Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

LUẬT GIA GIANG QUYẾT: KHÔNG AI CÓ QUYỀN TƯỚC ĐI SINH MẠNG NGƯỜI KHÁC

Luật gia Giang Quyết:

'Không ai có quyền tước đi sinh mạng người khác'


Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.

Đề xuất của Bộ công an về việc nổ súng trực tiếp để vô hiệu hóa các trường hợp có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ nghiêm trọng là một trong những nội dung của dự thảo Nghị định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ đang lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.

Đề xuất này ra đời trong bối cảnh dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được lấy ý kiến, góp ý rộng rãi từ nhân dân. Một trong những điểm mới được đánh giá rất cao của dự thảo sửa đối Hiếp pháp năm 1992 là việc ghi nhận và đưa các quyền con người vào trong Hiến pháp, trong đó có quyền sống. 


Ảnh minh họa
Không ai có quyền tước đi sinh mạng người khác. Việc nổ súng trực tiếp vào một người có thể ngay tức khắc sẽ giết chết người đó. Trong khi, dù phạm tội dã man, dù giết chết nhiều người thì người phạm có hành vi phạm tội vẫn phải trải qua quá trình điều tra, tuy tố xét xử trước khi bị buộc tội và thi hành án. Việc cho phép cán bộ có quyền nổ súng trực tiếp vào một người khi thấy người đó có dấu hiệu hoặc có căn cứ để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng chẳng khác nào hành vi kết án tử hình mà không qua các xét xử.

Đề xuất này của Bộ công an cũng nằm ngoài  và đi ngược với các trường hợp được phép nổ súng quy định tại Điều 22,  Pháp lệnh quản lý vũ khí và vật liệu nổ. Khác với pháp lệnh cho phép chỉ được nổ súng khi “những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác”, đề xuất của Bộ công an cho phép cán bộ được nổ sung ngay khả khi thấy có “dấu hiệu”… Điều này có thể dẫn đến việc nổ súng cảm tính, không chính xác.

Việc nổ súng tước đoạt tính mạng của người khác theo đề xuất của Bộ công an vô hình chung đã “thả lỏng” cho những hành động đáp trả có thể vượt quá giới hạn cho phép và 'không tương xứng'.  Tính mạng của một con người chắc chắn không thể xem nhẹ, không thể chỉ vì một hành vi có dấu hiệu chống người thi hành công vụ gây ra hậu quả nghiêm trọng mà có thể tước đoạt ngay tức khắc bằng việc nổ súng.

Dù là vì bất cứ lý do gì, dù là lấy lý do tình trạng chống người thi hành công vụ thời gian qua diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ. Thì cũng không thể trao thêm cho cán bộ quyền nổ súng như đề xuất mới của Bộ công an. Có như vậy việc ghi nhận quyền sống của con người trong dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 mới có giá trị, có ý nghĩa thiết thực.


Quyền sống là quyền cơ bản của con người được quy định tại Điều 3 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người; Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và trong nhiều điều ước quốc tế khác về quyền con người. Theo các văn kiện này: Mọi người đều có quyền sống. Quyền này được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước đoạt mạng sống một cách vô cớ.

Luật gia Giang Quyết

6 nhận xét :

  1. Thời gian gần đây xem trên mạng thấy công an hành xử quá thô bạo với dân. Nay lại đòi thêm quyền được nổ súng nữa. Cái này mục đích để đàn áp dân và uy hiếp tinh thần dân thì đúng hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu chính phủ ban hành nghị định với nội dung như vậy thì không những trái luật, mà chính phủ sẽ phải đối mặt với những cuộc biểu tình vô tiền khoáng hậu vì những hậu quả do việc công an được sử dụng vũ khí (không phải công cụ hỗ trợ) bắn người dân chỉ với lý do “có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ nghiêm trọng”.
    Hậu quả của việc sử dụng súng sẽ là chết người, nhẹ thì cũng gây thương tích. Qui định này sẽ dẫn đến việc tùy tiện sử dụng vũ khí, thậm chí là giết người với lý do công vụ mà kẻ giết người vẫn vô can.
    Trong các vụ khiếu kiện về đất đai, người dân bị ép lên xe chở về điạ phương thì bất cứ việc không chấp hành lên xe cũng có thể bị qui kết là “có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ nghiêm trọng”. Khái niệm “nghiêm trong” ở đây sẽ được giải thích như thế nào?
    Bộ luật hình sự quy định:
    Tội phạm ít nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù;
    Tội phạm nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù;
    Tội phạm rất nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù;
    Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
    Dự thảo nghị định qui định người chống người thi hành công vụ ở mức “nghiêm trọng” là đã bị cảnh sát dùng súng bắn chết hoặc bị thương rồi thì là sao? Họ mới có “dấu hiệu” thôi, chưa bị coi là có tội mà!
    Trong khi tội chống người thi hành công vụ (điều 257) qui định tại khoản 1 có mức hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù; khoản 2 có mức hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
    Nếu toà án xử họ có tội thì họ cũng chỉ ở mức tối đa là 7 năm tù, còn cảnh sát “xử’ thì họ sẽ bị từ chết đến bị thương.
    Ông nào đề xuất nếu là cấp tướng thì nên hạ sao xuống cấp tá thôi. Đề xuất như vậy thì có còn VÌ NƯỚC QUÊN THÂN, VÌ DÂN PHỤC VỤ KHÔNG?

    Trả lờiXóa
  3. Vậy mới gọi là CÔNG AN NHÂN DÂN.

    Trả lờiXóa
  4. Luật này đưa ra đúng lúc để đối đầu với các cuộc biểu tình rộng lớn sắp xẩy ra. Đây chính là lời hăm dọa từ bộ công an!

    Trả lờiXóa
  5. Không sao! Các cụ kể rằng: thực dân Pháp trước kia chúng bắn bỏ bất cứ người An Nam nào chúng thích,lính của ông Diệm bắn bỏ bất cứ ai chúng coi là Việt Cộng.
    Vậy dự thảo nghị định này đã bằng hành động của người Pháp thực dân và lính của ông Diệm đâu.

    Trả lờiXóa
  6. Chừng nào VN có Tòa Án Độc Lập và Quan Tòa được xét xử độc lập, không bị ai lãnh đạo để có sẵn án bỏ túi, thì chừng đó hãy nói đến CA có quyền bắn người. Nếu bắn lầm hay bắn bậy thì ai sẽ kết tội đây? Tự làm ra luật, thi hành luật, tự kết án và tự xử tử người dân, thì đó là chế độ gì?

    Trả lờiXóa