Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

NGÀY KHAI TRƯỜNG, NGHE TIẾNG KÊU VAN TỪ VÙNG NÚI NGHỆ AN

Hãy rủ lòng thương lấy các em, dù chỉ 1% thôi
Bài và ảnh Khánh Hoan

Trống trường đã điểm. Ngày tựu trường đã đến!

Hàng nghìn trẻ em miền núi ở Nghệ An bắt đầu lầm lũi gùi gạo, lội suối, vượt rừng đến trường tìm chữ. Những ngày tháng gian khổ, phải sống chui rúc trong những cái lều trọ xác xơ để tìm kiếm con chữ lại bắt đầu. Cam chịu, vì nhà nước không có tiền để xây nhà bán trú cho các em trọ!

Dưới xuôi, hàng loạt nhà tưởng niệm, lưu niệm lãnh tụ với kinh phí hàng chục tỉ đồng vẫn tưng bừng khởi công, khánh thành như không hề có lạm phát, không hề biết nền kinh tế đất nước đang đi thụt lùi.


Để chào mừng sinh nhật lần thứ 110 của cựu Tổng bí thư đảng CSVN Lê Hồng Phong, ngày 3.9, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm vị cựu lãnh tụ này tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên và khu lưu niệm phu nhân Nguyễn Thị Minh Khai tại TP.Vinh. Theo báo Nghệ An, tổng kinh phí cho dự án xây dựng quần thể khu lưu niệm nguyên Tổng bí thư Lê Hồng Phong là 250 tỉ đồng, trong đó riêng nhà tưởng niệm là 35 tỉ đồng. Khu lưu niệm phu nhân Nguyễn Thị Minh Khai khiêm tốn hơn nhưng cũng có kinh phí… tròm trèm 20 tỉ đồng. Trước đó vài tháng, cũng mừng sinh nhật lần thứ 110 của nhà cách mạng cộng sản Phan Đăng Lưu, khu lưu niệm được khởi công ở huyện Yên Thành quê hương đồng chí, với kinh phí hơn trăm tỉ. Cách đây mấy ngày, tỉnh Nghệ An tiếp tục khởi công xây dựng khu tưởng niệm đại tướng Chu Huy Mân ở xã Hưng Hòa, TP.Vinh với kinh phí 13 tỉ đồng…
.
 Cắt băng khánh thành nhà tưởng niệm cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong
 (ảnh: báo Nghệ An)

Trong thời buổi đất nước khốn khó, đầu tư công bị buộc chặt, kể cả những công trình dân sinh bức thiết cũng bị ngưng lại thì những khu tưởng niệm là ngoại lệ, vẫn rầm rộ khởi công xây dựng.

Việc xây dựng tượng đài, khu lưu niệm lãnh tụ cộng sản sẽ không làm tôi băn khoăn nếu như không còn những cảnh đời cơ cực như dưới đây mà tôi đã nhiều lần chứng kiến khi đến các xã miền núi của tỉnh Nghệ An.

Trong ảnh là những căn lều do người dân ở xã Bảo Thắng và xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An dựng cho con em họ đến trọ học. Những căn lều tạm bợ, ẩm thấp, rách nát, nằm chênh vênh bên dốc rừng. Mùa nắng, lều như những cái lò hấp. Mùa đông, gió núi thốc vào lạnh buốt. Bọn trẻ ở đây đứa nào cũng gầy nhẳng, mang những bộ quần áo màu đất, quanh năm chỉ có cơm với muối. Thịt, trứng là xa xỉ phẩm, các em không dám mơ tới. Nhưng đói chưa phải là khổ nhất vì các em đã quen! Các giáo viên nói ở đây các em sợ nhất khi mùa đông đến. Cái lạnh đã thành nỗi ám ảnh kinh hãi đối với những cơ thể gầy nhăng vì thiếu ăn khi những cái chăn cũ mỏng tang không thể chống được cái lạnh buốt giá trong những căn lều thốc gió. Vào những đêm giá lạnh, những cái thân gầy của các em không trụ được với rét, không có chăn đủ ấm để đắp nên không thể ngủ được. Đám trẻ phải rủ nhau dậy đốt lửa lên, cả đêm ngồi vây quanh cho ấm. Anh Lê Đình Hùng, hiệu phó trường cấp 2 Mường Ải, bạn tôi, nói ở đây học sinh các bản xa đến đây trọ học, có nhiều khi cả cơm cũng không có mà ăn. Giáo viên phải góp gạo, mỗi tuần mỗi người vài kí lô cho các em ăn đỡ khi hết gạo. Những đêm quá lạnh, thương các em, giáo viên phải mở cửa nhà/phòng mình rồi gọi các em vào tá túc qua đêm vì biết các em không thể trụ nổi trong những cái chòi gió lùa ấy.

Khoảng 500 triệu thôi, sẽ có căn nhà bán trú giành cho đám trẻ nghèo này bớt cảnh rét mướt. Nhưng trong chủ trương của chính quyền, mục đầu tư cho giáo dục đến nay vẫn không hề thấy dòng nào cho những khu nhà trọ giành cho đám trẻ nghèo khổ này? Ở Mường Ải, anh Hùng nói, năm ngoái bộ đội biên phòng hứa cho 200 triệu dựng nhà cho các em ở. Nhưng từng đó chưa đủ nên chưa thể dựng nhà. Trường cứ loay hoay mãi, viết thư rồi gọi điện xin khắp nơi nhưng chưa ai gật đầu  nên các em vẫn cứ tiếp tục nằm mơ trong những cái chòi xơ xác này.
  
Ừ thì các em hãy thông cảm. Nhà nước còn nghèo, địa phương còn khó khăn.

Nhưng, thưa các vị lãnh đạo. Nếu còn coi những đứa trẻ này là tương lai của đất nước, xin quý vị lãnh đạo hãy bớt ra 1% kinh phí từ các dự án nhà tưởng niệm, lưu niệm thôi, sẽ đủ một căn nhà bán trú cho đám trẻ nghèo khổ này. Đó là hạnh phúc, là niềm mơ ước từ lâu của hàng ngàn đứa trẻ nghèo nơi miền thăm thẳm này.

Tại quê nhà cựu Tổng bí thư Lê Hồng Phong ở xã Hưng Thông, từ lâu đã có khu nhà tưởng niệm bằng tranh, phên nứa, giậu cây, là nguyên bản phục lưu căn nhà của Lê Hồng Phong từng sinh sống. Rất giản dị và gần gũi. Nhưng để làm quà mừng sinh nhật lần thứ 110, tỉnh Nghệ An vẫn dốc hết quyết tâm chính trị xây dựng thêm căn nhà mới hoành tráng 35 tỉ đồng làm quà cho ông và căn nhà 20 tỉ đồng cho quý bà phu nhân.

Tại sao khu tưởng niệm, lưu niệm nào cũng cứ phải xây cho bề thế, hoàng tránh như thế nhỉ?
  
Tôi nghĩ, có lẽ nơi suối vàng, các đồng chí ấy sẽ chẳng vui gì với những món quà này khi cách đó không xa lắm là hàng trăm căn lều xác xơ với hàng ngàn đứa trẻ gầy nhòm vì đói ăn, thiếu mặc vẫn đang lay lắt sống trong những cái chòi như thời hoang dã.
  
Xin đừng lấy tiền bạc của dân ném vào những công trình bằng cốt sắt, bê tông. Hãy để người dân tự xây dựng tượng đài, nhà lưu niệm ngay trong lòng họ. Và quí vị, những lãnh đạo của đất nước, hãy tự xây dựng tượng đài, khu tưởng niệm của mình trong lòng dân đi. Ở đó, những người có công với dân với nước sẽ được lịch sử và người dân muôn đời tôn thờ!

Và đây là hình ảnh về cuộc sống, nơi học hành, ăn ở của các em khi vào năm học mới.
.

* Khánh Hoan 
(PV báo Thanh Niên thường trú tại Nghệ An)

Ghi thêm: Thú thực, tôi đã chảy nước mắt khi đọc bài này, do đồng nghiệp Khánh Hoan gửi thẳng cho tôi. Chỉ muốn kêu lên rằng: Hãy cứu lấy các em!
Nguyễn Thông

15 nhận xét :

  1. Chỉ có súc vật mới không bức xúc vì chuyện này.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu cảnh đất nước bi thương như thế, các em phải chịu nhiều vất vả và thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần thì những khu tưởng niệm cho các nhà Cách mang đã khuất có nghĩa lý gì ? hương linh họ có thanh thản không khi một đời họ cố gắng hy sinh cho đất nước rồi phải nhìn cảnh đau lòng cho thế hệ sau của họ?
    Chỉ khốn nạn thay cho những kẻ bất tài hiện tại đang cố gắng dày công tô son trát phấn cho hình ảnh của các nhà cách mạng tiền bối cho thật đẹp để hòng che đậy sự dối trá và thối nát cho sự lãnh đạo của họ.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn tác giả,buồn đến khóc được phải không?-Đau lòng cho đất nước chúng ta hôm nay!!!

    Trả lờiXóa
  4. Phải chăng đây là tính ưu việt của nền giáo dục XHCN?
    Thế thì thật là thảm họa!

    Trả lờiXóa
  5. Lòng tin của người dân đang ngày càng sạt lở nghiêm trọng như bờ sông tả lam do bị thiếu kinh phí xây kè.Những hộ dân ở những vùng này đang ngày đêm lo lắng sợ hãi khi mà sông đã ngoạm vào sát giường nằm thì làm sao mà thưởng ngoạn được những công trình tiền tỉ đấy.Cách xa công trình tưởng niệm đại tướng Chu Huy Mân chỉ khoảng một km là xóm Hoà lam thuộc xã Hưng Hoà thành phố Vinh quê hương Đai tướng đang ở trong tình trạng đó.

    Trả lờiXóa
  6. ngày xưa, những người có công với làng nước chỉ cần xây dựng cái miếu là đủ linh thiêng hóa. 5 năm 1 nhiệm kỳ có 3 ông đứng đầu (Đảng, nhà nước, QH), cứ đà này thì mai kia nhà lưu niệm hàng trăm tỷ sẽ mọc khắp nơi. Trong đó có những ông không xứng đáng xây cái bệ của tượng đài.

    Trả lờiXóa
  7. Đấy là "quốc sách hàng đầu" của sự nghiệp GD ở VN. Người ta chỉ nói thôi, nhưng chưa bao giờ có hành động như một chiến lược quốc gia. Tiền VN không thiếu, nó đầu tư vào quá nhiều những công trình dạng này, rồi cho các doanh nghiệp quốc doanh để rồi còn có cái mà tham nhũng hàng trăm ngàn tỉ đồng của dân chứ.
    Trong đợt phê này, các vị đứng đầu Nghệ An nên phải cho về nghỉ chế độ ngay thì may ra người dân mới tin được. Đau, đây là nỗi đau kéo dài của chế độ!

    Trả lờiXóa
  8. Nhà nước này không thương dân không biết nghĩ tới dân một chút nào hết, đối xử với trẻ em tương lai đất nước như thế này thì quá dã man!

    Trả lờiXóa
  9. Tại trung tâm thành phố Vinh có Quảng trường Hồ Chí Minh, trong đó có tượng đài Hồ chủ tịch rất lớn. Không hiểu tại sao mỗi khi có sự kiện gì thì Chính quyền tỉnh Nghệ An đều cho dựng sân khấu cực lớn ngay trước tượng đài, che mất quá nửa bức tượng, trông rất phản cảm. Tượng đài là tượng đài, sân khấu phải ra sân khấu, không thể cơm -cháo -phở như thế được. Thêm nữa, việc thuê các công ty tổ chức biểu diễn từ Sài Gòn, Hà Nội lắp đặt những sân khấu, giàn đèn hoành tráng rất tốn kém, thường thì lắp đặt chừng 2 tuần, và tháo dỡ chở đi cũng từ 2 đến 3 ngày, nhưng chỉ sử dụng trong 3 tiếng đồng hồ, hết sức lãng phí. Sao các đồng chí quan chức không sử dụng những đồng tiền khó nhọc đó của dân vào việc xây cho các cháu nhỏ cái lớp học, cái nhà hộ sinh, sắm thêm mấy cái giường bệnh cho bệnh nhân thì có tốt hơn không? Ngay hôm qua tôi đọc báo thấy đưa tin kèm ảnh bệnh viện ung bướu Nghệ An bệnh nhân phải kéo giường bệnh nằm tràn ra cat hành lang, mái hiên nhà để xe, thậm chí cả gốc cây cạnh hàng rào.
    Hôm qua TBT Nguyễn Phú Trọng đến Nghệ An với trọng tâm là "phê và tự phê", ông có từ bước ra ngoài để biết một chút sự thực trên mảnh đất "Nghệ An Xô Viết vẫn (mãi) là Nghệ An này không?

    Trả lờiXóa
  10. Sớm qua và cả sớm kia các đ/c lãnh tụ đến khai giảng gióng tiếng trống trường mở đầu Năm học mói ở các trường học TP nom rõ đẹp đẽ trong lúc HS hân hoan, múa trống, thổi kèn khung cảnh nhà trường khang trang sạch sẽ.
    VTV lại đưa tin Thái Lan nhờ CS thu mua lúa gạo tăng giá làm cho nông dân phấn khởi còn QG thì tụt xuống thứ 2 XK lúa gạo. ( Chắc rằng VN sẽ được trở thành số 1.)

    Được làm số 1 ai mà chẳng thích, nhất là tầng lớp lãnh đạo, còn một huyện như Sapa, rất nhiều nhà ăn sắn kèm cỏ ?!
    Xây tượng đài, nhà tưởng niệm vinh danh tiền nhân là sự tri ân cần thiết song tại sao không nhìn ra xung quanh địa phương mình rất nhiều lỗ hổng trường lớp, nhà dân dột nát...?!
    Thành tích ở con số đẹp, tượng đài phô trương thích thật, nhưng dân chúng sẽ được gì ở những sự kiện đó, mặc dù chúng được lấy tiền từ túi họ ?!
    .......
    Vu Lan

    Trả lờiXóa
  11. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thăm Nghệ an có nhiều người bâu quanh cầm ô che mưa che nắng vậy thì liệu có dám phê bình lãnh đạo Tỉnh đã để xẩy ra tình trạng như thế hay không?Ngó xem lãnh đạo,nguyên thủ các nước Âu Mỹ khác thì cũng đáng phê và tự phê và cần chỉnh đốn lắm rồi,một chút mưa một chút nắng mà còn sợ thì liệu có dám hy sinh những cái lớn hơn cho Dân cho Nước không?

    Trả lờiXóa
  12. TÔI YÊU VIỆT NAMlúc 11:09 6 tháng 9, 2012

    Lãnh đạo đảng- chính quyền- ngành giáo dục tỉnh Nghệ An có biết thảm trạng cơ sở vật chất cho "sự nghiệp trồng người" của các huyện miền núi thuộc địa phương mình quản lý không??? Sao không thấy vị lãnh đạo dịa phương và trung ương nào lên tiếng hành động xóa bỏ thảm trạng này từ bao năm qua. Các người thật là vô cảm!!!

    Trả lờiXóa
  13. Cứ như thế này thì thế hệ lãnh đạo kế tiếp của VN phải qua Miến Điện mà xin viện trợ thôi.

    Trả lờiXóa
  14. Sắp tới sẽ có nhà thờ họ Nguyễn Sinh ở Nam Đàn do ông Nguyễn Sinh Hùng xây dựng. Nguồn tiền ở đâu thì không rõ (quanlambao cho rằng tiền từ TrueMilk- không biết đúng không?!) nhưng chắc là hàng trăm tỷ.
    Đau lòng cho dân ta quá.

    Trả lờiXóa
  15. Thưa các bạn, người ta hăng hái xây dựng nhiều nhà tưởng niệm, tượng đài vì các vị biết không: chủ đầu tư ít ra cũng được nhận hoa hồng 10 % giá tri công trình. Nhưng họ không dám xén ra 1 % để làm nhà nội trú cho các cháu, vô nhân tâm!

    Trả lờiXóa