu trúc”! Người bạn ở Viện nghiên cứu kể cho nghe có dự án đã từng trả nhiều tiền để làm thật, cũng có chuyên gia sang tập huấn, có sử dụng công cụ GPS nhưng mà rồi họ vẫn cứ làm điêu, vẫn bịa đặt để cho xong chuyện nói ra, xấu hổ lắm!

Giải pháp cần thiết ở Việt Nam

Ngẫm suy câu nói của Chủ tịch hội Thống kê quốc gia khuyên người dân một cách rất mỉa mai và… ngang ngược rằng “chấp nhận công bố bao nhiêu biết bấy nhiêu, người dân thấy sao cứ biết vậy đi!”. Đó là nỗi đau không chỉ của riêng ai.

Nhìn rộng hơn, trong chừng mực nhất định, có thể nói là lịch sử phát triển xã hội của nhân loại là luôn chứng kiến việc người được dân bầu ra đã lạm dụng quyền lực được giao để từ chỗ là người đầy tớ của dân biến thành ông chủ của dân. Đó là thực trạng diễn ra vào giai đoạn tan rã của chế độ xã hội cộng đồng nguyên thủy. Sau đó là tình trạng giai cấp cầm quyền, sau một thời kỳ hưng thịnh, thì luôn đi vào con đường thoái hóa dẫn đến bị nhân dân lật đổ. Đặc điểm của chế độ xã hội châu Á (trước hết là của Trung Quốc và Việt Nam) thì dòng họ cầm quyền bị nhân dân lật đổ để thay thế bằng một dòng họ khác, có tiến bộ hơn vì coi trọng lợi ích của nhân dân. Thế nhưng sự lật đổ này không dẫn đến việc thay đổi chế độ xã hội mà chỉ thay đổi dòng họ trị vì. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của nông dân Việt Nam là một minh chứng.

Ngày nay, ở các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây, sự lật độ này diễn ra dưới hình thức thay thế đảng cầm quyền bằng đảng đối lập nhưng rồi đảng đối lập cũng phải nhường lại vị thế đó cho đảng mà họ đã thay thế. Chủ yếu vì không được lòng dân. Từ thực tế lịch sử đó, chúng ta có thể suy ngẫm là làm sao ngăn chặn sự thoái hóa của đội ngũ lãnh đạo. Hồ Chí Minh đã thấy vấn đề đó nên đã có lời dạy cán bộ là công bộc của dân, nhân dân là chủ nhà nước và nhà nước chỉ là người quản lý thế nhưng thực tế người ta chỉ đi học những cái gì khác.

Hiện nay, người dân thấy rõ việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thể hiện việc cố tình loại bỏ quyền làm chủ của nhân dân mặc dù quyền đó đã được Hiến pháp 1992 khẳng định. Do đó, để tháo gỡ những tồn tại về việc đội ngũ cán bộ các cấp đã lạm dụng quyền lực được giao là một vấn đề chung của nhân loại, không riêng của một nước nào. Từ đó, cần suy nghĩ, tìm giải pháp có hiệu lực thực tế để khắc phục, gắn với đặc điểm kinh tế-xã hội của nước ta.

Thay cho lời kết

Chỉ tiêu GDP ngày nay được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các báo cáo thành tích cuối năm ở các địa phương. GDP tăng trưởng cao thường gắn liền với sự hãnh diện, GDP tăng trưởng thấp là một sự lo âu vì người ta thường nhìn vào “cái ghế” hơn là tôn trọng sự thật của các con số. Điều này gây ra khó khăn rất lớn cho những người sử dụng và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô. Cái sai, cái láo của con số thống kê chỉ là một biểu hiện thấy rõ của cái sai lỗi hệ thống ở nước ta:

“Nhìn ra thế giới mà xem
Thông kê không thể tèm lem ù xòa
Chỉ riêng ở Việt Nam ta
Thống kê theo kiểu con ma cụt đầu
Những con số làm mồi câu
Những con số biết trở đầu xuống đuôi
Khi đằng cán, lúc đằng chuôi
Chẳng qua cũng để mà nuôi chức quyền
Con số mà biết kêu lên
Biết bao cái ghế chức quyền phăng teo.”

T.V.T

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét