Từ Ecopark Văn Giang, định nghĩa lại “đô thị sinh thái”
Khánh An, phóng viên RFA (2012-11-13)
Liên quan vụ thu hồi đất ở Văn Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài
nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ thừa nhận sai sót và có trách nhiệm trong
những quyết định liên quan đến các dự án xây dựng tại Văn Giang – Hưng
Yên.
Luật sư Trần Vũ Hải – người đại diện pháp lý cho nông dân Văn Giang –
đã gửi thư ngỏ cho chủ đầu tư của đô thị sinh thái Ecopark là Công ty
cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) đề nghị cùng
bàn thảo về phương án giải quyết có lợi cho các bên.
Đô thị sinh thái là gì?
Nhân sự kiện này, Khánh An hỏi chuyện Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, người đã có ý kiến về dự án tại Văn Giang cách đây hai năm, cho rằng Ecopark không phải là đô thị sinh thái và cảnh báo các nhà đầu tư hãy thận trọng.
Đô thị sinh thái là gì?
Nhân sự kiện này, Khánh An hỏi chuyện Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, người đã có ý kiến về dự án tại Văn Giang cách đây hai năm, cho rằng Ecopark không phải là đô thị sinh thái và cảnh báo các nhà đầu tư hãy thận trọng.
Trước tiên, bà Trần Thanh Vân – kiến trúc sư đầu tiên tại Việt Nam
tốt nghiệp khóa học về sinh thái học từ cách đây 31 năm – cho biết:
Một cái sai lầm lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là sính từ ngữ mà lại
không hiểu thực chất. Một nguyên tắc rất quan trọng, phải hiểu thế nào
là “sinh thái” thì người ta mới làm sinh thái. Chứ cái gì cũng sinh
thái, thưa chị, một cái thùng sắt mà đổ đất vào trồng cây và bảo đấy là
sinh thái thì không phải. Sinh thái bản thân nó là phải có sự hoàn
thiện. Chữ “sinh thái” xuất phát từ “ngôi nhà”, tức là quan điểm về chỗ
ở, về một cái gì đấy hoàn chỉnh. Quy mô của chữ sinh thái có thể rất to,
nhưng có thể chỉ nhỏ li ti để một sinh vật có thể sống được.
Thế thì, một đô thị sinh thái là một đô thị tự nó phải hoàn chỉnh,
chứ một đô thị sinh thái như Văn Giang thì không phải. Vì sao? Vì ở đấy
chỉ có người giàu lắm tiền mới đến đấy ở để nghỉ ngơi. Bản thân người
giàu đó cũng làm việc ở chỗ khác. Rác thải, bao nhiêu thứ bẩn thỉu, họ
thải ra bên ngoài để chỗ khác phải gánh. Rồi người phục vụ của khu vực
đó cũng có khi chạy bộ, đi xe máy, hoặc đi xe đạp từ rất xa để đến chỗ
đấy phục vụ cho những người giàu. Đấy không phải là sinh thái, mà đấy là
khu ở cao cấp mô phỏng tự nhiên.
Một đô thị sinh thái là một đô thị tự nó phải hoàn chỉnh, chứ một đô thị sinh thái như Văn Giang thì không phải.
KTS. Trần Thanh Vân
Qua Văn Giang, tôi muốn nói một cái tệ hại nhất của đô thị Việt Nam
hiện nay là người ta sính từ ngữ, rất thích tìm những từ ngữ nghe hấp
dẫn, có vẻ thời thượng để hùa làm theo. Cho nên cái mà lâu nay tôi phản
đối, tôi nói là ngay cái chữ “đô thị sinh thái” để lừa người ta, để
quảng cáo thu hút tiền, để bán cho những người giàu đến đấy để hưởng thụ
thôi thì tôi thấy là không được.
Khánh An: Vâng. Khánh An có nghe nói bà đã có ý kiến trong việc xây dựng khu đô thị Ecopark ở Văn Giang trước đây phải không?
KTS. Trần Thanh Vân: Vâng. Khoảng cuối năm 2010, lúc Ecopark
bắt đầu hoàn thành vài công trình mẫu thì báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
có phỏng vấn và tôi có phát biểu định nghĩa về đô thị sinh thái. Khi
phát biểu, tôi có lấy dẫn chứng thành phố của Singapore. Singapore là
một thành phố đẹp, sạch sẽ nhưng không phải là đô thị sinh thái vì
Singapore vẫn xả rác ra ngoài, vẫn dùng điều hòa nhiệt độ, vẫn phải tận
dụng những thứ ở chỗ khác mang đến và vẫn có những thứ phải mang đi. Bản
thân nó chỉ là thành phố vườn. Tôi muốn định nghĩa cho chính xác. Định
nghĩa rất quan trọng. Những nhà đầu tư phải hiểu, sau đó mới lôi kéo
người khác vào. Tại sao tôi mời bác vào đây ở vì chỗ này có ưu điểm gì.
Chứ còn bây giờ cứ vì những cái sính từ ngữ mà làm thì không được.
Tôi phát biểu điều đó cách đây hơn hai năm và bây giờ tôi thấy rằng
cái đó mới chỉ là một ý. Bây giờ tôi biết là lại có có chuyện cưỡng chế
đất của dân nữa, đô thị sinh thái là phải tôn trọng kể cả con vật lẫn
con người ở địa bàn có sẵn, sau đó mới là những cái mọc lên xung quanh.
Làm sao cho cái thiên nhiên có sẵn và cái mới do bàn tay con người làm
nó liên kết lại thành một quần thể sinh thái hoàn chỉnh. Văn Giang không
có cái đó.
Quy hoạch không hợp lý
Khánh An:Theo kiến trúc sư, trong việc quy hoạch phát triển đô thị hiện nay tại Việt Nam, cần phải tập trung và quan tâm đến những yếu tố nào?
Quy hoạch không hợp lý
Khánh An:Theo kiến trúc sư, trong việc quy hoạch phát triển đô thị hiện nay tại Việt Nam, cần phải tập trung và quan tâm đến những yếu tố nào?
KTS. Trần Thanh Vân: Phải đúng nguyên tắc. Mỗi một người dân
chỉ tiêu tối thiểu mà họ sống là cần những thứ gì thì mình phải đúng
theo nguyên tắc đó và phải có cái tính toán để phát triển cho tương lai.
Hôm nay cuộc sống còn thấp thì anh có tiêu chuẩn thấp thế này, nhưng
anh có cái dự phòng để khi cao lên thì anh không bị mâu thuẫn.
Ví dụ như đường chẳng hạn, hôm nay chưa cần đường rộng đến 30 mét bề
ngang mà chỉ cần 10 mét thôi, thì cái dải bên cạnh mỗi bên 10 mét là
phải làm dải cây xanh. Nhưng họ lại không làm thế. Cứ có con đường giữa
là lại cho xây nhà hai bên. Xây nhà xong rồi khi muốn mở đường thì phải
đền bù, mà nếu đền bù ít thì dân người ta không chịu nhận, thế là gây
mâu thuẫn. Thế thì chuyện đó hiện nay tôi cho là chuyện lớn nhất. Hệ
thống giao thông mà không ổn thì không thể có một đô thị hoạt động hợp
lý được.
Khánh An: Vâng. Vấn đề trong quá khứ sai thì đã rõ rồi, thế
thì bây giờ theo bà có cách nào để tránh những sai phạm như thế trong
tương lai và làm giảm bớt thiệt hại cho người dân như trong vụ Văn
Giang?
KTS. Trần Thanh Vân: Những ngày gần đây khi dân chúng yêu cầu
giáo sư Đặng Hùng Võ phải trả lời người ta, ông ấy đã trả lời là chính
ông ấy cũng sai và ông cũng nói là có mấy nghìn văn bản của chính phủ
sai. Ông còn đề nghị là chuyển sang Quốc hội để có ý kiến. Thế thì những
cái đó, liệu ông ấy nó có tác dụng hay không? Nếu biết sai mà không sửa
thì thế là sai mãi.
Bên ngoài thủ đô có bao nhiêu là đô thị bỏ hoang, nhà bê tông không có người ở. Họ không có tiền mua. Thế thì nhà nhiều vô kể để làm gì?
KTS. Trần Thanh Vân
Còn thực tế, tôi không phải là nhà chức trách, nhà nước, nhưng có một
điều tôi thấy lạ là người ta cứ nghĩ đến đô thị, lấy đất để làm gì?
Thưa chị, bây giờ ở đâu cũng có khó khăn. Ngay ở Hà Nội, xung quanh
chúng tôi nhìn thấy người ta không còn có tiền nữa. Bên ngoài thủ đô có
bao nhiêu là đô thị bỏ hoang, nhà bê tông không có người ở. Họ không có
tiền mua. Thế thì nhà nhiều vô kể để làm gì? Nếu bây giờ cứ cố để chạy
theo mục tiêu định ra cách đây dăm mười năm mà lấy đất Văn Giang thì tôi
chẳng hiểu để làm gì? Thực sự tôi thấy không biết ai sẽ là người điên
để đi mua khu nhà ở Văn Giang? Ở Hà Nội sang đấy 12 cây số nhưng lại
phải qua sông, rồi lại đi ở dưới đường đê. Tôi đã sang một lần mà tôi
không chịu nổi, giả thử cho tôi cái nhà đấy tôi cũng không lấy.
Khánh An: Nếu như có lời khuyên dành cho các nhà đầu tư thì bà sẽ nói với họ điều gì?
KTS. Trần Thanh Vân: Tôi bảo “Dừng lại đi. Dừng lại để kiểm
xem mình làm đúng hay sai đã”. Cái nạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, nạn
thiếu ăn, nạn không có việc làm và hao hụt về tài chính xảy ra khắp
nơi. Ở Hà Nội này xung quanh chúng tôi, tôi thấy bao nhiêu người sống
bằng bong bóng. Tại sao người ta không biết dừng?
Khánh An: Vâng, cám ơn kiến trúc sư đã dành thời gian cho đài RFA.
Cám ơn Tễu đã đăng lại.
Trả lờiXóaĐúng Khánh An của RFA có hỏi chuyện tôi. Tôi trả lời thật lòng.
Đúng? Sai? chỉ có vậy