Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

ĐÀI TRUYỀN HÌNH QUỐC GIA ĐÃ NHANH CHÓNG TRẢ LỜI TRƯỚC DƯ LUẬN


Tranh cãi về bản tin thời tiết: Cũng chỉ tại cái sự hiểu lầm!

Trong chương trình thời sự phát trên VTV1 tối nay (14.1.2013), đài truyền hình Việt Nam khẳng định bản tin thời tiết lúc 6h15 sáng hàng ngày là lấy theo thông số do Trung tâm Khí tượng thủy văn cung cấp. Cũng trong bản tin này, ông Lê Thanh Hải đã đính chính lại lời phát biểu với báo chí trước đây. 

Trước những nghi ngờ của dư luận sau sự phủ nhận cung cấp thông tin thời tiết cho đài truyền hình của Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đài truyền hình Việt Nam đã chính thức lên tiếng. Trong bản tin thời sự tối nay, VTV1 đã cung cấp quy trình thực hiện bản tin thời tiết, theo đó mọi thông số đều được khai thác từ chính các đơn vị đo đạc của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn. Phóng sự còn ghi lại hình ảnh các nhân viên khí tượng đo đạc để lấy thông số thời tiết.

Điều bất ngờ là cũng trong bản tin này, ông Lê Thanh Hải đã cải chính lại phát ngôn của mình. Ông Hải cho biết, các chương trình thời tiết của đài truyền hình trước nay vẫn dẫn phát thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn. Tuy nhiên, trong đợt rét vừa qua, Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam đã trực tiếp lấy thông số tại các trạm quan Trắc khí tượng vào thời điểm 6h hoặc 6h30. Những trạm này cũng nằm trong hệ thống quan trắc của Trung tâm.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này bà Thanh Thư, Trưởng phòng Dự báo thời tiết của Đài truyền hình Việt Nam cho biết, nếu lấy thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn sẽ chậm hơn so với thời điểm phát sóng lúc 6h15, vì vậy VTV đã lấy trực tiếp thông tin từ các trạm quan trắc thuộc Trung tâm.

Sau bản tin này, dư luận mới thở phào hóa ra đây chỉ là một sự hiểu nhầm. Mọi chuyện ồn ào sẽ không xảy ra nếu như nhà đài đánh tiếng trước với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn. Nhưng cũng nhờ sự cố này mà cơ quan dự báo thời tiết mới giật mình nhìn lại công tác quản lý các đơn vị trực thuộc của mình còn hớ hênh quá, mà các trạm đo quan trắc cũng  thật liều mình khi chưa xin phép, chưa có sự giám định đã công bố kết quả đo đạc. 

Khúc mắc giữa hai cơ quan đã ngã ngũ song với nhiều khán giả thì vẫn tò mò về việc lợi ích của việc quảng cáo cho dịch vụ nhắn tin để lấy thông tin thời tiết kia. Nhưng đây có lẽ cũng là bí mật làm ăn của nhà đài thời kinh tế dịch vụ cần được giữ kín.

Hà Linh 

3 nhận xét :

  1. "Nhưng đây có lẽ cũng là bí mật làm ăn của nhà đài thời kinh tế dịch vụ cần được giữ kín."
    Theo tôi, những thông tin khí tượng thủy văn (KTTV) này là tài sản chung của quốc gia, của quốc dân. Tất cả những trung tâm hay cơ quan KTTV đều hoạt động bằng kinh phí công, tức từ tiền thuế dân đóng. Nhiệm vụ của những cơ quan này là thông báo nhanh chóng kịp thời cho toàn dân được biết. Chả có gì là bí mật ở những thông tin thông thường như thế này cả. Cũng giống như chuyện hỏi bây giờ là mấy giờ, ai lại đi tính tiền khi trả lời câu hỏi đó? Ai có quyền kinh doanh trên những thông tin KTTV hàng ngày nhỉ, trừ phi là... ông Trời?

    Trả lờiXóa
  2. "Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam đã trực tiếp lấy thông số tại các trạm quan Trắc khí tượng vào thời điểm 6h hoặc 6h30. Những trạm này cũng nằm trong hệ thống quan trắc của Trung tâm" - cải chính này, theo tôi, là không thuyết phục. Bởi lẽ, những trạm này cũng nằm trong hệ thống quan trắc của Trung tâm, thì thông tin về nhiệt độ phải giống nhau chứ, không lẽ những trạm này cung cấp cho VTV1 thông tin nhiệt độ khác và báo cáo Trung tâm thông tin nhiệt độ khác???
    NHỮNG LÝ DO TRÊN KHÔNG GIẢI TỎA ĐƯỢC SỰ BĂN KHOĂN, NGHI VẤN...

    Trả lờiXóa
  3. Mà trong vụ này tôi thấy cũng kỳ. Ở bang Washington xứ Mỹ nơi tôi đang sống, vào mùa Đông thời tiết cũng khắc nghiệt lắm. Có những hôm tuyết quá nhiều, phải cho học sinh nghỉ. Có những hôm không có tuyết nhưng đường lạnh đến độ đóng băng, rất trơn, rất nguy hiểm, trường cũng phải đóng cửa. Nha khí tượng không thể đoán trước được những ngày như thế. Gặp hôm phải cho học sinh nghỉ, thì chính các "Khu Học Chánh" (giống như Phòng giáo dục địa phương của mình ý, nhưng địa bàn rộng hơn nhiều lắm, có thể bao gồm cả hai ba thành phố) có nhiệm vụ phải gởi thông báo đến mọi thầy cô, mọi nhân viên của trường và mọi phụ huynh, vào lúc sáng sớm, bằng cả ba kênh thông tin:
    1. truyền hình địa phương (kênh truyền hình này miễn phí),
    2. trên mạng internet và
    3. gọi điện đến từng phụ huynh (máy gọi tự động).
    Thành ra ngay cả những gia đình mới đến Mỹ, tiếng Anh tiếng U không rành, đường đi nước bước không biết, cũng không thể nào nhầm lẫn được. Họ có quyền cho con trùm chăn ngủ thêm.

    Để thực hiện được sự thông tin kịp thời và rộng khắp như vậy, ắt hẳn các Học Khu cũng phải tốn kém công của, nhưng chi phí đó hoàn toàn do ngân sách chính quyền bang "bao cấp". Như vậy, những thông tin về thời tiết như thế này, ở Mỹ người ta coi là một thứ phúc lợi xã hội mà mọi người dân đều có quyền được hưởng, coi như miễn phí.

    Mỹ là cái xứ tư bản chủ nghĩa, hoàn toàn là kinh tế thị trường, không có cái đuôi "định hướng" gì đàng sau hết, mà người dân họ được hưởng những phúc lợi đến vậy. Nước mình nếu đề cao định hướng xã hội chủ nghĩa, thì tôi nghĩ dứt khoát không thể chấp nhận một nhóm cục bộ nào đó được quyền kiếm lợi riêng trên những nguồn tài nguyên công cộng như thế này. Việc kinh doanh trên tin tức khí tượng là hoàn toàn vô lý!

    Trả lờiXóa