Truyền thông của cả Việt Nam và Trung Quốc đều
nhắc tới trận hải chiến Trường Sa 1988, trong đó gần 70 binh
sỹ Việt Nam thiệt mạng.
Hầu hết các báo trong nước, ngoại trừ cơ
quan ngôn luận của Đảng CSVN và quân đội, hôm thứ Năm 14/3 đồng
loạt có bài nói về trận chiến tại Gạc Ma năm 1988.
Vào buổi sáng, một nhóm nhỏ
người dân cũng tới đặt vòng hoa tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội,
để tưởng nhớ những chiến sỹ đã hy sinh.
Ngày 14/3/1988, hải quân hai bên giao tranh
tại đảo này khi Việt Nam tìm cách xây dựng cơ sở trên các đảo
chìm Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma.
Tham gia chiến dịch cắm mốc chủ quyền và
xây dựng đảo mang tên hiệu CQ-88 có lực lượng công binh của Trung
đoàn công binh 83 (Quân chủng Hải quân) và binh lính Lữ đoàn 146
(Vùng 4 Hải quân) trên ba tàu vận tải số hiệu HQ-505, HQ-604 và
HQ-605.
Báo Việt Nam cho biết chiến dịch CQ-88
được thực hiện sau khi từ cuối năm 1987 Trung Quốc đưa tàu chiến
tới vùng biển Trường Sa nhằm chiếm giữ các đảo trong khu vực.
Tham gia trận chiến về phía Trung Quốc có ba chiến hạm số hiệu 502, 531 và 556, với hỏa lực vượt trội.
Vòng tròn bất tử
Sau nhiều năm không nhắc nhiều tới sự kiện
hải chiến Trường Sa, dịp này năm nay các báo đều mô tả tỉ mỉ
những gì diễn ra 25 năm trước qua lời kể của các nhân chứng.
Sáng 14/3/1988, tàu Trung Quốc đã thả quân
lên đảo Gạc Ma, giao tranh với các chiến sỹ công binh Việt Nam lúc
đó đã hình thành một vòng tròn để bảo vệ quốc kỳ.
Trung Quốc bắn súng và nã pháo khiến hầu
hết nhóm hải quân Việt Nam trên đảo tử trận. Tàu HQ 604 sau 15 phút hứng
chịu hỏa lực thì chìm hẳn cùng với thuyền trưởng và các thủy thủ trên
tàu.
Tàu HQ 505, đang giữ bãi Cô Lin, đã bốc cháy
khi phải chịu hỏa lực từ ba pháo hạm của Trung Quốc. Tàu HQ 605 cũng
thiệt hại nặng và chìm hẳn vào sáng hôm sau.
Sau trận chiến, Trung Quốc chiếm được đảo Gạc Ma. Việt Nam giữ được hai đảo Cô Lin và Len Đao cho đến ngày nay.
Theo tài liệu của Việt Nam, ba thủy thủ Việt Nam
hy sinh và 70 người mất tích mà 61 người trong số đó sau này vẫn được
xem là đã tử trận.
Chín người bị Trung Quốc bắt làm tù binh và trả tự do ba năm sau đó.
Truyền thông Việt Nam cũng cho hay ở trong
nước đã có các hoạt động giao lưu với cựu binh Trường Sa và
tưởng nhớ những người đã hy sinh.
'Nắm thời cơ đúng lúc'
Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng nhắc tới dịp kỷ niệm hải chiến Trường Sa.
Mạng Sina có bài tổng hợp ý kiến các
chuyên gia quân sự ca ngợi Giải phóng quân Trung Quốc đã biết
nắm thời cơ đúng lúc để 'chiến đấu bảo vệ chủ quyền', "đập
tan sự ngỗ ngược của Việt Nam".
Một tháng sau trận chiến này, tỉnh Hải
Nam được thành lập và nay đã trở thành trung tâm của các hoạt
động hải quân ở Biển Đông của Trung Quốc.
Nhạc Cương, một cựu tướng lĩnh Trung Quốc,
được dẫn lời nói Trường Sa và Biển Đông vẫn giữ vị trí
chiến lược vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc, và nơi đây
cần có hiện diện của hàng không mẫu hạm trong tương lai.
Tướng Nhạc Cương cũng cho rằng hải chiến
Trường Sa, cũng như các cuộc đụng độ giữa Việt Nam và Trung
Quốc những năm 1979 hay 1981 cho thấy xu thế không can thiệp của
các nước lớn khi quyền lợi của họ không bị đụng chạm.
Website tin tức Phật Sơn của Trung Quốc
cũng chạy một chùm ảnh mô tả những gì đã xảy ra ngày
14/3/1988 với lời bình ca ngợi trận chiến 'quả cảm' của hải
quân Trung Quốc.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét