Ghi chép của Trịnh Anh Tuấn
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Có khi quá dài trong một đoạn đời. Mà cũng quá ngắn đối với một dòng chảy mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc kiên cường. Chừng đó thời gian đủ biến một đứa trẻ thành một người trưởng thành thực sự, đủ biến một người đàn ông cường tráng thành một ông già lú lẫn, đủ biến một đời người thành cát bụi. Dẫu thế, vẫn không thể làm phai mờ đi trong tâm trí những người mẹ vẫn nhớ thương con, những người vợ vẫn chờ chồng, những người con vẫn nhớ cha; về những người con đất Việt giữ mãi mãi tuổi xuân của mình vào ngày hôm đó. 14/03/1988. 25 năm rồi, thù hận và mất mát của dân tộc này đâu dễ để quên. Dẫu rằng, ai đó đã cố tình bắt người khác phải quên, cố tình đánh cắp những bài học trên lớp mà đáng ra các em phải được học. Và 64 xác người chìm trôi trên biển năm đó, có biết rằng những hòn đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao vẫn nằm trong tay kẻ thù.
Tìm về các gia đình liệt sỹ Gạc Ma
Tôi xuống Hải Phòng vào những ngày giữa tháng 3 rất đẹp. Mùa xuân vừa tới làm xanh lên những lá cành sau một mùa đông khô trụi. Thành phố hoa phượng đỏ với tôi cũng không khác biệt lắm với những thành phố khác, tấp nập và vội vã. Tôi tìm đến địa chỉ 163 Trần Nguyên Hãn, Q. Lê Chân, TP. Hải Phòng, nhà của liệt sỹ Đoàn Khắc Hoành. Địa chỉ đó bây giờ đã thành một showroom của hãng điện thoại Thế giới di động, phía sau là một quán ăn. Một ngày tiếp đó là một ngày đầy mệt mỏi và chán nản. Cung cách làm việc của các cán bộ Phòng Thương Binh- Xã hội từ quận Lê Chân đến phường Trần Nguyên Hãn làm mất rất nhiều thời gian và gây cảm giác rất khó chịu. Đó là việc mà tôi đã biết trước. Tuy nhiên, điều thất vọng hơn là mất một ngày làm việc mà không mang lại kết quả nào.
Tiếp tục hành trình của mình về huyện Thủy Nguyên, chiếc xe bus dừng lại cho chúng tôi xuống ở xã Chính Mỹ. Người dân quê mình hiền hòa quá, thấy chúng tôi đi bộ từ ngoài đường lớn vào UBND xã Thủy Nguyên, một chàng trai tốt bụng đã cho chúng tôi đi nhờ xe. Cô cán bộ phòng TB-XH khi chúng tôi vừa hỏi, không cần xem bất cứ giấy tờ gì đã chỉ ngay đường vào nhà gia đình liệt sỹ Nguyễn Thanh Hải cách đó không xa. Bước chân vào nhà, bức di ảnh người chiến sỹ Hải Quân trẻ tuổi trên chiếc bàn thờ hiện ra trước mắt. Đôi mắt sáng ngời và đẹp đẽ lạ thường.
Câu
chuyện về anh, chàng trai mãi mãi bỏ lại tuổi 20 của mình trên biển Gạc
Ma năm ấy làm tôi nghẹn lòng. 17 tuổi học hết cấp 3 anh vào Hải quân.
20 tuổi, xác anh chìm dưới đáy biển cùng những đồng đội của mình. Chiếc
tàu của anh và đồng đội phải hứng chịu những cơn mưa pháo đạn từ tàu
Trung Quốc dội vào. Anh nằm dưới đáy biển hơn 20 năm qua. Cách đây vài
năm, khi tìm được 8 xác chiến sỹ chúng ta dưới con tàu đắm, anh là một
trong số những người đó. Hơn một năm xác định ADN, 2 năm qua anh mới
được trở về với đất mẹ quê hương. Anh đã may mắn hơn rất nhiều so với
những người đã nằm đồng đội khác. 56 người kia vẫn chưa được trở về.
Nhờ những thông tin có được, chúng tôi tiếp về hòn đảo Cát Hải, nơi
có gia đình liệt sỹ Bùi Bá Kiên. Sau một quãng đường dài đến bến phà
Đình Vũ, 2 tiếng ngồi trên phà đi trên biển làm những mệt nhọc của một
ngày đi nắng của chúng tôi tan biến. Biển mênh mông hiện ra trước mắt.
Xa xa nơi đó, những người con đất Việt lần lượt nằm xuống để giữ gìn
biển đảo quê hương. Gia đình liệt sỹ Bùi Bá Kiên rất nhanh được người
dân xã Văn Phong chỉ dẫn. Dân quê mình sống chan hòa quá, cả xã đều biết
nhau. Ngôi nhà nhỏ bé như bao ngôi nhà ở xã Văn Phong này. Một xã rất
khó khăn chỉ có làm muối theo mùa nắng. Những lúc khác, bà con phải đi
phà qua khu công nghiệp Đình Vũ làm thuê. Ngôi nhà anh treo rất nhiều
huân chương và hình ảnh người lính Hải quân. Thì ra bố anh trước cũng là
lính Hải quân, bị thương rồi phải về dưỡng sức. Chú anh cũng là người
lính, và đã hi sinh. Anh hi sinh năm 21 tuổi. Đó là trận đánh đầu tiên
và cũng là cuối cùng của anh.
Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi ơn các anh
Hôm
sau, rất vui mừng đón đợi người thân 2 gia đình liệt sỹ mà chúng tôi đã
đến nhà mấy ngày trước. Họ đã vui vẻ nhận lời mời của tôi để tham dự
buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh 25 năm trước được các cô
bác anh chị từ Hà Nội xuống tổ chức. Gần tối, khi mọi người có mặt đông
đủ, chúng tôi tiếp bước về Đồ Sơn. Một vòng hoa trắng rất lớn đã được
chuẩn bị để tưởng nhớ các anh.
Buổi gặp mặt, tri ân các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma đã diễn ra ngắn gọn và
ý nghĩa. Nhà văn Nguyễn Tường Thụy thay mặt mọi người phát biểu tưởng
nhớ đến các anh. TS Nguyễn Xuân Diện đọc bài Văn tế các chiến sỹ Gạc Ma.
Những món quà nhỏ bé được trao đến hai gia đình như một hành động tri ân đến những người đã khuất.
Gần 22g khuya, khi mọi thứ đã chuẩn bị hoàn tất, mọi người cùng nhau
ra Bến Nghiêng, Đồ Sơn để cùng nhau thả đèn hoa đăng để tưởng niệm các
anh.
Người mẹ liệt sỹ Bùi Bá Kiên
Cháu gái liệt sỹ Nguyễn Thanh Hải
Mấy
ngày trước biển Đồ Sơn sóng gió rất mạnh. Có lẽ được các anh về giúp
đỡ, hôm nay biển êm ả lạ thường. Các anh đã về hôm nay, để chứng kiến
lòng thành kính của chúng tôi, tưởng nhớ những người con ưu tú của đất
mẹ đã hi sinh để giữ gìn đất đai biển đảo cho đất nước này. Ai đó có thể
quên, có thể bắt người khác phải quên, nhưng Tổ quốc và nhân dân sẽ
không bao giờ quên các anh, những liệt sỹ đã nằm xuống trước họng súng
của quân Trung Quốc xâm lược. Tổ quốc và nhân dân cũng sẽ mãi nhớ đến
những chiến sỹ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống 14 năm trước ở
Hoàng Sa, sẽ mãi nhờ đến bao người con đã ngã xuống để bảo vệ biên giới
phía Bắc 9 năm trước đó. Tất cả chúng tôi, những người mang trong mình
dòng máu Lạc Hồng, tưởng nhớ đến các anh, những người con yêu dấu đã xả
thân mình cho đất mẹ Việt Nam.
Xin nghiêng mình gửi đến các anh một lòng thành kính.
TỔ QUỐC VÀ NHÂN DÂN SẼ ĐỜI ĐỜI GHI ƠN CÁC ANH!
Cảm ơn em Trịnh Anh Tuấn! Bài viết của em rất cảm động, được xuất phát từ trái tim và tấm lòng của một con dân yêu nước, biết tạc dạ ghi lòng công ơn của các liệt sĩ đã bỏ mình vì chủ quyền lãng thổ.
Trả lờiXóaEm Trịnh Anh Tuấn đã cùng với các thành viên trong nhóm bạn bè âm thầm trong nhiều ngày để thực hiện kế hoạch tổ chức một LỄ TƯỞNG NIỆM VÀ THẢ HOA ĐĂNG NGOÀI BIỂN gửi tới 64 anh linh các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình trong trận hải chiến ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Là thành viên trong nhóm bạn bè, dù đã được biết chi tiết các công việc mà em Trịnh Anh Tuấn đã trải qua trong hành trình tìm đến gia đình và thân nhân các liệt sĩ, nhưng đọc bài viết này của em chúng tôi vẫn không khỏi xúc động nghẹn ngào.
Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ biển đảo của Tổ quốc nhân ngày 14/3. Xin cảm ơn ban tổ chức đã có những tấm lòng và những tình cảm sâu sắc nhớ ơn và nồng ấm đối với hương hồn của các anh và gia đình của các anh! Trân trọng cám ơn Trịnh Anh Tuấn và Blog Tễu đã đưa tin!
Trả lờiXóaTôi đã khóc khi đọc bài viết này.
Trả lờiXóaVà tôi đã xúc động đến lặng người, máu sôi trong huyết quản khi nhìn thấy video clip chiếu cảnh bọn giặc xâm lược bắn xối xả vào những người lính hải quân VN khi họ đã trở nên vô phương tự vệ trên bãi Gạc ma.
Muôn đời ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ VN anh hùng đã hy sinh mạng sống vì sự toàn vẹn của đất nước !
Các anh hùng liệt sĩ Trường Sa/Hoàng Sa sẽ sống muôn đời trong lòng Tổ Quốc và Nhân Dân, chứ không phải trong lòng lãnh đạo CSVN.
Trả lờiXóa
Trả lờiXóaCám ơn bạn Trịnh Anh Tuấn(tác giả ) và các đoàn đoàn viên trong đoàn đã đi thăm viếng các Liệt Sĩ hy sinh tại Gạc Ma, Trường Sa ngày 14/3/1988 - 14/3/2013.
Linh hồn các Liệt Sĩ linh thiêng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân Việt Nam sớm lấy lại sự toàn vẹn Biển Đảo thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam.
Nhưng trong bài viết có đoạn "...Và 64 xác người chìm trôi trên biển năm đó, có biết rằng những hòn đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao vẫn nằm trong tay kẻ thù."
Tôi phân vân, vì quân TQ chỉ chiếm được Gạc Ma. Đảo Lan Đao, Cô Lin vẫn còn thuộc sự kiểm soát của Việt Nam, điều này có đúng không?
Xin TS Nguyễn Xuân Diện hoặc các vị nào biết có thể thông tin giúp, xin cám ơn.
Đúng, Cô Lin và Len-đao ta vẫn giữ. Ba bãi ngầm Gạc Ma, Cô Lin và Len-đao hợp thành một cụm hình tam giác, cách nhau chừng vài hải lý. Cụm này nằm ở phía tây đảo Sinh Tồn. Sinh Tồn cách Gạc Ma cũng chỉ vài hải lý.
Trả lờiXóaTheo bài phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn cuối 2011 với kiều bào thì năm 1988, Trung Cộng chiếm được tất cả 7 bãi ngầm. Đến 2005 (có tài liệu lại nói năm 1995), Trung Cộng chiếm thêm 2 bãi nữa (Vành Khăn và Bàn Than) từ tay Philipine. Tóm lại, hiện nay Trung Cộng chiếm 9 bãi ngầm trong QĐ. Trường Sa.
Tôi khóc, trời sao nhà nước ta vô cảm thế nhỉ ? sao nhà nước ta vô ơn bạc nghĩa thế nhỉ ? Mời anh trọng, anh x xem bài này đi, HÀNH ĐỘNG BIỆN MINH CHO LỜI NÓI. TÔI QUÁ KHINH THƯỜNG CÁC ANH, VÀ SẼ KHÔNG AI TIN CÁC ANH ĐÂU.
Trả lờiXóaCám ơn Đào Tiến Thi, đúng là Đảo Len Đao, Cô Lin vẫn thuộc về Việt Nam.
Trả lờiXóa