Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

HÀNG LOẠT TRANG WEB NHẬT BẢN BỊ TẤN CÔNG

Hàng loạt trang web Nhật Bản bị tấn công

Ít nhất 19 trang web của Nhật Bản, trong đó có cả trang web của chính phủ, đã trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công mạng được cho là từ phía Trung Quốc.
> Người biểu tình Trung Quốc vây xe đại sứ Mỹ

Cảnh sát trấn áp người biểu tình chống Nhật ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Giao diện nhiều trang web của Nhật Bản được thay thế bằng dòng thông điệp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, AFP dẫn thông báo của Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết hôm qua.

NPA xác nhận khoảng 300 tổ chức Nhật Bản đã được liệt vào danh sách các mục tiêu tấn công tiềm năng của Honker Union, một nhóm tin tặc Trung Quốc. Khoảng 4.000 cá nhân đã đăng tải các thông điệp về phương án và các cuộc tấn công nằm trong kế hoạch trên trang trò chuyện hàng đầu của Trung Quốc "YY chat".

Các trang web bị tấn công bao gồm cả website của Bộ Nội vụ và Truyền thông, bệnh viện đại học Tohoku. Trang web của cục thống kê thuộc bộ trên bị tấn công "từ chối dịch vụ", theo đó một lượng lớn dữ liệu được gửi đi trong một thời gian ngắn khiến máy chủ tê liệt.

Vào chiều 15/9, khi cuộc tấn công mạnh mẽ nhất, 95% lưu lượng truy cập vào trang web của bộ này là từ Trung Quốc, hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Tatsuo Kawabata cho biết.

Bắc Kinh và Tokyo đang mắc kẹt trong cuộc tranh chấp chưa có hồi kết về chủ quyền đối với nhóm đảo không người sinh sống nhưng có tầm quan trọng chiến lược ở biển Hoa Đông. Cuộc tranh chấp đã kéo dài hàng thập kỷ nhưng trở nên xấu đi trong thời gian gần đây khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc nhóm này.

Một làn sóng biểu tình chống Nhật Bản đã bùng phát tại hàng loạt thành phố ở Trung Quốc từ cuối tuần trước và biến thành bạo lực ở một số nơi. Một bộ phận người biểu tình quá khích đã đốt, cướp phá nhữ​ng nhà máy, cửa hàng, thậm chí tấn công công dân Nhật Bản. Đây làn sóng biểu tình chống Nhật lớn nhất từ năm 2005. Hiện tình hình đã tạm lắng dịu sau khi Trung Quốc thực thi một số biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng bạo lực.

Anh Ngọc
Nguồn: VNE.
 

1 nhận xét :

  1. Nên chăng cần có một làn sóng chống Tàu ở Việt Nam.
    Mục tiêu, mức độ, phạm vi ???

    Trả lờiXóa