Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

NẾU KHÔNG TỰ LƯỢNG PHẬN MÌNH...


Nếu không tự lượng phận mình …

Bùi Xuân Đính 

Nguyễn Quý Đức (1648 - 1720), người làng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (thành phố Hà Nội), đỗ Đình nguyên - Thám hoa khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị, đời Vua Lê Hy Tông (năm 1676), đảm nhận nhiều chức trách quan trọng dưới hai đời vua Lê : Hy Tông (1676 - 1705) và Dụ Tông (1705 - ?), cao nhất là Tham tụng (Tể tướng), được cử đi sứ sang nhà Thanh. Ông là nhà chính trị tài ba, nhà văn hóa, nhà thơ, nhà sử học. Sử cũ ghi lại, ông “là người rộng rãi, trung hậu và trầm tĩnh, từ cách cư xử đến cách thù tiếp đều tỏ ra vui vẻ và dễ dàng, nhưng khi bàn luận chính sự, hễ thấy việc gì còn chưa thoả đáng thì kiên trì ý kiến đến vài bốn lần, vững chắc không thể lay chuyển được. Ông làm quan Tham tụng, đứng đầu bách quan hàng hơn mười năm, làm chính sự cốt ở khoan hòa và trung hậu, được nhiều người suy tôn và noi theo. Dư luận phần nhiều khen ngợi ông. Sau khi mất, ông được truy tặng chức Thái tể, sai quan đến trông nom việc tang, lại phong làm Phúc thần. Con ông là Nguyễn Quý Ân, cháu nội là Nguyễn Quý Kính đều là những bậc đại thần của triều Lê - Trịnh, đều được phong Phúc thần, nhiều làng xã thuộc huyện Từ Liêm thờ làm thành hoàng, gọi là “Tam vị đại vương”.



Trong nhiều điều tốt của Nguyễn Quý Đức mà người đương thời và về sau đều ca ngợi, có việc “biết người, biết mình”, từ  đó có một ứng xử đúng. Điển hình cho việc này là việc ông xin về hưu lần thứ tư vào năm Đinh Dậu niên hiệu Vĩnh Thịnh (năm 1717).
Mở đầu tờ Khải, Nguyễn Quý Đức cảm tạ việc ông được chúa Trịnh và triều đình ưu ái cho thi thố tài năng, phụng sự đất nước, sau hơn 40 năm được hưởng nhiều ân huệ của triều đình.

Tiếp đó, Nguyễn Quý Đức dẫn lời trong Kinh lễ và được các bậc tiên hiền các triều đại làm gương, đến tuổi thì nghỉ hưu, dưỡng tuổi già và nhường bước cho những người sau. Người làm quan giữ về ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ phối hợp với khí tiết bốn mùa, khi làm được thành công rồi thì lui ngay.  Đó là hợp với đạo trời. Ông viết tiếp:

Nay thần đã đến bảy mươi, tuổi đã già rồi, thể lệ trí sĩ có thể vin được. Nếu không biết yên phận mình bằng cách hiểu nghĩa lý, vui mệnh trời thì sao gọi là người biết cư xử trong cảnh công danh? Vả lại, tuổi nhiều, lòng cũng theo đó sinh nản, người già thì trí khôn cũng kém, từ ăn uống đến làm lụng và nếp sống hàng ngày đã không bằng trước; răng tóc, hình dáng và sức vóc lại kém hẳn xưa. Nếu tham ở lại thì chẳng những liệu sức làm không nổi, mà cũng đáng sợ là làm cản bước người hiền. Nếu không tự lượng phận mình, chỉ như con vẹt quanh quẩn học nói là đã đủ rồi; nếu bé mọn như con muỗi mà lại đòi vác cả quả núi to thì cuối cùng chỉ chuốc lấy hổ thẹn cho mình. Huống chi, thần đã làm đến Tể tướng, cầm cân nảy mực việc nước; con là Quý Ân lại đỗ Hoàng giáp, theo gót cha được đứng trong hàng Hàn lâm (1). Một nhà được đội ơn tri ngộ đặc biệt, trong lòng càng thêm sợ hãi về sự tràn trề thỏa thuê, dễ sinh kiêu căng. Đó là vì theo ý nghĩa của quẻ Khảm thì như nước chảy đi, mà quẻ Cấn thì như núi dừng lại, chỉ cầu mong cho hợp nghi với nghĩa tùy thời, được thịnh như quẻ Đính đã nói và được sang như quẻ Hằng (2) đã trình bày há dám coi thường ơn trời ban cho”.

Từ đó, Nguyễn Quý Đức tha thiết xin chúa Trịnh cho ông được về hưu để vui tuổi già ở ở chốn điền viên. Ông còn làm hai bài thơ theo lối “tiến thoái cách”, để từ biệt các quan trong triều.

Trước những lời lẽ đúng mực, tha thiết, thấu tình đạt lý của Nguyễn Quý Đức, lần này Chúa Trịnh Cương đã phải chiều theo đề nghị của ông. 

Lời bàn: 

Nguyễn Quý Đức là người thật sự tài năng, đức độ. Chính vì thế ông biết người biết mình, biết tiến lui đúng lúc. Một việc làm nhỏ nhưng lại có ý nghĩa xã hội lớn lao đã trở thành tấm gương của ông, khiến ông càng được người đời sau kinh trọng hơn.

Chẳng bù cho một số người trong xã hội ta ngày nay, tài kém, đức mỏng, đến tuổi hưu mà vẫn không chịu về, vẫn luôn miệng kêu là người “còn khả năng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Thậm chí có kẻ còn giả mạo giấy tờ, khái bớt tuổi để chưa phải về hưu. Những kẻ tham quyền cố vị ấy chỉ là những “cây đa cây đề” già cỗi, sâu bệnh đầy trong thân, cố tình ăn hết đất, che hết ánh sáng của các cây khác, tạo ra cảnh “tre già những không cho măng mọc”, làm hại lớp trẻ, làm hại đất nước mà thôi. Đến lúc nào đó, những cây già này sẽ tự đổ vì những “sâu bệnh” trong người mình mà thôi. 
B.X.Đ                      


(1) Nguyễn Quý Ân làm Đề hình Tả tư giảng (dạy các con của chúa).
(2) Tên các quẻ trong Kinh Dịch, biểu thị cho sự biến thiên của thiên nhiên và xã hội.

5 nhận xét :

  1. Trích:
    "Chẳng bù cho một số người trong xã hội ta ngày nay, tài kém, đức mỏng, đến tuổi hưu mà vẫn không chịu về, vẫn luôn miệng kêu là người “còn khả năng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Thậm chí có kẻ còn giả mạo giấy tờ, khái bớt tuổi để chưa phải về hưu. Những kẻ tham quyền cố vị ấy chỉ là những “cây đa cây đề” già cỗi, sâu bệnh đầy trong thân, cố tình ăn hết đất, che hết ánh sáng của các cây khác, tạo ra cảnh “tre già những không cho măng mọc”, làm hại lớp trẻ, làm hại đất nước mà thôi. Đến lúc nào đó, những cây già này sẽ tự đổ vì những “sâu bệnh” trong người mình mà thôi. "

    Hỡi các quan lại đời nay, Ai chót rơi vào trường hợp này thì hãy mau treo ấn từ quan cho nó...ĐẸP mặt.

    TH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ấn đã treo rồi mà quan chẳng từ !

      Xóa
  2. Quá hay! Cám ơn bác Bùi Xuân Đính rất nhiều về những bài học lịch sử vừa thú vị vừa bổ ích. Tôi nghĩ nhiều nước khác người ta thèm có những trang sử đẹp như thế này để dạy cho thế hệ trẻ mà không có nhiều, trong khi nước Việt mình thì đầy dẫy những tấm gương cao cả của tiền nhân mà lại không biết dùng.

    Mong được đọc thêm nhiều bài của bác Bùi Xuân Đính nữa. Bọn người lớn chúng ta cứ phải nên ôn đi ôn lại những bài học này, có tác dụng rất tốt để canh tân xã hội. Và tôi khẩn cầu Bộ Giáo dục đem những bài học này vào học đường, nhất là ở cấp II. Khuyến khích các em thiếu niên đọc những bài này rồi tập thuyết trình cho nhau nghe, tập thảo luận với nhau... là phương cách giáo dục rất có ý nghĩa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó chính là NHÂN CÁCH mà các QUAN thời nay còn THIẾU

      Xóa
  3. Chỗ này đang cần TS NXD lên tiếng nè:
    http://hieuminh.org/2012/10/17/canh-ga-tho-xuong-dung-la-canh-ga/

    Trả lờiXóa