Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

THƯ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH XÃ PHỤNG CÔNG, HUYỆN VĂN GIANG

THƯ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH XÃ PHỤNG CÔNG

Hà Nội ngày 22 tháng 11 năm 2012
Kính gửi ông chủ tịch xã Phụng Công Nguyễn Văn Hưng

Chúng tôi là những trí thức Hà Nội đến thăm Văn Giang ngày 18-11-2012 (theo lời mời của bà con ba xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công, huyện Văn Giang) trân trọng gửi ông bức thư này.

Thưa ông Chủ tịch

Đến thăm vùng đất này, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận ở đây là một thiên nhiên tươi đẹp, giàu có và người dân thì thông minh, hiền hoà và tốt bụng. Cuộc gặp gỡ ngày 18-11 vừa rồi thực sự là một ngày hội làng, là dịp ít có trong đời chúng tôi được sống trong tình làng nghĩa nước đằm thắm như vậy.

Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn và xót xa là, những người nông dân đáng quý như thế mà lại phải chịu nhiều cảnh bất công, khổ đau đến thế. Đồng thời chúng tôi cũng rất cảm phục họ bà con ở đây, qua những vụ thu hồi, cưỡng chế ruộng đất bất công và sai trái suốt 8 năm qua, đã dũng cảm vượt lên những khổ đau, hết sức kiềm chế, kiên trì đấu tranh một cách có lý, có tình cho lẽ phải, sự công bình và lòng bác ái. Khi có điều kiện chúng tôi sẽ trở lại nói kĩ về vấn đề này. Riêng ba điều sau đây, chúng  tôi muốn nói ngay với ông Chủ tịch, như một góp ý đối với một người lãnh đạo một vùng đất mà chúng tôi yêu quý.

Điều thứ nhất, để nơi đón khách được rộng rãi, khang trang, bà con đã đề đạt với chính quyền xã mượn hội trường của Uỷ ban nhân dân (UBND), thế nhưng cuối cùng toàn bộ khu nhà của UBND đã bị khoá, kể cả cái sân chính quyền cũng không cho bà con mượn. Bà con phải cấp tốc dựng lán ở ven đường, ngay trước cổng UBND, bởi vì không còn cách nào khác. Đập vào mắt chúng tôi là một cảnh tượng phi lý giữa một bên trụ sở UBND toà ngang dãy dọc (thêm một cái sân rộng) thì bỏ không và kín cổng cao tường, với một bên bà con ba xã và khách phương xa phải chen chúc trong một cái lán chật hẹp dựng tạm bên đường, đó là điều mà chẳng lẽ ông Chủ tịch không lấy làm nghịch cảnh và bận tâm?

Điều bi hài là trụ sở uỷ ban có biển đề hai lần nhắc đến chữ NHÂN DÂN (“Hội đồng NHÂN DÂN” và “Uỷ ban NHÂN DÂN”), về mặt danh nghĩa, nó phải là của nhân dân (chính quyền “của dân, do dân, vì dân”); về thực tế, đất đai và tiền bạc xây dựng nó cũng là của nhân dân, thế mà nhân dân lại không có quyền sở hữu vào một việc rất chính đáng là hội họp và tiếp khách, một việc mà thực ra cũng hy hữu, chứ không phải thường xuyên. Chắc ông Chủ tịch cũng biết rằng, trụ sở UBND bây giờ có vai trò tương tự như ngôi đình làng thời phong kiến, là nơi dân làng họp bàn công việc của làng xã và tổ chức hội hè. Đình làng là không gian chung của tất cả mọi người trong cộng đồng, không phân biệt địa vị, sang hèn. Chả lẽ dưới chế độ XHCN, một chế độ “do dân, của dân, vì dân” mà người dân lại không có quyền bằng thời phong kiến, cái chế độ bất công mà nhân dân ta đã đánh đổ để dựng nên một chính quyền mới, và nhờ đó những người như ông Chủ tịch được ngồi ở vị trí lãnh đạo?     

Một điều chúng tôi ngạc nhiên nữa là: một ngày hội đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân như thế mà không có một cán bộ nào của xã tham gia trò chuyện, đối thoại với bà con và cùng bà con tiếp khách quý phương xa. Trong số khách thăm, có những nhà báo, nhà văn, nhà kinh tế, nhà xã hội học, nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử,… ngoài giao lưu tình cảm, chúng tôi có thể tư vấn rất nhiều điều cho cán bộ địa phương; chẳng lẽ ông Chủ tịch và đội ngũ cán bộ xã nhà không cần và cũng không muốn lắng nghe bà con địa phương cũng như chúng tôi?

Điều thứ hai, không chỉ đóng cửa khu trụ sở UBND mà đến ngay các đền chùa cũng bị chính quyền xã làm như vậy. Như đã nói trên, cuộc gặp gỡ ngày 18-11 sự thực là ngày hội làng, nhân dân địa phương lẫn khách phương xa đều có nhu cầu vào đền, chùa thăm viếng và nhiều người trong chúng tôi còn có nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hoá địa phương. Đền chùa miếu mạo ở các làng quê Việt Nam là các công trình từ bao đời nay do nhân dân xây dựng và quản lý. Suốt cả nghìn năm dưới chế độ phong kiến, kể cả khi nhà vua đã thâu tóm hoàn toàn quyền quản lý ruộng đất thì các công trình này vẫn do nhân dân quản lý, vì vậy mới có câu “Ruộng của vua, chùa của làng”. Thế mà nay chính quyền xã lại cho mình cái quyền khoá cả đền chùa, ngăn cấm cả thánh thần đến với chúng sinh thì chúng tôi thấy lạ quá. Đặc biệt, việc đóng cửa cả đền Ngò và đình Đầu là nơi thờ anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng, cả hai đều được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, thì việc làm này đã sai trái ở nhiều phương diện. Ông Chủ tịch được Đảng cho ăn học nhiều, chắc không thể không biết Hai Bà Trưng là người anh hùng dân tộc, người đầu tiên trong lịch sử nước ta đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên đánh đuổi quan quân đô hộ nhà Hán (Trung Quốc), giành lại độc lập cho đất nước trong 3 năm, để rồi từ đó dòng máu Hồng Lạc cứ luân lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp dân ta bền bỉ đấu tranh, cuối cùng thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc, xây dựng quốc gia Đại Việt độc lập, hùng cường, đánh tan những đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới, vì thế nước ta mới còn đến ngày nay. Hai Bà Trưng là hai nữ anh hùng mà tầm vóc có thể sánh với những nữ anh hùng lừng danh bậc nhất của thế giới, chẳng hạn như Gian-đa (Jeanne d Arc, 1412 – 1431) của nước Pháp. Hai Bà Trưng tồn tại trong tâm thức nhân dân Việt Nam ở cả tư cách người anh hùng dân tộc lẫn bậc thánh nhân, và vì vậy, chính quyền xã do ông Chủ tịch đứng đầu đã phạm vào hai điều tối thiêng liêng.

Điều thứ  ba, có rất nhiều nỗi bất công, oan ức và khổ đau mà người dân kể cho chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để nắm rõ sự thực, tuy nhiên có việc này thì đã rõ: Ông Nguyễn Văn Tộ đưa di hài em trai là liệt sỹ Nguyễn Minh Thuần về quê hương mà chính quyền địa phương không tổ chức lễ đón nhận, an táng, vinh danh, cũng không cho đưa vào nghĩa trang liệt sỹ của xã. Chính quyền xã từ chối với lý do gia đình chỉ đem được nắm đất về (vì khi khai quật không tìm được hài cốt). Chúng tôi nghĩ đó không phải là lý do thực sự và chính đáng. Vì ông Nguyễn Minh Thuần đã được nhà nước công nhận liệt sỹ và phần mộ liệt sỹ Thuần vẫn được nhân dân địa phương ở Tây Ninh chăm sóc cả mấy chục năm nay. Việc nắm đất tượng trưng thay cho hài cốt không ảnh hưởng gì đến việc vong linh liệt sỹ được thờ phụng tại nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà. Giả sử mộ liệt sỹ Thuần chỉ là mộ gió thì cũng vẫn được thờ phụng như những mộ liệt sỹ khác. Cách hành xử chính quyền xã Phụng Công vô hình trung đã bác lại sự vinh danh của Nhà nước. Chúng tôi nghĩ nếu gia đình ông Tộ không thuộc diện “chống đối” (theo cách nhìn của chính quyền xã) thì chắc không bị đối xử như vậy. Chúng tôi chưa bàn ông Tộ thực hiện các chính sách đúng sai như thế nào, nhưng dù thế nào, việc đó không liên quan gì đến liệt sỹ Nguyễn Minh Thuần, em của ông ấy. Lấy việc yêu ghét thân nhân của liệt sỹ để đối xử với liệt sỹ là cách hành xử vừa sai chính sách, vừa mất đạo lý, làm tủi đến cả vong linh người liệt sỹ đã ngã xuống vì đất nước. 

Thưa ông Chủ tịch

Vì rất có cảm tình với bà con Văn Giang, vì trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà chúng tôi gửi đến ông Chủ tịch bức thư này. Hy vọng đến Văn Giang lần sau chúng tôi sẽ không gặp lại những cảnh trớ trêu như trên và sẽ có nhiều niềm vui, trong đó có đóng góp của ông Chủ tịch và chính quyền xã Phụng Công.

                                        Trân trọng kính chào ông Chủ tịch. 
                                        Đào Tiến Thi
                                         Nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ


Nguyễn Xuân Diện
        Nhà nghiên cứu Hán Nôm

9 nhận xét :

  1. Nếu tôi không nhầm thì các Chủ tich Xã cách riêng và tất cả các vị công chức ở xã hầu hết là dân địa phương cả. Hơn ai hết, các vị hiểu thấu tình cảnh của đồng bào địa phương mình như thế nào. Ông bà, cha mẹ, vợ/chồng, con cái các vị cũng đều sống ở đó, cũng đều đồng phận chia ngọt sẻ bùi với người dân địa phương từ biết bao lâu rồi. Tình chòm xóm, tình láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, sao các vị có thể vô cảm dến thế? Vì lòng tham chức quyền lợi lộc ư, hay vì sợ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cả hai. Đọc mà nghe não lòng, cứ nghĩ là chuyện xảy ra ở tận xứ nào chứ đâu phải ở thiên đường này, nơi có chỉ số hạnh phúc thuộc loại nhất thế giới!

      Xóa
    2. Ha Le nói rất đúng. Sự ràng buộc các thành viên trong làng xã truyền thống ở VN rất lớn. Không chỉ vì quan hệ họ hàng, làng xóm mà còn vì tính TỰ TRỊ của nó. Có nghĩa là những người đứng đầu làng xã do cộng đồng bầu lên chứ không phải do nhà nước bổ nhiệm. Đã được bầu lên thì phải làm đúng trách nhiệm, đúng ý chí của dân làng. Cho nên ngay cả pháp luật của nhà nước trung ương nếu không phù hợp thì làng xã đủ sức chống lại (Phép vua thua lệ làng). Do cơ cấu ấy mà người xã trưởng vừa là người chịu trách nhiệm cao nhất (Áo cứ tràng, làng cứ xã: giữ ai cứ nắm lấy vạt áo; mọi việc của làng do xã trưởng là đầu trò chịu trách nhiệm) lại vừa chỉ là người thực thi nghị quyết của dân làng (đại diện là các hội đồng tộc biểu, phe, giáp). Dân chủ làng xã, theo Trần Ngọc Thêm, là nền dân chủ có trước cả nền dân chủ tư sản.

      Xóa
    3. Bác Thi ơi. Từ nhỏ em đã không có cái may được sống trong bầu khí cộng đồng làng xã truyền thống. Em sinh ra và lớn lên rặt trong môi trường thành thị, hơn nữa, suốt thời gian cấp 1 và 2 thì toàn học nội trú. Ba em là quân nhân nên gia đình cứ phải chuyển chỗ ở liên tục, chủ yếu theo hướng "Nam tiến", cứ mỗi năm lại thêm rời xa khỏi quê gốc miền Trung. Đến nơi ở mới, có khi trong doanh trại, chưa kịp quen biết hàng xóm thì đã lại phải chuyển nữa rồi.

      Em đọc các còm bên trang Ba Sàm, thấy một vài bác còm sĩ bên đó, chắc là đang sống ở hải ngoại và có lẽ cũng có hoàn cảnh thơ ấu giống em - nghĩa là cũng người gốc miền Nam hay người lớn lên ở môi trường đô thị - các bác ấy đã tỏ ra ngạc nhiên khi đọc lá thư gởi ông Chủ tịch Xã này. Có lẽ các bác ấy nghĩ rằng đã là công chức thì răm rắp phải tuân lệnh cấp trên trong chính quyền, "quân lệnh như sơn", nói chuyện tình làng nghĩa xóm gì đó - cái điều xa xưa mơ hồ lắm rồi - với mấy vị "quan" thì ăn thua nỗi gì...(?)

      Chỉ từ sau 1975, em mới thực sự cảm nghiệm chút ít về điều gọi là "cộng đồng tính" in sâu trong tâm thức người Việt. Đó là thời gian dài hiếm hoi mà gia đình em ở cố định một nơi, Sài Gòn. Ba em đi "học tập" (10 năm). Mẹ em, cũng như bao người dân miền Nam khác, thời gian đầu phải ra họp Tổ dân phố thường xuyên chỉ vì đó là lệnh của chính quyền. Nhưng càng ngày em càng thấy rõ là nhờ sự họp mặt đều đặn hàng tuần đó mà cái "tình cộng đồng làng xã" truyền thống bỗng nhiên như sống lại ngay giữa lòng cư dân thành thị. Em đã suy nghĩ điều này nhiều lần và thấy rằng hễ khu phố nào ở Saigon cách riêng, và cả miền Nam nói chung, cái tình cộng đồng đó được sống lại một cách đích thực và mạnh mẽ, thì cuộc sống của cư dân ở đó rõ ràng là dễ chịu hơn, an ninh hơn, đầm ấm hơn, thậm chí là "dân chủ" hơn - bất kể những qui định ngặt nghèo mà Chính quyền mới đương nhiên phải đặt ra cho dân miền Nam; bất kể cái lý lịch "Ngụy quân, Ngụy quyền" của những gia đình như gia đình em. Đó là sự thực. Ba em khi đi "học tập" về cũng hết sức ngạc nhiên. Và các bác miền Nam vượt biên sớm ra sống ở hải ngoại chắc cũng không mường tượng nổi điều đã xảy ra đó.

      Cái câu "phép Vua thua lệ Làng" vẫn đúng, nếu người dân Việt biết sống lại truyền thống tình làng nghĩa xóm cổ truyền của mình một cách cụ thể và tích cực. Chính trong bầu khí gần gụi, sẻ chia và đoàn kết này, sức sống của một cộng đồng có thể đánh thức cái "thiên lương" (chữ bác Thi đã dùng trong một còm bên Ba Sàm) sâu thẳm trong từng cá nhân, kể cả khi cá nhân đó là viên chức địa phương của chính quyền.

      Em qua Mỹ năm 2006, đọc trên báo mạng mà rất mừng khi biết người dân trong Phường cũ của em, Phường 11 Quận 10 Tp.HCM, đã đoàn kết như thế nào để ngăn chặn thành công vụ tham nhũng, rút ruột ngân sách trong công trình xây dựng đường cống hộp ở địa phương. Người dân (bất kể thành phần, cán bộ hưu trí cũng có mà gia đình "Ngụy" cũng có) đã họp nhau bàn cách đối phó, phân công nhau túc trực cả ngày lẫn đêm để giám sát, với sự hỗ trợ của một vài vị công chức thanh liêm ở ngay tại Phường và Quận nhà, một số nhà báo có lòng và cả một vị trong Hội đồng Nhân dân Thành phố nữa.

      Thành ra em tán đồng với lá thư của bác Thi và bác Diện. Thực ra các vị công chức ở địa phương gần dân không thua gì gần cấp trên. Họ rất cần sự cộng tác và sự trợ đỡ của dân chúng - đặc biệt của người dân địa phương, có thế họ mới có chỗ dựa để "phản biện" với cấp trên mỗi khi gặp phải những mệnh lệnh phi lý hoặc phi pháp. Phép Vua thua lệ Làng, chỉ trong trường hợp "Làng" phát huy đúng mức sức mạnh cộng đồng của mình.

      Xóa
    4. Bác Hà Lê mấy hôm nay đi đâu hay bị ốm mà sao không thấy xuất hiện trong blog này nhỉ?

      Xóa
    5. Cám ơn bác Minh Khai đã hỏi thăm. Cứ vào dịp gần cuối năm, cũng là lúc bắt đầu mùa lạnh là tôi hơi vất vả bác à. Công việc thì nặng hơn bình thường, và mùa Đông bên này thì quả là khắc nghiệt cho dân gốc vùng nhiệt đới như người Việt mình. Hì hì, ở VN thì tuổi tôi về hưu được rồi (như Phương Bích ý) chứ bên Mỹ thì vẫn cày như thanh niên, 10 năm nữa mới được... hưu non. Tôi vẫn theo dõi blog rất đều (làm sao mà không được?) thường là qua i-phone. Mỗi khuya về đến nhà là cóng hết cả người và đầu óc thì mụ mị hẳn đi, hổng dám còm nhiều bác ạ.

      Xóa
  2. Cán bộ xã bây giờ Bá Kiến phải gọi bằng cụ.

    Trả lờiXóa
  3. … ngoài giao lưu tình cảm, chúng tôi có thể tư vấn rất nhiều điều cho cán bộ địa phương; chẳng lẽ ông Chủ tịch và đội ngũ cán bộ xã nhà không cần và cũng không muốn lắng nghe bà con địa phương cũng như chúng tôi?


    Đã có đảng và nhà nước lo.

    Trả lờiXóa
  4. Ba Cầu Kè, Trà Vinh .lúc 14:32 29 tháng 11, 2012

    Ô. Ct UBND xã Phụng Công đang khó trả lời . Gợi cho ông vài ý nhá : Khách của Dân chứ đâu phải khách của CQ . Dân mời thì Dân tiếp . Khách UBND không đứng ra mời thì UBND không có trách nhiệm cử người ra tiếp . Trụ sở UBND , chúng tôi là người quản lí phải biết bảo vệ. Nói là Dân Văn Giang, biết đâu có kẻ xấu xâm nhập, thế lực thù địch lẻn vào phá hoại ai chịu trách nhiệm ? Ai là người hỏi mượn trụ sở UBND ? Người đó có đại diện cho Dân không ? HP chỉ thừa nhận UBND là đại diện duy nhất hợp pháp của Dân, ngoài ra chúng tôi không thừa nhận kẻ nào khác tự nhận là đại diện của Dân.
    Còn các vị khách có nhã ý tới thăm UBND xã Phụng Công , thay mặt UBND Xã, chúng tôi rất hân hạnh đón tiếp .

    Trả lờiXóa