Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

HỌC TRÒ GÓP TIỀN ĐỂ THẦY ĐƯỢC THỜ BÊN CẠNH PHẬT


Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2018
TỄU BLOG Kính chúc các thầy cô giáo luôn mạnh khỏe - vui tươi 
và nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người!

Nhân dịp này, xin chép tặng Thầy Nguyễn Minh Thuyết (người làng Phú Thị) và các Thầy Cô ghé thăm trang Blog bé nhỏ này bài viết về một tấm bia hiện còn lưu giữ tại làng quê Phú Thị của Thầy. Văn bia khắc năm 1746 đời Lê Cảnh Hưng ghi lại việc đông đảo học trò góp tiền để dân làng thờ Thầy giáo dạy Toán và dạy viết chữ bên cạnh Phật. 

CÓ MỘT TÌNH THẦY TRÒ NHƯ THẾ QUA VĂN BIA 
Phạm Thùy Vinh



Ở làng Phú Thị huyện Gia Lâm phủ Thuận An xứ Kinh Bắc (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm – Hà Nội) có một tấm bia Hậu tạo năm Cảnh Hưng 7 (1746) triều Lê. Sẽ chẳng có gì phải nói nhiều nếu đó chỉ là một loại bia Hậu bình thường của những người có đóng góp chút tiền của cho làng để được bầu hậu, được làng thờ cúng.

Người được bầu hậu (ở đây là hậu Phật) trong bia này tên là Ngô Bảo quê tại làng Phú Thị. Ông được làng bầu hậu không phải do ông đã cúng cho làng một khoản kinh phí nào đó. Mà thời bấy giờ nếu không có công đức hoặc tiền, hoặc ruộng, hoặc cả hai thứ, thì không thể được tầng lớp quan viên, sắc mục, kỳ lão của làng chấp thuận bầu là Hậu. Quyền lợi của “các hậu” là sau khi mất đi được cả làng thờ cúng mãi mãi ở đình hoặc ở chùa, hoặc ở văn chỉ… Theo thống kê của chúng tôi, ở các làng quê Việt Nam không chấp thuận người nào đó trở thành “Hậu” chỉ vì họ có tài, có đức hạnh một cách chung chung.

Trường hợp ông Ngô Bảo cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Tuy nhiên ở đây người đóng góp tiền, ruộng cho làng để ông được bầu là Hậu không phải là bản thân ông, cũng không phải là những người ruột thịt của ông. Đó là những người học trò của ông. Ông Ngô Bảo không dạy ở trường Giám để có học trò đi thi trở thành Tiến sĩ; ông cũng không dạy theo các bộ kinh điển của Nho giáo như kinh, sử, tử, tập để học trò chiếm bảng khôi nguyên. Ông dạy về Thư pháp – cách viết chữ Hán. Bản thân ông cũng từng đỗ khoa Thư toán – khoa thi đào tạo những viên nha lại mẫn cán cho bộ máy hành chính các cấp. Ngô tiên sinh đỗ khoa Thư toán năm Mậu Dần (1698) giữ chức Thị nội Thư tả Binh phiên, Tướng sĩ lang, làm quan đến Phó sở sứ, được phong tặng là Tán trị Thừa chánh sứ ty, Tham nghị xứ Hưng Hóa. Ông là người “lạc nho lưu chi giáo”, tráng niên “bút phát chi tinh khởi phượng giap quýnh phàm” (vui vẻ với sự truyền dạy [kẻ sĩ], khi còn trẻ [mà] bút pháp đã tinh luyện đặt bút là rồng phượng nhảy múa…). Có rất nhiều kẻ sĩ nhờ ơn dạy dỗ của ông mà thành đạt (đa sĩ mông giáo dục đạt tài). Vì thế, nhớ ơn thầy giáo cũ, những môn sinh của ông đã họp nhau lại, xin bầu hậu cho ông. Duyên do là khi Ngô tướng công tước “Tập Lộc tử”, húy là Ngô Bảo, tự là Đạt Chính, thụy là Minh Mãn mất đi nhưng chưa có người nối dõi, em trai ông đảm nhận việc thờ cúng. Thây thế các môn sinh của ông muốn báo đáp công dạy dỗ của thầy nên muốn thầy được qui Phật chùa Thiên Ứng Phúc Lâm của bản xã. Họ đã góp tiền, mua đặt ruộng tế xin với bản thôn bầu thầy giáo Ngô Bảo là hậu Phật được thờ cúng mãi mãi. Nguyên văn: “Môn sinh đan tâm tư báo, dục kỳ sư qui Phật ư Thiên Ứng Phúc Lâm tự, mãi trị tế điền, khẩn thỉnh bản thôn bảo vi Hậu Phật, thứ hưởng vạn vạn niên chi tự, nãi sử thạch nhật thất thuyên chi thạch bi”. Người đứng ra tạo bia là “môn sinh thư Đồng tri phủ Ngô Trí đẳng cần tạo”; Người soạn văn bia là “Từ Liêm văn sĩ Nguyễn Chuyết Phủ soạn”; Người viết chữ là “Đồng tri châu Trần Ngọc Kiên, Cai hợp Trần Thể Tướng, quan viên tử Ngô Tán”. Những người đã tham gia đóng góp tiền của xin bầu hậu cho thày là đồng môn với nhau. Có 12 người được liệt kê tên, chức vụ; trong đó có 7 người là “Thị nội Thư tả” như: Trần Thế Nho - Thị nội Thư tả Lễ Phiên; Phùng Đăng Tuân - Thị nội thư tả Công Phiên; Nguyễn Đăng Toàn – Cai hợp Thị nội Thư tả Binh Phiên, Huyện thừa; Nguyễn Danh Cẩm - Thị nội Thư tả Binh Phiên, Đồng Tri phủ; Nguyễn Đăng Đạt – Phó sở sứ; Đặng Sĩ Ước - Thị nội Thư tả Lại phiên, Huyện thừa; Ngô Trí - Đồng Tri phủ; Trần Thêế Danh - Thị nội Thư tả Lại phiên, Huyện thừa; Nguyễn Đăng Tố - Đề lại; Nguyễn Phú Huy – Cai hợp Lệnh sử phiên, Huyện Thừa; Nguyễn Xuân Thực - Đề lại…

Có thể thấy những học trò đã thành đạt của ông không phải là những quan chức giữ chức vụ cao. Họ chỉ là những viên Thư lại – công chức bình thường, chuyên làm nhiệm vụ về viết chữ trong các huyện đường, các bộ. Những người chỉ đỗ khoa Thư toán – khoa dạy về cách viết chữ và tính toán thì cũng chỉ được giữ những chức vụ như vậy thôi. Nếu muốn tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp họ phải trải qua các kỳ thi Hội, thi Đình hay ít nhất cũng đỗ kỳ thi Hương. Vì thế việc báo đáp ơn thầy đối với họ không phải là sự khuyếch trương thanh thế, tỏ sự giàu sang. Sự đóng góp của họ với làng cũng rất khiêm tốn: Chỉ có 77 quan tiền cổ và chưa đến 1 mẫu ruộng, tương đương với sự đóng góp của một người bình thường không danh vị gì vào thời đó muốn mua hậu ở chính thời điểm này. Thế kỷ 18 đã có những vị quan chức hoặc Thái giám cúng tiền hàng ngàn, hàng vạn quan và hàng chục mẫu ruộng cho các làng xã, đủ biết sự đóng góp của học trò Ngô tiên sinh với thầy thật khiêm tốn biết nhường nào. Người đóng góp nhiều nhất là 17 quan, ít nhất là 1 quan. Số tiền ấy họ đã mua 8 sào ruộng, họ đã giao số ruộng này cùng với số tiền còn lại (30 quan) cho bản thôn.

Nhưng cái đáng quý trọng của học trò Ngô tiên sinh không phải là sự đóng góp nhiều hay ít, mà là tình cảm kính yêu thầy thật sự. Thói thường muốn trả ơn ai người ta hay làm khi người được trả ơn còn sống để được ghi nhận và cũng để được tri ân. Còn khi người được trả ơn đã khuất, lại không có gia đình con cái thì mấy ai nhớ đến, nhất là trong trường hợp này, thầy giáo Ngô Bảo cũng đã được người em đứng ra lo việc tế tự, tưởng cũng có thể yên tâm. Song các học trò cũ của ông vẫn áy náy, liệu một mai thầy giáo của họ có được thờ cúng mãi hay không? Theo phong tục truyền thống của dân Việt lúc bấy giờ, nếu ai được bầu là hậu thần, hậu Phật sẽ được thờ cúng muôn đời. Bởi thờ Phật, thờ Thần thánh là tín ngưỡng hằn sâu vào tiềm thức của người Việt hàng ngàn năm nay. Những người được bầu hậu, tức là được thờ sau Thần sau Phật thì đương nhiên sẽ được khói hương thờ cúng mãi mãi cùng Phật cùng Thần Thánh. Với một ý niệm như vậy các học trò của ông Ngô Bảo đã khẩn khoản xin với thôn bầu thầy giáo củ họ là hậu Phật. Chính sự lo lắng quan tâm của học trò ông về tâm linh khiến người đời sau thực sự xúc động. Họ đã làm cho vong linh thầy giáo cũ được thanh thản mà lại phù hợp với tín ngưỡng của người Việt bấy giờ.

Văn bia chỉ ghi một câu chuyện, một sự việc nhỏ như vậy, song ý nghĩa giáo dục của nó rất lớn. Hơn bao giờ hết, nó mang lại cho người đọc về một lẽ sống có tình người, cao hơn nữa là tình thầy – trò, biểu thị mối quan hệ tôn sư trọng đạo mà ngày nay các thế hệ học trò vẫn còn phải học tập và suy ngẫm. Một thầy giáo dù dạy nghề, dạy chữ hay dạy những tri thức khoa học mà thực sự có tài năng và đức độ, sẽ đào tạo được một thế hệ học trò đích thực kế tiếp sự nghiệp mà thầy đang làm. Thầy giáo Ngô Bảo ở đây đã đỗ khoa Thư toán, từng làm “Thị nội Thư tả” thì 12 học trò của ông được kê tên trong bia cũng đều đỗ khoa Thư toán, đều kế tục công việc “Thị nội Thư tả” như ông, lại cũng có người làm quan đến “Phó sở sứ” giống ông. Hẳn rằng ông còn nhiều học trò đỗ hơn nữa. Thật là hạnh phúc cho người thầy giáo như vậy.

Bài học về sự “tôn sư trọng đạo” mà văn bia “Hậu Phật bi ký” ở xã Phú Thị - Gia Lâm dẫu cách chúng ta 250 năm vẫn mang tính thời sự nóng hổi cho mọi thế hệ học trò ngày nay và mai sau khi nhớ về thầy cô giáo cũ đã chắp cánh cho ta bay đến tương lai. 

Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.755-759)

8 nhận xét :

  1. :-). Cám ơn TS. Chúc cả nhà vui.

    Trả lờiXóa
  2. Buồn quá anh Diện a. Tôi dạy học hơn 30 năm, cứ dịp 20-11 là phấn khởi vì ngày của nghề mình. Cách 05 phút trước có 5 vị cha mẹ học sinh đến gia đình nói tặng tôi " bó hoa",họ đặt lên bàn cái phong bì. Thật buồn !

    Trả lờiXóa
  3. Còn những người thầy nửa đường đứt gánh. Sau năm 1975 , lịch sử đất nước sang trang, thầy trò miền Nam phiêu bạt mỗi người một nơi, có kẻ bỏ mình nơi vùng kinh tế mới , kẻ bỏ mình nơi nào của đất nước do đi cải tạo, kẻ bỏ mình giữa biển khơi, kẻ ẩn mình nơi cùng cốc thê lương , kẻ hết gạo chạy rông thành nhất nông nhì sĩ , Kẻ tha hương nơi chân trời góc biển , đất khách quê người
    Gần 40 năm qua , xin thắp lên nén hương nhớ tới nhiều bạn nhà giáo đã khuất . Người còn sống gửi chút lòng thành sẻ chia !

    Trả lờiXóa
  4. Gạo (lương) không đủ ăn lấy gì vực được đạo sư phạm ?!

    Trả lờiXóa
  5. Gửi bác Tiểu Phong Hàn,

    Buồn chẳng giải quyết được gì, thưa bác. Phụ huynh cũng đâu có muốn gửi phong bì cho thầy, cô. Nhưng hiện giờ xã hội rối ren, đạo đức suy đồi quá, chẳng ai dám tin vào người khác nữa. PH cũng chỉ muốn an toàn cho con em mình mà thôi. Thầy cô giáo thì lương chẳng đủ nuôi thân, mấy ai giữ được phẩm giá.

    Bác mà đã không muốn nhận quà thì kiên quyết không nhận. Chịu khó thông cảm giải thích cho phụ huynh. Đừng trách họ. Xã hội dạy cho họ phải sống như vậy. Được vài năm, phụ huynh đồn ra là họ hết đưa nữa thôi.

    Chúc bác một ngày vui.

    Trả lờiXóa
  6. http://www.viet-studies.info/NguyenTrongBinh_SuyNghiKhiDocTho.htm

    Một bài phân tích đích đáng về lá thư gửi nhân ngày 20/11 của ông bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

    Trả lờiXóa
  7. Khi giáo dục bị biến thành công cụ, thì...Xin chia buồn cùng những nhà giáo đích thực lâm cảnh như bác CD Nam Bộ chia sẻ...Chúc nạn buồn đó mau qua đi, để người Thầy trở lại là người Thầy đúng nghĩa. Thầy chỉ đúng nghĩa, khi Trò đúng nghĩa, Dân đúng nghĩa...

    Trả lờiXóa