Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

LS. TRẦN VŨ HẢI ĐỀ NGHỊ CÓ MỘT CUỘC ĐỐI THOẠI "PHÚC THẨM" VỤ VĂN GIANG

Thư của Luật sư TRẦN VŨ HẢI: Chiều 10/12/2012, khi được biết có bài Giáo sư Đặng Hùng Võ nói lại về vụ Văn Giangđăng trên báo Vietnamnet, chúng tôi đã liên lạc với một vị lãnh đạo của Vietnamnet và cho biết sẽ có phản hồi sau khi Giáo sư Võ đăng phần 2 vào ngày 11/12/2012, vị lãnh đạo này đã đồng ý.
Trưa 12/12/2012, chúng tôi đã gửi bài phản hồi và đã trao đổi qua điện thoại nhiều lần, vị lãnh đạo này cho biết sẽ đăng bài của chúng tôi sau khi trình Tổng biên tập duyệt. Tuy nhiên, cho đến nay, Báo Vietnamnet vẫn chưa đăng bài của chúng tôi, có nội dung dưới đây. Đề nghị T-Blog đăng giúp.
CẦN CÓ BUỔI ĐỐI THOẠI “PHÚC THẨM” GIỮA GIÁO SƯ ĐẶNG HÙNG VÕ VÀ ĐẠI DIỆN NHỮNG HỘ DÂN BỊ THU HỒI ĐẤT TẠI VĂN GIANG – HƯNG YÊN
Luật sư Trần Vũ Hải
Buổi trao đổi ngày 08/11/2012 giữa Giáo sư Đặng Hùng Võ với đại diện những người dân bị thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên tập trung vào 02 Tờ trình mà ông đã ký thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) gửi Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến  Thủ tướng ký 02 quyết định (quyết định 303/QĐ-TTg ngày 30/03/2004, quyết định 742/QĐ-TTg  ngày 30/06/2004) liên quan đến việc thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên trước khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực vào ngày 01/07/2004. Giáo sư Võ thừa nhận những điểm sau:
1.Ông ký 02 Tờ trình này trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định là trái pháp luật, vì thẩm quyền quyết định những nội dung liên quan là Chính phủ (không phải là Thủ tướng Chính phủ) theo quy định tại những thời điểm này.
2. Hai Tờ trình này (để thẩm tra nội dung đề nghị từ UBND tỉnh Hưng Yên) đã không thẩm tra việc phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai đã được duyệt cho tỉnh Hưng Yên, thực tế những nội dung này không phù hợp với Quy hoạch đã duyệt. Nói cách khác, các quyết định liên quan của Thủ tướng Chính phủ (do ông Võ tham mưu) không phù hợp quy hoạch theo quy định của Luật đất đai tại thời điểm đó.
3. Quyết định 742/QĐ-TTg tuy có tiêu đề là quyết định giao đất, nhưng thực chất là quyết định thu hồi đất, không phải là quyết định giao đất và ông Võ có sai sót khi không làm rõ trong Tờ trình này. Quyết định 742/QĐ-TTg không có hiệu lực ngay với các hộ dân Văn Giang vì không ghi tên các hộ dân và diện tích đất cụ thể của họ bị thu hồi.
4. Biên bản thẩm định hồ sơ đất đai đề ngày 20/06/2004 (là ngày chủ nhật) được coi do Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên lập và cấp cho ông Võ có ghi: “Biên bản lập xong vào hồi 17 giờ cùng ngày, đọc cho mọi người cùng nghe nhất trí ký tên”. Nhưng trong 35 người tham gia, chỉ có ông Bùi Thế Cử - cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường ký tên, nhưng không đóng dấu. Vì vậy, biên bản này không có giá trị.
5. Tờ trình số 211/TT-UB ngày 25/02/2004 của UBND tỉnh Hưng Yên để xin xét duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2004, 2005 là trình không đúng thời điểm theo quy định của Nghị định 68/2001/NĐ-CP và Thông tư 1842/2001/TT-TCĐC (nếu điều chỉnh bổ sung kế hoạch năm 2004 phải trình sau ngày 01/07/2003 và trước ngày 15/09/2003; điều chỉnh bổ sung kế hoạch năm 2005 phải trình sau ngày 01/07/2004 và do đó phải theo điều chỉnh của luật Đất đai năm 2003).
Sau đó hơn 1 tháng, giáo sư Võ đã viết 02 bài đăng trên báo Vietnamnet (vào ngày 10 và 11/12/2012), đã phủ nhận những thừa nhận trên. Giáo sư Võ đưa lý do tại thời điểm đối thoại “sơ thẩm”, giáo sư chưa nắm rõ sự việc, nay sau khi đã tham khảo các luật sư, chuyên gia, ban ngành đã có quan điểm khác, muốn trao đổi lại với bà con Văn Giang và công luận.
Chúng tôi xin tóm tắt một số quan điểm chính của Giáo sư Võ như sau:
Quan điểm 1: Không chạy dự án vì tư lợi. Dự án xây đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội đã được xác định là dự án trọng điểm, mang lại lợi ích cho tỉnh Hưng Yên và nhân dân Văn Giang. Hưng Yên là tỉnh nghèo, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan Trung ương phải tạo mọi điều kiện cho tỉnh Hưng Yên phê duyệt kịp dự án “đổi đất lấy hạ tầng” đường liên tỉnh đoạn từ huyện Văn Giang đến huyện Khoái Châu trước ngày Luật đất đai 2003 có hiệu lực vào ngày 01/07/2004.
Quan điểm 2: Việc Giáo sư Võ trình Thủ tướng để ban hành  02 quyết định nêu trên là không trái luật, vì Thủ tướng có quyền quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng không do Chính phủ quyết định tập thể.
Quan điểm 3: Các quyết định trên phù hợp với quy hoạch sử dụng đất Hưng Yên thời kỳ 2001-2010 đã được phê duyệt.
Quan điểm 4: Theo Luật đất đai 1993, không nhất thiết phải có quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân. Quyết định 742/QĐ-TTg vừa là quyết định thu hồi đất, vừa là quyết định giao đất.
Chúng tôi xin bình luận về từng quan điểm trên của Giáo sư Võ:
Về quan điểm 1:
Người dân Văn Giang chưa nghi ngờ Giáo sư Võ có tư lợi liên quan đến dự án Ecopark, nhưng có thể giáo sư Võ đã nhẹ dạ, cả tin. Giáo sư Võ là người phát biểu nhiều trên công luận về tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Riêng về cái gọi “đổi đất lấy hạ tầng”, giáo sư Võ khẳng định như sau (theo Báo Tiền phong ngày 13/04/2012): “Khi soạn thảo Luật Đất đai năm 2003, cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” đã được xem xét rất kỹ lưỡng với việc phân tích các nguy cơ tham nhũng trong cơ chế này, và thấy rằng nguy cơ tham nhũng rất lớn”, dẫn đến thay đổi về quy định này trong Luật đất đai 2003. Riêng Dự án này, giáo sư Võ đã nhẹ dạ, cả tin rằng (i) có một nhóm các nhà đầu tư có tiềm năng, (ii) muốn xây dựng đường cao tốc liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên, đổi lấy 500ha đất tại Văn Giang, (iii) đường cao tốc liên tỉnh này là dự án giao thông trọng điểm, (iv) các địa phương ở Văn Giang đều đã nhất trí trước khi trình Thủ tướng, thể hiện trong Biên bản đề ngày 20/06/2004 do Sở TN-MT lập, (v) có chỉ đạo của Chính phủ đẩy nhanh phê duyệt Dự án trước khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực.
Thực tế như sau:
(i)        Nhóm đầu tư này (mà giáo sư Võ phải biết khi ký Tờ trình) là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO), thành lập tháng 08/2003, vốn điều lệ 70 tỷ đồng (đến 2006 mới góp đủ 70 tỷ đồng), không có cổ đông nào có kinh nghiệm về xây dựng giao thông đường bộ.

(ii)       Nhóm nhà đầu tư trên chỉ mong muốn 500 ha đất để làm khu đô thị với giá đền  bù rẻ mạt, đường giao thông mới không phải là đường cao tốc, nếu xây cũng chỉ phục vụ tăng giá trị cho Khu đô thị. Mặc dù đã được giao đất làm đường, nhà đầu tư này vẫn chưa làm xong đường theo cam kết (hoàn thành trong năm 2009), và chưa thấy có dấu hiệu con đường này  sẽ hoàn thành trong thời gian sắp tới.

(iii)      Mặt khác, đường giao thông này không thể coi là Dự án giao thông trọng điểm vì không thấy dự án này trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được phê duyệt theo quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định 2897/1999/QĐ-UB của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 có hiệu lực tại thời điểm 2004. Nếu là một Dự án giao thông trọng điểm, lẽ ra Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) phải có ý kiến đề xuất, phê duyệt hoặc trình duyệt. Nhưng đến 30/06/2004, chưa thấy Bộ GTVT có ý kiến như vậy.

(iv)      Theo biên bản của Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên  ngày 20/06/2004 có 35 quan chức địa phương tham gia thẩm định, nhưng chỉ có 01 đại diện Sở TN-MT ký và không đóng dấu và 34 người còn lại không ký, mặc dù trong biên bản ghi “đọc cho mọi người cùng nghe nhất trí ký tên”.  Ông Nguyễn Văn Tắng – Chủ tịch UBND xã Phụng Công, được coi là người trong danh sách tham dự thẩm định, ngày 17/08/2006 đã khẳng định tại trụ sở UBND xã với cử tri xã Phụng Công “về quy hoạch dự án tôi không hề được biết và tham khảo gì”.

(v)      Trong buổi đối thoại ngày 08/11/2012, giáo sư Võ nhắc đến chỉ đạo của Chính phủ, phải phê duyệt Dự án trước khi Luật đất đai có hiệu lực, bà con Văn Giang có yêu cầu giáo sư chỉ ra văn bản chỉ đạo, nhưng cho đến nay chưa thấy giáo sư Võ cung cấp văn bản này.
Về quan điểm 2:  
Giáo sư Võ cho rằng luật sư của bà con Văn Giang dựa vào Quy chế làm việc của Chính phủ được ban hành năm 1998 để phân biệt thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Giáo sư Võ trích dẫn Điểm 1.1 khoản 1 Điều 2 Quy chế này rằng Thủ tướng có thẩm quyền giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng không do Chính phủ quyết định tập thể. Do đó, Thủ tướng ban hành 02 quyết định trên là đúng. Thực tế, chúng tôi (luật sư cho bà con Văn Giang) chưa bao giờ dẫn chiếu Quy chế làm việc của Chính phủ được ban hành năm 1998 (vì quy chế này đã hết hiệu lực vào thời điểm 2004).
Chúng tôi đã dẫn chiếu Quy chế làm việc của Chính phủ được ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ngày 12/03/2003, điểm l khoản 1 Điều 2 Chính phủ quyết định tập thể :
 “l) Những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ.”
Trong quy chế này, điểm a khoản 1 Điều 4 quy định Thủ tướng Chính phủ giải quyết các công việc sau đây:
a) Những vấn đề được Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, các văn bản pháp luật khác quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ và những vấn đề Chính phủ giao cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết;
Như vậy, đã có sự thay đổi lớn trong Quy chế làm việc của Chính phủ tại thời điểm thông qua 02 quyết định số 303/QĐ-TTg và 742/QĐ-TTg nêu trên. Do 02 nội dung trong quyết định này thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo Luật đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001), và chúng tôi cũng không thấy Chính phủ đã giao cho Thủ tướng (thực ra là Phó Thủ tướng) quyết định 02 nội dung này. Chúng tôi không tìm thấy trong Nghị định, Nghị quyết nào của Chính phủ trong các năm 2003, 2004 giao việc này cho Thủ tướng.Vào tháng 5/2012, chúng tôi đã đề nghị Văn phòng Chính phủ cho biết có văn bản nào của Chính phủ giao việc này cho Thủ tướng không, nhưng chưa thấy Văn phòng Chính phủ trả lời.
Ngoài ra, Nghị định 66/2001/NĐ-CP đã sửa đổi Nghị định số 04/2000/NĐ-CP, theo đó Chính phủ đã thay thế Thủ tướng Chính phủ để quyết định các vấn đề về đất đai (trong đó có việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và giao đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, những nội dung trong 02 quyết định nêu trên). Nếu Chính phủ đồng ý Thủ tướng quyết định 02 loại nội dung này, rõ ràng nội dung sửa đổi đó không cần thiết phải quy định trong Nghị định 66/2001/NĐ-CP.
Khi Bộ TN-MT được thành lập tháng 11/2002, Chính phủ đã chấn chỉnh việc ban hành quyết định liên quan đến đất đai không phù hợp Luật đất đai. Nghị định 91/2002/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ TN-MT đã quy định rõ Bộ TN-MT trình Chính phủ, không trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành những quyết định về đất đai. Như vậy, ông Võ phải biết rõ điều đó và khi nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ TN-MT vào năm 2002 phải tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về nội dung này, không thể căn cứ Quy chế làm việc của Chính phủ đã hết hiệu lực để trình sai địa chỉ và trái  luật Đất đai.
Về quan điểm 3:
Trong buổi đối thoại ngày 08/11/2012, giáo sư Võ đã khẳng định (theo sự hiểu biết của giáo sư tại thời điểm ký Tờ trình), 02 quyết định trên không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai từ 2001-2010 của tỉnh Hưng Yên (đã được phê duyệt năm 2002). Chúng tôi đã yêu cầu Bộ TN-MT cung cấp bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai tỉnh Hưng Yên (đi kèm phê duyệt quy hoạch này), nhưng đến nay Bộ TN-MT vẫn chưa cung cấp. Các hộ nông dân Văn Giang khẳng định vào các năm 2002, 2003, tỉnh Hưng Yên đã chủ trương chuyển đổi tại Văn Giang từ đất trồng lúa sang đất trồng cây cảnh, quả có giá trị cao và họ đã tích cực chuyển đổi, phù hợp  với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Văn Giang giai đoạn 2001-2010 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại Quyết định số 1613/QĐ-UB ngày 21/08/2003. Quy hoạch này không có nội dung hình thành một khu đô thị có quy mô tới 500 ha như Khu đô thị Thương mại – Du lịch Văn Giang. Nói cách khác, tại thời điểm ký 02 quyết định trên, không có quy hoạch sử dụng đất nào cho phép một khu đô thị 500ha được xây dựng tại Văn Giang. Việc chưa điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt đã giao đất để thực hiện là trái Luật đất đai 1993 (đến 21/06/2007, Chính phủ mới có Nghị quyết số 31/2007/NQ-CP xét duyệt, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Hưng Yên từ năm 2001 đến 2010).
Về quan điểm 4:
Để giải thích cho việc không ra Quyết định thu hồi đất riêng cho từng hộ dân, cũng như không giao Quyết định thu hồi đất cho họ, Giáo sư Võ cho rằng Luật đất đai 1993 không quy định, chỉ có Luật đất đai 2003 có quy định.  Quan điểm này không phù hợp pháp luật tại mọi thời điểm (từ năm 2004 đến nay). Luật đất đai 1993 (sửa đổi, bổ sung 1998, 2001) và Luật khiếu nại, tố cáo 1998 (sửa đổi bổ sung 2004, 2005) đều đảm bảo cho các hộ dân quyền sử dụng đất và nếu bị thu hồi được quyền nhận Quyết định thu hồi đất đúng luật, ghi rõ tên họ và diện tích đất bị thu hồi của họ. Cụ thể như sau:
Khoản 2, Điều 3 Luật đất đai 1993 (sửa đổi bổ sung 1998, 2001) nêu rõ: “3- Nhà nước có chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp có đất sản xuất.”
Điều 21 Luật đất đai 1993 này cũng quy định: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó.”
Điều 28 Luật đất đai 1993 quy định: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó.
Việc thu hồi đất để chuyển sang mục đích khác phải theo đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Điều 31 Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi bổ sung 2004, 2005) quy định: “Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính”.
Khoản 10, Điều 2 Luật khiếu nại, tố cáo 1998 định nghĩa về quyết định hành chính như sau: "Quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính”
Như vậy, việc thu hồi đất phải căn cứ bằng một quyết định hành chính, trong đó ghi tên (hoặc gắn liền một danh sách) một hoặc một số hộ dân cụ thể, cùng diện tích đất bị thu hồi của từng hộ dân. Người dân phải  nhận được quyết định hành chính (có ghi rõ tên họ và diện tích bị thu hồi) để chấp hành hoặc thực hiện quyền khiếu nại. Nếu người dân chưa nhận được quyết định thu hồi đất (có ghi rõ tên họ và diện tích bị thu hồi), họ không có nghĩa vụ phải thi hành quyết định thu hồi đất. Do đó, quyết định 742/QĐ – TTg (không ghi tên người bị thu hồi, diện tích đất của người bị thu hồi) không thể coi là quyết định thu hồi đất của những hộ dân Văn Giang.
Mặt khác, nếu quyết định này là quyết định giao đất, để chủ đầu tư nhận 500ha đất đổi lấy hạ tầng cũng trái Điều 23 Nghị định 04/2000/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 66/2001/NĐ-CP. Theo đó, chỉ được trình Chính phủ giao đất để đổi lấy hạ tầng sau khi tổ chức nghiệm thu và xác định đầu tư xậy dưng công trình cơ sở hạ tầng , định giá khu đất sẽ trả cho chủ đầu tư đã bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.  Nói cách khác, chỉ khi chủ đầu tư đã xây xong công trình hạ tầng theo cam kết, Chính phủ mới giao đất cho Chủ đầu tư. Như vậy, Bộ TN-MT (trách nhiệm chính thuộc Giáo sư Võ) đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao đất cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư chưa thực hiện xây dựng công trình hạ tầng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư “lấy mỡ nó rán nó”,“tay không bắt giặc”. Chủ đầu tư đã bán hàng nghìn căn biệt thự, căn hộ, đã hưởng lợi nhuận nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành hạ tầng.
Để giáo sư Võ tâm phục, khẩu phục, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức một buổi đối thoại “phúc thẩm”, mời giáo sư Võ (cùng các luật sư, chuyên gia đầu ngành có thể trợ giúp giáo sư Võ) đến tranh luận. Chúng tôi hi vọng, buổi đối thoại “phúc thẩm” này sẽ có ích cho tất cả những người liên quan và những ai quan tâm đến việc thu hồi đất tại Văn Giang, cũng như có ích cho Đại biểu quốc hội và các quan chức để xây dựng một Luật đất đai mới cũng như tìm cách thức giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai một cách đúng luật, hợp tình, hợp lý theo như Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. 

T.V.H 

__________________________

Ba Sàm mời đọc lại các bài liên quan khác: + 1425. Vụ Ecopark: Thư gửi ông Chủ tịch xã Phụng Công (29-11-2012); + 1420. Văn Giang: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (28-11-2012);  + 1397. Gặp gỡ Văn Giang – Sống lại tình Cá Nước (Boxit Việt Nam/ 19-11-2012);  +  TRỰC TIẾP TỪ VĂN GIANG - (Tễu); + 1396. Thăm Văn Giang sáng Chủ nhật 18-11-2012; + 1389. Đơn khiếu nại Bộ Tài nguyên & Môi trường của nông dân Văn Giang (16-11-2012); 1378. LS Trần Vũ Hải bình luận về những ý kiến của GS Đặng Hùng Võ; + 1377. GS Đặng Hùng Võ: vụ 3.000 văn bản sai phạm – phá luật là để đơn giản thủ tục hành chính, vì dân, vì đầu tư nước ngoài; + 1375. Vụ Ecopark: Thư ngỏ của LS Trần Vũ Hải gửi Cty Việt Hưng; + 1367. Ông Đặng Hùng Võ: ‘Vụ Văn Giang không đơn giản’; + 1366. Chính phủ có cố ý làm trái luật đất đai?; + 1362. Vụ Văn Giang-Ecopark: Giáo sư Võ nhận thiếu sót, bà con Văn Giang cảm thông; + 1325. Thư ngỏ của nông dân Văn Giang gửi GS Đặng Hùng Võ;  + ; + 1160. Kiến nghị Số 03 – Ecopark, Văn Giang; + 1094. Kiến nghị Số 02 liên quan đến dự án Ecopark;  + 999. Thư Xin ý kiến thẩm định pháp lý của LS Trần Vũ Hải liên quan dự án Ecopark;  +  982. Dự án Ecopark không xứng đáng được nhận giải Kiến trúc Xanh;  + 971. Vụ Ecopark: LS Trần Vũ Hải đề nghị Văn phòng CP cung cấp thông tin; + 963.Vụ Ecopark-Văn Giang: Đơn tố giác nghi vấn giả tài liệu của Chính phủ;+ 959. Vụ Ecopark-Văn Giang: LS Trần Vũ Hải trao đổi với GS Đặng Hùng Võ.

12 nhận xét :

  1. Yêu cầu sớm tổ chức phúc thẩm lại vụ này.Không hiểu vì sao ông Đặng Hùng Võ lại nhanh chóng thay đổi quan điểm của mình đến thế.Không lẽ danh dự tư cách của một vị PGS lại như thế này sao?

    Trả lờiXóa
  2. Với cách giải quyết những quyền lợi chính đáng của dân,những thiệt hại của dân do "nhóm lợi ích"gây ra,nhưng được các quan tham bảo kê và với chính sách vòng vo"Cả vú lấp miệng em"như bây giờ,thì trước sau thiệt hại cũng là người dân phải gánh chịu."Lợi ích nhóm"bây giờ không phải là theo nhóm,mà nó đã trở thành lợi ích tâp đoàn rồi.
    Dự án Văn Giang là một miếng mồi quá béo bở với bọn quan tham,nó đã nuốt vào bụng rồi thì sao nó chịu nôn ra.Đối với bọn quan tham trong thời buổi này,thì không những cuộc sống của dân có đói nghèo,hay kể cả mạng sống của người dân cũng không quan trọng bằng một phần lợi ích từ những dự án mà bọn nó đẻ ra để chia chác.
    Bao giờ"vật đổi sao dời"thì may ra người dân mới đỡ khổ,đỡ nhục.
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
  3. Hoàn toàn ủng hộ đề nghị "CẦN CÓ BUỔI ĐỐI THOẠI “PHÚC THẨM” GIỮA GIÁO SƯ ĐẶNG HÙNG VÕ VÀ ĐẠI DIỆN NHỮNG HỘ DÂN BỊ THU HỒI ĐẤT TẠI VĂN GIANG – HƯNG YÊN" của LS.Trần Vũ Hải - Vị luật sư có tâm, có đức, vì dân, rất hiếm hoi trong thời điểm này...

    Rất mong chờ LS.Trần Vũ Hải đáng kính cùng bà con Văn Giang sớm tổ chức buổi đối thoại, xin chúc LS và bà con sức khỏe, thành công!!!

    Trả lờiXóa
  4. Đề Nghị Hội Đồng Phong Hàm Nhà Nước tước hết phong hàm Của Ông Đặng Hùng Võ

    Trả lờiXóa
  5. Có những điều chỉ có tôi biết, anh biết và trời biết và ngoài ra không ai biết. Chỉ có toà án lương tâm phán xét mà thôi. Qui luật nhân quả hiện hữu ở mọi lức mọi nơi và không thể tránh được.

    Trả lờiXóa
  6. Thật lòng mà nói, trước đây, nghe, đọc những lời phát biểu của Gs. Võ trên truyền hình, báo in tôi rất có cảm tình vì ông thể hiện được trình độ cũng như bản lĩnh và hơn hết là ông đứng về phía "công lý". Nhưng, phần đầu của buổi đối thoại với người dân Văn Giang ông đã làm tôi hơi thất vọng và mất niềm tin vào ông. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của buổi đối thoại ông đã "trả lại" cho tôi hầu hết niềm tin chính ông đã lấy đi. Đến bây giờ thì lại chính là Gs. Đặng Hùng Võ đã tước mất cơ bản niềm tin và sự trân trọng của tôi dành cho ông từ trước đến nay thông qua bài “Giáo sư Đặng Hùng Võ nói lại về vụ Văn Giang”.
    Tôi không bao giờ có thể tin, rằng Gs. Đặng lại không chuẩn bị chu đáo cả về lý, tình và pháp luật liên quan trước khi chính thức ngồi đối thoại với bà con Văn Giang, để rồi phải "nói lại" trên VietNamNet. Quân tử nhất ngôn mà! Hay Gs. Đặng đã hối hận khi nghĩ lại: "QUÂN TỬ NHẤT NGÔN LÀ QUÂN TỬ DẠI"???
    NGƯỜI TRÍ THỨC ĐÚNG NGHĨA LUÔN DÁM ĐỐI DIỆN VÀ NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT: "DÙ AI CẦM DAO DỌA GIẾT, CŨNG KHÔNG THỂ NÓI GHÉT THÀNH YÊU".

    Trả lờiXóa
  7. TÔI NGƯỠI MỘ LS. TRẦN VŨ HẢI. CHÚC LS. BẢN LĨNH, SÁNG SUỐT BẢO VỆ CÔNG LÝ.

    Trả lờiXóa
  8. Những chứng cứ và lý lẽ mà LS Hải cùng bà con nêu ra trong bài trên là quá thuyết phục!
    Mong TBT báo VNN giữ lấy cái danh dự nghề báo tối thiểu của mình. Hai bên đang đối thoại công khai trước công luận. Xin VNN đừng làm độc giả thất vọng về uy tín của tờ báo!

    Trả lờiXóa
  9. Tôi nghĩ ông Võ đã bị sức ép rất lớn sau buổi gặp lần 1. Có thể là một kẻ X nào đó... Đừng trách ông Võ quá, ông Võ còn hơn vạn kẻ khác sai lè lè ra nhưng im miệng ..

    Trả lờiXóa
  10. Luật sư T V Hải bầy ra cái tên hay thật " đối thoại phúc thẩm " . Có lẽ tại Gs Võ là " quân tử nói lại là quân tử khôn " ? Than ôi ông Võ có khôn thì cũng "nhất ngôn kí xuất, tứ mã nan truy ". Tưởng là trong tòa án mới có xử phúc thẩm chứ đối thoại cũng có phúc thẩm sao ? Hay thật . Kiểu lạ đấy !

    Trả lờiXóa
  11. Tôi cá 1 chai Remy với Bác Tễu và Bác Hải LS là sẽ không có lần đối thoại thứ 2 đâu. Bác Võ đã nói lại với các báo như thế rồi thì sẽ không dám gặp lại dân Văn Giang và Bác Hải. Thời gian cho thấy ai là kẻ sĩ, ai là kẻ hèn.

    Trả lờiXóa
  12. Rat danh thep, thua luat su Tran Vu Hai. Xin cam on ong da dung cam dung ve phia nhung nguoi dan mat dat chung toi. Xin to long biet on va chuc ong suc khoe. Mong rang trong cuoc dau tranh vi quyen loi dan ngheo, cong ly se len ngoi.

    Trả lờiXóa