Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Trần Anh Thái: HÀ NỘI ĐẸP !

Hà Nội đẹp... 
Trần Anh Thái 
Quan trên thì lú lẫn thao thao bất tuyệt trên khắp các diễn đàn. Nói ở ta không ai nghe thì sang tận trời Tây diễn thuyết. Mà là nói lấy được. Nói như “rồng cuốn” về những tín điều cũ rích mà không biết rằng, những lời có cánh tuôn ra chỉ là pháo bông mơ hồ ảo tưởng.  Chỉ là đám bọt biển trống rỗng không ai nghe và không ai tin. Nhưng “lời nói” cũng không phải tất tật “gió bay”. Có lời nói hơn cả “đọi máu”. Trong trường hợp này, thì lời nói còn làm khổ dân lành, phương hại lợi ích dân tộc…Làm cho bao người tâm huyết với tinh thần tiến bộ phát triển nhụt chí, buồn phiền, chán nản…
Hà Nội đẹp! Hà Nội thường có những ngày đẹp nhất vào mùa thu, mùa xuân. Nhiều người thường hay nghe ra rả mỹ từ: Hà Nội của 1000 năm Thăng Long, Thủ đô Văn hiến, thành phố Anh hùng, thành phố Hòa bình…Và còn rất nhiều tính từ hoa mỹ khác mà ai ai cũng có thể dùng để tôn vinh thủ đô của mình. Đặc biệt những ngày Lễ, Tết các quan chức và báo, đài hào phóng ngôn từ  hoa mỹ để ngợi ca vẻ đẹp Hà Nội. Nhưng cũng ít người cố chấp. Bởi trong cơn hứng khởi hồn nhiên, người ta thường ngây thơ trong trắng …

Mà Hà Nội đẹp thật chứ không phải nói lấy được. Này nhé, nếu bạn là người đã từng sống ở Hà Nội, hay có vài lần đi ngang qua Hà Nội cách đây vài chục năm, từ thời bao cấp trở về trước chẳng hạn. Giờ có dịp trở lại Hà Nội, bạn hãy kiếm một chiếc xe máy lòng vòng qua hàng trăm ngách phố, con đường, khu đô thị mới (chứ không phải chỉ băm sáu phố phường như cách đây cả trăm năm trước). Thì bạn sẽ ngạc nhiên bởi các binh dinh cao ốc  chọc trời, những đại lộ mới mở hoặc đang trong quá trình hoàn thiện. Những tòa nhà ở cao cấp, những biệt thự đắt tiền, những siêu thị tràn lan như nấm hay những nhà hàng quán bar sang trọng…Ở đó bạn sẽ thấy một Hà Nội hiện đại, sầm uất không thua kém vài khu phố của phương Tây…Và nếu không muốn, bạn đã quá chán với mọi vẻ hào nhoáng hiện đại, nơi bạn từng hưởng thụ và ngán đến tận cổ, thì sẽ có ngay một phương án khác, đó là tìm một nơi bình yên lãng mạn, một vẻ đẹp êm đềm thuần khiết trong trắng cổ xưa. Tôi bảo đảm chắc chắn với bạn rằng, ngay vào thời điểm những năm đầu của thế kỷ 21 cuồn cuộn náo động không ngưng nghỉ của nhịp điệu công nghiệp hiện đại, Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn một khoảng trời như thế. Đó là đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Diệu… với vỉa hè rộng thênh thang, hàng sấu già cổ thụ. Trong đêm thu khuya vắng nồng nàn mùi hoa sữa, hãy lắng nghe thật sâu, thật xa tiếng lá rơi rất khẽ, bóng một con chim nhỏ lướt qua, tiếng rao đêm, tiếng chổi tre quét rác… sẽ làm bạn bất chợt, da diết nhớ về một ký ức xa xăm mà trong suốt cuộc đời dù đi đâu, làm gì bạn cũng không thể quên, không thể nguôi ngoai ám ảnh. Với một chiều mùa thu đẹp như thế thì Hồ Gươm là nơi tuyệt vời để bạn có thể thanh thản ngồi hàng giờ đối thoại với chính mình, sau nữa là ngắm nhìn vẻ đẹp trong suốt của mặt hồ mà cảm nhận linh thiêng từ ngàn năm trước tụ về. Ở đó bạn có quyền miên man giữa một thế giới trữ tình mê đắm, cổ kính ẩn hiện nơi đền Ngọc Sơn, tháp Hòa Phong, cầu Thê Húc…Rồi bạn có thể qua đường Cổ Ngư vào đêm nay, đêm mai hay một đêm nào đó. Trong đêm khuya yên tĩnh, bạn có thể lắng nghe từ thẳm sâu đáy hồ ngàn tuổi vọng về những lời ca lãng mạn, về tình yêu, tình người, về sự trong sáng mộng mơ nhiều khát vọng của cõi người…

Và còn nhiều nữa, Bạn hãy tự trải nghiệm qua những khu phố, những căn nhà, những khu vườn rộng mênh mông trồng đào, trồng quất ở Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tàm... Người Hà Nội thích trồng hoa vì hoa là biểu tượng của hòa bình, tình yêu và cái đẹp. Mà đã là hoa thì hoa gì cũng đẹp. Nhưng hoa mong manh dễ vỡ. Vì vậy người ta phải chăm bẵm nâng niu. Nâng niu hoa, ai cũng biết thế nhưng không phải ai cũng làm như thế. Lại nhớ năm nào, các bạn Nhật Bản biết người Hà Nội yêu cái đẹp, yêu hoa nên kỳ công mang hoa Anh đào từ Tôkyo sang Hà Nội tổ chức lễ hội. Lễ hội chưa xong thì hàng trăm người xông vào cướp hoa, giằng nhau hoa, đánh chửi, hận thù nhau vì hoa. Rồi vài tháng sau, ngay dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, một Lễ hội hoa thanh lịch, tinh tế vừa tổ chức lần đầu công phu ở Hà Nội. Lễ hội chưa xong đã tan thành mây khói. Hàng trăm nhân viên bảo vệ, hàng trăm cán bộ công nhân Công ty Công viên cây xanh Hà Nội ngơ ngác bất lực trước làn sóng người cuồng loạn lao vào cướp hoa, bẻ hoa, dẫm đạp lên hoa không thương tiếc…

Hà Nội những ngày này quá đẹp! Ai đó nói vậy. Đẹp vì hoa, đẹp vì tình người, vì tình bạn hữu và vì nhiều thứ khác…Người ta bảo, người Hà Nội tinh tế, thanh lịch, nhẹ nhàng, thơm thảo…Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và biết bao điều ngợi ca khác. Đất ngàn năm văn vật thì phải đẹp, phải tinh tế thanh lịch là đương nhiên. Và ai ai cũng một lòng vì cái đẹp… Vậy nhưng, hình như vẫn có một cái gì đó, cái gì đó thăm thẳm tâm can người Hà Nội chứa chất một nỗi niềm. Nỗi niềm thầm lặng ẩn sâu trong ánh mắt bao người.

Vì sao vậy? Phải chăng vì Hà Nội mỗi ngày, sau những vẻ đẹp có thật là một cuộc sống đầy âu lo bất an. Cái ác có thể ập đến bất cứ lúc nào: Nạn trộm cướp, nghiện hút, nạn đua xe, nạn giết người cướp của, nạn chụp giật tàn sát lẫn nhau từ trong trường học, ngoài đường phố đến nơi đô hội chợ trời… Ấy là cái đáng sợ của đám dân đen. Còn quan chức thì đua nhau xe hơi nhà lầu biệt thự. Nhà cửa đường phố ngập trong rác bụi, qui hoạch chật chội chắp vá như manh áo rách. Nạn tham nhũng cướp đất của dân, ăn cắp tiền thuế dân, bè này nhóm nọ. Ai cũng nói rất hay nhưng làm thì kém cỏi. Người ta nói với nhau, thời này lấy đâu ra người tâm huyết vì dân vì nước. Thời của thói vô cảm và đạo đức giả. Hình như mọi thứ đang bị phân hủy thành phe nhóm, kết bè kéo cánh vì lợi ích, vì cái ghế đang ngồi.

Quan trên thì lú lẫn thao thao bất tuyệt trên khắp các diễn đàn. Nói ở ta không ai nghe thì sang tận trời Tây diễn thuyết. Mà là nói lấy được. Nói như “rồng cuốn” về những tín điều cũ rích mà không biết rằng, những lời có cánh tuôn ra chỉ là pháo bông mơ hồ ảo tưởng.  Chỉ là đám bọt biển trống rỗng không ai nghe và không ai tin. Nhưng “lời nói” cũng không phải tất tật “gió bay”. Có lời nói hơn cả “đọi máu”. Trong trường hợp này, thì lời nói còn làm khổ dân lành, phương hại lợi ích dân tộc…Làm cho bao người tâm huyết với tinh thần tiến bộ phát triển nhụt chí, buồn phiền, chán nản…    

Từ ngày đất nước đổi mới biết bao người hy sinh công sức, chấp nhận được thua, phải mang tai tiếng vì chuyện này chuyện nọ, nhưng vẫn kiên trì đổi mới, bứt phá. Kiên trì con đường mở cửa và giao lưu hội nhập, xây dựng cho được nền kinh tế thị trường. Để cho dân cho nước mở mày mở mặt cùng thiên hạ. Để có tiền có lực củng cố quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội…Để quốc gia lãnh thổ hưng thịnh vững bền. Để được độc lập, tự do không chịu khuất phục mất nước, lệ thuộc, nô lệ. Vậy mà ở  đầu thế kỷ hai mốt này, đang lúc nước sôi lửa bỏng về toàn vẹn lãnh thổ, về những nguy cơ đe dọa tới toàn bộ nền kinh tế đầy ung nhọt, ốm yếu sống dở chết dở: Nguy cơ phá sản hàng loạt, hàng loạt những anh hùng doanh nghiệp từng một thời khuynh đảo thiên hạ… mà người ta vẫn thản nhiên. Thản nhiên hành động và tư duy như thời phong kiến. Thản nhiên mê lú về những tín điều trói buộc, hòng kéo lịch sử ngược đường xưa cũ những năm sáu mươi của thế kỷ trước: Vẫn nhất nhất khuôn mẫu, công thức sách vở xa lạ và giáo điều. Vẫn nhất nhất tin vào một ảo tưởng lầm lẫn. Vẫn nhất nhất sáo mòn, ấu trĩ không thể nhìn được  xa trông được rộng.

Thế giới sẽ nghĩ gì trước những phát ngôn xa lạ này? Nghĩ gì về người Hà Nội: Sao lại thế này nhỉ? WTO thì thế nào? Hội nhập thế giới để làm gì nhỉ? Các nước văn minh Âu - Á nhìn người Hà Nội thấy lạ lùng kỳ quặc. Liệu họ còn có đủ dũng khí để tin vào một dân tộc có những phát ngôn lạc lõng và trái ngược với sự mở cửa, hội nhập chân thực cùng bạn bè thế giới? Họ có dám dấn thân, có dám một lòng một dạ giúp chúng ta nhanh chóng được ngẩng mặt làm “Người?” …

Hà Nội ơi! Bao người ra sức làm, bao người ra sức dựng xây lại có vài kẻ phá. Cứ người làm người phá thế này thì đất nước đến đâu? Đất nước đi về đâu?..

Có phải vậy mà người Hà Nội đã quá chán chường. Đã héo úa tàn khô thì đành châm lửa. Bắt đầu viết một cái gì đó từ trang giấy trắng sẽ tốt hơn nhiều khi mà ngày này qua ngày khác còng lưng sửa chữa, chắp vá đến kiệt sức, đến  tả tơi tàn lụi tối đen mặt chữ. Vậy nên ngày ngày thản nhiên xả rác ra đường. Chuyện bẻ hoa, cướp hoa, dẫm đạp lên hoa, dẫm đạp lên cái đẹp cũng chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện quan tham cũ kỹ, lẩm cẩm, lú lẫn mới thật sự lo ngại. Thời buổi tham nhũng rất nhiều, vô trách nhiệm rất nhiều, nói dối như cuội rất nhiều, mang tai mang tiếng rất nhiều! Những cái nhiều này phết một màu đen sẫm trên gương mặt người Hà Nội. Lên những con đường, những dãy phố, những bồn hoa và biết bao giá trị nghệ thuật kỳ công được tạo nên bởi những tâm hồn yêu Hà Nội và vì một Hà Nội “ Đẹp”. Liệu Hà Nội thời này còn có vẹn nguyên ?...

 Trần Anh Thái



3 nhận xét :

  1. Xin được chia xẻ những cảm nhận, suy tư của nhà văn Trần Anh Thái về "một Hà Nội thời này..." không còn vẹn nguyên. Vâng! Đã không còn vẹn nguyên một Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội, với những con người thanh lịch Tràng An! Hà Nội ơi, có buồn không? Vì ai nên nỗi???

    Trả lờiXóa
  2. HN đẹp cái gì chứ đi ra đường sợ các loại xe chạy vô tổ chức lắm . Thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều , chơi luôn cả CSGT . Từ sân bay về nội thành coi chứng bị móc túi. Xuống xe buýt phố Lý Thường Kiệt, kinh quá, xe ôm, xe taxi, người đâu mà đông thế, giành dựt khách, coi chứng mất hết cả đồ đạc cả giấy tờ . Còn mấy đc bận đồ bộ đội, nón cối ngồi từng cụm ở Bờ Hồ, hút thuốc lào, ăn nói lỗ mãng, chưởi thề khiếp quá . Mấy đc này làm nghề gì vậy ?

    Trả lờiXóa
  3. Đến Hà Nội,tôi sợ nhất các hàng "bún mắng phở chửi" và phải nghe nhiều ngôn từ "đéo".

    Trả lờiXóa