Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP 1992 PHÁ HỦY NỀN TẢNG CỦA CHÍNH HIẾN PHÁP

ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP 1992 PHÁ HỦY NỀN TẢNG CỦA CHÍNH BẢN HIẾN PHÁP 

Trần Mạnh Hảo 


Điều 4 trong bản “Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – 2005 – Bản sửa đổi), có đoạn viết như sau: “Đảng Cộng Sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Điều 4 này mâu thuẫn và chống lại Điều 2, Điều 3, Điều 8, Điều 15, Điều 16, Điều 21, Điều 83… của chính bản Hiến pháp. Chúng tôi sẽ lần lượt chứng minh.

Điều 2 của bản Hiến pháp có đoạn viết như sau: “Nhà nước CHXHCNVN là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”. Theo Điều 2 này khẳng định nước CHXHCNVN là một nước dân chủ. Bởi, Điều 2 nhắc lại định nghĩa của Ngài Abraham Lincoln (1809-1865) – vị anh hùng giải phóng nô lệ, vị tổng thống thứ 16 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, thần tượng của Karl Marx, được Marx tôn làm biểu tượng của Tự Do – định nghĩa về một quốc gia dân chủ như sau: “Một quốc gia dân chủ là một quốc gia mà chính quyền của dân, do dân, vì dân!”.

Như vậy, khi Điều 4 khẳng định: “Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, tức là nước CHXHCNVN theo một chế độ Đảng trị = Đảng chủ, hoàn toàn chống lại Điều 2: khẳng định nước CHXHCNVN là một nhà nước Dân trị = Dân chủ! Như vậy, nếu căn cứ vào Điều 2, thì Điều 4 là vi hiến và ngược lại; nhưng Điều 2 có trước Điều 4, nên ta có thể coi Điều 4 là điều vi hiến được chăng?

Điều 83 của Hiến pháp có đoạn viết như sau: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCNVN. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp…”. Như vậy, Điều 2 và Điều 83 cùng khẳng định quyền tối thượng của nước CHXHCNVN thuộc về nhân dân chứ không thuộc về Đảng CSVN như Điều 4 đã quy định Đảng CSVN nắm quyền tuyệt đối: “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Xã hội là toàn bộ đời sống văn hoá, chính trị, kinh tế, pháp luật, thể chế, lịch sử, tôn giáo…của con người trong một quốc gia. Tức là Điều 4 quy định Đảng CSVN là chủ nhân ông của đất nước và dân tộc Việt Nam, là ông vua của các vua, chúa của các chúa. Nhưng oái oăm thay, ở Điều 2 và Điều 83, bản Hiến pháp năm 1992 lại khẳng định Nhân Dân là chủ nhân ông của đất nước và dân tộc, nắm quyền tối thượng quốc gia, y hệt các nhà nước dân chủ khác trên thế giới vậy (Thế giới ngày nay có chừng 95% số quốc gia theo chế độ dân chủ đại nghị). Do đó, cứ theo Điều 4, Điều 2, Điều 83, thì nước Việt Nam ta có hai “vua”: “Vua Đảng CSVN” và “Vua Nhân Dân” ư ? Nếu lấy hai chọi một, thì Điều 4 là thiểu số phải bị coi là vi hiến trước Điều 2 và Điều 83 đa số?

Chưa hết, ngay cả ở Điều 3 trong bản Hiến pháp 1992 cũng hàm chứa yếu tố chống lại Điều 4.

Điều 3 có đoạn viết như sau: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân”. “Quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân” nghĩa là nhân dân làm chủ tất tần tật mọi sinh hoạt xã hội từ chính trị, văn hoá xã hội, thể chế, luật pháp, lịch sử… của nước Việt Nam. Mệnh đề này của Điều 3 trong Hiến pháp phủ nhận Điều 4. Như vậy, Điều 3 đã về hùa với các Điều 2 và Điều 83 cùng xóa bỏ Điều 4 trong bản Hiến pháp.

Mệnh đề thứ 2 của Điều 3 viết như sau: “… Thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc…”. Chính Điều 3 trong Hiến pháp đã xác định xã hội Việt Nam là một xã hội công bằng, tự do. Tự do và Công bằng xã hội là mọi công dân đều bình đẳng, không ai nhảy ra sai khiến (lãnh đạo) ai mà không được sự đồng ý của người bị sai khiến (bị lãnh đạo). Đảng CSVN chỉ là một nhóm người rất thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam (ngót ba triệu đảng viên CS trong khi đó có hơn 90 triệu người dân ngoài đảng). Vậy thiểu số kia muốn cai trị (lãnh đạo) đa số này phải hỏi ý kiến xem 80 triệu dân có đồng ý (cho phép) Đảng CSVN cai trị đại đa số nhân dân Việt Nam hay không?

Nghe câu hỏi này, Đảng CSVN bèn bảo: – Quốc hội nước CHXHCNVN đã bỏ phiếu xác định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng CS thì không phải là toàn dân đồng thuận là gì? Vâng, đấy chỉ là sự đồng thuận hình thức, đồng thuận ảo, đồng thuận giả tạo! Vì trong Quốc hội có đến hơn 95% đại biểu là đảng viên CS, thì Quốc Hội thực chất chỉ là Quốc hội của Đảng CS mà thôi! Với phương châm bầu cử: “Đảng cử, Dân bầu” của Đảng CS, thì người dân (hơn 80 triệu) đã bị tước quyền ứng cử và bầu cử. Khi Nhân Dân mất quyền “cử” thì chữ “ bầu” cũng thành vô nghĩa, thành trò hề! Do đó, mọi cuộc bầu bán do Đảng CS tổ chức để hình thành Quốc hội đều chỉ là hình thức, là trò ảo thuật kiểu Đảng CS vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa lĩnh thưởng mà thôi! Bầu cử Quốc Hội mà Đảng CS toàn cử người của mình ra ứng cử, rồi bắt dân chỉ được quyền “Bầu”, không được quyền “Cử”, Dân không được quyền kiểm phiếu… thì cái Quốc Hội kia chỉ là Quốc Hội của Đảng chứ nào đâu còn là Quốc hội của Dân? Do đó, chính Đảng CSVN đã vi phạm Điều 3 của Hiến pháp là không tôn trọng hai chữ: Tự do – Bình đẳng (Công bằng)!

Như vậy, Điều 3 trong Hiến pháp đã phủ nhận chính Điều 4 vậy!

Điều 8 trong bản Hiến pháp 1992 có đoạn viết như sau: “… Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Điều 8 không cho phép ai (kể cả Đảng CS) được phép quan liêu, cửa quyền. Nhưng ở Điều 4, Đảng CSVN đã chứng tỏ sự quan liêu, cửa quyền của mình bằng cách tự cho mình quyền lãnh đạo tối thượng nhân dân Việt Nam trái với quy định ở Điều 2, Điều 3 và Điều 83. Do đó, Điều 8 cũng đã phủ nhận chính Điều 4.

Điều 15 trong bản Hiến pháp, có đoạn viết: “Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng…”.

Chính sự khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường (khái niệm “định hướng XHCN” hoàn toàn vô nghĩa), chấp nhận nền kinh tế tư nhân tại Việt Nam nơi Điều 15 này đã phủ nhận Điều 4; vì Điều 4 ghi: “Đảng CSVN theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Vì sao vậy? Vì ai đã đọc Mác-Lênin, dù chỉ ở trình độ sơ cấp, cũng biết chủ nghĩa Mác-Lê phủ nhận kinh tế thị trường = tư bản, xóa bỏ sở hữu tư nhân. Có chủ nghĩa Mác- Lê thì không có kinh tế tư bản = kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân và ngược lại! Như vậy, Điều 15 đã xóa bỏ Điều 4 hay ngược lại!?

Điều 17 trong bản Hiến pháp 1992 tiếp tục phủ nhận Điều 4 bằng cách nói rõ hơn sự phát triển tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam như sau: “Phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…”. Chính sự khẳng định Đảng CSVN lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Điều 17 này đã giết chết chủ nghĩa Mác-Lênin là tôn giáo và cương lĩnh của Đảng như Điều 4 đã quy định. Vậy, Điều 17 này đã xóa bỏ Điều 4 hay ngược lại?

Điều 21 trong bản Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường, tức kinh tế tư bản chủ nghĩa, như có đoạn viết sau: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp, không bị hạn chế về quy mô hoạt động…”. Mục đích của chủ nghĩa Mác-Lê Nin là chôn chủ nghĩa tư bản. Sao Đảng CSVN ghi trong Điều 4 Hiến pháp “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội… theo chủ nghĩa Mác-Lênin” lại phát triển kinh tế tư bản? Hóa ra, bằng cách đề ra bốn Điều: 15, 16,17, 21 trong Hiến pháp 1992 là xây dựng nền kinh tế tư bản trên đất nước Việt Nam, Đảng CSVN đã làm ngược lại 180 độ chủ nghĩa Mác–Lênin; cũng có nghĩa là chính Đảng CSVN không chôn tư bản như nguyên lý Mác-Lênin đã dạy, mà ngược lại còn đi xây dựng tư bản chủ nghĩa. Như vậy, có phải chính là Đảng CSVN đã ngầm xóa bỏ Điều 4 trong bản Hiến pháp?

Tựu trung, Điều 4 trong Hiến pháp 1992 (bản sửa đổi) đã xóa bỏ các Điều 2, 3, 8,15, 16, 21, 83… của chính bản Hiến pháp, cũng là xóa bỏ nền tảng của bản Hiến pháp vậy! Muốn bản Hiến pháp không bị vô hiệu hoá vì sự thậm vô lý (ngược đời), cần phải xóa bỏ Điều 4 . Vả lại, nếu Điều 4 Hiến pháp không bị xóa bỏ, hiển nhiên là các cuộc bầu cử của nhà nước Việt Nam chung quy chỉ là hình thức, là trò đùa mà thôi; vì Hiến pháp đã khẳng định đảng cộng sản Việt Nam với số đảng viên thiểu số (ba triệu) là lực lượng vĩnh viễn lãnh đạo đất nước, lãnh đạo khối nhân dân đa số (90 triệu) thì còn bầu cử làm gì cho mất công, vô ích. Chính Điều 4 Hiến pháp này đã thông báo một điều hiển nhiên : NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM LÀ NHÀ NƯỚC ĐỘC TÀI, ĐỘC ĐẢNG, TUYỆT ĐỐI KHÔNG PHẢI LÀ NHÀ NƯỚC DÂN CHỦ .... 

Sài Gòn 2006-2013
Trần Mạnh Hảo

2 nhận xét :

  1. Phấn đấu để được "Sống và làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật" là cả một chặng đường dài, đòi hỏi không ít nỗ lực của tất cả mọi người công dân yêu nước.

    Trả lờiXóa
  2. Trong lĩnh vực văn chương , Trần Mạnh Hảo là một nhà văn có tiếng tăm từ lâu , nổi tiếng nói thẳng và không bao giờ biết luỵ ai để tìm kiếm lợi ích cho riêng mình . Đây là một bài phân tích Hiến pháp rất chí lý và khó có ai trong hệ thống chính trị này cải được những phân tích sắc bén và cụ thể trên . Trong lúc này , có được những bài viết như thế này rất phù hợp , bổ ích và là cơ sở cho mọi người hiểu hơn về hiến pháp và có những ý kiến đóng góp cho một bản hiến pháp thực sự dân chủ , có giá trị lâu dài , phù hợp với đại bộ phận nhân dân và phù hợp với thời đai văn minh để thay đổi tình hình đang bi đát hiện nay .

    Trả lờiXóa