Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

GS. HOÀNG XUÂN PHÚ: LÀ THỰC THI QUYỀN HIẾN ĐỊNH, ÔNG TRỌNG Ạ!

Là thực thi quyền hiến định ông Trọng ạ!

Hoàng Xuân Phú

Chương trình thời sự buổi 19h ngày 25/02/2013 của VTV1 đã tường thuật buổi làm việc của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng B­­­­í thư Đảng Cộng sản Việt Nam – với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Tại đó, ông Trọng đã nói rằng:

“Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham  gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”

Đã có nhiều bài viết và ý kiến phản đối phát biểu kể trên của ông Trọng. Bản thân tôi đã trao đổi một số ý trong bài Hai tử huyệt của chế độ, nên ở đây không muốn bàn thêm về “Điều 4 Hiến pháp” và các vấn đề liên quan, mà chỉ đề cập đến một ý… mới mẻ đến không ngờ. Vâng, nó nằm trong câu:

“Tham  gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì?”

Câu hỏi “thì nó là cái gì?” mang vẻ miệt thị. Đặc biệt, chữ “gì…ì” được ông Trọng dằn giọng kéo dài, như thể đay nghiến. Không hiểu, điều đó biểu lộ sự khó chịu, hay thể hiện rằng ông ấy thực sự không hiểu “khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … là cái gì?” Bất luận vì lý do nào, thì việc người đứng đầu đảng cầm quyền đặt ra một câu hỏi như vậy cũng là một điều trầm trọng. Vì sao?

Trước hết, “biểu tình” là một quyền hiến định, ông Trọng ạ! Nếu ông không tin, thì cứ tìm trong Hiến pháp 1992, ắt sẽ thấy. Hiến pháp hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một chương về “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, trong đó Điều 69 viết rằng:

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Như đã trao đổi trong bài “Quyền biểu tình của công dân”, do Quốc hội không (hoặc chưa) ban hành luật nào liên quan tới hoạt động biểu tình, nên mệnh đề “theo quy định của pháp luật” không (hoặc chưa) có tác dụng hạn chế quyền biểu tình. Nghĩa là, theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành, thì công dân luôn luôn có quyền biểu tình ôn hòa, và quyền ấy không bị hạn chế bởi pháp luật.

Chính quyền thường viện dẫn Nghị định Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng số 38/2005/NĐ-CP vàThông tư số 09/2005/TT-BCA để ngăn cản và đàn áp biểu tình. Nhưng bài Lực cản Nhà nước pháp quyền đã chỉ ra rằng: 

Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA vi phạm Hiến pháp và pháp luật.

-   Hiến pháp 1992 không trao cho Chính phủ quyền ban hành nghị định để hạn chế quyền công dân. 

-  Dù bỏ qua hai khía cạnh vừa kể, thì lời văn của hai văn bản ấy cũng không cho phép áp dụng chúng để cản trở biểu tình yêu nước, như những cuộc biểu tình ôn hòa đã diễn ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong hai năm 2011 và 2012. 

Hơn nữa, như đã trao đổi trong bài Teo dần quyền con người trong Hiến pháp, việc công dân biểu tình khi chưa có luật về biểu tình còn chính đáng và hợp pháp hơn so với việc Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động khi chưa có luật quy định về khuôn khổ hoạt động của đảng. Bởi vì

“Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.” (Trích Điều 4, Hiến pháp 1992)

Và trong một nhà nước pháp quyền, nhà cầm quyền (kể cả đảng và các cơ quan Nhà nước) “chỉ được làm những điều pháp luật cho phép, còn Nhân dân được làm tất cả những điều pháp luật không cấm”.

Như vậy, ông Trọng không thể tìm được cơ sở pháp lý nào để có thể phủ định quyền biểu tình của công dân. 

Còn việc “khiếu kiện” thì sao? Đó là chính là “quyền khiếu nại, quyền tố cáo” của công dân, ông Trọng ạ! Nó được hiến định tại Điều 74 của Hiến pháp 1992:

“Công dân có quyền khiếu nạiquyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào.” 

Hiến pháp và pháp luật hiện hành hoàn toàn không cấm “tham  gia đi khiếu kiện” và “ký đơn tập thể”. Ngược lại, Điều 78 của Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 (được Quốc hội khóa 10 thông qua ngày 2/12/1998) viết rõ:

Cử đại diện để trình bày với người tiếp công dân trong trường hợp có nhiều người khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung.”

Nếu không “cùng kiện”, không “cùng ký đơn”, thì làm sao có thể “cử đại diện để trình bày”? Nghĩa là: Luật số 09/1998/QH10 chấp nhận đích danh việc khiếu kiện có đông người tham gia và việc “ký đơn tập thể”.(1)  

Ấy vậy mà Chính phủ lại ngăn cản quyền chính đáng ấy bằng việc ban hành Nghị định số 136/2006/NĐ-CP, trong đó quy định tại Điều 6 rằng:

“… trong trường hợp đơn khiếu nại có chữ ký của nhiều người thì có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại viết thành đơn riêng…”

Và Thanh tra Chính phủ còn khẳng định thêm trong Thông tư số 04/2010/TT-TTCP (tại Điều 8) rằng:

Đơn khiếu nại có họ, tên, chữ ký của nhiều người thì cán bộ xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn…”

Rõ ràng là: Nghị định số 136/2006/NĐ-CP và Thông tư số 04/2010/TT-TTCP đã vi phạm Luật số 09/1998/QH10, và với việc ban hành hai văn bản ấy, Chính phủ đã vượt quá quyền hạn được quy định tại Điều 112 của Hiến pháp 1992.(2)  Vì vậy, chúng không có giá trị pháp lý để ngăn cấm việc “tham  gia đi khiếu kiện” và “ký đơn tập thể”. 

Tóm lại: Biểu tình và khiếu kiện, dù với tư cách cá nhân hay tham gia ký đơn tập thể, thì cũng đều là thực thi quyền hiến định, trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, ông Trọng ạ! Nhân dân có quyền sử dụng các quyền hiến định đó, kể cả trong trường hợp ông hay ai đó cho rằng Hiến pháp chỉ để trang trí. Vì vậy, ông không thể “quy” việc họ “tham  gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể” là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, rồi yêu cầu “các đồng chí quan tâm xử lý” được. 

Ông đã từng 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội, “là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” (Điều 83, Hiến pháp 1992). Giờ đây ông là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng ra điều khiển Quốc hội sửa đổi Hiến pháp. Những tưởng, phải có kiến thức tối thiểu về Hiến pháp và pháp luật, thì mới có thể đảm nhận hai trọng trách ấy. Ai dè, ông lại hỏi mấy quyền hiến định “nó là cái gì”, với ngụ ý quy tội “suy thoái” và đòi “xử lý”… Điều đó khiến mọi người, kể cả trong lẫn ngoài đảng, phải nghẹn ngào tủi hổ, vừa thương xót bản thân, vừa thấy tội nghiệp cho đồng bào mình quá, ông Trọng ạ! 

Ghi chú

(1)  Điều 78 của Luật số 9/1998/QH10 vẫn còn hiệu lực, vì nó không bị sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo số 26/2004/QH11 (thông qua ngày 15/6/2004) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo số 58/2005/QH11 (thông qua ngày 29/11/2005).

(2)  Điều 18 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11 quy định rằng:

“Ủy ban thường vụ Quốc hội… đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất.”

Căn cứ vào điều luật này, trong bài Lực cản Nhà nước pháp quyền, tôi đã đặt câu hỏi:

“Đã bao giờ Ủy ban thường vụ Quốc hội  thực hiện nhiệm vụ kể trên hay chưa? Đợi đến bao giờ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội mới xem xét và xử lý Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA, cũng như Nghị định số 136/2006/NĐ-CP và Thông tư số 04/2010/TT-TTCP?”

Phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng ngày 25/02/2013 tại Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã cho thấy, tại sao dưới thời ông làm Chủ tịch Quốc hội, không những không dẹp bỏ được các văn bản vi phạm Hiến pháp và pháp luật đã có từ trước, như Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA, mà còn để sinh thêm những văn bản sai trái mới, như Nghị định số 136/2006/NĐ-CP và Thông tư số 04/2010/TT-TTCP.
H.X.P. 
26/02/2013
Cùng tác giả:
-       Chiến binh cầm bút
-       Nỗi buồn Quốc hoa

 

20 nhận xét :

  1. Ông Hoàng Xuân Phú phân tích pháp lý, đạo lý không chê vào đâu được. Còn ông TBT Trọng nói cũng có lý, vì ông là đầu Đảng, tiếng nói của ông đại diện cho thể chế độc tài Đảng trị ?.

    Trả lờiXóa
  2. Với phát biểu của ông Trọng đã trực tiếp chứng minh, khẳng định rằng: Việc đưa ra lấy ý kiến đóng góp sửa đổi HP mà đảng cộng sản Việt nam đã thực hiện chẳng qua là trò mị dân mà thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Ví dụ ngắn gọn, đơn giản cho mọi người cùng hiểu là:

    Ở các quốc gia dân chủ, văn minh, người dân được ví như cổ đông của một công ty cổ phần. Các lãnh đạo đất nước được ví như các tổng giám đốc, giám đốc, trưởng phòng, phó phòng... được Hội đồng cổ đông thuê về điều hành công ty thông qua Đại hội cổ đông (ví như bầu cử vậy). Còn điều lệ của công ty được ví như Hiến pháp, Luật pháp của một quốc gia vậy. Cứ đến kỳ sẽ có Đại hội cổ đông (ví như trưng cầu dân ý vậy). Và Đại hội cổ đông có quyền sửa đổi điều lệ (nếu điều lệ không còn phù hợp hoặc bất hợp lý), thay đổi ban lãnh đạo công ty (nếu năng lực điều hành tỏ ra yếu kém).

    Tuy nhiên, ở một số ít ỏi các quốc gia lạc hậu, người dân được ví như những đứa con, thần dân vậy. Được đặt đâu thì ngồi đó. Không có quyền có ý kiến ý cò gì cả. Còn lãnh đạo được ví như Vua Chúa ngày xưa vậy. Cãi lệnh Vua/trái ý Vua sẽ bị xử trảm.

    P/s: Cảm ơn bác Diện tạo điều kiện cho tôi được giải thích cho mọi người cùng hiểu.

    Trả lờiXóa
  4. Nhà toán học Hoàng xuân Phú thật vĩ đại!- Chúng tôi kính trọng ông.

    Trả lờiXóa
  5. Đảng lãnh đạo đất nước bằng nghị quyết, nghị định và lệnh miệng thay cho hiến pháp và pháp luật. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phú Trọng tại Vĩnh Phúc do VTV1 phát đi tối 25-02-2013.

    Trả lờiXóa
  6. Hoan nghênh GSVS Hoàng Xuân Phú.
    Lời phát biểu của ông Trọng đúng là "khiến mọi người, kể cả trong lẫn ngoài đảng, phải nghẹn ngào tủi hổ, vừa thương xót bản thân, vừa thấy tội nghiệp cho đồng bào mình quá".
    Phát biểu của ông Trọng nếu chỉ là của một bí thư chi bộ, một trưởng thôn cũng quá xấu hổ rồi, huống chi đây là lời của một tổng bí thư của một đảng đang cầm quyền một đất nước 90 triệu dân.
    Quay về chế độ quân chủ cách đây 200 năm sẽ có những ông vua tốt hơn thế nhiều

    Trả lờiXóa
  7. Hành động cho thoi việc đối với nhà báo Nguyễn Dac Kiên thật là hèn hạ

    Trả lờiXóa
  8. Hoàng Xuân Phú ơi,ông cố nữa lên-ông chính là đại diện của 90 triệu dân VN đấy-Hoan hô ông-Những lời cầu chúc tốt lành nhất đến với ông!

    Trả lờiXóa
  9. Nói để ông Trọng được biết:Nhân dân đã chán ngấy hình ảnh và các phát ngôn của ông mỗi khi xuất hiện trên truyền hình QG lắm rồi.Mong ông hãy bình tâm và cử người tâm phúc thăm dò"mật" rồi phản ảnh trung thực mà thấy thực tế hình ảnh của mình trong con mắt của nhân dân.Một mái đầu bạc trắng,một cặp mắt hin hít,cặp môi rin rít,giọng nói nghiên nghiến,hằn học,nội dung thì giáo điều,bảo thủ chẳng có gì cấp tiến mở mang..."Đại bộ phận nhân dân"chúng tôi đề nghị ông từ nay nên hạn chế xuất hiện,có gì ông cứ việc điều hành đảng của ông trong phạm vi"nội quy"của các ông,đừng đưa những nội quy đó ra áp đặt cho xã hội.Có như thế thì ông mới thoát khỏi hình ảnh một ông Mạnh thứ hai sau khi đã rời cuộc chơi.Cảm ơn GS(thật)Hoàng Xuân Phú đã khai quang điểm nhãn cho rất nhiều người

    Trả lờiXóa
  10. MỘT CÔNG DÂN KIẾN NGHỊ :Tôi đề nghị quý vị trí thức thảo cho một ĐƠN KIỆN NGUYỄN PHÚ TRỌNG và ai đã ký đề nghị sửa đổi hiến pháp,đã đi khiếu kiện đã đi biểu tình cùng ký đơn gửi QUỐC HỘI,CHÍNH PHỦ,TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO CỦA NƯỚC VN VÀ TOÀ ÁN NHÂN QUYỀN CỦA LIÊN HIỆP QUỐC . Phải giải quyết ĐẾN CÙNG VỤ VI HIẾN NÀY của Nguyễn Phú Trọng và yêu cầu Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương đảng phải xử lý kỷ luật thích đáng đối với Nguyễn Phú Trọng.

    Trả lờiXóa
  11. Lấy ý kiến nhân dân để mị dân, song cũng tìm ra được ý dân là thế nào để có kế hoạch đối phó. Khôn đây,nhưng khôn mà không ngoan sư thật bị phơi bầy trước luồng công luận. Đúng là: "Gậy ông lại đập lưng ông"

    Trả lờiXóa
  12. Nhà Hồ mà nhiều người dân của nước Đại Việt thời ấy không ủng hộ, đã chống là bởi theo Đại cáo bình Ngô viết: “Vì họ Hồ chính sự phiền hà/Để trong nước lòng dân oán hận/Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa/Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh/Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ/Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế/Gây thù kết oán trải mấy mươi năm/Bại nhân nghĩa nát cả đất trời./Nặng thuế khóa sạch không đầm núi./…Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,/Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!/Lẽ nào trời đất dung tha?/Ai bảo thần dân chịu được?”.

    Trả lờiXóa
  13. Làm thế nào để đưa đất nước trở nên giàu mạnh,dân chủ,văn minh,người dân có cuộc sống tự do hạnh phuc?Với những cái đầu đầy toan tính như các vị lãnh đạo bây giờ, thì thừa sức hiểu phải làm thế nào để đạt được điều đó.Các vị cũng thừa biết,thừa trí để phân tích những ý kiến,những lời phản biện đúng sai.Do vậy,đừng ai ngây thơ mà cho rằng các vị đó thiếu hiểu biết,không có đầu óc nên để đất nước bi đát như ngày nay.Chính vì những cái đầu đầy toan tính,mà chỉ toan tính làm sao bảo vệ được "cái ghế",bảo vệ được ngôi vị thống soái của mình.Nên các vị bất cần biết đất nước đi về đâu,dân tình bị kìm kẹp ra làm sao.Tất cả những ý kiến có lợi cho đất nước,có lợi cho nhân dân,nhưng có nguy cơ làm lung lay những"chiếc ghế"của các vị lãnh đạo thì đều bị qui là suy thoái biến chất,và bị xử lý một cách hèn mạt nhất.
    Ôi! đau thương thay cho người Việt Nam tôi.
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
  14. Chân Không cư sỹlúc 15:45 27 tháng 2, 2013

    Giáo sư Viện sỹ toán học Hoàng Xuân Phú
    có một trí tuệ sáng láng,
    một lập luận sắc bén
    và một tấm lòng yêu nước thương nòi.
    Tôi kính trọng và hâm mộ Giáo sư Viện sỹ.

    Trả lờiXóa
  15. Không còn ai muốn nghe nữa mà cứ nói.

    Lạ thật. Người VN có bệnh sĩ, càng làm lãnh đạo càng sĩ, càng ra vẻ ta đây là oai, là giỏi, là nhất.

    Nhưng dân tắt ti vi hoặc chuyển kênh vì nghe mất thì giờ khi nhiều kẻ huyên thuyên trên màn hình.

    Trả lờiXóa
  16. Bằng những lý luận sắc như dao cạo, GS-VS Hoàng Xuân Phú đã hơn hẳn ông công dân Nguyễn Phú Trọng một cái đầu.
    Vậy, nếu còn sót lại chút sĩ diện TBT Trọng nên từ chức cho dân được nhờ!

    Trả lờiXóa
  17. Gì thì gì,nhà toán học Hoàng xuân Phú vẫn là người vĩ đại!

    Trả lờiXóa
  18. Không có hi vọng cho nhân dân rồi! Ông Trọng thử hỏi đạo đức của ông thế nào mà đòi so sánh với Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Quang A, hay bất kì một người dân bình thường nào khác.

    Trả lờiXóa
  19. Ông TBT bí lý luận nên nói liều, nói lấy được! Ông nên theo học thêm vài khóa nữa đã may ra theo kịp GS Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Quang A, Dương Trung Quốc....

    Trả lờiXóa