Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM ĐI QUA NGHÌN NĂM ĐẾN VỚI MUÔN SAU


Nhân sự kiện trao bằng  Di sản tư liệu thế giới cho 82 bia Văn Miếu HN

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
Đi qua nghìn năm đến với muôn sau
Nguyễn Xuân Diện

Lời dẫn: Tối 25.2.2013, tại khu vực nhà Thái học, khu di tích Văn Miếu Quốc tử giám HN, đại diện UNESCO đã trao bằng chứng nhận Di sản Tư liu thế giới cho 82 văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (thực ra đã ghi danh công nhận từ 09.3.2009. Xem bài trlời phỏng vấn của Nguyễn Xuân Diện và Dương Trung Quốc đối với RFA tại đây). Sẽ là vô ơn, nếu chúng ta không nhắc tới sự kiện: Năm 1994, nhờ sự tài trợ khoảng 70,000 đôla Mỹ của American Express thông qua Hội đồng Hòa giải Đông Dương của Mỹ, Hà Nội đã xây dựng lại được 8 nhà che bia, bảo vệ các tấm bia khỏi mưa nắng. Nhân dịp này, xin giới thiệu một bài viết nhỏ của Nguyễn Xuân Diện về Văn Miếu - Quốc tử giám.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám một ngôi đền văn học có từ ngàn năm nay, luôn là một nơi tụ khí thiêng của đất nước. Theo các bản đồ cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tọa lạc trên chính giữa một quả gò nằm về hướng Nam hoàng thành Thăng Long. Cả một vùng hồ nước bao quanh lấy khu gò hỗ trợ cho mạch văn thêm mạnh. 

Các nhà cổ sinh học đã thống kê được trong khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử giám có 27 loài thực vật thuộc 18 họ cây khác nhau (8/1990). Giữa những cây cổ thụ và hệ sinh thái ở đây, các kiến trúc bố trí đối xứng qua một trục thần đạo tạo nên nét đăng đối và gợi ra tinh thần đường bệ trang nghiêm của cả khu di tích.
Văn Miếu là ngôi miếu thờ Đức Khổng Tử. Quốc Tử giám là một nhà quốc học, tức là nơi dạy dỗ con cháu hoàng tộc, con em các quan chức và những thư sinh ưu tú. Chính nơi nhà quốc học là nơi nhộn nhịp bước chân sĩ tử đến dự các kỳ bình văn trong nhà giám, trở thành ấn tượng của nền Nho học thịnh thời ngày xưa.

Toàn bộ khu vực Văn Miếu – Quốc tử giám được bao quanh bằng bức tường gạch vồ thâm nghiêm sau những tán cây già, mà bên trong được chia thành 5 khu vực phân minh được ngăn bởi những tòa cổng rêu phong, tĩnh lặng. Xa xa là Văn hồ, giữa hồ là một gò đất có bia đình nhỏ xinh với tấm bia do TS. Bố chánh Hà Nội Lê Hữu Thanh soạn năm Tự Đức thứ 18 (1856). 

Cổng Văn Miếu môn nằm giữa hai tòa bi đình dựng ngay sát đường trong dựng bia Hạ mã xác định rằng dù công hầu khanh tướng, võng điều ngựa tía mỗi khi qua đây đều phải “khuynh cái, hạ mã”(nghiêng lọng, xuống ngựa) để tỏ lòng thành kính. Những hàng câu đối đề khắp các cột nghi môn dẫn dắt nho sinh vào cửa Khổng sân Trình. 

Theo con đường lát gạch là tới Đại trung môn, và hai bên là Dực Thánh môn và Đạt tài môn đối xứng hai bên tạo thành một khoảng vuông đầy cổ thụ soi mình bên hai hồ nước nhỏ tạo nên một cảnh trí tĩnh mịch, u nhã, sâu lắng.

Khuê Văn Các hiện ra trong những tán cây già. Một tòa lầu 8 mái ứng với bát quái Kinh Dịch được dựng vào năm 1805. Sao Khuê là một trong nhị thập bát tú, tượng trưng cho văn chương, với khung cửa tròn nằm trong một khung vuông, tượng trưng cho trời và đất. Khung cửa tròn của gác Khuê Văn soi bóng xuống giếng vuông Thiên Quang tỉnh càng làm rõ sự âm dương đối đãi trong kiến trúc cổ. Mỗi khi làn nước giếng Thiên Quang xao động thì bóng gác Khuê Văn lại như lay động lung linh tạo nên những chuyển động rất thi vị. 

Hai dãy nhà bia với 82 tấm bia Tiến sĩ được khắc trong suốt các triều Lê – Mạc vẫn uy nghi đứng đó. Việc khắc bia Tiến sĩ, cùng những ân điển mà triều đình ban tặng như cưỡi ngựa dạo kinh đô, ăn cỗ yến, dạo vườn thượng uyển là điều mà bất cứ khóa sinh nào cũng mơ tới. Những tấm bia nghè ở đây không chỉ lưu danh các tiến sĩ mà còn chứa trong đó bao áng văn với những điển nhã sâu sắc, thể hiện một tư tưởng trọng học, trọng khoa cử, trọng hiền tài của các triều đại xưa.

Trên văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442), Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”.

Bài văn còn viết: “Hãy đem họ tên những người đỗ khoa này mà điểm lại, thì thấy nhiều người đã đem tài năng văn học, chính sự để tô điểm cho nền trị bình, mấy chục năm qua được quốc gia trọng dụng. Cũng không phải là không có kẻ vì tham lam hối lộ mà hư hỏng hoặc rơi xuống hạng gian tà, có lẽ vì lúc sống bọn họ chưa được nhìn thấy tấm bia này. Ví thử đương thời chính mắt họ trông thấy thì lòng thiện được khuyến khích mà ý xấu được ngăn ngừa, mầm nghiệt đâu dám nảy sinh? Thế thì việc dựng tấm đá này có lợi ích rất nhiều: kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện lấy đó làm gắng, biết rõ dĩ vãng, rộng nhìn tương lai, vừa là để rèn giũa danh tiết của kẻ sĩ, vừa là để củng cố mệnh mạch nước nhà”(Bản dịch của GS Ngô Đức Thọ và cộng sự).

Cửa Đại thành là cửa cuối cùng dẫn vào một sân rộng và nhà Bái đường. Góc sân kia là hai cây gốc đại già cổ kính do Tư nghiệp Quốc Tử giám Nguyễn Nghiễm (cha của đại thi hào Nguyễn Du) tự tay trồng trong một lần ghé thăm Văn Miếu. Vẫn còn đây những di vật của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm. Đó là bút tích bức hoành phi “Cổ kim nhật nguyệt” do tự tay ông viết, là quả chuông Bích Ung do ông hưng công việc đúc chuông. Khi xưa Nguyễn Khản thi đỗ Tiến sĩ, ngày ban yến ở nhà khánh tiết của bộ Lễ, được chính cha mình là quan Tư đồ Nguyễn Nghiễm tự tay gài bông hoa vàng lên mũ cho con. Người đương thời truyền tụng như một câu chuyện đẹp và hiếm hoi ở đời.

Theo định nghĩa của Hán học, Văn hiến là một khái niệm bao gồm hiền tàithư tịch. Hà Nội là một vùng đất văn hiến. Văn Miếu – Quốc Tử giám là nơi lưu danh thơm của các bậc hiền tài qua các thời đại. Họ đã sáng tạo nên nhiều thư tịch, ghi lại cảnh sắc, con người, phong tục, thổ sản của Thăng Long và của cả nước. Những thư tịch ấy đã có một đời sống riêng trong dòng chảy bất tận của văn hóa Việt Nam, trở thành thông điệp trao chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác, vừa riêng trong cốt cách, giọng điệu, vừa chung trong tâm thế của căn cước Việt Nam.

Ngày nay, quy mô của nhà Thái học mới được tôn tạo, hệ thống thờ phụng các danh nhân và hoàng đế anh minh được mở mang. Khu di tích đã trở thành Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử giám, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa khoa học quan trọng.
.
Với vẻ đẹp rất riêng, cổ kính thâm trầm và thanh bình, lắng sâu giữa lòng thành phố ngàn năm tuổi, Văn Miếu – Quốc Tử giám đã là chứng nhân của lịch sử, chứng kiến bao bước đi thăng trầm của lịch sử. Những triều đại, những con người, và bốn mùa đã đi qua …

N.X.D

Bài đọc thêm:
RÙA ĐỘI HẠC - RÙA ĐỘI BIA 
Nguyễn Xuân Diện

Ca dao xưa có câu:
Thương thay thân phận con rùa
Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia
Ngày nay đến những ngôi đình, chùa hay văn chỉ, văn miếu ở những làng quê Việt Nam, chúng ta vẫn còn gặp lại con rùa đội hạc, đội bia lặng lẽ như ngàn năm vẫn thế.
Rùa là loài vật có nhiều điều đáng nói. Về mặt sinh học, rùa là loài bò sát lưỡng cư, có tuổi thọ cao, có thân hình vững chắc, cứng rắn, giỏi nhịn ăn và có khả năng tự vệ bất khả. Rùa sống rất lâu. Một nông dân ở tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) bắt được một con rùa lạ ở núi Tiên Nham. Các nhà chuyên môn đã xem xét và kết luận con rùa đó đã ra đời cách đây khoảng trên dưới 800 năm. Sử ký của Tư Mã Thiên đã chép truyện một ông già đặt con rùa làm vật kê dưới chân giường. Hai mươi năm sau, con cháu cụ già rời chiếc giường và phát hiện con rùa vẫn sống, dù không được ăn uống gì cả. Dân gian thường vẫn chúc nhau được “tuổi quy, tuổi hạc”.
Rùa không có nhu cầu ăn uống như các loài vật khác, thức ăn đối với chúng không quan trọng. Khả năng tuyệt thực của rùa rất đáng nể. Nó có thể nhịn đói một cách tuyệt đối nghĩa là không ăn, không uống mà vẫn sống trong một thời gian dài. Không ăn nhiều, nhịn đói tốt cho nên rùa được coi là thanh cao, thoát tục. Rùa đội hạc, rùa đi với hạc trong bộ đỉnh trầm thơm ngát và thanh tịnh trên bàn thờ ở các đền, đình, miếu quán và các tư gia trong những ngày khánh tiết, húy kị.
Nếu như trên đình, rùa tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục, linh thiêng thì ở dưới chùa, rùa tượng trưng cho sự trường tồn bất diệt. Rùa đội bia đá. Bia đá mang trên mình văn tự (chữ). Rùa đội bia là đội văn tự. Như vậy rùa là vật mang, chở thông tin và văn hóa. Trước Công nguyên hơn 1000 năm, người Trung Hoa cổ đại đã sáng tạo ra chữ viết (chữ Hán) và đem khắc vào mai rùa, xương thú (chữ ấy gọi là giáp cốt văn). Rùa không những mang chở trên mình những thông tin mà còn mang cả những suy tư, triết lý của con người về thiên nhiên, vũ trụ và xã hội loài người. Theo truyền thuyết, khi vua Vũ (Trung Quốc) trị thủy thành công, ở sông Lạc Thủy có con rùa thần nổi lên, trên lưng có hoa văn, gọi là Lạc thư (bản viết trên sông Lạc Thủy). Lạc thư cùng với Hà Đồ là những phát minh quan trọng về dãy số tự nhiên, có thể giải thích nhiều hiện tượng trước mắt và suy đoán những sự việc xảy ra trong vũ trụ.
Trở lại với hình tượng rùa đội bia, việc lựa chọn có lẽ phát xuất từ hai khía cạnh có liên quan đến loài rùa: sống lâu - trường tồn bất diệt (ý nghĩa sinh học) và mang chở thông tin - văn hóa, triết lý (ý nghĩa nhân văn). Sự lựa chọn loài rùa để cho đội bia của người phương Đông dựa trên hai ý nghĩa ấy, thể hiện cách nhìn nhận và quan niệm mang tính nhân văn của con người.
Rùa đội bia trở thành hiện tượng văn hóa quen thuộc đối với người Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung.
82 tấm bia trên lưng 82 con rùa ở vườn bia Văn Miếu, Hà Nội là chứng tích về sự trường tồn, là biểu tượng của thủ đô văn vật. Hàng ngàn tấm bia, hàng ngàn con rùa đội bia ở trong các khu danh lam cổ tích trên phạm vi cả nước ta đang âm thầm mang chở trên mình những thông điệp của cha ông, tổ tiên ta từ bao đời nay gửi lại cháu con. Rùa âm thâm lặng lẽ đi từ thuở xa xưa vào thẳng thế kỷ 21 và nhiều thiên niên kỷ mai sau. Thử hỏi có loài vật nào lại cần mẫn đến thế, hy sinh đến thế?
Báo Hà Nội mới Chủ nhật số 295 (13/11/1994).


1 nhận xét :

  1. Thần Kim Quy đã chỉ cho An Dương Vương Thục Phán kẻ thù ngồi ngay sau lưng nhà vua . Chính là công chúa Mỵ Châu . Thần Kim Quy nổi lên ở Hồ Gươm nhận lại kiếm báu của Lê Thái Tổ . Rồi có phải từ đó Thần Kim Quy không còn trực tiếp với các bậc quân vương mà biến thành Rùa Đá đội bia cho các nhân tài giúp vua giúp nước ?
    Thần Kim Quy đã gắn liền với lịch sử Đại Việt .

    Trả lờiXóa