Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

SỰ BIẾN ĐỔI CỦA NỘI DUNG "DÂN CHỦ" TRONG HÀNH TRÌNH HIẾN PHÁP

Nội dung “dân chủ” trong hành trình Hiến pháp Việt Nam có nhiều biến đổi
.
Biểu đồ phản ánh sự thăng trầm của từ “dân chủ” trong các bản Hiến pháp Việt Nam.

Bằng phương pháp khảo sát ngôn ngữ mạch lạc, trong sáng, tác giả Trần Xuân Hoài đã làm rõ “vật liệu” cơ bản được xây dựng trong hiến pháp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều bắt đầu là những khái niệm đã được thừa nhận mặc nhiên trong xã hội như: nhà nước do dân làm chủ, con người được tự do, được bình đẳng về quyền lợi, được mưu cầu hạnh phúc… Các giá trị cốt lõi này đã tạo nên sự bền vững của hiến pháp như các tiên đề Euclid giúp cho các quốc gia không tốn tiền “cải cách” giáo trình môn hình học cơ sở trong suốt hơn 2.000 năm qua.

Mặc dù đây chỉ là một thống kê ngôn ngữ đơn giản, nhưng có thể thấy nội hàm “dân chủ” trong Hiến pháp của Việt Nam trong suốt 70 năm qua đã bị xê dịch đáng kể khi được “đính kèm” với khái niệm Quốc gia – Nhà nước. Cụ thể như, nếu như trong điều 1 Hiến pháp 1946 “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa” thì khi sang điều 2 Hiến pháp 1980, nhà nước CHXHCN Việt Nam lại chuyển thành nhà nước chuyên chính vô sản. Trong đó, theo tra khảo từ nguyên Latin của tác giả, thì hiếm có quốc gia nào dùng từ “chuyên chính”(dictatorship) trong hiến pháp khi nó lấy gốc nghĩa “độc tài” (dictator [tiếng Anh]  - dictatura [Latin]) là bao nhiêu. Do thủ thuật dùng từ đồng nghĩa khéo léo nên sự phản cảm của từ “chuyên chính” bị mờ đi trong xã hội Việt Nam.

Chỉ đến khi chuyển sang Hiến pháp năm 1992, từ “chuyên chính” đã biến mất và được thay bằng,  “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” một mệnh đề thoạt nghe như là của Hiến pháp Mỹ. 

Nhưng nếu suy xét kỹ, tác giả của mệnh đề này là Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã chọn từ rất chắc chắn khi trao trọng trách cho “chính quyền” (goverment) dưới sự kiểm soát của dân, hoạt động vì dân và do dân làm chủ chứ không dùng từ nhà nước – quốc gia (nation - state). Bởi tiên đề “nhà nước là của nhân dân” cũng đã được nghiễm nhiên thừa nhận như 2+2 = 4 vậy. Do một sự nhầm lẫn nào đó trong chính giới đã tạo nên thói quen ngôn ngữ trong dân gian khiến nghĩa vụ “do dân, vì dân” của chính quyền đã được gán sang cho khái niệm siêu hình là nhà nước, một đơn vị ngôn từ đồng nghĩa số đông quần chúng. Theo logic này, nhà nước do dân vì dân cũng không khác gì, nhân dân tự làm, tự chăm sóc, tự chịu trách nhiệm với nhau .

Có lẽ, nhận thấy sơ suất này nên năm 2001, Hiến pháp đã định danh lại với nhiều thông tin hơn, nhưng từ “dân chủ” lại vắng bóng: “…Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân.”

Xâu chuỗi lại, có thể thấy sự thăng trầm của từ “dân chủ” trong định danh quốc gia như sau: Dân chủ cộng hòa (1946) --> Dân chủ nhân dân (1960) --> Chuyên chính vô sản (1980) --> định danh vô nghĩa (1992) --> Pháp quyền XHCN (2001).

Đây là một khảo sát có giá trị khi lý giải phần nào cho biểu đồ hình sin về biểu hiện “dân chủ” trong hiến pháp Việt Nam, cũng như tác động của nó vào xã hội ngày nay.

Mạnh Kiên
Theo Tia Sáng

2 nhận xét :

  1. Bản khảo sát thật thú vị . HP 1946 , VN mới độc lập cần Tự Do, Tự Do cao chót vót, Dân Chủ cũng cao hơn Bình Đẳng và Độc lập . HP 1960 , Dân Chủ cao chót vót sau cuộc CCRĐ, sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. HP 1980, Đất Nước vừa hoàn thành cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất cả nước, Dân Chủ tuột xuống dưới Độc Lập và Tự Do, VN đang cần tiến mau tiến mạnh lên CNXH . HP 1992 Dân Chủ nhích lên một chút nhưng vẫn thấp hơn Độc Lập, Tự Do. HP sửa đổi 2013, DÂN CHỦ lại thăng đường chăng ? Và Dân Chủ lại được khoác cho một cái áo mới ?

    Trả lờiXóa
  2. HAY! ÍT AI NGHĨ TỚI ĐỂ NGHIÊN CỨU VÀ TÌM RA CHI TIẾT NÀY. CẢM ƠN TÁC GIẢ.

    Trả lờiXóa