Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

NHÂN NGÀY KHAI TRƯỜNG, LẬT LẠI HỒ SƠ MỘT VỤ BUÔN NGƯỜI

Bi kịch từ một vụ buôn người

Thứ ba 28/08/2012 05:00 

15 năm về trước, một cô giáo dạy toán bị lừa bán sang Trung Quốc. Trốn thoát khỏi “địa ngục trần gian” chân ướt chân ráo về nước, chưa hoàn hồn thì đã bị cơ quan tố tụng dưới áp lực cần phải sớm tìm ra thủ phạm, làm hồ sơ qua quýt rồi vội vã kết án, tống người vô tội vào tù. 

Sự tắc trách của cơ quan tố tụng đã biến cả gia đình cô rơi vào thảm kịch mà đến nay, nỗi đau ấy đã trở thành gánh nặng, ám ảnh cả cư dân TP.Bắc Giang.

Chị Đỗ Thị Hằng. Ảnh: N.C.
Kỳ 1: Những mảnh đời vỡ vụn

Gần 20 năm làm báo, chứng kiến không biết bao nhiêu sự trớ trêu của phận người; ngồi hàng trăm phiên tòa, tham dự hầu hết các vụ trọng án của đất nước trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng khi đọc xong hồ sơ về vụ án Đỗ Thị Hằng (sinh năm 1953, trú tại số 21, tổ 12 phường Mỹ Độ, TP.Bắc Giang) tôi không thể có lời nào hơn để diễn tả về vụ án bằng 2 từ: Bi kịch! 

Nạn nhân hóa thành thủ phạm

Để tiện cho độc giả theo dõi sự việc, chúng tôi xin trích lại nội dung bản án số 72/HSST ngày 24.3.1998 của TAND tỉnh Bắc Giang do Thẩm phán Nguyễn Tư Khoa làm chủ tọa.

Án viết như sau: “Chị Dương Thị Liễu ở thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang kết hôn cùng anh Tuấn từ năm 1983 và đã có 2 con. Trong cuộc sống vợ chồng anh Tuấn phát sinh mâu thuẫn nên thường đánh, chửi nhau.

Ngày 13.4.1994, sau một lần đánh, chửi nhau, chị Liễu đã bỏ nhà đi đến khu vực kè Gia Tư thì gặp Hoàng Hồng ở thôn Bảo An, xã Hoàng An. Liễu đã làm quen với Hồng và tỏ ý nhờ Hồng giúp đỡ việc làm ăn, Hồng bảo Liễu còn để hỏi xem và sau đó Hồng mời Liễu về nhà chơi.

Do quen biết Phạm Văn Ngọ ở Chi Ly, Bắc Giang từ trước và Ngọ có lần bảo Hồng tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc (TQ) bán, nên Hồng quyết định lên nhà Ngọ gặp Ngọ và báo cho Ngọ biết để đưa chị Liễu đi TQ.

Sáng 14.9.1994, Hồng lên nhà Ngọ bảo: “Ở chỗ cháu có một cô bị chồng đánh muốn đi TQ, giá bán là 800.000đ ông xem có làm được không”. Ngọ đồng ý và bảo Hồng đưa Liễu xuống nhà Ngọ.

Sau khi Hồng về, Ngọ sang nhà Đỗ Thị Hằng ở Mỹ Độ nói với Hằng: “Trên Hiệp Hòa có một cô gái muốn đi TQ lấy chồng, cô xem có giải quyết được không”. Hằng bảo được và hẹn Ngọ hôm nào có “hàng” thì bảo Hằng.

Đối với Hồng: Sau khi ở nhà Ngọ về, tối 14.9.1994, Hồng thuê xe ôm chở Liễu và Hồng từ nhà Hồng xuống nhà Ngọ. Sau đó Ngọ sang nhà Hằng bảo Hằng: “Hàng đã đến, giá phải trả là 800.000đ, cô xem thế nào, chuẩn bị tiền sáng mai đi sớm”. Hằng nhất trí hẹn Ngọ 5 giờ sáng hôm sau đợi ở cửa Bách hóa tổng hợp thị xã Bắc Giang.

Đúng hẹn, Ngọ đưa Liễu ra gặp Hằng và Hằng đưa Ngọ, Liễu lên Lạng Sơn, qua cửa khẩu Tân Thanh, sau đó đi sâu vào TQ khoảng 100km vào nhà một phụ nữ Việt Nam tên là Hằng lấy chồng TQ để tìm cách bán Liễu.

Khoảng 8 ngày sau Hằng ở TQ đã giúp Ngọ và Hằng bán chị Liễu cho một người đàn ông TQ được 1.000 tệ.

Sau khi bán Liễu xong, Hằng và Ngọ về Tân Thanh đổi tiền và chia nhau. Sau khi vụ án bị phát hiện, Hằng bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã”.

Bản án cũng buộc tội Đỗ Thị Hằng không chỉ bán phụ nữ qua TQ, mà còn lợi dụng mối quan hệ bạn bè, làng xóm để vay của anh Phan Văn Phương 400.000đ và chị Khổng Thị Mỹ 300.000đ, nhưng sau đó lẩn tránh không trả. Bản án ghi rõ: “Tại phiên tòa, Hằng chối tội. Thị khai không cùng Ngọ đưa chị Liễu qua TQ bán, thị thừa nhận có ký vào các bản cung là do điều tra viên đọc cho nghe chứ không được trực tiếp đọc bản cung, nên thực tế không rõ nội dung thật của bản cung là như thế nào. Về việc lừa dối anh Phương và chị Mỹ để những người này đưa tiền, gạo, thị cho rằng thị không có ý lừa gạt họ.

Hiện nay (thời điểm phiên tòa đưa ra xét xử) con thị đã trả lại anh Phương 500.000đ, còn số tiền của chị Mỹ, thị chỉ vay 300.000đ. Xem xét lời khai của Đỗ Thị Hằng tại phiên tòa hôm nay, HĐXX thấy không chấp nhận được lời lẽ: Thị Hằng là một người có văn hóa lại từng trải việc đời, thị không thể thờ ơ, nhắm mắt mà ký vào các bản cung ở cơ quan điều tra chính thị đã thừa nhận thị cùng Ngọ đưa chị Liễu sang TQ bán và được hưởng 400.000đ. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, HĐXX tuyên phạt Đỗ Thị Hằng 5 năm tù về tội “mua bán phụ nữ”, 6 tháng tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Mặc cho người bị buộc tội là chị Đỗ Thị Hằng ra sức kêu oan, đưa ra các chứng cứ ngoại phạm, cho thấy trong thời gian xảy ra vụ án, chị không có mặt tại Việt Nam do trước đó đã bị lừa bán sang TQ và vừa mới chân ướt chân ráo trốn về nước.

Chị Hằng cũng đề nghị các bị hại gồm anh Nguyễn Tuấn - chồng chị Liễu, chị Khổng Thị Mỹ, anh Phan Văn Phương và các nhân chứng khác được nêu trong hồ sơ có mặt để đối chứng lại những lời khai cho chính xác, nhưng nguyện vọng chính đáng này không được chấp nhận và phiên tòa vẫn cứ khép lại với một bản án tới 5 năm 6 tháng tù cho Đỗ Thị Hằng.

Giấy xác nhận của chị Mỹ và chị Liễu về việc chị Hằng không phạm tội. Ảnh: N.C.T.

Bi kịch của một gia đình 

Việc Đỗ Thị Hằng bị bắt, buộc tội “mua bán phụ nữ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã khiến cho cả khu phố 12, phường Mỹ Độ đều sốc. Chẳng ai tin được một người phụ nữ vốn là giáo viên dạy giỏi toán cấp 3, vừa trốn thoát khỏi “địa ngục trần gian” từ phía bên kia biên giới trở về, lại trở thành kẻ buôn người. Lẽ tất nhiên, người đau đớn nhất vẫn là chồng, con chị Hằng. 

Sau khi gửi đơn đi khắp nơi kêu oan cho vợ mà không được xem xét, quá uất ức vì nỗi hàm oan mà vợ phải gánh chịu, đúng trước ngày vợ ra tòa, để lại một lá thư tuyệt mệnh kêu oan cho vợ, anh Ngô Văn Mỹ - chồng chị Hằng - đã nhảy xuống ao ngay trước nhà tự vẫn.

Khi được dẫn giải ra tòa xét xử, thấy đàn con 5 đứa, ai cũng mặc tang trắng, chị Hằng thảng thốt hỏi đám con: “Mẹ đã chết đâu mà các con mặc áo tang?”. Lũ con òa khóc: “Bố chết hôm qua rồi mẹ ạ”. Cả hội trường trở nên rối loạn bởi tiếng trẻ con than khóc. Người đàn bà nhỏ bé đứng trước vành móng ngựa, cắn môi đến bật máu để khỏi rơi nước mắt khi thấy đàn con vừa mất cha, nay lại sắp tuột ra khỏi vòng tay mẹ.

Ngày 24.3.1998, chiếc xe bịt bùng, chở Đỗ Thị Hằng từ TAND tỉnh Bắc Giang chạy thẳng vào trại giam Phú Sơn 4, để lại tiếng gọi mẹ thảm thiết đến lạc giọng của bầy trẻ thơ. Bố chết, mẹ đi tù, 5 đứa trẻ bơ vơ như bầy chim non mất mẹ đứng trước dông bão của cuộc đời. Mất nơi nương tựa, 5 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn không còn nơi nào để bấu víu, bắt đầu thất học, lang lang đầu đường, xó chợ, cầu bất cầu bơ, ăn xin, trộm cắp, cướp giật để sinh tồn.

Hơn 10 năm kể từ ngày mãn hạn tù trở về, trong cái khắc khoải đi tìm bằng chứng để tự minh oan cho mình, mỗi khi nhắc về những đứa con, người đàn bà đã ngót 60 tuổi, tóc bạc, da mồi Đỗ Thị Hằng vẫn không cầm nổi nước mắt. Những giọt nước mắt giày vò, đau đớn và bất lực bởi không có cách nào để nuôi dạy con nên người.

Chị bảo: “Tôi bị bắt đi tù đúng lúc lũ trẻ cần phải được giáo dục nhất, không người nuôi dưỡng, lũ trẻ bị hất ra ngoài đường tự mưu sinh. Sự cay cực của cuộc sinh tồn, thêm nỗi đau mất bố và nỗi oan khiên của mẹ đã khiến chúng nó thay đổi nhân cách, mất lòng tin vào con người. Có lẽ khi vẫn còn quá bé nhưng đã phải tự bảo vệ mình để tồn tại, nên chúng trở nên cằn cỗi, hoang dã và hung tợn”.

Rồi chị khóc: “Mẹ đi tù được mấy ngày thì đứa con gái lớn là Ngô Thiên Hương bị người ta lừa bán sang TQ, từ đó đến nay không thấy trở về. Đứa con gái thứ ba Ngô Thị Huệ, theo bạn bè lêu lổng, nghiện ngập cũng vừa mới đi tù về, nay chưa hết nghiện và chẳng có việc gì làm, rồi lại lêu lổng.

Đứa con trai thứ tư Ngô Thế Anh giờ vẫn đang nằm ở trại cải tạo, đứa thứ năm Ngô Hùng Cường cũng đang ở trại giam vì đánh người thành thương tật. Lũ chúng nó ra vào trại giam như cơm bữa, không chỉ là gánh nặng cho tôi mà cho cả xã hội.

Có người mẹ nào thấy con mình bất hạnh, hư hỏng như thế mà không đau đớn! Mỗi lần ra đường thấy người ta nói lũ con tôi hung tợn nhất TP.Bắc Giang, lòng tôi lại quặn lại. Duy chỉ có niềm an ủi là đứa con gái thứ hai là Ngô Thanh Hoa, lấy chồng làm nghề may, đã có con và không dính dáng gì đến pháp luật”.

Trước khi tiễn chúng tôi rời khỏi căn nhà tạm bợ bên xóm Cầu Tre - tài sản duy nhất của cả gia đình chị - chị bảo: “Căn nhà này cũng chẳng biết còn giữ được đến bao giờ, vì trước khi đi tù, đứa con tôi nó đã “cắm” cho người ta để lấy tiền cá độ. Người ta đến đòi nhà, đuổi cái thân già này ra đường lúc nào cũng không biết”...

(Còn tiếp)
Ngô Chí Tùng 
Nguồn: Lao Động.

6 nhận xét :

  1. Biết đến bao giờ người dân Việt mới thoát khỏi những cảnh đoạn trường, trớ trêu ...

    Trả lờiXóa
  2. Những kẻ mang danh công lý nhưng lại đứng trên pháp luật thật vô trách nhiệm, táng tận lương tâm đã đẩy không chỉ một gia đình này mà còn biết bao gia đình lương thiện khác vào vòng lao lý. Trời chu đất diệt chúng đi.

    Trả lờiXóa
  3. Ủa,sao lạ vậy,giống như chuyện ở một hành tinh lạ thế!!!

    Trả lờiXóa
  4. Đảng viên hưu trílúc 12:14 5 tháng 9, 2012

    "Một cô giáo dạy toán bị lừa bán sang Trung Quốc. Trốn thoát khỏi “địa ngục trần gian” chân ướt chân ráo về nước, chưa hoàn hồn thì đã bị cơ quan tố tụng dưới áp lực cần phải sớm tìm ra thủ phạm, làm hồ sơ qua quýt rồi vội vã kết án, tống người vô tội vào tù."
    Ai là người gây áp lực cho cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang? Ai là người chỉ vì bị áp lực cần phải sớm tìm ra thủ phạm mà đã đẩy một cô giáo từ nạn nhân trở thành tội phạm? Từ đó đã đẩy chồng của cô giáo đến cái chết tức tưởi, phá nát đời cô giáo và 5 người con của cô.
    Cần phải lật lại vụ án này để bắt những kẻ gây tội ác cho cô giáo phải đền tội, và để những kẻ cùng hội với chúng không được phép làm những việc như thế với bất kỳ ai.
    Cảm ơn tiến sĩ Diện.

    Trả lờiXóa
  5. Tội cho chị Hằng quá, thương lũ trẻ vô tội đến thắt lòng, không thể không rơi nước mắt trước nỗi đau của gia đình chị.
    Trên khắp đất nước đang tồn tại hàng ngàn tòa án được điều hành bởi lũ quan tòa bất nhân, dốt nát, chỉ biết đến tiền, có rất nhiều dân lành đang phải chịu oan khuất, và rồi sẽ còn rất nhiều cảnh bất công vô lý nữa xảy ra. Ai sẽ dọn sạch những thứ rác rưởi đó cho dân đươpcj yên ổn sống?

    Trả lờiXóa
  6. Bạn biểu tình của Tễu năm 2011 phản đối hành động xâm lược của giặc Tàulúc 21:09 8 tháng 9, 2012

    Ở ĐẤT NƯỚC NÀY NGƯỜI TA XỬ ÁN BỎ TÚI CHỨ KHÔNG COI TRỌNG TRANH TỤNG TRƯỚC TÒA. NẾU NGƯỜI BỊ KHỞI TỐ CỨ NHẮM MẮT NHẬN CÓ TỘI MÀ NHIỀU KHI HỌ THẬT SỰ VÔ TỘI SẼ ĐƯỢC XỬ NHẸ. CÒN NẾU CỐ CHỨNG MINH MÌNH VÔ TỘI SẼ BỊ CHO LÀ NGOAN CỐ VÀ CHỊU ÁN TĂNG NẶNG. THẬT LÀ MỘT ĐẤT NƯỚC CÓ CẢ MỘT RỪNG LUẬT NHƯNG CON NGƯỜI ĐỐI VỚI NHAU, CHÍNH QUYỀN ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN CHỈ ÁP DỤNG LUẬT RỪNG.

    Trả lờiXóa